Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2007

CỨ 10 NGƯỜI VIỆT NAM CÓ 1 NGƯỜI “TÂM THẦN”





PGS.TS Trần Viết Nghị, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần Trung ương, cho biết có khoảng 10-15% dân số Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số thực tế còn cao hơn nhiều. Điều đáng quan tâm là không chỉ có người dân lao động, sinh viên học sinh, doanh nhân mà giáo sư, tiến sĩ cũng “điên” như thường. Chất lượng dân số Việt Nam trong những năm tới sẽ như thế nào khi cứ 10 người thì có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần?...

Có thể hiểu “nôm na” về người có vấn đề về sức khỏe tâm thần qua các triệu chứng từ nặng đến nhẹ như sau: điên loạn, hò hét, đập phá, đánh người, tự sát, “adam”, “eva” giữa đường phố, khóc cười một mình, nói năng lảm nhảm, trầm cảm, thờ ơ, vô tình… Đâu là nguyên nhân của những biểu hiện trên?
Trong khi kêu gọi tình thương và lòng trắc ẩn của những người thân và cộng đồng còn đang bình thường cảm thông cho lời nói và hành vi của người bệnh thì không ai phủ nhận nguyên nhân của những triệu chứng tâm thần trên là do lối sống gia đình và xã hội. Có thể kể đến một vài nguyên nhân sau:
Thương trường căng thẳng: những cạnh tranh trong buôn bán đòi hỏi người ta phải bỏ ra nhiều sức lực và tinh thần hơn cho công việc. Và như vậy thời gian dành cho cuộc sống riêng tư, gia đình nhằm quân bình, lấy lại sức khỏe và tinh thần ngày càng ít đi. Thêm vào đó, những rủi ro trong kinh doanh làm cho nhiều người “mất ăn, mất ngủ”. Cách nhìn được mất, hơn thua, tiền bạc chật đầy trong suy nghĩ khiến cho nhiều người không đủ bình tĩnh để có thể làm những công việc bình thường như uống trà, tưới cây, gần gũi người thân, quan tâm tới cha mẹ, vợ chồng, con cái… Công nhân lao động bình thường thì tăng ca, tăng kíp mà lương vẫn không đủ sống để chi phí cho những nhu cầu tối thiểu về ăn uống, thuê nhà, bệnh tật…
Người già mất dần không gian sống: Con cái ngày càng bận rộn với công việc làm ăn. Cha mẹ ít được gần gũi để chia sẻ kinh nghiệm sống với con cái, sống thui thủi một mình, đi lang thang ngoài phố… Người nào may mắn thì có câu lạc bộ để tham gia, còn phần nhiều lo việc gia đình, con cháu, không còn thời gian nghỉ ngơi. Tiếng ồn quá tải, không khí ô nhiễm, bệnh tật, mất ngủ, mình nói con cháu không hiểu, con cháu nói mình không hiểu. Khoảng cách sống giữa các thế hệ ngày càng cách biệt. Đó là chưa kể đến những cha mẹ bị con cái bỏ rơi, không người thân thích, không nơi nương tựa…
Học tập quá tải: sinh viên, học sinh gần như ở trong tình trạng phải học tập quá tải. Sáng trưa chiều tối đều phải học, từ học ở trường đến học ở nhà, học phụ đạo, học thêm ngoại ngữ, tin học… Không còn thời gian nghỉ ngơi, chơi đùa, thư giãn vì áp lực từ các kỳ kiểm tra, thi dày đặc cộng với áp lực về thành tích của trường lớp, thầy cô, cha mẹ. Nhiều trong số đó thì bị cha mẹ bỏ rơi, không quan tâm dẫn đến chán học, chơi bời lêu lổng, nghiện internet, nghiện game, nghiện web đen, lối sống buông thả, không làm chủ được mình…
Yêu đương không giới hạn: giới trẻ ngày càng yêu vội, thương nhanh, yêu không giới hạn, thay bồ như thay áo. Thiếu những kiến thức tối thiểu về sức khỏe sinh sản, giới tính. Tình dục sớm, nạo phá thai, thích chụp ảnh khỏa thân, đóng phim sex…
Ly dị: ngày càng nhiều các cặp vợ chồng ly dị do thiếu quan tâm chăm sóc tới nhau, do cám dỗ của tiền bạc, tình dục bản năng. Thiếu lòng chung thủy, thờ ơ với vợ chồng con cái. Bên cạnh đó, ly dị còn có nguyên nhân từ những triệu chứng bất lực ở nam giới, trầm cảm ở nữ giới, nghiện rượu, nghiện ma túy…
Các rủi ro khác: các rủi ro đến từ thiên nhiên như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa. Tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Bị mất đất đai do những văn bản trái quy định pháp luật. Bị mất việc làm. Áp lực công việc, áp lực cuộc sống. Bị hàm oan, bị bức hiếp, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, cuồng tìn tôn giáo, ám ảnh dị đoan…
Thực trạng trên là những tác nhân gây nên những tổn thương thể chất và tinh thần, tùy theo mức độ nặng nhẹ đã gia tăng con số người mắc bệnh tâm thần một cách đáng kể trong những năm gần đây.
Chúng ta có cảm giác như thế nào khi chứng kiến một người không có mảnh vải nào trên người đang đi lang thang? Chúng ta nghĩ gì khi một học sinh lớp 3 chưa đến năm giờ sáng là vùng dậy vồ lấy cái cặp và cứ đi lên đi xuống cầu thang, miệng thì lẩm bẩm? Chúng ta hiểu ra điều gì khi người phụ nữ mới 1 mụn con, cứ ngồi nhìn vật gì đó không chớp mắt cả tiếng đồng hồ, ai gắp gì cho ăn cũng không biết? Chúng ta phải làm sao khi một thanh niên gặp ai cũng muốn chém giết và hát một cách hùng hồn rằng “đường vinh quang xây xác quân thù”?... Có rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm như vậy, chỉ mong chúng ta chia sẻ, nhìn và đối xử với họ như những con người. Bởi họ trực tiếp, gián tiếp là nạn nhân của lối sống gia đình, xã hội mà trong đó, hoặc có lúc vô tình, cố ý, lời nói, hành động của mỗi người chúng ta đã làm cho căn bệnh này nặng thêm và gia tăng.
Chúng ta nên điều chỉnh các nhu cầu hàng ngày để có một thể chất và tinh thần mạnh khỏe, an vui. Và lòng yêu thương, chia sẻ chính là nhân tố mang đến cho chúng ta sự quân bình, hài hòa. Cuộc sống là tương quan, tương duyên. Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi sớm nếu nhận được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, sự chăm sóc yêu thương của gia đình và cộng đồng.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì ngày nay, trung bình cứ 4 người có một người bị tác động bởi các rối loạn tâm thần hoặc thần kinh. Theo bác sĩ Gro Harlesn - Giám đốc WHO - không có một gia đình nào, không một người nào mà lúc này hay lúc khác không có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trên thế giới (thống kê năm 2001) có tới 450 triệu bệnh nhân tâm thần (trong đó có 54 triệu người bị tâm thần phân liệt, 50 triệu bị động kinh, 121 triệu bị trầm cảm, 10-20 triệu người định tự sát và 1 triệu người tự sát mỗi năm). Nhưng tiếc thay 2/3 trong số đó không tiếp cận được các dịch vụ y tế gây ra 1/3 số người bị tàn phế.

Quang Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét