Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

ĐẶC ĐIỂM CỦA TRÍ THỨC VIỆT NAM?


Nói thật, bây giờ tôi không dám sử dụng động từ “dạy” nữa, vì trong thực tế tôi có dạy gì đâu. Tôi như một chiếc cassette xuất hiện trước sinh viên, lặp đi lặp lại những điều đã có trong đầu từ bao năm nay để kiếm sống. Anh thấy đó, ngôi nhà này tôi vừa xây là nhờ vào tiền kiếm được. Để như vậy, tôi phải dạy ngày, dạy đêm. Tôi không là trường hợp duy nhất nhé, hầu như tất cả các giảng viên bây giờ đều vậy. Tôi buồn lắm, không phải vì thiếu thốn vật chất mà là nỗi buồn, sự xấu hổ của một kẻ sĩ. Làm thế nào được, khi tôi phải nuôi vợ con tôi trong cái xã hội này? Tôi phải chọn lựa, một bên là bảo vệ hình ảnh của một trí thức chân chính trong tôi, bên kia là gia đình. Cũng như những người khác, tôi đã chọn gia đình…

Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Giáo Dục, 1994) định nghĩa: “Trí thức là người chuyên làm việc trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”. Còn theo Cao Huy Thuần, từ “trí thức” (intellectuel) được sử dụng để chỉ cho một dạng công dân của Pháp thời kỳ sau Công xã Paris, cuối thế kỷ 19, đó là “những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng của thời cuộc”. Cao Huy Thuần đã dẫn thêm định nghĩa của Karl Marx: “Trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội, nên họ phải là những người phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. (Thế giới quanh ta, NXB Đà Nẵng, 2006).
Nhìn nhận những định nghĩa trên, Chu Hảo cho rằng, Karl Marx nói đến “phê bình không nhân nhượng” và “xung đột với chính quyền” đều phải nằm trong luật pháp của xã hội đương thời (Chu Hảo đã cho “ý kiến riêng” này của mình bằng một từ “chúng tôi hiểu rằng” để giải thích không công cho định nghĩa của Marx. Nhưng Marx trở thành nhà triết học nổi tiếng bởi chính cái khí phách không biết "nằm trong" trước một xã hội Tư bản đang ở thời khủng hoảng). Chỉ cần nhìn cụm từ “nằm trong luật pháp” thì thấy rõ vì sao “trí thức” Việt Nam lại thiếu cái “vế thứ hai” quan trọng ấy. Trí thức chứ có phải ăn trộm đâu?
Vì vậy khi đi nói đến đặc điểm của trí thức các nước, ông Chu Hảo đã dẫn như khoe: “Trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã… Còn đặc điểm của trí thức Việt Nam như thế nào thì ông cũng chỉ có thể dẫn: “phò chính thống” (ông K.G), “quan văn” (bà P.T.H - người viết còn thấy bà Phạm Thị Hoài nhấn mạnh đến trí thức Việt Nam bằng hình ảnh cái “ỉu xìu”), và tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng” (theo Vietnamnet).
Khi bàn về vấn đề trên, chúng ta đã bỏ qua một câu nói được nhiều người quan tâm của Hồ Chủ Tịch: “Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.” (“Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr. 235-238).
Nếu theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt kể trên, đối chiếu với lời phát biểu của Hồ Chủ Tịch thì chúng ta mới chỉ có “trí thức một nửa”. Vậy phải đi tìm “nửa” còn lại ở đâu? Có lẽ nó không nằm ở phía “chân tay”: biết cày, làm công, đánh giặc (vì bây giờ có thí thức nào làm ruộng, làm công và đánh giặc đâu), mà nó nằm ở chỗ “nhiều việc khác”. Phải biết được cái “nhiều việc khác” ấy là gì thì chúng ta mới có thể tiếp tục bàn về đặc điểm của người trí thức Việt Nam (trên cơ sở nhận thức “chính thống” về trí thức) được.
Và nếu so sánh định nghĩa vừa “chính thống” vừa “ngoài luồng” một chút thì thấy ở Việt Nam, trí thức vừa rất thiếu mà lại vừa rất thừa. Rất thiếu vì không có cái “vế thứ hai”: có chính kiến riêng trước các vấn đề chính trị xã hội của thời cuộc; phê bình không nhân nhượng với bất cứ chính quyền nào… Rất thừa vì chỉ cần người có trình độ cử nhân trở nên là đã đứng vào hàng ngũ trí thức. Nhưng chợt giật mình, vì cứ theo những “định nghĩa” và “tiêu chí” cả “nội” lẫn “ngoại” trên thì Việt Nam hiện nay “chưa có trí thức?”. Và nếu chưa có trí thức “đúng nghĩa” thì có thể hội nhập và phát triển nền kinh tế tri thức, phấn đấu ngang tầm với trí thức thế giới hay không?
Vietnamnet và tạp chí Khoa học và Tổ quốc mở ra diễn đàn “trí thức” với những vấn đề “rất đắt” như: “Khái niệm trí thức được hiểu như thế nào? Chúng ta nghĩ gì về trí thức Việt Nam trước đây, hiện tại, và tương lai? Chúng ta biết gì về bản thân những con người cụ thể, cũng như vai trò của họ trong vận mệnh dân tộc?”, đã không ít ngày rồi, nhưng thực sự vẫn chưa nóng.
Chúng ta lưu ý đến phát biểu của ông Nguyễn Quang A: “Người trí thức một mặt phải có lòng dũng cảm nói lên ý kiến của mình, đấu tranh vì những giá trị phổ quát của nhân loại như tự do, bình đẳng (thực ra là giảm bình đẳng) hạnh phúc, thịnh vượng, công bằng xã hội (thực ra là giảm bất công xã hội). Trí thức phải trung thực, độc lập, sáng tạo, tự chủ, góp sức mình cho sự nghiệp phát triển của đất nước, mặt khác phải có trách nhiệm và cân nhắc về những điều mình nói và mình viết vì chúng có thể tác động sâu sắc đến xã hội” (Vietnamnet).
Từ “bình đẳng” và “công bằng” được ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh bằng cái gọi là “thực ra là giảm”. Ai chẳng biết thế. Tuy nhiên cái chữ “tự do” thì bị “phớt” đi bằng một cái “quyền tự do” thông qua lòng "cởi mở" của internet (không “chính ngạch” như báo viết). Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận có sẵn trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng cứ “tự do” đi là sẽ thấy ngay hậu quả nhãn tiền: nhẹ thì "chỉnh huấn, học tập tư tưởng", nặng thì bị chụp mũ “phản động” (có nhiều người đã “giác ngộ” và hiểu rằng cần phải biết tự do trong khuôn khổ cho phép, đừng nói chi đến cái “không lùi bước trước kết luận của chính quyền” - Marx).
“Dũng cảm nói lên ý kiến của mình” là để đấu tranh với những thói hư, tật xấu của trí thức trong xã hội mình đang sống cái đã, khoan nói đến “những giá trị phổ quát của nhân loại”, vì nó lớn lao quá. Thử hỏi có “trí thức” nào viết mà không “cân nhắc” đến cái “tác động sâu sắc”? Lâu rồi, người ta vẫn “cân nhắc” trên tinh thần “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” đấy thôi. Chỉ có như vậy “bàn tiệc” mới trọn vẹn đồ uống và thức nhắm. Nếu chỉ có một bên phải “mất” là thiếu bình đẳng. Thiếu bình đẳng sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn thì sẽ có người nổi nóng, hoặc cả hai cùng nổi nóng. Người nào “định hướng được dư luận” người đó chiếm ưu thế (mà không có báo, đài, truyền hình ở trong tay thì sao có thể định hướng dư luận được). Tuy nhiên, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, lời khuyên “cân nhắc” của ông A rất có giá trị. Phải là người từng trải lắm, thậm chí là “oan ức” thì mới có thể có một lời khuyên sâu sắc đến như vậy. Nhưng vẫn phải xin thưa với ông một câu: “mâu thuẫn mới là nguồn gốc và động lực của sự phát triển”, cân nhắc với mục đích “dĩ hòa vi quý” vốn dĩ không phải thái độ thực sự của người trí thức.
Trên tinh thần “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” kia, chúng ta mới thấy được sự thỏa hiệp trong một hiện thực “ích lợi” cho cả hai (không phải lúc nào cũng thống nhất với ích lợi của số đông, của nhân dân). Nếu chỉ có một người ích lợi thôi thì không được. Đó là lý do tại sao có những người trí thức đang bất đồng (một cách tự do, chân chính) tự nhiên thay họ, chuyển giọng, đổi bút đen thành bút đỏ, và nhanh chóng được tưởng thưởng bằng một chức vụ nào đó…
Từ đây, có thể thử đưa ra một đặc điểm tương đối phổ biến của trí thức Việt Nam đó là “khen trước mặt chê sau lưng và sẵn sàng thỏa hiệp khi có lợi ích”. Và sự khen chê này có được hoán chuyển từ trước ra sau hay không còn tùy thuộc vào “ích lợi” ở mức nào. Trong một chừng mực nào đó, ở đặc điểm này, người trí thức đương đại chỉ có thể xếp vào kẻ "ném đá giấu tay" hoặc cùng nắm là “hạ quân tử” theo quan điểm Nho gia (hạ quân tử: nắm đuôi hổ mà đánh; trung quân tử: cưỡi lưng hổ mà đánh; thượng quân tử: nhằm mặt hổ mà đánh - Khổng Tử).
Khen trước mặt để không phải khó khăn với cơm áo gạo tiền. Chê sau lưng để tỏ ra mình còn có vai trò phản biện mang tính tri thức. Chỉ cần đi dạo một vòng các trường đại học sẽ thu được những kết quả bất ngờ. Thầy “chê” trên bục giảng của chúng ta không thiếu. Nhưng thầy “viết” thì cực kỳ “cân nhắc”, vì học đến cỡ ấy có ai mà không hiểu ra “bút sa là gà chết” (chết chứ không phải sống vật vờ đâu).
Đó cũng chính là bộ mặt của cái “yếu tố kinh tế” mà ông Nguyễn Khánh Trung (Pháp) khi nói về tâm sự của một người thầy mà ông từng tiếp xúc: “Là người giảng viên, tôi có hai chức năng: nghiên cứu và giảng dạy. Khổ nỗi, tôi không thể chu toàn hai nhiệm vụ đó. Nói thật, bây giờ tôi không dám sử dụng động từ “dạy” nữa, vì trong thực tế tôi có dạy gì đâu. Tôi như một chiếc cassette xuất hiện trước sinh viên, lặp đi lặp lại những điều đã có trong đầu từ bao năm nay để kiếm sống. Anh thấy đó, ngôi nhà này tôi vừa xây là nhờ vào tiền kiếm được. Để như vậy, tôi phải dạy ngày, dạy đêm. Tôi không là trường hợp duy nhất nhé, hầu như tất cả các giảng viên bây giờ đều vậy. Tôi buồn lắm, không phải vì thiếu thốn vật chất mà là nỗi buồn, sự xấu hổ của một kẻ sĩ. Làm thế nào được, khi tôi phải nuôi vợ con tôi trong cái xã hội này? Tôi phải chọn lựa, một bên là bảo vệ hình ảnh của một trí thức chân chính trong tôi, bên kia là gia đình. Cũng như những người khác, tôi đã chọn gia đình…” (Vietnamnet).
Sự lựa chọn của người trí thức bao giờ cũng nhiều dằn vặt, mâu thuẫn và đau đớn. Nhưng chỉ có thế người trí thức mới là người trí thức đúng nghĩa. Trong xã hội, người trí thức sống tốt đã là đáng quý, nhưng người trí thức nhận ra những lỗi lầm, giới hạn của bản thân mình còn đáng quý hơn. Thế mới biết, thái độ và cách ứng xử trí thức nhiều khi còn được đánh giá cao hơn cái giả danh “trí thức”.

Thái Nam Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét