Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

“THẮT LƯNG BUỘC MIỆNG”


Hồ Chủ Tịch từng nói: “Phải cho dân được mở miệng”. Mở miệng ở đây không phải để ăn uống đâu mà mở miệng để nói, nhưng cũng không phải là nói theo, nói leo, nói cho có chuyện, nói “rào trước đón sau”, bởi những cách nói như vậy cũng không khác xảo ngôn là mấy…

Những người xưa nay không được nói, cứ phải ngồi im nghe, đến khi chịu hết nổi, bức xúc quá mới “tuôn” thế là người ta nói vui rằng “cóc mở miệng”. Nhưng “cóc mở miệng” nhiều khi cũng còn có lợi, bởi chí ít người ta còn biết “cóc” có bức xúc gì. Nói thế để thấy có những vị đại biểu quốc hội (không phải “dân”, có chức năng là nghe và nói) ngồi mòn ghế suốt cả tháng trời mà không thấy nói, nếu có nói thì nói theo những gì mà báo đã viết, dân đã nói, chẳng có sáng kiến gì. Xin thưa, dân đóng thuế để nuôi các vị ngồi trên cái ghế “đại biểu quốc hội” có phải để “thứ nhất ngồi ì, thứ nhì đồng ý” đâu.
Thế nhưng ngược thay, trong hoàn cảnh tập trung dân chủ “cao độ” như vậy, người có quyền nói thì chẳng nói, nói không thỏa, nói cho vừa lòng nhau kiểu khen có chê có, có người còn nói “nịnh” bằng một bài diễn văn đả phá người nọ, người kia một cách rất mất thì giờ. Trong khi người dân muốn nói thì chẳng ai nghe, chẳng lọt vào tai quan chỉ vì là “ngoại đạo”, “ngoài luồng”, “đồ lậu”, “không chính thống”… Không phải ngẫu nhiên mà cả chục năm trước, nhà báo Thái Duy từng cảnh báo: "Sự thật không phải lúc nào cũng dễ lọt vào Hội trường Ba Đình. Bao giờ mọi sự thật, dù cay đắng, ùa được vào hội trường Quốc hội, mọi nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân được cất lên áp đảo ở hội trường Quốc hội thì người dân mới bớt khổ".
Tiếng nói của người dân được cất lên để “bớt khổ”. Phải nhận ra và thấm cái chữ “khổ” ấy thì mới hiểu thấu lòng dân, mới là “công bộc” của dân. Nhưng không hiểu từ bao giờ “xã tắc vi quý” (người làm luật), “dân vi khinh” (người chịu luật) chỉ vì cái cơ chế ban hành “xuống” dân đủ mọi thứ mà không cần hỏi họ như hiện nay. Và cũng không hiểu sao cái từ “chất vấn” cũng lại được hiểu một cách “một chiều” như thế. Có nghĩa rằng cả mấy trăm con người tập trung vào một con người và “vấn”. “Vấn” cao, “vấn” thấp, “vấn” dài, “vấn” ngắn mặc sức. Trả lời được đến đâu thì trả lời, có thỏa hay không xin chịu vì chỉ có thể trả lời đến đó là hết ý rồi. Không còn thời gian thì trả lời sau cho người hỏi. Câu trả lời có đến được dân không… còn chờ. Người trả lời tự chịu trách nhiệm, còn mấy trăm con người kia được khen là “vấn hay”, “vấn bí”, nhưng dân ngồi xem truyền hình trực tiếp thì tức anh ách, vì mất thì giờ để ngồi nghe “hỏi-đáp” kiểu “đã làm và đang làm”, “cần phải đồng bộ”, “còn chờ bên… đó, bên… kia”, “phải mấy năm sau mới có thể đánh giá”… Thay vì cứ tiến hành kiểu “hỏi-đáp” hình thức để quay phim, lên truyền hình này, mấy trăm “bộ óc” ấy đưa những vấn đề nổi trội của nước của dân ra mà cùng hỏi, cùng bàn, cùng trả lời và cử một người lên giải trình cái “kết quả” ấy mà tiến hành làm ngay, làm dứt điểm còn hơn.
Đơn cử như vấn đề tai nạn giao thông và nạn kẹt xe ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM, mấy kỳ họp quốc hội rồi mà vài trăm con người ấy cũng không thể nghĩ ra điều gì mới hơn. Chẳng hạn như ra luật đi xe máy trong nội thành phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng thử hỏi mấy trăm đại biểu ấy, ai là người hàng ngày phải ngồi xe máy để đi làm? Người ra luật chủ yếu là người cưỡi máy bay đi họp, ngồi trên xe hơi có máy lạnh đi làm, còn người chịu luật là dân thì cứ phải “thi hành” cái khổ của mình. Xin đơn cử, đội mũ bảo hiểm là phải mua mỗi người trong gia đình một cái mũ mà chất lượng chưa biết là té ngã thì có bị chấn thương sọ não hay không, đó là chưa kể đến hàng ngày phải gửi mũ (tốn thêm tiền), mất mũ phải mua mũ mới cả mấy trăm nghìn... Phải đội mũ bảo hiểm trong nội thành khi nạn kẹt xe cả sáng lẫn tối như hiện nay là một cực hình. Vì một ngày hai buổi đi làm đều kẹt, cả tiếng cho đến vài tiếng đồng hồ không nhúc nhích mà phải nghe tiếng ồn, mang “nồi cơm điện” ở trên đầu, bịt miệng kín mít mà vẫn không chống nổi với khí xăng thải ra từ các phương tiện giao thông. Thử hình dung nếu ngày nào cũng nhiễm độc hệ hô hấp như vậy thì hậu quả mang bệnh tật sau này sẽ như thế nào.
Còn nạn kẹt xe thì khỏi phải nói, chữa chỗ này kẹt chỗ kia, thay đổi giờ làm việc thì “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”… Người dân nói về nạn kẹt xe để rồi người ta “quay lưng” lại bằng một giải pháp đánh vào dân là “hạn chế xe gắn máy” và tăng thu thuế. Chúng ta có cả gần 500 đại biểu quốc hội, những người “ưu tú” nhất được dân bầu ra, thế mà ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phải nhờ người Nhật Bản xem xét và đưa ra giải pháp cho tình hình kẹt xe ở Việt Nam. Thật đáng suy nghĩ, vì đầu tư cho hạ tầng cơ sở của ông Nhật Bản lớn, đường xá rộng rãi, không có nạn kẹt xe máy vì ông ta sản xuất xe máy để cho những nước như Việt Nam đi thôi… Không cần nói đến khủng bố, nổi lọan, chỉ cần một cái "xe điên" xuất hiện giữa đám kẹt xe ấy thì chỉ còn biết: "than ôi thịt nát máu trôi!".
Còn bao nhiêu vấn đề bức xúc khác nữa, năm này năm khác, kỳ họp nọ kỳ họp kia, điệp khúc “ông nọ đỗ lỗi bà kia” vẫn tiếp diễn. Dân cứ ngồi chờ nghe đọc luật và luật ban ra là phải thi hành. Phạm luật là phạm pháp. Phạm pháp là không “yêu nước”. Không được “mở miệng” đành phải “thắt lưng buộc miệng” để chờ đợi những cuộc chưng cầu dân ý và chờ nghe hai chữ “thương dân” từ chính những người mà mình đã đặt niềm tin, hy vọng.

Trần Điều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét