Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2007

TÌNH DỤC “THOÁNG”: CHẤT VIỆT Ở ĐÂU?





Khi chúng ta bàn đến tình dục “thoáng”, phải chăng xã hội đã và đang tồn tại một thứ tình dục “không thoáng”?

Mỗi một trào lưu sống đều có những “lý thuyết” riêng cho sự tồn tại của mình. Dĩ nhiên bao giờ một vấn đề trong cuộc sống cũng có hai mặt của nó. Và có những cái do “số đông” nắm giữ nhưng chưa chắc đã phản ánh đúng các diễn biến của cuộc sống theo một chuẩn giá trị xét trên hai bình diện văn hóa và đạo đức.
Tình dục là một “nhu cầu” cơ bản của con người, nhưng không có nghĩa rằng “sống” lúc nào cũng phải chăm chú với nó. Bởi tùy theo tuổi tác, giới tính, sắc tộc, tôn giáo mà vấn đề tình dục được quan niệm một cách không thống nhất.
Vậy tình dục “thoáng” là tình dục như thế nào? Là nhu cầu “tự do” tình dục hay vượt ra ngoài các “chuẩn mực” thông thường?...
Nếu đã xem tình dục là một “nhu cầu” thì phải có cái đáp ứng cho nhu cầu ấy. Và cụ thể xã hội đã xuất hiện “tình dục hàng hóa”: có kẻ mua và người bán. Nhưng chúng ta đã cấm hình thức tình dục kiểu này, vì nó không hợp với thuần phong mỹ tục, cho dù nó được thực hiện ở một nơi kín đáo, có công cụ phòng tránh an toàn và người tham gia đủ độ tuổi…
Ngoài ra trong tình yêu còn có hình thức tình dục “tình nguyện”, miễn là đủ tuổi thì sẽ không phạm luật. Nghe ra cũng “thoáng” đấy chứ, bởi đối tượng tham dự “tình nguyện” trao nhau. Nói là vậy, chứ để đến lúc “tình nguyện” trao nhau, không phải không có nhiều “tốn kém”.
Có người đi sâu vào lý giải vấn đề tình dục và cho rằng, tình dục phải gắn với “tình yêu chân thật”, “sự hòa hợp của hai tâm hồn, thể chất”, “động cơ trong sáng, chung thủy”… Đó là những điều cần phải được phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, sự giao ước ấy quá mong manh, vì rằng “để trao nhau”, có thiếu gì những ngôn từ “có cánh” như vậy được nói ra, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau… không hiểu sao… nó cũng nhanh chóng “bay mất”. Đã có nhiều người tỉnh ra: “biết dại”. Thế là lại phải nói đến sự tỉnh táo, sáng suốt, biết chọn người mà “trao thân gửi phận”. Nhưng nếu cứ “tỉnh táo và sáng suốt” như vậy thì “yêu” sao được, mà nói đến chuyện “sớm” hay “thoáng”.
Nếu tình dục bản năng quả là do “cái sung sướng mách bảo, xui khiến” thì ít ai trong các bạn trẻ có đủ “bình tĩnh” để ngay lúc ấy bàn luận về sự trong trắng hay không. Và chắc chắn ở đời sống tình dục bản năng, không ai đi đòi sự “bình quyền”, “được mất” cả. Sự trong trắng hay không được đặt trong một quan niệm tình dục khác: “tình dục trong hôn nhân”. “Thoáng” chỉ có ý nghĩa trong cách nghĩ “tiền hôn nhân”, có nghĩa rằng đã quyết định yêu nhau, lấy nhau thì phải học cách quên “quá khứ riêng” của nhau, quên cái chuyện nhạy cảm “trinh” hay “không trinh”… Còn trong hôn nhân thì chẳng ai muốn vợ hay chồng của mình tiếp tục “thoáng” hết.
Thế nên khi đặt vấn đề “trinh” hay “không trinh” thì chúng ta phải xem xét chữ “thoáng” ở cấp độ nào? Tuổi học đường là tuổi nào: học sinh hay sinh viên? Nếu không giới hạn được, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “người lớn” bàn chuyện “trẻ con”.
Thiết nghĩ, khi chúng ta chưa đạt “chuẩn” trong quan niệm về tình dục và giáo dục giới tính trong nhà trường thì không nên bàn chuyện “thoáng” hay không, vì không ai định mức được từ “thoáng” cả, và vì nhà trường đã nói là “không nên” thì không lý do gì chúng ta lại làm cái việc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Giới trẻ có đời sống tình dục nhưng chưa có “văn hóa tình dục”, chưa có đủ bản lĩnh để tự chịu trách nhiệm, thiếu một tình yêu thương của gia đình, cộng đồng nên cách xử lý tình huống khi “chuyện đã rồi” thường để lại những hậu quả đáng tiếc, gây dư luận xấu. Đó là điều chúng ta nên nghĩ để điều chỉnh lối sống của mình, của con em mình.
Dân tộc ta từng quan niệm về một lối sống hòa hợp với thiên-địa-nhân, hợp với môi trường văn hóa và hoàn cảnh sống chung quanh chứ chưa từng có cái gọi là “cấm dục”. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, thời Lê, có ban điều luật sau: “Con để tang cha mẹ mà vợ cả, vợ lẽ có mang thì bắt tội đi đày. Vợ để tang chồng mà dâm loạn bừa bãi… thì phải tội chết. Nếu đang có tang, ra ngoài thấy đám trò vui mà cứ mải mê xem không tránh thì bị phạm tội đi đày…”. Hay trong đạo Phật, người vợ hay chồng, khi “quan hệ”, trước đó phải giữ gìn sức khỏe, tiết chế tình dục, không phung phí sức, không mê mờ trí, nghĩ điều thiện lành để có ích cho sức khỏe, cho bào thai (nếu có). Như vậy quy định rất rõ trong những điều kiện, hoàn cảnh nào thì nên và không nên quan hệ tình dục. Khoan nói đến chuyện “hay dở”, bởi mỗi thời đại có một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, trong các chuẩn giá trị, xét ở mặt bản sắc văn hóa, chúng ta vẫn chưa có nhiều kế thừa và điều chỉnh sao cho phù hợp với một lối sống mới, hiện đại.
Nếu có một người phương Tây hỏi: “Quan niệm tình dục của người Việt Nam như thế nào?”, chúng ta sẽ phải trả lời ra sao? Dĩ nhiên, họ không muốn thấy chúng ta “mượn” những quan niệm tình dục của khoa học nói chung và của dân tộc họ để giải thích cho vấn đề “tình dục” của mình. Theo chúng tôi, có lẽ “thoáng” hay không không phải là vấn đề, mà trong “tình dục” hãy chỉ cho tôi biết “chất Việt” của bạn ở đâu?

Nguyên Văn

1 nhận xét:

  1. Chào gia đình Sen Việt. Hôm nay lần đầu tiên Võ biết blog SV. Đọc bài viết này thấy rất hay. Đúng là chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân bây giờ được giới trẻ ủng hộ gần hết rồi, chỉ còn một số người nói không thôi. Khi hỏi thì Họ có nhiều lý do để biện minh cho ý nghĩ này. Đọc báo thấy nhiều cô đi phá thai mà phát cáo. Nếu như các cô không có cái tư tưởng sống thoáng thì đâu đến nỗi phải bị các boy dụ dỗ như thế.

    Trả lờiXóa