Thứ Hai, 12 tháng 11, 2007

MÁI CHÙA, HÌNH CHỮ S, HÌNH CẦU (WTO)



Mỗi khi trong lòng có chuyện buồn, ghé vào chùa với một hành động đơn giản là bước đi quanh khuôn viên, hay ngồi ở một góc nào đó lắng nghe tiếng kinh trầm bổng, tiếng chuông mõ ngân vang thì buồn phiền đã dần vơi đi rồi…

Mọi người ít bận rộn, đó là chuyện của những năm tháng chưa “toàn cầu hóa”. Khi ấy, mắt mình còn chưa cận, không cần nhìn sát vào tấm biển mà chỉ cần nhìn cái mái cong cong đặc thù thì biết ngay đó là chùa. Bây giờ, có khi nhìn thấy cái mái cong cong, nhưng đến gần mới phát hiện ra đó không phải chùa mà là nhà thờ hay là một cái quán ăn, nhà hàng nào đó. Và rất có thể một ngôi nhà hộp nào đó, ghé thăm thì lại là chùa...
Có người nói vui, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mái chùa ít cong hơn và mảnh đất hình chữ S đang biến thành “hình cầu”. Nói vui mà làm cho mọi người giật mình, lo lắng không khéo là nguy hiểm. Nhưng thú thật đi đâu, nhìn đâu, đọc đâu cũng thấy “toàn cầu”. Không hiểu biết hết về “toàn cầu” là thua ngay tại sân nhà. Vì cái “hình cầu” ấy phải được từ “thủ môn”, “hậu vệ”, “trung vệ”, “tiền vệ”, “tiền đạo” tập trung gìn giữ, nếu không nó sẽ rời khỏi mình, sẽ lăn đi nhanh, sẽ đẩy những thứ khác đi nhanh và càng chạy theo thì đáng đuối sức. Cho nên phải học đi, học chạy để đuổi theo và “bắt kịp”, và quan trọng là phải để cái “hình cầu” ấy được kiểm soát ngay dưới chân mình.
“Toàn cầu rồi, chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức thì mới theo kịp được bước đi của thế giới”. Đó là một câu nói phổ biến nằm trên miệng không ít người. Và nhận thức thay đổi ấy đang rục rịch, rì rào đi vào trong tâm thức xã hội. Toàn cầu hóa đang từ thành thị bước về nông thôn. Toàn cầu hóa đang từ chùa phố tiến vào chùa quê. Nhưng xưa nay cửa chùa ở đâu cũng thế, luôn rộng mở đón khách thập phương không phân biệt sang hèn, nhân ngã, lẽ nào lại từ chối “toàn cầu hóa”. Không cần phải một khóa huấn luyện nào, khâu đầu tiên là đón khách… Khách đến, vui thì khách ở lâu, không vui thì khách đi. Đến và đi là chuyện của khách. Chuyện của chủ là giữ cái tâm bình thản, không vui buồn. Chỉ khởi lên một chút vui buồn là cái “hình cầu” ấy sẽ đưa mình đi chơi, để ngôi nhà vắng chủ ở lại.
Chỉ cần nhìn những chiếc điện thoại di động nằm trên tay mấy thầy là biết “toàn cầu hóa” đã đến và vào chùa rồi từ lâu rồi. Nhưng thầy nào ở nhà và thầy nào đi vắng còn tùy vào việc thầy đó có làm chủ được cái cầm ở trên tay, cái “a-lô” ở phía bên kia gọi tới hay không... Người bận rộn đôi lúc vào chùa để tìm kiếm sự bình an, thăng bằng. Nhưng vào chùa thấy cái bận rộn cũng không ít hơn ở bên ngoài. Ngồi nói chuyện với thầy chưa đầy nửa tiếng mà có đến 4, 5 cú điện thoại. Câu chuyện trở nên nhấp nhỏm, kẻ muốn ngồi, người muốn đi. Vài lần như thế, đành phải “cam chịu” với sự bận rộn của mình. Cam chịu hoài là sinh bệnh. Đành phải tìm kiếm điều gì đó để giảm bớt căng thẳng. Giống như trước, chọn cách ngồi vào một góc để nghe tiếng chuông ngân, nhưng hôm sau đến, chờ mãi không nghe thấy tiếng chuông, hỏi ra mới biết chuông đã được đánh rồi. Hôm sau nữa đến đúng giờ ấy để đón nghe thì mất cả hơn tiếng sau mới có người ra đánh chuông. Sáng đến, nghe chuông nhà thờ đổ hồi lâu mới nghe thấy chuông chùa đổ. Chẳng ai dạy mình tinh tấn bằng tiếng chuông chùa, nên cứ nghe chuông là thức giấc để tập thể dục, để hít thở không khí trong lành. Nhưng có hôm ngủ đến 7 giờ, hỏi ra mới biết chuông chùa hôm ấy “quên” không đổ.
Có lần ham vui, theo chân các thầy đi hành hương, cũng là để thay đổi không khí và không ngoài mục đích tìm sự bình yên cho mình. Nhưng suốt hành trình, những thông tin, những vụ scandal mà mình đã đọc trên báo, xem trên ti-vi, được các thầy bàn luận sôi nổi... Có thể đó là cách để quên cái mệt đường dài. Nhưng sau chuyến đi ấy về ốm mất mấy ngày. Thế là từ đó sợ đi hành hương. Quả thực, hành trình đi tìm sự tĩnh lặng cũng vất vả, gian lao. Nhưng chỉ hy vọng những cái bình yên mà mình thiếu là những cái trong chùa luôn luôn thừa, những cái bận rộn mà mình thừa không phải là cái mà chùa đang thiếu. Bởi sự hoán chuyển ấy sao có thể gọi là “bình an” được.
Chỉ có thể nhìn “toàn cầu hóa” từ một vài việc nhỏ nhặt như vậy. Tin rằng những điều tốt đẹp, thiêng liêng xuất phát và còn lưu giữ ở tâm mình luôn là sự mách bảo đúng đắn: hình chữ S hay mái chùa cong cũng vậy. Điều gì để mất đi từ trong tâm thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Còn những sự đến đi, thay đổi ở bên ngoài, dĩ nhiên phải xảy ra.

Nguyễn Trung Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét