Với đời sống kinh tế ổn định, nhiều bậc ông bà, cha mẹ không tham gia vào một công việc cụ thể, nhưng vẫn xem việc “ăn hiền ở lành” như là một yếu tố quan trọng để làm gương, tạo dựng hạnh phúc và “để đức” cho con cháu. Họ là những người cầm cân nảy mực, giữ vai trò thăng bằng cho các thành viên, đem đến sự êm ấm và gàn gắn những điều đã đổ vỡ trong gia đình…
Trong cuộc sống, gần như không ai muốn trở thành gánh nặng cho mọi người, nên bằng cách này hay cách khác mỗi người đều có một “cái gánh” trên vai. Cái gánh đó không nặng như “gánh non sông”, “gánh cương thường” mà văn chương vẫn hay nhắc tới. Cái gánh đó gắn liền với đời sống thường nhật, và nó trở nên nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào thể trạng của mỗi cá nhân. Lúc còn trẻ khỏe, trí tuệ còn minh mẫn thì gánh nặng không phải là vấn đề đối với người gánh. Nhưng cũng một cái gánh ấy, lúc sức khỏe thể chất và tinh thần không đủ thì nó trở thành một cực hình cho người gánh. Và dĩ nhiên, cái gánh ấy trở thành gánh nặng.
Một người với mức lương trung bình khá chỉ đủ để chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu hàng ngày, bất ngờ một trong những yếu tố như bệnh tật, tai nạn… xảy đến, người đó có thể trở thành “gánh nặng” cho chính mình và cho người chung quanh. Một người với thu nhập vừa đủ để nuôi bản thân mình và một người con, nhưng vẫn tiếp tục sinh thêm một, hai người con nữa, thì lúc đó gánh nặng cũng sẽ hình thành… Như vậy có nhiều những yếu tố chủ quan và khách quan đang hàng ngày tạo nên gánh nặng và sự mất cân đối cho người gánh. Điều này càng trở nên phổ biến trong xã hội “hiện đại”.
Gánh nặng về vật chất không được giải quyết ổn thỏa sẽ nhanh chóng gây áp lực lên tinh thần, và ngược lại… Tuy nhiên, áp lực ấy đôi khi cũng cần thiết để tạo lực thúc đẩy cho quá trình “gánh”, và nếu hợp lý người gánh có thể điều chỉnh được lực gánh của mình. Nhưng nhiều lúc áp lực ấy xảy đến quá nhanh và thường xuyên, khiến người gánh lâm vào tình trạng mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Và có nhiều người vì muốn giảm bớt áp lực đã bất chấp diễn trình nhân quả, thực hiện những hành vi “gánh” một cách tiêu cực như gian lận, tham ô, trộm cướp, tư lợi… Như vậy gánh nặng ấy mỗi lúc một tạo ra cái vòng luẩn quẩn cho cá nhân: vừa làm cho cái gánh này nhẹ đi thì lại ghé vai vào một cái gánh nặng hơn, hậu quả nhiều hơn.
Nhận thức được giá trị và trách nhiệm của bản thân, mỗi cá nhân có thể tự điều chỉnh nhằm giảm bớt gánh nặng cho chính mình và gia đình. Đó là một trong những biểu hiện của hành vi đạo đức, xuất phát từ lòng trắc ẩn về sự tồn tại có ích của bản thân mình. Bất cứ một áp lực nào về thể chất và tinh thần đều có thể tạo ra một gánh nặng. Giảm áp là một trong những yếu tố cần thiết của quá trình tự điều chỉnh. Điều chỉnh về nhu cầu và các quy tắc ứng xử để có một đời sống hài hòa là một phần trong tiến trình giảm áp. Trong tiến trình ấy, biết đủ là một nguyên tắc đạo đức căn bản để tạo ra niềm vui và sự hạnh phúc. Nếu không biết đủ thì dù có một địa vị cao, một mức lương chót vót, người đó cũng đang tự tạo gánh nặng cho bản thân, thậm chí gánh nặng ấy có nguy cơ làm cho người đó qụy ngã và không thể đứng dậy được.
Bà H. là nhà giáo về hưu, làm phong bì thuê, khi được hỏi về công việc đã trả lời: “Phải làm một việc gì đó cho khuây khỏa, để con cháu thấy mình vẫn có ích, và quan trọng là không để mình trở thành gánh nặng cho con”. Anh T., một thanh niên thất nghiệp đã nỗ lực tìm được một việc làm, dù với đồng lương thấp nhưng vẫn vui vì đã có thể bớt phần nào gánh nặng cho gia đình. Ông V. 70 tuổi, vẫn hôm sớm chạy xe ôm cho biết: “Còn sức khỏe, gắng chạy xe để thêm một phần sữa cho cháu. Cha mẹ nó không phải lo cho mình nhiều thì sẽ có nhiều điều kiện để chăm con tốt hơn”…
Với đời sống kinh tế ổn định, nhiều bậc ông bà, cha mẹ không tham gia vào một công việc cụ thể, nhưng vẫn xem việc “ăn hiền ở lành” như là một yếu tố quan trọng để làm gương, tạo dựng hạnh phúc và “để đức” cho con cháu. Họ là những người cầm cân nảy mực, giữ vai trò thăng bằng cho các thành viên, đem đến sự êm ấm và gàn gắn những điều đã đổ vỡ trong gia đình. Chính nhận thức “để đức” bằng hành vi “ăn hiền ở lành” đã giúp bình ổn được những giá trị tinh thần cơ bản. Người làm lành mà thấy vui chính là người không những không tạo gánh nặng cho mình mà còn có thể chia bớt gánh nặng tinh thần cho người khác.
Trách nhiệm của người gánh chính là tạo nên một động cơ tốt cho hành động gánh. Động cơ tốt ấy cũng là một trong những điều kiện thuyết phục để người khác có thể chia bớt phần nào gánh nặng cho mình. “Đêm dài với người thức, đường xa với kẻ mệt” là một ẩn dụ mà Đức Phật đã nói đến. Nếu mỗi người phải “gánh” trong một trạng thái tiêu cực, gồng người, mệt mỏi thì con đường đi đến niềm vui và hạnh phúc càng trở nên xa vời. Tuy nhiên, ở vào hoàn cảnh nhất định, mỗi người đều có thể “gánh nặng”. Câu trả lời ở chỗ, bản thân mình đã từng san sẻ “gánh nặng” với người khác hay không.
Mai Thị Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét