Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

LÒNG TRONG SẠCH



Trong khi xã hội loài người đang tràn ngập sự cạnh tranh và người ta phải quan ngại về những tiêu cực của nó, thì Singapore-một đảo quốc nhỏ bé hiện lên như một sự cạnh tranh “lòng tử tế”. Thường thì người ta cạnh tranh về các chỉ số phát triển, về cái gọi là sự ưu việt của Tư bản chủ nghĩa hay Xã hội chủ nghĩa, về cái gọi là vật chất quyết định ý thức hay ý thức quyết định vật chất... Nhưng bỏ qua sự cạnh tranh kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước” ấy, người Singapore cạnh tranh “lòng tử tế” với phần còn lại của thế giới, bởi họ tin rằng “lòng tử tế” mới phản ánh đúng chất lượng con người…

Lòng tử tế được ông thủ tướng Lý Hiển Long giải thích: “Một là phải biết chào hỏi nhau, không quên nói “làm ơn”, “cảm ơn”. Hai là phải quan tâm, ân cần với nhau, chẳng hạn như nhường ghế cho người cần đến nó hơn, hay lau bàn, dọn mâm sau khi ăn”.
Lòng tử tế được nhìn nhận như vậy “vào quá”, “thấm quá” mà không cần phải mất những hội nghị bàn vuông, bàn tròn và những tranh luận triết học nào. Trong khi đất nước mình tìm lời giải cho cái gọi là “triết lý giáo dục” thì người Singapore đã “biết” (tri) và “làm” (hành) từ những việc nhỏ nhất ấy: “làm ơn”, “cảm ơn”, “quan tâm”, “ân cần”… Có điều thiện to lớn nào mà không xuất phát từ những điều thiện nhỏ như vậy. Chúng ta muốn chứng tỏ với người nên thường hô hào những bài học đạo đức, để cho tuyên ngôn văn hóa xanh đường, đỏ phố trong khi “lòng tử tế” thì không tỉ lệ thuận với điều đó. Cái tâm lý khen mình thì thừa mà chê người cũng không thiếu ấy đã làm cho chúng ta bỏ qua những bài học tưởng chừng như đơn giản “lòng tử tế” của con người với nhau: tình thân gia đình, tình hàng xóm láng giềng, tình bạn hữu, thầy trò, tình yêu thiên nhiên, dân tộc… Lòng tử tế ấy làm nhân quả tốt đẹp cho nhau. Và lòng tử tế ấy được tưởng thưởng bằng ích lợi: ích mình và lợi người, từ đó ích lợi cả hai. Chính vì vậy mà ông Lý Quang Diệu nói: “Khi một nhà đầu tư cần người, trong một hàng ngang các “con người” mà tài trí, sức lực, giỏi giang như nhau, người ta sẽ chọn người Singapore”.
Tại sao những nhà lãnh đạo của Singapore lại có một cái nhìn tự tin như vậy? Vì họ tin vào sự tử tế, tin vào lòng tốt của con người. Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh: "Khi đã tăng trưởng và hội nhập toàn cầu, các giá trị về sự quan tâm, lòng trắc ẩn, tình láng giềng trở nên quan trọng còn hơn trước. Không một xã hội nào có thể tồn tại và thịnh vượng nếu công dân của họ chỉ biết theo đuổi sự giàu có về vật chất. Lòng tử tế là sợi chỉ chạy xuyên qua các chất liệu tạo nên xã hội, giúp nó trở nên mạnh hơn và dính kết". Như vậy, Singapore “cạnh tranh” với thế giới về lòng tử tế để điều chỉnh nhận thức về cạnh tranh của con người: cạnh tranh để làm tốt đẹp cho nhau, không phải để hủy diệt nhau.
Nền kinh tế tri thức của Singapore được đặt trên nền tảng của “lòng tử tế” mà không nhằm chứng minh “mô hình” xã hội ưu việt nào, vì trong con người, mô hình ưu việt nhất chính là “lòng tử tế”. Một xã hội đề cao lòng tử tế như vậy thì làm sao “mỗi lỗ chân lông đều tiết ra bùn, máu và nước mắt của người lao động” (Tư Bản, C. Mác) được. Sự vận động và điều chỉnh linh hoạt của một xã hội mà từ người đứng đầu đất nước đến người dân bình thường đã nói lên khát vọng hạnh phúc, khát vọng vươn lên cái đẹp, cái thiện thực sự của dân tộc đó. Dĩ nhiên “sự tử tế” ấy đã đưa xã hội vượt trên và vượt xa cái nhu cầu “cơm ăn, áo mặc và được học hành”.
“Lòng tử tế” không thuộc sở hữu riêng của người Singapore, nhưng họ đã hơn người trong thái độ không lãng quên và không cố tình lãng quên nó. Lòng tử tế là lối sống ứng xử thường trực của một dân tộc. Lòng tử tế ấy không phải là “di tích”, “thắng cảnh” để mọi người ghé thăm và rồi bỏ qua. Nói vậy để chúng ta bình tâm đọc lại những ứng xử của ông cha mà cố gắng làm theo. Trong bài phú “Cư trần lạc đạo”, vua Trần Nhân Tông phát biểu: “Tịnh độ chính là lòng trong sạch. Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương”. Hóa ra không cần phải có một tranh luận triết học, tư tưởng nào cũng thấy “lòng trong sạch” chính là mô hình xã hội ưu việt của mỗi con người.
Lòng trong sạch của người Việt đã có. Còn chờ gì nữa mà chúng ta không đem đến cho nhau...

Nguyễn Ngọc Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét