Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

SỐNG VỚI CHỮ


Sống với chữ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó là dụng tâm của biết bao đời người xưa. Sống với chữ không ở trong phạm vi biết chữ, có học vấn hay không. Bởi có một số người học vấn cao mà không sống với chữ, nhưng có người không biết chữ mà vẫn hàng ngày sống với chữ…

Một chữ luôn luôn có hai mặt danh và nghĩa. Danh là hình thức của chữ và nghĩa là nội dung của chữ. Chuyện chữ nghĩa ám ảnh người xưa ghê gớm lắm, chính vì thế họ không chỉ học chữ để có kiến thức, tri thức mà họ học chữ còn để tôn thờ chữ, sống chết với chữ. Chữ là chữ của hiền thánh nên bao giờ cũng đẹp, cũng thiêng. Người biết chữ ngày trước ra đường nhìn thấy chữ trên một tờ giấy rách cũng cẩn thận nhặt lấy, đem về cất vào thư phòng. Người xưa quan niệm rằng không chỉ “văn” là người mà “chữ” cũng là người. Chữ không rời văn, văn không rời chữ. Nội dung của chữ càng hay thì hình thức của chữ càng phải được chăm chút cho đẹp. Nên chữ được viết ra không chỉ để ngắm mà còn để xét đến huyền cơ, thông với trời, cảm đến quỷ thần.
Mỗi khi xuân về, tết đến, đặc biệt trong thời khắc giao thừa, người xưa thường viết chữ mà mình tâm đắc để sống trọn vẹn với chữ đó trong một năm, nhưng cũng có người sống theo chữ đó đến suốt đời. Việc viết chữ mở đầu cho một năm diễn ra rất thiêng liêng, trang trọng, nên người ta thường dùng những từ như “vận bút”, “thảo bút”, “khai bút”… để nói đến hành động của người viết. Người được xếp vào hàng trí thức, quân tử là người phải biết thờ một chữ, biết sống với một chữ trong đời, hoặc là chữ “tâm”, chữ “đức”, chữ “nhân”, hoặc là chữ “trí”, chữ “từ”, chữ “hiếu”, chữ “nhẫn”, chữ “dũng”, chữ “liêm”…
Chữ nào cũng có nghĩa sống của nó, nhưng người xưa chú trọng đến những chữ làm cho tâm sáng, trí tỏ, đức tốt. Mỗi chữ ứng với tâm thể và có “duyên” với mỗi người, nên họ rất cân nhắc khi cho chữ, tặng chữ, ban chữ. Có người đi mua chữ về treo để khoe danh, khoe học vấn kỳ thực người đó không biết sống với chữ, biết thờ chữ, bởi hàng ngày họ ứng xử rất tệ với người thân, với hàng xóm chung quanh. Nhưng cũng có người “bán chữ” gặp được tri âm, tri kỷ, họ có thể tặng chữ mà không để ý đến việc người kia có học vấn, địa vị, tài ba đến đâu. Có người là nông dân chân chất hiền lành được người bán chữ tặng cho chữ “hiếu”, “nhân”, “tín”, “nghĩa”… Có kia mũ cao, áo dài đi mua chữ, không những người viết không bán mà còn bị ném theo những chữ “ưng”, “khuyển”. Thế mới biết cái giá của chữ là không thể như nhau. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người treo chữ “hiếu” trong nhà mà đối xử tệ bạc với cha mẹ; người treo chữ “tín” mà bất nghĩa với bạn bè…?
Nếu người trí thức mà không biết sống trọn vẹn với một chữ thiêng liêng, hướng thiện trong đời thì người đó mới chỉ là “trí thức một nửa”, có nghĩa rằng họ đang chăm chỉ “cóp nhặt” kiến thức, tri thức chứ họ chưa bước vào địa vị thực sự của người trí thức. Những kiến thức, tri thức ấy dù có được “cóp nhặp” và vun thành một đống cao như thế nào cũng chỉ dừng ở mức “đa văn”. Nhà Phật thường ví hai từ “đa văn” đồng mức với hai từ “chướng ngại”. Sở dĩ chướng ngại vì cái tri thức, kiến thức ấy chỉ dùng để tranh luận hơn thua, biện bác đúng sai, phục vụ cho sự thỏa mãn của bản ngã hiếu danh, hiếu lợi và nhiều khi còn gây nguy hiểm cho con người.
Không có ai bước vào địa vị cao khiết mà lại không có một chữ để sống cho đến hết cuộc đời. Điều đó cho ta thấy kiến thức và tri thức chỉ là một điều kiện để làm nên trí thức. Kiến thức và tri thức có thể tạo ra “cái tài” nhưng không thể tạo ra “cái tâm” cho con người. Người không có “tài” vẫn sống hạnh phúc với “cái tâm”. Người có “tài” mà không có “tâm” thì thường bị danh lợi dẫn dắt, khó có thể có một đời sống bình yên. Trong cuộc sống, “danh lợi” là hai cái mà làm cho con người đố kỵ và thù ghét nhau nhiều nhất. Chính vì thế người xưa không nói “tạo hóa đố tâm” mà nói “tạo vật đố tài”. Người xưa ví von chuyện “tạo hóa” là để nói chuyện “con người”. Bởi dù có thế nào đi nữa thì “nước xa” cũng không thể chữa được “lửa gần”. “Trời” không thể cứu người được nếu “tâm” làm người không có. Chẳng vậy mà Nguyễn Du không ngần ngại đúc kết rằng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Ông đồ xưa mất đi phản ánh sự suy tàn của “phong kiến”, nhưng sao không ít người thời nay vẫn cứ ngậm ngùi. Lịch sử cuộc sống cứ luôn luôn phải đi lên, tại sao lịch sử của phím đàn cứ phải nhắc mãi âm “đồ”. Có người đặt câu hỏi: “Phải chăng tiến bộ là một bi kịch của con người?”.
Ai có thể trả lời câu hỏi này? Không biết: “Bất thức”! Nhìn những ông đồ “giả” thời @ (a còng) bày bán “thư pháp” và nhìn những người ra kẻ vào mua chữ về treo, lòng cũng ấm lên đôi chút. Nhưng biết có còn ai hiểu chữ, thờ chữ và sống trọn vẹn với chữ, trong khi xã hội bằng cấp ngày một nhiều và ai cũng có thể hãnh diện “tự xưng” mình là trí thức?

Mai Thị Hoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét