Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

"SCANDAL" THÙY LINH: TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ


Mấy tuần qua, trong thế giới mạng, với một cộng đồng mà tuổi tác, giới tính không có ranh giới đã “không bình yên” về đời sống “riêng tư” của diễn viên Thùy Linh (Vàng Anh), 19 tuổi - thần tượng tuổi teen. Những thông tin trái chiều nhau liên tục được đăng tải. Có người giận, có người buồn đến xót xa, có người cảm thông và tha thứ. Nhưng đằng sau “lối sống” của Thùy Linh, đã cảnh báo điều gì cho vấn đề giáo dục của xã hội và gia đình?

Giáo dục xã hội
Cách bước vào thế giới “người lớn” của Thùy Linh, ở tuổi mới trưởng thành có độ chênh khá lớn trong nhận thức. Có người nói: “Con trẻ có cách nghĩ riêng của nó. Và chúng ta phải biết điều chỉnh đế con trẻ hiểu thế giới này luôn luôn tốt đẹp. Đến lúc con trẻ trưởng thành hơn trong nhận thức và có thể tự bảo vệ được mình thì chúng ta phải có trách nhiệm chỉ ra cho chúng thấy: thế giới này không chỉ có một màu hồng”.
Nhưng chưa bao giờ xã hội phải chứng kiến sự bùng vỡ của thông tin như hiện nay. Tất cả những chuyện tiêu cực của đời sống như: tham nhũng, trộm cướp, giết người, hiếp dâm, nghiện hút hay đến việc làm thế nào để thỏa mãn "chuyện ấy" (“3 cách” hay “7 cách”)… đều có thể được phơi bày một cách hiển nhiên trên mặt báo. Và báo chí cố gắng khai thác những thông tin “nóng” này để tăng số lượng phát hành. Trong khi đó, chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường thì vẫn gần như chưa bước chân ra khỏi giáo dục thời “bao cấp”: nhồi nhét và áp đặt. Còn vấn đề “giáo dục giới tính” thì vẫn đang được “thử nghiệm”, và cũng đã hơn mấy năm rồi, nhưng kết quả ra sao… thì… “còn chờ”... Qua dư luận, chứ không phải qua những “điều tra xã hội học” thì ở lĩnh vực giáo dục đạo đức lối sống, chúng ta còn tụt hậu hơn so với thời phong kiến.
Nói gì thì nói, bài học chỉ là bài học. Cách giáo dục hiệu quả nhất vẫn là lối sống làm gương của người lớn. Miệng nói tốt, nói hay mà lối sống không tốt không hay thì sẽ gây ra hiệu ứng ngược, thậm chí là dẫn đến tình trạng “kháng thuốc” trong cách nghĩ của con trẻ. Chúng ta - những người lớn tự cho mình cái quyền nói và làm những việc chúng ta cho là “đúng”, nhiều lúc vô tình đã bỏ qua những xúc cảm, tình cảm của con trẻ, vậy thì con trẻ biết tin vào đâu mà sống?Cuộc sống là tương quan, tương duyên. Không nên nghĩ rằng những lời nói và việc làm dù nhỏ của mình là không ảnh hưởng đến ai, là “chuyện nhỏ”. Đạo Phật đã dạy, lỗi nhỏ mà không khéo điều chỉnh sẽ thành lỗi lớn, và ví dụ nó giống như: một giọt nước tuy nhỏ nhưng chảy lâu thì cũng có thể làm thủng cái cối đá. Nếu đã phạm lỗi thì nên từ bỏ lỗi trước không cho tái phạm và ngăn ngừa lỗi sau không cho phát sinh.
Thế nhưng qua thông tin, chúng ta nhận ra chúng ta “nói dối” với con trẻ nhiều quá, chúng ta hành động làm tổn thương tâm hồn con trẻ nhiều quá. Đã đến lúc người lớn ý thức nhiều hơn về lời nói, hành động của mình trước cộng đồng. Bởi trong chừng mực nào đó, những người làm công tác giáo dục vẫn chưa tìm được lối ra cho bài học đạo đức: không có điểm tựa, không có bản sắc và quan trọng hơn là thiếu trách nhiệm và niềm đam mê. Phải chăng có giai đoạn nhận thức, chúng ta đã vô tình “hất nước” (bài phong kiến” và “hất luôn đứa trẻ” (những chuẩn giá trị đạo đức, những bài học cơ bản làm người của xã hội phong kiến), nên bây giờ chúng ta không biết lấy gì để làm chuẩn giá trị.
Trong khi chúng ta đang mò mẫm đi tìm bản sắc và điểm tựa cho tinh thần, tâm linh của mình thì xã hội lại ồ ạt những biểu hiện “mất giá”. Những giá trị “thật” và những giá trị “ảo” làm cho con người không còn đủ bình tĩnh để nhìn nhận. Thực ra ở xã hội phương Tây, tình trạng này đã xảy ra từ rất lâu, và người ta đã nhận được những bài học đắt giá cho vấn đề này. Châu Âu và phương Tây có lúc đã phải đưa ra những khái niệm tổng quát về xã hội của mình như: “Bất tín nhận thức”, “Cái chết của châu Âu”, “Sự giãy chết của Chúa”… Và nhiều người đã tìm kiếm cách thoát ly vào các nẻo đường khác nhau: tình dục, bạo lực, tôn giáo cực đoan.
“Mất giá”, chúng ta hãy nhìn vào những sự kiện “mất giá” hàng ngày. Con cháu chúng ta phải chứng kiến những sự “mất giá” quá lớn trong đạo đức làm người. Những vụ án tham nhũng lớn có liên quan đến những cán bộ cao cấp của nhà nước, những vũ trường, nhà hàng, khách sạn ăn chơi được bảo kê, những vụ án cuớp của, hiếp dâm... nhan nhản trên các mặt báo và thường trực trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả điều đó đã vô tình hay cố ý tác động không nhỏ đến hành vi nhận thức của con trẻ. Chính con tôi, 17 tuổi, khi nghe bạn bè nói về cụ “scandal Thùy Linh”, đã tỏ ra rất dửng dưng: “Chuyện bình thường thôi mà, đó là riêng tư của người ta, có gì đâu mà phải ầm ĩ”. Nhưng sau lời nói đó, tôi nhận ra đó không phải là sự cảm thông mà là sự dửng dưng là “chuyện bình thường” đến thảng thốt. Điều gì đã khiến con tôi nghĩ rằng đó là “chuyện bình thường”?
Giáo dục gia đình
Tôi nói với con tôi rằng, mọi chuyện trong cuộc sống vốn dĩ rất bình thường, người ta chỉ sợ một ngày nào đó sẽ bất thường và rồi trở nên tầm thường thôi. Nhưng lúc chúng ta làm việc gì lầm lỗi thì điều đầu tiên là phải hổ thẹn và biết lỗi. Biết hổ thẹn là đức tính đáng quý, làm chúng ta trưởng thành hơn.
Và sau những điều tôi nói với con, tôi mới hiểu ra, bấy lâu mình nghĩ rằng mình hiểu con, nhưng thực ra tôi chưa hiểu gì nhiều về con tôi cả.Cha mẹ ngày càng không hiểu con mình đang nghĩ gì và sắp làm gì. Đó là một thực tế. Bởi nhiều bậc cha mẹ qua miệng “nói dối có nghề” của con, cứ tin rằng con mình chăm ngoan và mình vẫn đang kiểm soát được con, nhưng đến ngày nhận được những thông tin không tốt về con mình mới “vỡ lẽ”: không ngờ con mình lại có thể làm những chuyện như vậy.
“Chuyện như vậy” là chuyện gì? Đó là những chuyện mà không ai cho là phải. Nhưng “chuyện như vậy” đã được người lớn hàng ngày, qua lời nói và hành động của mình, tưới tẩm cho nó phát triển. Câu nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” chỉ để bào chữa cho những bậc cha mẹ ăn ở khá tốt nhưng lại có con hư. Còn thì phần nhiều do con cái học từ người lớn, gần là từ ông bà, cha mẹ, anh chị, xa là bạn bè, thầy cô, xã hội…
Cha mẹ là tấm gương phản chiếu lên con cái. Bởi vậy nếu cha mẹ có những biểu hiện lệch lạc trong lối sống: tham tiền, không chung thủy, hay cãi nhau, nói dối, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, trộm cắp, sống bất nhẫn, không hiếu kính ông bà, tàn nhẫn với anh em, người dưới… thì sức đề kháng của con trẻ với những chuyện đó rất yếu. Đến một lúc, hậu quả đổ lên gia đình, thì nhiều bậc cha mẹ phải nhận những lời hờn trách của con: “Cha mẹ đã dạy tôi làm như vậy đó. Các người chỉ biết mải kiềm tiền, mải hưởng thụ, ích kỷ lo cho riêng mình. Có ai nghĩ đến tôi đâu”. Có vân vân và vân vân những lời hờn trách có nguyên nhân như vậy từ con cháu chúng ta.
Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà người xưa khái quát: “Cha mẹ hiền lành “để đức” cho con”. Muốn hiểu con mình, chúng ta không chỉ quan tâm, chăm sóc, khuyến khích học tập, giáo dục tình thương yêu, giáo dục ý thức tự bảo vệ… cho con mà chính chúng ta hàng ngày phải ý thức điều chỉnh lời nói, hành vi của mình. Có như vậy, những tổn thương về thể xác, tâm hồn mới ít đi trong gia đình và những nỗi đau, sự tuyệt vọng, những hậu quả đáng tiếc mới vơi dần đi trong xã hội.
Thế giới chung quanh chúng ta, từ trong gia đình đến ngoài xã hội sẽ đẹp hơn, người hơn khi nào chúng ta hiểu rằng, chúng ta là những tương quan nhân quả của nhau. Nỗi đau, sự bẽ bàng của người này cũng là nỗi đau và sự bẽ bàng của tất cả chúng ta. Đừng đổ hết trách nhiệm đạo đức lên trên “scandal” của một cô bé. Thùy Linh, không chỉ trực tiếp là nạn nhân của chính lối sống có phần buông thả của mình mà còn gián tiếp là nạn nhân của chính lời nói việc làm hàng ngày của chúng ta. Ở vụ việc này, chúng ta nên nghiêm túc nhưng cũng nên rộng lượng hơn trong cách nhìn của mình.

Sơn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét