10 giờ đêm, rồi 11 giờ đêm, người mẹ đứng ngồi không yên, đi ra đi vào ngóng đợi đứa con gái 17 tuổi của mình. 11giờ 30, đứa con gái về, người mẹ hỏi con: “Con làm gì mà giờ này mới về?”. Đứa con gái trả lời: “Hôm nay, lớp con tổ chức lễ hội Haloween nên con về hơi muộn”. Người mẹ ngạc nhiên hỏi: “Có thật không con, mà Haloween là lễ hội gì vậy?”. Người con trả lời: “Mẹ không biết đâu, đó là lễ hội người giả làm ma!”. Trả lời xong người con gái đi lên phòng. Người mẹ bước theo chân đứa con gái… Và tiếng điện thoại từ trong phòng con gái vọng ra: “Ê mày, nếu mai mẹ tao có hỏi gì về tao, mày nói là lớp tổ chức lễ hội Haloween nhé!”. Người mẹ nhẹ nhàng đi về phòng mình và khép của lại…
Mỗi khi ai nói dối một điều gì, để không bị phát hiện, người đó phải tìm cho mình tối thiểu một người “làm chứng”. Thế là mỗi người đều có cách riêng để làm chủ một “sự thật”. Để làm chủ một “sự thật”, trong câu chuyện trên, đã có một người làm chứng giả và hai người sống không thật (nói dối).
Người con gái trong câu chuyện trên cứ nghĩ rằng mẹ mình không biết nên đã nói dối, và rất có thể chiều hướng ấy sẽ tiếp tục với những điều kiện, tình huống khác trong cuộc sống. Tục ngữ có câu: “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Giống như những chiếc mặt nạ, càng đeo vào nhiều thì càng xa dần với khuôn mặt thật của mình. Sở dĩ phải lạc đề một chút vì người con gái trong khi nói dối đã nhắc đến từ “Haloween”. Một lễ hội mà bất cứ sự “vồ vập” thiếu cân nhắc nào cũng sẽ phải trả giá. Đó là lý do vì sao trong tình hình bạo lực và khủng bố tràn lan, người Pháp quyết tâm ra những điều luật cụ thể chống lại lễ hội Haloween của Mỹ, để cảnh giác với những xu thế sống khi mà người ta chưa đủ vốn văn hóa để ý thức hết về nó?
Người nói dối và người làm chứng giả gần như tương quan mật thiết với những diễn biến ngày càng nặng tính hình thức của xã hội.
Làm chứng vốn dĩ là một trong những ứng xử tích cực của con người, củng cố niềm tin vào những giá trị đúng đắn. Làm điều tốt mà có người làm chứng, điều tốt ấy được nhân lên trong xã hội. Làm điều xấu mà có người làm chứng, điều xấu ấy giảm đi trong cuộc sống.
Nhưng vì đâu ngày càng có nhiều người làm chứng giả, ngụy tạo cuộc sống? Vì đó là cách mà phần đông xã hội đang bước đi. Vì đó là cách để che giấu lỗi lầm. Vì đó là cách để đến với mục đích danh lợi nhanh nhất… Nếu người nói dối ngày một nhiều và mở rộng đến nhiều đối tượng khác nhau, thì đến một lúc nói dối sẽ trở thành “tính cách xã hội”: hẹp là cha nói dối con, vợ nói dối chồng, bạn bè nói dối nhau, rộng là công ty nói dối nhà nước, chính quyền nói dối dân…
Tại sao phải nói dối? Nghe có vẻ như câu hỏi đó không cần thiết, nhưng nói dối đã làm che mờ sự thật. Một xã hội, một gia đình cho đến một cá nhân, nếu để cho sự thật bị che mờ thì đó là một báo động thật nguy hiểm. Niềm tin xã hội bị mất đi, kéo theo rất nhiều những hệ quả xã hội khác: trong giáo dục, đạo đức, kinh doanh và cả trong những quan hệ tình cảm.
Người ta thường nói: “Muốn người khác không biết trừ khi mình đừng làm”. Có nghĩa là có hành động là có cái thấy, cái biết. Có lời nói, hành động là có nghiệp. Đã là nghiệp thì không có bí mật, vì hệ quả của nghiệp là quả báo hoặc thiện, hoặc ác.
Nói dối chính là nói sai sự thật, là làm chứng giả. Nhưng khổ nỗi khi một điều gì đó trở thành “trào lưu” thì họ lại coi đó là “bình thường”. Giống như người ta nói tình dục của giới trẻ bây giờ không “thoáng” mới là bất thường. Và xã hội sẽ xuất hiện nói dối “thoáng”, trộm cắp “thoáng”, giết người “thoáng”, ma túy “thoáng”, mại dâm “thoáng”, bằng cấp “thoáng” cho đến tham nhũng “thoáng”… Và cứ theo luận suy thì những điều kể trên đang phản ánh đúng “diễn biến xã hội”, “tâm thức thời đại” nên dĩ nhiên là ‘bình thường”. Nhưng có biết đâu cái được xem là “bình thường” ấy lại chính là khởi đầu cho những cái bất thường. Đáng nói những chuyện như vậy lại đang được số đông “làm chứng” cho nhau. Nhưng giá trị con người thì không cần phải thống kê cũng thấy nó ngày càng mai một và mất giá. Có nhu cầu nào trong những “nhu cầu” trên mà không làm cho con người “khoan khoái”. Nếu không “khoan khoái” liệu người ta có bỏ qua danh dự, nhân phẩm để lao đầu vào đó không? Không nên và không thể bênh vực những nhu cầu “khoan khoái” kiểu “thoáng” như vậy mà hạ thấp cái đẹp, hạ thấp cái chuẩn giá trị căn bản được.
Như vậy xã hội chúng ta đang dần thiếu đi những người làm chứng tích cực, trong khi thông tin dư luận vẫn chưa có đủ sự tiếp cận cần thiết để nhìn nhận những diễn biến xã hội trên nền tảng những giá trị văn hóa tinh thần và xa hơn nữa là những giá trị tâm linh. Nên những sức mạnh thực sự ấy đã và vẫn đang bị vùi lấp dưới những vẻ ngoài hào nhoáng của một xã hội mà lối sống thực dụng, hưởng thụ đang trở nên “bình thường” trong cách nghĩ của “số đông”.
Người làm chứng tích cực là người tôn trọng sự thật. Người làm chứng tích cực là người hiểu vật chất và nâng tầm giá trị, vẻ đẹp tinh thần. Người làm chứng tích cực là những cá nhân tôn trọng chân-thiện-mỹ. Người làm chứng tích cực là một nền giáo dục tôn trọng chân-thiện-mỹ. Người làm chứng tích cực là các phương tiện thông tin tôn trọng chân-thiện-mỹ. Và người làm chứng tích cực ấy chính là người hiểu được sự tương quan giữa ta và người, giữa nhân và quả trong xã hội.
Khi xã hội có đủ những người làm chứng tích cực thì cái nền nếp, cái đẹp mới có cơ hội hiện diện. Và khi cái nền nếp, cái đẹp đã hiện diện thì một vật vô tình như đèn giao thông, biển cấm xả rác, biển cấm hút thuốc nơi công cộng, những văn bản “ba không”, “bốn không”, những biểu hiện “vui buồn” của thiên nhiên cũng có tác dụng để trở thành “người làm chứng tích cực” bên cạnh con người.
Không thể mong rằng xã hội sẽ không còn người nói dối. Nhưng có thể mong rằng xã hội sẽ bớt đi những người nói dối với động cơ hại người và làm vùi lấp cái đẹp, để con bớt nói dối mẹ, thầy bớt dối trò, chính quyền bớt dối nhân dân, để mọi người bớt nói dối nhau.
Trong bài hát “Em đến thăm anh đêm ba mươi” của nhạc sĩ Vũ Thành An có câu: “Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Mong sao chúng ta để ý đến cái đẹp nhiều hơn và không chỉ có người phu quét đường hay chiếc lá vàng mà cho đến một hạt cát một hột bụi nhỏ cũng thể trở thành “người làm chứng tích cực” đối với lời nói, hành vi của mỗi chúng ta.
Thường Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét