Thứ Năm, 1 tháng 11, 2007

TỪ “ẢO” BLOG... ĐẾN “THẬT” ĐỜI NGƯỜI


Điều khó khăn nhất trong đời sống hiện nay là đi tìm giá trị “thật” (đành phải đặt chữ “thật” trong nháy nháy). Vì sao? Vì có những sự thật trở thành chân lý sống, nhưng có những cái “thật” chỉ để đáp ứng cho những giác quan cụ thể và giới hạn của con người. Nhiều người sẽ cho rằng cách nhìn như vậy là bi quan, nhưng có rất ít người muốn nhìn thẳng vào sự thật. Chúng ta đã từng hơn một lần thất vọng khi chứng kiến những giá trị “thật” được dán vào đó đủ thứ “nhãn mác”, “chứng chỉ”, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã trở nên “ảo” và “vô dụng”…

Có thật ắt có ảo. Vì cái gọi là “thật” đó là do cái gọi là “ảo” đem đến và ngược lại... “Thật- ảo” là một phạm trù có “tầm triết học” hẳn hoi. Cái thật không phải lúc nào cũng “tốt” và cái ảo không phải lúc nào cũng “xấu”. Thế nên khi nói về “thật-ảo”, chúng ta cũng cần phải công bằng hơn, tỉnh tảo hơn. Có những cái “thật” khiến người ta sụp đổ tinh thần, niềm tin, và lúc đó người ta lại ước gì điều đó không phải là sự thật. Cũng có những cái “ảo” đem đến một “sự đền bù” tinh thần, vật chất nào đó cho con người. Nhưng chúng ta cũng thấy có những cái “ảo” phù phiếm khiến nhiều người dồn hết sức lực để đuổi bắt, cuối cùng thì “dã tràng se cát”.
Có vô vàn những lời nói “thật 100%” được các phương tiện truyền thông đưa ra để củng cố niềm tin của “số đông”, nhưng để lời nói ấy trở thành hiện thực “cũng 100%” thì nó phải trải qua một còn đường “khúc khuỷu”, “quanh co”, và đôi khi chúng ta phải chứng kiến kết quả của những điều “không thật” (có nghĩa rằng ảo). Nhưng “cái thật” này lại rất nguy hiểm với con người, vì rằng nó luôn buộc người ta phải nghĩ là “thật”. Thà rằng, người ta biết trước một điều gì đó là “ảo” để người ta “tham dự”, và đã tham dự vào cái ảo thì không nên hối tiếc. Còn như có sự việc người ta đinh ninh nó là “thật” nhưng đến khi nó xuất hiện thì lại “ảo hơn cả ảo” thì người ta sẽ vỡ mộng. Cầu Văn Thánh và sự cố sập cầu Cần Thơ chỉ là những ví dụ cho vô vàn những ví dụ trong cuộc sống: nói “thật” và làm “ảo”.
Chẳng ai “phí sức” đi lên án những “cái ảo” được dán mác “thật”. Có không ít những sảm phẩm quảng cáo mà chúng ta đi đâu cũng nhìn thấy, ngồi đâu cũng nghe thấy là những sảm phẩm mà “giá trị” được “đẩy lên” gấp nhiều lần giá trị “thực” của nó. Nhưng chừng nào “nhu cầu” của con người còn tồn tại thì đành phải chấp nhận điều tượng tự như vậy xảy ra.
Để được bước chân vào giới sành điệu, giới “hàng hiệu”, nhiều người đã phải bỏ ra không ít tiền để trang điểm cho danh tiếng của mình. Đã có ai trong chúng ta từng phải trả 10 đến 15 đô-la cho một ly cà-phê mà chất lượng của nó cũng không khác gì một ly cà-phê giá 5 nghìn đồng? Ở một góc nhìn nào đó, có người sẽ cho rằng uống một ly cà-phê như vậy là mất tiền ngu. Nhưng những người tham dự vào đó thì họ cảm tưởng như khi mình ngồi vào những quán cà-phê như vậy là mình đã “phê” rồi, đã chứng tỏ được đẳng cấp “thượng lưu” của mình rồi. Ai sẽ đến quán cà-phê đó để “bênh vực” cho sự thật giá cả? Không ai cả. Vì vốn dĩ, người ta đến đó vì mục đích để “mua chỗ ngồi”. Chỗ ngồi ấy có phần nào xác định “địa vị” của họ, chứng minh sự khác biệt của họ với “thế giới bình thường”. Đó là giá trị ảo nhưng cần thiết cho những cuộc giao dịch thương mại (cả tình và tiền) ở một “đẳng cấp” không phổ thông. Nhờ rất nhiều “cái ảo” như vậy quanh mình mà nhiều người có được những “cái thật” đến không ngờ. Nhưng cũng có những người “mạo hiểm” đi vào thế giới ấy và không còn đủ tỉnh táo để đi ra ngoài nữa. Cuối cùng “ảo vẫn hoàn ảo”.
Còn trong thế giới ảo của các “blogger” cũng có những giá trị thật. Một thứ giá trị “thật” mà rồi đây con người cũng phải điều chỉnh cách nhìn của mình về sự chi phối của nó đối với cuộc sống. Người ta xếp báo chí đứng vào hàng “quyền lực thứ 3” vì sự ảnh hưởng thông tin của nó. Quyền lực đó của báo chí nói ảo thì là ảo mà bảo thực cũng không sai. Thế giới “blog” cũng đang “lên ngôi” để trở thành một thứ “quyền lực” mới. Và với tính chất “thông tin”, nó cũng có những “quyền lực” nhất định, đòi hỏi phải có “cơ chế giám sát”. Nhưng dù có phê bình hay khen ngợi thì vốn dĩ thế giới “blog” khi mới ra đời cùng với những “phát ngôn”, “tuyên ngôn” “bạt cả mạng”cũng báo trước cho ta biết đó là thế giới ảo. Chí ít nó không nói dối chúng ta và càng không đánh lừa chúng ta. Chỉ có những người “cả tin” thì mới đi lấy thực làm ảo, lấy ảo làm thực. Ở thế giới ấy, chúng ta phải đối mặt với một lực lượng “ngôn từ” khổng lồ và vô hình. Đến với nó thì phải có “nội lực”, phải bình tĩnh trước khen và chê. Bởi không ai “ngu” đến mức phải “uất hận”, “phải tự tử” vì một lời đồn vu vơ cả. Ai có thể đánh vào cái “vô hình” và vỗ ngực tự xưng rằng mình đã “chiến thắng”. Chúng ta không thể “bỏ bom” vào thế giới ấy, vì rằng vốn dĩ nó không có chiến tuyến.
Người ta nói rằng, thế giới đó “ảo”, nhưng được quản lý bởi những con người “thật”. Vậy thì muốn tránh, muốn ít đi những “cái ảo” có hại đối với gia đình, cộng đồng thì không gì bằng giáo dục và đào tạo ra những con người biết nghĩ đến những điều ích mình, lợi người.
Một khi biết cái “ảo” đó cũng là sản phẩm của con người, thì ta không có gì phải “hoảng” lên vì nó, vì chẳng có “Thượng đế” nào tạo ra nó cả, bởi chính “Thượng đế” cũng là một “phát minh”, “phát hiện” của con người. Nhưng tại sao “Thượng đế” lại có thể chi phối ngược lại loài người như thế? Phải chẳng “cái ảo” đã được con người hợp thức hóa để trở thành “cái thực”. Thế thì, rồi đây, vô số những cái “ảo” trên thế giới “blog” cũng sẽ được chính con người “hợp thức hóa”, để vui buồn, giận dữ, cảm thông và khóc thút tha thút thít với nó. Có biết bao nhiêu người đi xem phim, xem kịch và khóc đỏ cả mắt vì quá “đồng cảm”, thậm chí giận dữ đến mất ngủ vì một nhân vật (có thể giống với ai đó ở đời thực, nhưng ở trên sân khấu thì là “ảo”, là một vai diễn…). Bỗng dưng chúng ta xúc động trước một cái “ảo”. Nhưng nhân tính mách bảo cho chúng ta rằng, chúng ta phải biết xúc động một cách thành thực, và đem sự xúc động thành thực đó mà làm đẹp cho cuộc sống, nếu không ngay cả giọt nước mắt (rất thật vì có độ mặn hẳn hoi) của chúng ta cũng chỉ là giả ảo.
Người ta vì sao phải sợ “cái ảo” đến như thế? Vì nó cứ tự do nói thẳng, nói lệch, nói trật, nói trúng… Người “có tật” thì hay “giật mình”, nhưng tội gì lại phải “giật mình” với cái ảo. Con người tạo ra “cái ảo” và bị “cái ảo” chi phối, nhưng ít ai đủ can đảm để thừa nhận vấn đề này. Một công ty có thể “nói phét” bằng quảng cáo để cuốn hút người mua, nhưng họ lại xem đó là “chiến lược”. Một tôn giáo có thể “nói láo” về một cảnh giới nào đó, nhưng họ lại xem đó là một thông điệp thần thánh. Một chính thể có thể “bịa đặt” ra một xã hội đẹp như thiên đường, nhưng họ lại xem đó là mô hình rốt ráo nhất của xã hội loài người… Để có “thành công” thì phải “yếm trá”. Và có “chiến lược” nào mà không “nói phét”, không “lừa đối phương”, nhưng sản phẩm bán ra “đắt như tôm tươi” thì lại là thành công thật. Điều đó được cụ thể hóa bằng việc tăng lương, tăng thưởng cho những con người “thật”. Chúng ta “đang đánh lừa nhau” để sống? Nghe có vẻ chua chát, nhưng ai lại đi “vạch áo cho người xem lưng”. Có bao nhiêu phần trăm, công ty, doanh nghiệp khai báo thuế đúng với lợi nhuận của công ty mình. Không dễ gì mà thống kê chính xác ngay cả ở những nơi được xem là làm ăn “đứng đắn”.
Phải chăng “thật-ảo” là một thách đố đối với con người? Nói là thách đố e quá nghiêm trọng. Vì qủa tình, ước mơ và hiện thực vẫn hàng ngày “làm đẹp” cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta từng giờ, từng phút đang “bơi lội” trong thế giới của “ảo- thực”. Chẳng thể phí sức để cô lập và tách rời “ảo- thực”, bởi vì chừng nào chúng ta không còn “thực” quá với nhau nữa thì “ảo” mới mất đi thôi.
Có một câu chuyện vui: Có một người đi làm, bị sếp “bắt nạt”, khổ nỗi người ấy chẳng phục một tí nào trong cách quản lý và lãnh đạo của sếp. Nhưng “khó nói” vì sợ bị sếp “quan tâm”, từ đó sinh ra buồn bực. Lúc đầu thì về nhà đem cái “cục bực” ấy trút lên đầu vợ con, nhưng một hồi thấy nó vô lý, bèn nghĩ ra một cách là viết các tâm sự ức chế của mình lên “blog”. Blog (vô tri vô giác) lại là nơi để trút “cục bực” thay vì trút vào một ai đó, bởi sợ rằng nói với ai đó thì “lời nói đi thì nhẹ, lời nói lại thì nặng” nên trút vào “blog” an toàn hơn. Con người thường có xu hướng “leo thang trong đau khổ”, nên thành công của người này ít khi nào là “vui mừng” của người kia. Cách biểu lộ dù “khéo” hay “vụng” thì cũng chẳng ai muốn người khác “hay hơn mình”, “lấn sân mình”. Cuộc sống gần như từng giờ, từng phút sinh ra những “đối thủ”. Mà có “đối thủ” thì phải có “đối phó”, bằng cách này hay cách kia, thì trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” cũng sẽ xuất hiện. Khó có ai bị “chê” mà cười được. Cười được thì “trơ” quá, “chai” quá! Nhưng lên án “ảo-thực” thì chẳng khác gì lên án bản thân mình, vì mình có dám chắc rằng cả đời này mình sống “thực” hết mình không, mình có từng mơ mộng để được hàng ngày ngồi uống một ly cà-phê 10 đến 15 đô-la không, có từng ngây ngất với những lời khen ngợi tận trên mây xanh hay không?
Lúc đó, hai từ “giá trị” được người ta nhắc đến nhiều nhất. Nhưng giá trị là thế nào, đối với anh hay đối với tôi, lấy gì làm thước đo? Phải ngẫm và nghĩ dài dài. Nhưng dù có ngẫm nghĩ như thế nào thì cái anh ăn, anh thấy ngon, nhưng không thể bắt người khác phải thấy ngon giống như anh đã ăn được. Và thế là mọi so sánh đều trở nên khập khiễng. Và thế là không thể ra những “tuyên ngôn” rằng phải “cảnh giác”, “tẩy chay” và “đàn áp” cái ảo. Bởi giết chết “cái ảo” thì cũng có nghĩa rằng “cáo chung” với cái thật. Đó là “biện chứng”.
Có một vị thiền sư của Việt Nam nói “Có thì có tựa mảy may. Không thì cả thế gian này cũng không”. Hóa ra, cả vũ trụ vạn vật đều là “giả ảo”, đều là có không thật có, không không thật không.
Vui thay khi vẫn từng ngày, từng giờ được thấy: người ảo hóa khoe thân ảo hóa.

Nam Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét