Thứ Hai, 5 tháng 11, 2007

LẠM BÀN: TRONG RUỘT CÓ TIỀN?


Người ta bảo “đồng tiền nó liền với ruột”. Nghe như thể trong ruột mình có tiền vậy. Thì ra cơ chế tiêu hóa của ruột lại cũng có thể được xem là cơ chế của tiền. Có tiền thì sẽ bổ khỏe toàn thân. Nghĩ sao cho cùng nhỉ. Vì tiền là chủ điểm trong hầu hết các cuộc giao dịch của con người...

Vì sao có người thì yêu tiền mà có người thì ghét tiền đến vậy? Nói thế thôi chứ người yêu tiền vẫn nhiều, còn người ghét tiền… ít lắm. Có ghét chăng là vì lao tâm khổ tứ nhiều mà nó vẫn làm cho mình điêu đứng, vẫn làm cho mình nghèo, thậm chí tù tội... Nhưng đó chỉ là ghét “lý thuyết” thôi, chứ ghét đồng tiền thực thì chẳng khác gì ghét ruột của mình. Ghét ruột thì nguy mất, vì ruột nó mà buồn thì ăn làm sao mà tiêu được?
Ai cũng từng được nghe nói, đừng để đồng tiền chi phối mà phải biết làm chủ đồng tiền. Người giàu nói về chuyện sở hữu đồng tiền nghe cũng giống như 1001 chuyện “ơ hờ”, “dễ ợt”. Thường thì ai có tiền “súng sính” trong người thì mới có đủ bản lĩnh để nói đến chuyện tiền. Có nghĩa là trong tiền đã chứa sẵn quyền. Không tiền nói ai nghe?
Có điều, người làm chủ được đồng tiền thì thường lại chẳng giàu. Nhưng tại sao ngày càng có nhiều người giàu nói chuyện về việc làm chủ đồng tiền? Phải chăng tiền đang sợ “người giàu” vì họ mà giàu quá thì họ sẽ “coi thường đồng tiền”. Đến đây, chúng ta mới hiểu: làm chủ đồng tiền và coi thường đồng tiền khác nhau nhiều lắm.
Ngày nay đồng tiền còn là thước đo của sự thành đạt. Thế là nhiều người thành đạt nói về tiền một cách “nhẹ tênh”, làm như cuộc đời họ tiền không phải là thứ quan trọng, làm như cuộc đời họ đã làm chủ được đồng tiền rồi. Họ bắt đầu nói về lòng nhân, nói về sự giúp đỡ và xa hơn nữa là nói về đạo đức làm người. Và thế là có một thứ “tôn giáo” mới xuất hiện, có thể gọi đó là tôn giáo “tiền và người”, “tình thương yêu của tiền”, hay có thể nói gọn lại là “đạo tiền”. Yêu tiền thì phải yêu ruột mà yêu ruột thì phải yêu người. Thế là tiền có mặt trong tất cả các cuộc cứu trợ, từ thiện xã hội, nghi lễ đình đám…
Người nghèo yêu tiền thì cất vào ống bơ, có khi giắt trên mái nhà. Người giàu yêu tiền thì có két sắt chống cháy, vặn xuôi, vặn ngược nhiều vòng két mới mở được. Thế mới biết, người nghèo không yêu tiền bằng người giàu, vì để đồng tiền hớ hênh quá. Mà hớ hênh thì bao giờ cũng rất dễ bị xâm phạm, thế nên khó giàu. Còn người giàu yêu tiền tha thiết nên tiền được bảo vệ rất kỹ. Và không phải bàn luận, họ xứng đáng đứng vào hàng chức sắc trong “tôn giáo” này.
Nhưng nói một hồi mới nhận ra là mình mâu thuẫn. Người làm chủ được đồng tiền thì thường chẳng giàu. Mà chẳng giàu thì sao có thể đứng vào hàng “chức sắc”. Thế thì “tôn giáo” này vốn dĩ không dành cho những người làm chủ đồng tiền? Vì sao? Vì nếu có người đến xin bảo rằng: “Tôi nghe nói, ngài có thể bố thí cả đầu óc, tủy mắt, chân tay, quốc thành, thê tử…”, thì người đó sẽ nói ngay là “Đúng thế!”. Và chỉ có một câu “đúng thế”, ngày mai người kia chẳng còn gì trong tay. Người kia phải chăng đã ghét tiền. Nói vậy oan quá. Người kia chính là Bồ tát hóa thân làm trưởng giả đấy. Bồ tát thì không bao giờ ghét tiền mà Bồ tát nhận thấy thân mình là giả ảo, nên tiền kia cũng không có khuôn mặt thật, và quan trọng là ngài không thấy “tiền nó liền với ruột” mà thấy “tiền là vật ngoài thân”. Đến đây mới hiểu sự khác nhau trong cách nhìn nhận đồng tiền là “cái thấy”. Tiền đã không có khuôn mặt thật thì việc bảo nhìn thấy khuôn mặt của đồng tiền là vọng ngữ. Chẳng lẽ hôm nay vui vẻ, muốn giúp người thì nhìn thấy tiền là lòng nhân ái. Ngày mai bực bội, so đo thì thấy tiền hơn thua, phiền não, tiền đầy thì vui, tiền vơi thì buồn. Để thấy được bao nhiêu khuôn mặt của đồng tiền thì mình cũng phải có ngần ấy khuôn mặt. Nhưng bản thân tiền vốn chẳng có “khuôn mặt” nào cả mà do con người cho nó những khuôn mặt và khóc cười với nó, biến nó thành có nhân có nghĩa và bất nhân bất nghĩa. Thế thì thay vì phải nói, biết khuôn mặt của đồng tiền thì phải nói biết khuôn mặt của mình mới đúng chứ. Xin lưu ý, “khuôn mặt” đồng tiền không phải chỉ là cái nhãn VNĐ, USD, EUR, GBP…
Người ta có thể bỏ tiền ra để làm từ thiện xã hội, nhưng người ta tính toán rất kỹ: sự mách bảo của đại chúng hơn hay sự mách bảo của lòng người hơn? Lòng người thì vô điều kiện, thì ẩn sâu quá, thì im ắng quá. Vì cho tiền đi thì phải kiếm tiền vô, cho hoài mà không kiếm vô thì sao mà cho được. Mà muốn kiếm vô nhanh thì phải “quảng cáo”, phải “nổi đình nổi đám”… Và luôn luôn phải nhớ “tiền ở trong nhà tiền chửa, tiền ra ngoài cửa tiền đẻ”, không “đẻ” được bình thường thì phải “mổ” cho nó chui ra. Phải bắt đồng tiền “dậy mà đi”. Đi đâu? Đi đâu tiền cứ hàng đầu mà đi. Và thế là người ta bảo “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”, đằng nào đến tháng cũng phải phát lương, phát sớm hơn ngày cố định thì “khôn”, mà phát sau ngày cố định thì “dại” rồi, làm cho người công nhân phát hoảng rồi…
Xin đừng nhầm lẫn người nhiều tiền và người giàu có. Bởi có người rất nhiều tiền nhưng lúc nào cũng thấy mình túng thiếu thì sao có thể gọi là “giàu có” được. Và chừng nào xã hội còn làm giàu cho họ nhiều hơn là họ làm giàu cho xã hội thì vẫn chưa đủ mức để ồn ã “tôn vinh”.
Người phàm, tự nhiên đang nói về chuyện tiền mà bụng thấy đói. Tiền là…

Vương Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét