Thứ Hai, 19 tháng 11, 2007

THỜI GIAN VÀ NHÂN QUẢ




Khi xã hội có bất cứ hiện tượng gì tiêu cực xảy ra, lúc cần phải thể hiện trách nhiệm cá nhân trước vấn đề này, người ta thường nói: “Chúng ta đã và đang thực hiện, vấn đề là cần phải có thời gian…”.
Nghe câu nói trên, nhiều người dù chưa thỏa mãn nhưng vẫn có thể tạm yên tâm. Nhưng thời gian là bao lâu để cải thiện tình hình thì ít ai đưa ra một cách cụ thể. Có thể phần nào nhận ra ở cách nói ấy sự thực hiện thiếu đồng bộ, nên thời gian hứa hẹn chỉ nhằm để thực hiện lại những điều đã lịch trình hơn là việc bắt tay vào điều chỉnh cho một nhận thức đúng tốt hơn. Vì ít ai có thể tự nhận rằng mình đã sai ngay từ khâu lên kế hoạch. Và như vậy, thời gian và tiền của vẫn tiếp tục bị lãng phí. Nhưng lãng phí trong kinh tế còn có cơ hội bù đắp lại được, còn suy mòn về văn hóa, lối sống thì ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ, mà hậu quả trực tiếp nhất vẫn là giới trẻ phải gánh chịu.
Diễn tiến của cuộc sống thì luôn phức tạp và không dừng lại, mà mức độ ảnh hưởng của những yếu tố môi trường xã hội trong thực tiễn đối với từng cá nhân là rất cao, đôi khi vượt trên cả những tác động của giáo dục. Chẳng hạn, gia đình và xã hội mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để đào tạo ra một con người, nhưng khi họ vừa rời ghế nhà trường, bước chân vào đời, thì chỉ cần một phần tác động rất nhỏ từ thực tiễn cuộc sống có thể cuốn hút và gần như phá vỡ nhiều những “chuẩn mực” mà họ đã được học. Không ít người thừa nhận rằng, nền kinh tế thị trường, sự sùng bái khoa học kỹ thuật luôn có những tác động tiêu cực không thể tránh khỏi đi kèm. Nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn không ngừng khuyến khích, thậm chí tạo nhiều áp lực để con cái dấn thân vào lĩnh vực này, nhằm có được những công việc có thu nhập cao, nhiều cơ hội thăng tiến, và tạo ra nhiều lợi nhuận cho bản thân... Cho đến khi họ bị vật chất cám dỗ và xa ngã thì chúng ta lại đổ hết trách nhiệm lên đầu họ…
Bà Nguyễn Thị Oanh, thạc sĩ phát triển cộng đồng, có lần đã phát biểu công khai trên báo chí: “Lĩnh vực khoa học kinh tế đang phát triển rất nhanh, nhưng tôi khẳng định đất nước sẽ khó đi lên và không thể phát triển bền vững nếu lớp trẻ chỉ học về kinh tế, khoa học kỹ thuật mà không coi trọng học và rèn luyện đạo đức làm người… Cái đạo đức con người đơn giản mà hết sức cơ bản: chớ giết người, chớ ăn cắp của người, chớ nói dối, tà dâm… Trong xã hội ta, người nói dối, ăn cắp một cách thản nhiên. Tôi đã suy nghĩ khá nhiều về vấn đề này và dường như khi bài trừ tư tưởng phong kiến thì những giá trị nhân bản, những bài học làm người cũng bị bỏ quên luôn. Không thể có chính trị tốt mà không có đạo đức tốt…”. Sở dĩ những điều đó trở nên phổ biến vì sự giáo dục của chúng ta hầu như đang khuyến khích lớp trẻ chạy theo một lối sống xem trọng vật chất, khoa học kỹ thuật, lợi nhuận, hưởng thụ, thực dụng, hơn là những bài học để họ tự biết cách làm người trước đã.
Vẫn còn đó những giá trị vượt thời gian, vấn đề là chúng ta sẽ áp dụng như thế nào vào trong nhận thức, lối sống của thế hệ trẻ. Thời gian là thước đo cho một hệ quả nhưng thời gian cũng chính là cái đang diễn ra, mà cái đang diễn ra ấy có thể vừa là kết quả vừa là nguyên nhân. Vậy không thể chờ thời gian cho một nguyên nhân trong khi nó đã nảy mầm và cần ngay sự chăm sóc đặc biệt. Bởi sự thật của diễn tiến xã hội diễn ra nhanh hơn gấp nhiều lần chúng ta dự báo. Nếu chúng ta không thay đổi nhận thức này thì những dự tính đặt ra cho một lĩnh vực chỉ là sự đầu tư thiếu chiều sâu, đuổi theo thời gian bằng thói quen “nước đến đâu bầu đến đó”, chứ không phải là chúng ta đang làm chủ thời gian. Bởi làm chủ thời gian chính là tạo điều kiện cho nhân quả tốt đồng thời xuất hiện và nhân quả xấu cùng lúc được cải thiện. Như vậy, trong sự điều chỉnh mang tính cần kíp, thời gian cần được nhận thức như là một yếu tố nhân quả đồng thời, tránh hiểu nó theo một trật tự máy móc: có nguyên nhân rồi mới có kết quả, hay nguyên nhân chính là kế hoạch trong một thời gian và kết quả là cái thu được sau kế hoạch. Bởi cái quả ấy lại chính là nhân cho cái quả tiếp nối sau đó. Nếu cái vừa là kết quả, vừa là nguyên nhân ấy còn chờ thời gian nữa thì cái nhân ấy đã trở thành một quả khác mất rồi, và cái quả ấy chắc chắn sẽ teo đét…
Trong đào tạo con người, nếu để cho một thế hệ bị teo đét về văn hóa lối sống thì nhiều thế hệ sẽ bị ảnh hưởng theo. Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, chúng ta có gần hai thế hệ; từ khi đất nước đổi mới (1986) đến nay, chúng ta có hơn một thế hệ. Đó đều là những cột mốc quan trọng hứa hẹn mang lại sự tiến bộ. Nhưng cũng chính thời gian này, chúng ta phải bàn luận và lo nghĩ rất nhiều về những vấn nạn xã hội, mà sự suy mòn đạo đức lối sống trong nhiều tầng lớp, đặc biệt ở giới trẻ luôn là vấn đề trọng tâm, nóng hổi.
Làm chủ thời gian chính là làm chủ thời gian nhận thức, hành động, làm chủ không gian văn hóa, và cần phải xác định ngay những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống làm nền tảng căn bản. Bởi vì trong hội nhập, văn hóa là điểm tựa cho mọi sự phát triển bền vững. Chúng ta đã tốn quá nhiều phương tiện giấy mực để nói, nói rất hay, rất bài bản mà chúng ta vẫn phải chạy theo thời gian để mong cải thiện cuộc sống xã hội ở cả hai mặt vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, nếu vẫn còn những người thiếu nhận thức về giáo dục mà đi làm giáo dục, thiếu nhận thức về văn hóa mà đi làm văn hóa, thiếu nhân cách làm người mà đi dạy làm người…, thì chuyện tốn công sức, tiền của, thời gian và giấy mực sẽ còn tiếp diễn. Và càng tạo ra nhiều “bộ óc” cứ gặp việc gì khó khăn cũng cần một thứ thời gian… không xác định, bất chấp diễn trình nhân quả như thế thì càng tạo ra sự lãng phí cho xã hội. Nếu có thể làm chủ thời gian bằng chính những nhận thức và hành động tốt đẹp trong hiện tại thì những nhân quả tốt đẹp cũng sẽ tỷ lệ thuận với điều đó. Dĩ nhiên “sửa sai” chỉ là chuyện bất đắc dĩ, không ai mong muốn nó sẽ xảy ra.

Nam Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét