Bàn về chuyện chính sách, đường lối, tư duy giáo dục dĩ nhiên là cần phải bàn và bàn nhiều, nhưng điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của chính những người chịu trách nhiệm giảng dạy. Họ mới chính là những người đại diện trực tiếp, sinh động nhất cho nền giáo dục nước nhà…
Từ chuyện của người…
Đã từ lâu, trên báo chí, những bàn thảo, những phát biểu to nhỏ về vấn đề giáo dục luôn gây được sự chú ý quan tâm của mọi người. Nhưng điều đáng nói, chúng tôi thấy ít có sự phát biểu nào thừa nhận một cách thẳng thắn vấn đề cá nhân của bản thân người đi làm giáo dục chứ không phải những vấn đề thuộc về chính sách và cách quản lý giáo dục. Bởi chính sách và cách quản lý là vấn đề thứ 1001 của không ít các quốc gia trên thế giới.
Tại sao nhà nghiên cứu, dịch thuật, nhà văn Nhật Chiêu có lần phải “thảng thốt” trên báo Thanh Niên về hiện trạng môi trường giáo dục có quá nhiều “giáo sư vẹt”, “tiến sĩ vẹt”? Tôi không dám tin đó là sự thật, vì từ nhỏ, mỗi khi tôi học bài không ra hồn là mẹ tôi bảo tôi học vẹt. Và bây giờ tôi mới biết thêm rằng còn có cái gọi là “dạy vẹt”. Tôi rất vui vì có một người trực tiếp giảng dạy đã dám nhìn thẳng vào sự thật. Và có lần vô tình tôi đọc được cuốn “Từ điển từ và ngữ” của một giáo sư nhà giáo nhân dân… thì than ôi… ở đó cũng có rất nhiều chuyện còn thua cả vẹt. Hỏi ra mới biết chữ Hán của người đó “yếu lắm” nhưng cũng "nhẫn nhục liều mình một phen" để làm từ điển. Và để thử sức sự "nhẫn nhục" đó, có một tờ báo đã nhiều kỳ phê bình cuốn từ điển này, nghe đâu “nhiều đệ tử” của vị giáo sư này cũng cảm thấy “nhột”. Mà “nhột” cũng phải, vì nếu không “nhột” thì chắc chắn có người sẽ “chăm chỉ kế thừa” để cho ra đời những quyển sách cũng “vẹt” không kém.
Ai cũng biết “hiền tài là nguyên khí quốc gia”? Nhưng điều gì đã khiến người ta “đúc” (chữ của nhà văn Nhật Chiêu) ra nhiều cái gọi là “vẹt” như thế? Đấy là mới nói đến chuyện kiến thức, còn nhân cách của các thầy hiện nay thì còn “ối” chuyện để bàn. Và từ đó, tôi bắt chước người ta thử lạm bàn về vấn đề “nước Việt Nam ta nhỏ hay lớn?”. Lớn hay nhỏ tùy cảm nhận chủ quan, và khó có ai định mức, định lượng được vì có những cái “nhỏ” thì chất lượng, còn có những cái “to” đến mức phì đại thì lại chẳng ra gì. Sống trong thời đại “ăn quảng cáo”, “ngủ quảng cáo” thì phải dè chừng với hai từ “chất lượng” bởi nó ảo còn hơn cả ảo. Khách quan một tí thì mượn thông tin của một vài tờ báo nước ngoài (mà vốn dĩ tác giả bài viết cũng chủ quan không kém) để tự “tuyên dương” và “an ủi” cho thành tích của mình, của nước mình. Hóa ra ở đời, tự đánh giá về mình “thật khó”, nên cái gì cũng cần phải có “tiêu” và có “chí”, không có “tiêu chí” để kiểm định và đánh giá thì “tiêu” thật rồi.
Cho đến một ngày, tôi vô tình đọc được câu nói của một thiền sư: “nhỏ không trong mà lớn không ngoài”. Tôi mới “vỡ lẽ” ở đời có những cái “vô cực” chẳng thể nói nhỏ hay lớn. Còn nói “nhỏ” hay “lớn” thì còn “cực” dài dài. Tôi nhận thấy, các vấn đề nóng bỏng của giáo dục xảy ra là do nhiều cá nhân những người trực tiếp giảng dạy không tự điều chỉnh mình trước dư luận, cụ thể là trước học trò của mình, và khi mỗi cá nhân không tự điều chỉnh mình thì những tiêu cực trở thành hiện trạng, thành bệnh nan y khó có thuốc chữa.
Đến chuyện bi hài của tôi…
Mấy năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành văn học, như bao người khác tôi hăm hở thi cao học để học tiếp chuyên ngành mà mình đang theo đuổi. Sau khi trúng tuyển, chúng tôi mừng rỡ và háo hức khi nghe giới thiệu: “Các anh chị đang được theo học chuyên ngành văn học tại một trường đào tạo nổi tiếng hàng đầu về lĩnh vực khoa học xã hội, không chỉ ở TP.HCM…”. Những tiếng vỗ tay tán thưởng nổi lên chủ yếu là do mình vui quá được ngồi “ghế cao học”, chứ lời hứa hẹn đó vẫn còn là một câu hỏi nơi các học viên đã từng có thời gian theo học đại học tại trường.
Sau khi nhìn thời khóa biểu với các chuyên đề thật kêu, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thật nổi tiếng, học viên có người mừng, có người thì lắc đầu: “Lại vẫn những vị này”. Tuy thế, mọi người cũng nôn nóng chờ xem những cái hay, cái mới lạ, cái chưa từng được giảng dạy này sẽ ra mắt như thế nào.
Nhưng cảm xúc đó tồn tại không lâu khi từng chuyên đề qua đi. Trong các chuyên đề được giảng, đối với các học viên lớn tuổi đang giảng dạy ở các trường phổ thông trung học, cao đẳng, hay học viên có thời gian tốt nghiệp từ những năm 1990 trở về trước thì chuyên đề đó quả thật mới mẻ. Nhưng với không ít học viên trẻ mới tốt nghiệp thì nó rất quen thuộc. Và kết quả thật sự trái ngược, nếu không nói là không ít học viên thất vọng. Có những thầy cô giảng dạy không khác mấy so với những điều đã dạy ở đại học. Mới chăng chỉ là chuyện mở rộng tác giả tác phẩm, còn tư duy và phương pháp luận nghiên cứu thì vẫn thế.
Nhiều học viên còn đọc trước được những điều, những câu chuyện của vị thầy ấy sẽ sắp nói. Thế là một nhóm học viên ở dưới được một cơn cười ngầm ở trong lòng. Dĩ nhiên, sau giờ ra chơi, câu nói nhiều người được nghe nhất là: “Giảng dạy mà như thế thì không bằng tôi…”, “cho tôi giảng còn hay hơn”, “giảng gì toàn những điều cũ rích của cái thời sổ gạo”, “cái này tôi đọc mòn cả sách rồi mà ông ấy không biết”, “ở nước ngoài người ta giảng cả trăm năm rồi, nay mình mới được học”, “giáo sư gì thế không biết, thơ Đường bị ông ta giết chết rồi”, “Tệ thật, giáo sư những ngành khoa học xã hội mà trình độ chữ Hán quá “A-ma-tơ”… Chưa hết, thú vị bởi những “điệp khúc khoe thành tích” của các thầy mà có học viên sốt ruột quá phải đứng lên: “Mong thầy vào bài giảng đi ạ”. Đành thông cảm, bởi nhiều vị khi vào buổi giảng chỉ nói chuyện nào là mình đã từng đi dự hội nghị này, đã từng đọc tham luận tại hội nghị quốc tế kia từ 10 năm về trước, đã từng được thỉnh giảng ở một trường đại học nước ngoài nọ. Thật ngạc nhiên khi có vị cứ lồng vào buổi giảng những thành tích về gia đình của mình, nào là cha mẹ thì giáo sư, con cái thì đều tiến sĩ…, hay có vị thì khoe về cách ăn uống “sành điệu”, có vị thì sử dụng buổi giảng để trút giận lên những người không cùng quan điểm với mình, những người phê bình sách, luận án của mình...
Đối với các chuyên đề của các tiến sĩ trẻ thì cũng không khả quan hơn mấy. Đó toàn là những gì đã có trong luận án tiến sĩ, hay cuốn sách nào đó mà họ mới viết. Và an toàn nhất là khi giảng họ cứ bê nguyên luận án đặt trên bàn và đọc cho học viên ghi, giống như ghi bài ở phổ thông trung học, ai có thắc mắc tranh luận thì họ bảo rằng bị đau đầu, bị mệt… để giờ sau bàn tiếp, nhưng rồi bị “lờ” đi vì quỹ thời gian ít quá. Tôi chỉ còn biết tự an ủi mình “thôi cứ coi như đi học cao học là việc bắt ép mình phải đọc sách và viết”. Thế nhưng đến lúc thi cử thì viết cái gì? An toàn nhất vẫn là viết những điều thầy giảng. Có học viên ấm ức khi bị chấm điểm 2, 3 sau những bài luận dài tâm đắc chỉ vì bài viết không giống thầy. Lập tức học viên đó được một học viên khác được điểm 9 nói: “Ý thầy bao giờ cũng là chân lý, anh học nhiều năm rồi mà không có kinh nghiệm gì cả. Không thầy nào muốn quan điểm của mình, sách của mình viết sai cả. Nhưng anh đừng buồn, các thầy không có thời gian đọc bài thi của anh đâu, tôi biết chắc chắn bài ấy do học trò của thầy đang dạy phổ thông chấm, có thầy còn cho con mình chấm…”. Nghe xong, có học viên thốt lên: “Thế này là giáo dục cái quái gì hả trời?”. Chưa hết, khi giảng, các thầy vẫn chỉ “kêu gào” với lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa, một số trào lưu, chủ nghĩa khác thì “đi qua hàng nước”, ai có khát thì tự bỏ tiền ra mua mà uống. Văn học đượng đại thì ít ai có thời gian để theo dõi bước đi của nó. Văn học quá khứ thì càng mù mờ. Có một học viên, khá giỏi chữ Hán và có kiến thức về đông y nói: “Ông thầy này chẳng hiểu gì âm dương, Nho, Phật, Lão gì cả, nên ông ấy cũng không hiểu gì về văn học trung đại”. Điều buồn cười là có vị thầy tu Phật giáo đi học, cứ hết buổi học là than: “Giảng về Phật giáo như vậy là giết chết Phật giáo rồi còn gì”. Có học viên nói: “Sao thầy không tranh luận”. Học viên là nhà sư này chỉ mỉm cười: “Phật giáo ảnh hưởng sâu trong lòng dân tộc mấy nghìn năm như thế mà các trường đại học còn không có nổi một phân khoa Phật học. Tranh luận cũng dư thôi, vì căn bản họ đã gần như chẳng hiểu gì về Phật giáo và văn chương của các thiền sư cả. Tôi nghĩ còn thua xa cả những giáo sư ở những đại học của Mỹ, và một số nước châu Âu, những quốc gia vốn không có truyền thống Phật giáo. Đem lý luận hiện thực vào đánh giá thơ thiền thì nó thành văn xuôi thế tục rồi”… Tôi không phản ứng gì với những câu nói trên của các học viên, bởi tôi vẫn thấy có một số chuyên đề thú vị, thấy một số thầy cô có tâm huyết thực sự, nhưng bản thân tôi cũng phần nào cảm nhận được điều họ nói là một sự thật không vui trong đào tạo cao học.
Có vân vân những điều được nghe, được thấy, khiến mọi người không thấy khả quan gì hơn khi nhà nước mở thêm nhiều trường đại học, công cũng như tư, khi cũng vẫn những con người ấy đi giảng và “chạy xô” hết trường này đến trường khác. Nhiều trường, nhiều lớp, nhiều giáo sư, tiến sĩ không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với một chất lượng đào tạo tốt. Thời gian họ “chạy xô” giảng ở các trường chiếm hết thời gian học tập, nghiên cứu của họ nên không có gì mới khi họ giảng là điều tất nhiên. Và chính cái tư duy cho rằng, học viên đi học là chỉ để “kiếm mảnh bằng” đã làm cho người thầy coi thường trình độ của học viên và dễ dãi, lơ là với việc học tập, nghiên cứu thêm của mình. Phải chăng cái danh vị “giáo sư”, “tiến sĩ” được họ gặt hái một cách quá dễ dàng? Tôi nghĩ rằng, bàn về chuyện chính sách, đường lối, tư duy giáo dục dĩ nhiên là cần phải bàn và bàn nhiều, nhưng điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của chính những người chịu trách nhiệm giảng dạy. Họ mới chính là những người đại diện trực tiếp, sinh động nhất cho nền giáo dục nước nhà. Họ không tự điều chỉnh mình thì chuyện nhấn hưng giáo dục cũng chẳng khác gì chuyện mong mặt trời mọc vào ban đêm. Chính sách, đường lối quản lý chỉ là cái điều chỉnh cho nó đi theo hướng nào tốt hơn mà thôi.
Nguyễn Thái Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét