Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

NUỚC CHẢY CHỖ TRŨNG



Miền Trung năm nào cũng phải đối mặt với bão lũ. Nếu nói trên mặt lý thuyết thì kinh nghiệm phòng chống bão lũ của Việt Nam có lẽ thuộc vào những nước đứng đầu. Vì bão lũ là một phần trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Nhưng tại sao hậu quả của lũ lụt mà người dân phải gánh chịu lại nhiều tang thương đến như thế? Không có kinh nghiệm nào trong những nỗi đau chăng?...

Chúng ta có ủy ban phòng chống lụt bão từ cấp trung ương đến địa phương. Nhưng cứ nhìn vào cách “phòng” và “chống” thôi thì cũng đủ suy ra những cái thiếu và yếu trong cả nhận thức lẫn lương tâm.
Có chống được bão lũ không? Bao nhiêu năm nay rồi, lũ đi lũ đến, lũ vào lũ ra, lũ càn, lũ quét. Bão lũ đi đến đâu thì sức người không cản nổi, đê vỡ, cầu cống hư hỏng… và chưa khi nào chúng ta bắt được lũ và khiến lũ đi đúng đường cả. Thế nên thực tế không có chuyện chống được “bão lũ” mà chỉ có chuyện hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bão lũ chỉ chống được trên các văn bản, khiến người ta nhìn vào đó mà cảm thấy yên tâm hơn thôi. Vậy bão lũ có “phòng” được không? Câu trả lời là có. Nhưng phòng như thế nào? Bão đến thì còn biết trước được cả tuần, nhưng vào đến nơi, nó bất ngờ đi vào đâu, làm gì thì khó mà dự đoán được. Lũ đến thì bất ngờ hơn vì cứ mưa to hai ba ngày không dứt là lũ. Chúng ta có những gì để phòng bão lũ? Câu người ta nghe nói nhiều nhất trên ti vi, báo đài là “lực lượng 3 tại chỗ”. Bão lũ đến, đất đai, cuốc xẻng cũng bị nhấn chìm, người ứng cứu dù có đông thì cũng chỉ biết đứng nhìn bão lũ hoành hành, chỉ cứu được bằng các phương tiện thô sơ vì sức người có hạn. Không biết cách cứu người, cứu tài sản thì không những không cứu được người mà còn thiệt cả mạng. Những phương tiện chuyên dụng để phòng bão lũ của ta gần như không có. Vì chủ yếu là điều động những phương tiện cứu hộ của các quân khu. Còn ở địa phương, người dân vẫn ngụp lặn trong lũ bằng những phương tiện ngoài mức tưởng tượng đó là can nhựa và bè chuối. Nhà nào khá hơn thì có được chiếc thuyền con. Những thứ ấy đi ở chỗ nước lặng bình thường còn nguy hiểm, huống chi là đi trong cơn lũ. Một cái sẩy tay, sẩy chân là theo lũ trôi đi mất dạng.
Năm nào mọi người cũng chứng kiến cảnh lũ lụt hoành hành những khúc ruột của mình. Nhưng năm nào cũng nhìn thấy cảnh người dân vật lộn với lũ bằng những phương tiện ngoài mức tưởng tượng như thế. Có lẽ có những tư duy “bù trừ” xuất hiện ở đây chăng? Nên hàng năm cứ nhìn lũ về là biết ngay sẽ có người chết trôi, co tan hoang, có chỉ đạo, có ngân sách, có quyên góp cứu trợ… Điều này đã trở thành một “định luật” không vui chút nào. Nhưng ai là người ngồi tính cho một xã có bao nhiêu người, cần bao nhiêu thuyền bè và lương thực khi lũ đến để ứng cứu và tự ứng cứu?
Chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực, kịp thời của quân đội, của ủy ban tìm kiếm cứu nạn, của các tổ chức từ thiện xã hội… trong những cơn bão lũ. Nhưng đó chỉ là “chữa” lũ chứ không phải “phòng” lũ. Chữa lũ dù có tích cực như thế nào thì cũng không thể bằng phòng lũ. Phòng lũ có kinh nghiệm của phòng lũ, chữa lũ có kinh nghiệm của chữa lũ, không thể làm thay cho nhau được. Nhưng nói cho cùng, không ai muốn gia đình mình có người chết hay có người đói lạnh để nhận được sự quan tâm, thương hại cả. Sở dĩ chúng ta phải nói đến cái tư duy “bù trừ” là vì năm nào cũng như năm nào “lũ vẫn hoàn lũ”, “tang thương vẫn hoàn tang thương”. Gần như không còn cách gì khác với bão lũ, đành phải lấy “lãi” bù “lỗ”, lấy cái phát triển cả năm để bù vào cái “rủi ro”. Biết đâu nhờ sự “bất phá bất lập” ấy, những đầu tư đường xá, cầu cống, nhà cửa và những dịch vụ “ăn theo” sau lũ nữa sẽ “nhộn nhịp” hơn…
Không nên cứ ngồi mà mường tượng ra những điều không hay như thế, nhưng cứ nhìn vào những khen ngợi về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhìn vào cách phòng chống bão lụt mới thấy khoảng cách còn quá lớn. Không lớn sao được khi một bên là thu tiền còn một bên là chi tiền. Và cứ thử nhìn cách các lãnh đạo đến vùng lũ mới thấy, người dân đang đau khổ vì lũ thì trong những văn phòng vẫn bàn ghế, hoa hoét và cả những tấm băng-rôn “nhiệt liệt chào mừng… về thăm và chỉ đạo phòng chống lụt bão”. Đi chỉ đạo và bàn cách chống lũ có gì đâu mà phải “nhiệt liệt chào mừng”. Người xưa nói “nước chảy chỗ trũng”, nay mới nghiệm ra, bão lũ thì cứ đổ vào khúc ruột miền Trung, còn đầu tư hạ tầng cơ sở và các phương tiện khác cho bão lũ khác thì gần như vẫn vắng bóng ở đây. Đành trông chờ ở lòng người, tình đồng bào, nghĩa “tay đứt ruột xót” mà thôi.
Nhìn những hoành hành của bão lũ, thương quá máu thịt mình, cầm lòng không được mà vẫn phải đặt một câu hỏi: “bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu ích lợi đều vì dân” nay ở đâu?

Trần Điều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét