Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

TT. THÍCH THÁI THUẬN: “CÁC TĂNG NI BÁT NHÃ RA TẠM TRÚ Ở CHÙA PHƯỚC HUỆ TU TẬP RẤT NGHIÊM TÚC”




Nói về các tăng ni và người tập sự xuất gia ở tu viện Bát Nhã hiện tạm trú tại chùa Phước Huệ, Thượng tọa Thích Thái Thuận, Phó BTS PG tỉnh Lâm Đồng kiêm Trưởng ban Tăng sự, Chánh Đại diện Huyện hội PG Bảo Lộc, Trú trì chùa Phước Huệ, cho biết:
Là một người tu, nhìn thấy các cháu nhỏ bỏ những niềm vui, những theo đuổi khác thường tình của thế gian, quyết tâm rời xa gia đình và sự nuông chiều để khép mình vào kỷ luật nhà chùa mà tôi thấy xúc động. Trước tình cảnh mưa bão, trước sự bức ép phải ra đi mà không biết đi về đâu, tôi đã quyết định để các em được tạm trú tại chùa Phước Huệ từ tối 27/10/2009.
PV: Bạch Thượng tọa, hiện tạm trú tại đây có bao nhiêu vị?
Hơn 200 vị, nhưng vì lý do này lý do khác, một số vị đã ra đi. Hiện có 193 vị, trong đó đa số là các em xuất gia nhỏ tuổi, đa số từ 16 đến 30 tuổi.
Sinh hoạt hiện nay của các vị đó, theo Thượng tọa là như thế nào?
Tuy số lượng đông như thế, nhưng các em rất kỷ luật, tu hành rất nghiêm túc.
Thời khóa hàng ngày như thế nào, thưa Thượng tọa?
Khuya thức dậy, đồng loạt cả chúng ngồi thiền, sau đó dùng điểm tâm, chấp tác theo chúng, trưa ngọ trai, chỉ tịnh, chiều hành thiền và chấp tác, học tập, tối cùng tham dự thời tịnh độ thường kỳ của chùa, sau đó ngồi thiền và nghỉ. Tất cả tuân thủ nếp sống thiền môn quy củ.
Nhờ vậy, nên dù với hơn 200 người kể cả người thường trú tại chùa, mà vẫn giữ được yên tĩnh. Nếu không, với tuổi trẻ hiếu động làm sao mình chịu nổi (cười).
Chỗ ở và các cơ sở khác có đủ cho số lượng chừng đó không bạch Thượng tọa?
Nói đủ thì biết thế nào cho đủ (cười), tôi tận dụng tất cả không gian vừa mới tu sửa xong, kể cả nhà thờ linh để làm nơi nghỉ. Tất cả nằm trên nền nhà, chúng tôi cho mua thêm chiếu và chăn cho các em. Tội nhứt là bên ni, số lượng đông mà chỗ ở lại chật, đành chịu vậy.
Về thức ăn thì có Phật tử tự nguyện mang đến, tội nghiệp họ, nhiều người muốn mang đến nhưng lại sợ bị liên lụy gì đó nên cũng e ngại. Tôi thấy Phật tử ở Lâm Đồng nói chung và Bảo Lộc này nói riêng thương tăng ni đang tạm trú tại đây lắm. Một số Phật tử tình nguyện tới nấu ăn giúp, nhưng dần dần tôi có hạn chế, để họ còn lo việc gia đình nữa, tôi nói để các em tự thay nhau đảm trách việc này. Các em làm tốt lắm.
Mùa này ở Bảo Lộc đang là mùa mưa, lại bị dầm mưa khi di chuyển từ tu viện Bát Nhã ra đây, thế có nhiều người mắc bệnh không?
Có, nhưng cảm bình thường thôi. Một số em bị đau, chúng tôi đã chủ động đưa đi chữa trị. Ở đây cũng có thuốc men tương đối cho những bệnh thường. Nói chung, hiện nay cũng tạm ổn, các em đã nhanh chóng đi vào ổn định, thương và biết nghe lời nhau lắm.
Có lời khuyên cáo nào với Thượng tọa về việc tạm trú của số tăng ni hiện ở tại chùa?
Có chứ, nhưng tôi nói, người tu có tâm từ bi, thấy người hoạn nạn còn cứu giúp, cứu đến các sinh vật như tôm cá, huống nữa là con người. Tôi thấy hoạn nạn, nhất là thấy các em nhỏ có chí và dám từ bỏ những thú vui bình thường để xuất gia, sống đơn giản, tu học nghiêm túc như vậy ai lại không thương?
Việc tôi, là người tu đi trước, tôi làm được gì thì làm. Còn việc quản lý con người là thuộc về các cơ quan chức năng. Họ muốn tiếp xúc với số tăng ni này, tôi sẵn sàng hỗ trợ trong tư cách là một người thầy tu, nhưng không làm thay họ. Tôi nghĩ những đề nghị giải pháp đã có nói trong các bản tường trình và báo cáo của Ban Trị sự PG tỉnh lên Trung ương rồi.
Khi tôi hỏi các em nhỏ có ai đã gặp hoặc thấy mặt Sư ông – Thiền sư Thích Nhất Hạnh chưa? Tôi thấy hơn một nửa trong số này nói là chưa. Điều gì làm họ quyết định xuất gia? Đó là không khí tu tập tại tu viện Bát Nhã. Các em xuất gia nhỏ tuổi này rất vô tư, không có liên lụy gì. Họ có duyên với pháp môn Thiền Làng Mai thì cũng là lý do chính đáng như những người khác có duyên với các pháp môn tu tập khác mà thôi. Giải quyết thỉnh nguyện của các em như thế nào đó là quyền của Trung ương Giáo hội, của những cơ quan chính quyền có chức năng.
G.N. thực hiện (11/10/2009)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét