Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

ĐIỀU GÌ XẢY RA VỚI CHÚNG TA?


Vụ “scandal” Thùy Linh là một dịp “may” đế chúng ta nhìn nhận về lối sống của một lớp thế hệ trẻ mà Thùy Linh là một điển hình cho sự thành công trong học tập và trong việc làm. Được giáo dục một cách “bài bản” như Thùy Linh mà còn để cho chúng ta nhiều điều phải suy ngẫm đến như thế. Vậy còn biết bao nhiêu “hình hài” thế hệ tuổi trẻ không có đủ điều kiện được học hành và giáo dục khác trong cuộc sống thì sao?

Chúng ta thực sự vẫn chưa biết gì nhiều về giới trẻ và về một nền văn hóa mà chúng ta đang nắm giữ, như một điều kiện đủ để chúng ta “hòa nhập” với thế giới. Tuổi trẻ đã thực sự “hòa tan” trong lối sống “hiện đại”? Điều gì đang xảy ra với giới trẻ? Đó là câu hỏi mà những ngày gần đây nhiều người trong chúng ta đặt ra.
Nhưng chúng ta cũng cần phải có câu trả lời, vì đó là trách nhiệm với tương lai, vì nó liên quan đến chúng ta, nó không phải là chuyện riêng của giới trẻ. Có lẽ phải đặt câu hỏi: “Điều gì đang xảy ra với chúng ta?”. Phải chăng nguyên nhân từ một lối sống nhanh, vội, gấp gáp gắn liền với nhu cầu được hưởng thụ, được chứng tỏ đẳng cấp “pro”, “sành điệu”…
Chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề “tình dục sớm” hiện nay như là một hệ quả của đời sống hiện đại: ăn bổ dưỡng và dậy thì sớm. Bởi chuyện “ăn bổ” thì khắp mọi lúc, mọi nơi và tác dụng không chỉ lên trẻ con. Nói là “tình dục sớm” chứ so tuổi tác thì cũng chẳng sớm gì so với thời phong kiến. Thế nhưng ở xã hội ấy vẫn có những bài học làm người cơ bản và một môi trường giáo dục gia đình khá bài bản.
Chúng ta nhớ lại nhân vật Huyền, 9 tuổi và một số nhân vật khác trong những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cách đây hơn nửa thế kỷ, để thấy vấn đề “tình dục bản năng” lúc nào cũng trở nên nổi trội, ám ảnh. Đến nỗi diễn đàn văn chương phải nổ ra cả một cuộc tranh luận “dâm hay không dâm?”. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại hoàn cảnh xã hội buổi “giao thời” lúc đó sẽ thấy ngay những điều mất giá quá lớn, niềm tin về các giá trị bị tổn thương, nên phải chăng giới trẻ “Âu hóa” xem tình dục là một hướng thoát ly? Thoát ly là ra ngoài mọi giá trị, tạo lập cho mình một “thế giới” riêng. Và trong bối cảnh xã hội đó, chúng ta đã “phê bình” Vũ Trọng Phụng là cỗ vũ thứ văn chương dâm uế. Gần đây, lịch sự văn học mới dần dà “minh oan” cho ông, vì cái tội của ông là đã “hiện thực một cách lồ lộ”.
Có gì tương quan với xã hội bây giờ? Từ đó đến nay, “phép mầu” nào xảy ra mà chúng ta có thể “nghĩ thoáng” về vấn đề tình dục như thế?
Những cuộc “tranh luận” về đời sống của giới trẻ đã được nói nhiều ngay từ những ngày xã hội đi vào quỹ đạo của thời kinh tế thị trường, và chúng ta cũng xem đó như một cột mốc “giao thời” bình yên hơn, không tiếng súng. Và rồi vụ “scandal” của diễn viên Yến Vi mấy năm trước thật sự như một giọt nước tràn ly. Bao nhiêu ngôn từ gay gắt nhất được dư luận đổ lên đầu diễn viên này, thậm chí chẳng phải là thần tượng của ai mà cô còn phải “học tập” một thời gian để “cải tạo” lối sống của mình.
Đây đó, thỉnh thoảng cũng có những cuộc điều tra xã hội học, thăm dò dư luận về đời sống tình cảm, ý chí và cả đời sống tình dục của các bạn trẻ. Nhưng mọi chuyện vẫn vậy, vì biên độ, biên giới của những quan điểm khá mong mang, nhiều khi cái 1% sự “lệch lạc” trong hoàn cảnh nào đó lại có thể một lúc đánh đổ cả 99% cái “chín chắn” kia và ngược lại. Biến cố cuộc sống luôn làm cho cái đẹp, cái xấu, cái thiện, cái ác xô đẩy nhau, lấn át nhau. Cái nào tác động và chi phối nhiều, cái đó sẽ thắng, hoàn cảnh cụ thể tác động nhiều, trong tâm thôi thúc nhiều thì lời nói và hành động của cá nhân sẽ “trở thành hiện thực” tốt hay xấu.
Những con số thống kê hàng năm về tỷ lệ phạm tội hình sự của trẻ vị thành niên tăng cao, thậm chí tăng đột biến đều có nguyên nhân từ các biến cố, các xáo trộn của xã hội và gia đình. Thùy Linh có “phạm tội” hay không? Không cần phải cố “bênh vực” và “dĩ hòa vi quý” thì việc làm của Thùy Linh dù “kín” hay “hở” thì cũng là hành động được nuôi dưỡng âm ỉ từ trong lòng. Nói vậy để chúng ta “công bằng” hơn với diễn viên Yến Vi trước kia, để chúng ta có một chút bình tĩnh hơn qua sự “hào phóng” của “dư luận” với Thùy Linh bậy giờ. Sở dĩ phải nói đến động cơ ý thức để xem đó như là một “lời giải” cho những biểu hiện lệch lạc trong lời nói và hành động thường ngày. Một người lúc nào cũng nuôi ý định trộm cắp thì sớm muộn gì cũng phạm tội trộm cắp. Nếu ai xem đoạn băng “5 phút” của Thùy Linh thì sẽ nghe rõ câu nói: “Anh đưa em lên web nhé!”. Cái ý thức “đưa lên web” ấy đã được nuôi dưỡng trong ý thức thì có hay không có mấy “kẻ vô tâm”, “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” cũng vậy, sớm muộn gì thì chuyện “lên web” cũng thành hiện thực. Đó cũng là một “mốt” mới: “khoe”, “show hàng” mà nhiều bạn trẻ đang muốn “khẳng định” mình. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng, "hung thủ" thực sự phát tán phim sex vẫn ngoài vòng pháp luật, vì nguồn phát tán đầu tiên là từ một server ở nước ngoài.
Điều đáng nói, sự bênh vực thiếu cân nhắc của dư luận, có thể có ý nghĩa nào đó với đời sống riêng Thùy Linh, nhưng hệ quả tác động rộng lớn vào giới trẻ nói chung sẽ không lường hết được. Chúng ta bênh vực, không phải chỉ để chứng minh sự “nhân từ”, “độ lượng” hay hiểu biết tâm lý giới tính riêng của mình mà chúng ta phải để ý đến hiệu ứng xã hội của vấn đề. Bởi từ nay, rất có thể “giới trẻ” chỉ cần “kín đáo”, không “lên web” là đủ… còn thì “chuyện ấy”… vô tư.
Chúng ta vẫn chưa bóc tách vấn đề tình dục thuộc phạm trù văn hóa hay đạo đức nên nhiều lúc nó trở nên “khó nói” và “nhạy cảm”. Nói đến văn hóa thì xem nó phù hợp hay không, còn nói đến đạo đức thì cần phải phân biệt tốt hay xấu. Chỉ cần nhìn một đứa trẻ “thủ dâm” thì người lớn đã có những suy nghĩ “xấu” về hành động của trẻ, thậm chí lên án, khiến trẻ rơi vào “sợ hãi”, “mặc cảm tội lỗi” vì bị phát hiện... Như vậy cách nhìn nhận của chúng ta về vấn đề tình dục thường có xu hướng “đạo đức”. Tâm lý đó còn ăn sâu vào tiềm thức chúng ta, vào cách dạy con của chúng ta, trong khi việc giáo dục giới tính ở nhà trường vẫn chưa sâu rộng và chưa có nhiều những áp dụng phù hợp với văn hóa truyền thống thì cái “chuyện ấy” được đóng thành “phim” sao có thể là “bình thường”, là “riêng tư” được. Riêng tư trong đời sống vợ chồng và riêng tư của các cặp tình nhân, chưa có giá thú, hôn nhân ràng buộc là không thể đồng nhất.
Đối với con trẻ, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình phải song hành với nhau. Tình dục bản thân nó không thể nói là tốt hay xấu, tốt hay xấu còn tùy vào động cơ của mỗi người có trong sáng hay không. Thế nên, nếu chúng ta có bàn luận về nó thì hãy đứng đúng vào diễn đàn “người lớn” của chúng ta, bởi không khéo, vô tình chúng ta sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Trước khi bàn về vấn đề tình dục trước tuổi, trước hôn nhân, chúng ta có nên nghĩ rằng chúng ta đang bàn cho ai, xuất phát từ động cơ nào và vì mục đích gì?

Nguyễn Ngọc Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét