Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

TRẺ VỊ THÀNH NIÊN NẠO PHÁ THAI VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH


Theo thống kê, Việt Nam thuộc những nước đứng đầu trên thế giới về tỉ lệ nạo phá thai, mà trẻ vị thanh niên nạo phá thai chiếm tỉ lệ % cao. Đây là điều rất đáng suy nghĩ, bởi tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên luôn đi cùng với tình trạng tình dục sớm, tình dục không an toàn...

Lâu nay, đã có nhiều giải pháp khác nhau cho vấn đề trên, cụ thể là một số nơi đã khởi động việc áp dụng “giáo dục giới tính” vào học đường. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một đánh giá khách quan, tổng kết kinh nghiệm của các nước đi trước, cũng như sự nhiệt tình một cách khoa học và phù hợp với văn hóa truyền thống cho vấn đề này. Trong khi những thông tin tràn lan, thiếu định hướng, không có tính sư phạm về “tình dục” lại tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Giáo dục giới tính ở học đường là vô cùng cần thiết, xong nó phải được thực hiện một cách bài bản và tỉ lệ thuận với giáo dục văn hóa, lối sống. Chính bản lĩnh văn hóa là cơ sở để trẻ tiếp thu về kiến thức “tình dục” một cách an toàn và không chệch hướng. Sở dĩ nói vậy, vì có người xem mô hình “giáo dục giới tính” ở phương Tây như lời giải cho bài toán hóc búa về vấn đề giáo dục giới tính ở Việt Nam hiện nay. Những bài học về sự bắt chước, rập khuôn, bê nguyên xi cách làm của người khác cần phải được ghi nhớ thường xuyên để rút kinh nghiệm. Tục ngữ ta có câu: “Vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng chưa bao giờ câu nói ấy được dùng để khuyến dụ cho một điều tích cực, huống gì là “vẽ” cho nó chạy đúng thì ít mà chạy sai thì nhiều. Thực tế, yếu tố “vẽ đường” trong giáo dục giới tính phần nhiều được chúng ta hiểu đơn giản như là một “công cụ”, tức là chủ yếu cung cấp cho trẻ “kỹ thuật” để trẻ có thể chủ động, thậm chí “thành thạo” hơn trong phòng tránh thai. Nhưng việc làm này có thể sẽ dẫn đến một thái cực khác mà nhiều người đang lo ngại, đó là nguy cơ thổi bùng lên tình trạng tự do tình dục. Cách giáo dục giới tính nặng về “công cụ” và “kỹ thuật” trên có vẻ làm cho một số bậc phu huynh yên tâm với hai chữ “an toàn”, nhưng đây không phải vấn đề gốc, bởi hầu như nó chỉ “an toàn” phần nào về thể chất, còn những tổn thương về tinh thần, cũng như làm chệch hướng trong tâm sinh lý, biến dạng trong tính cách thì hầu như vẫn chưa lường hết được.
Tình dục an toàn chỉ trở thành định nghĩa hợp lý khi cả hai người (khác giới) hoàn thiện những yếu tố về thể chất và tinh thần. Và đối với bậc phụ huynh, điều quan trọng là làm sao để con trẻ nhận thức được rằng, chúng chưa có nhiều chuẩn bị tốt về thể chất và tinh thần để đến với đời sống tình dục, cũng như bước vào đời sống gia đình. Cũng cần cho con trẻ thấy, quan hệ tình dục trước tuổi rất khó có thể tiến tới một đời sống hôn nhân tốt đẹp về sau, bởi tình dục sớm liên quan đến các vấn đề khác như: mang thai ngoài ý muốn, sẩy thai, nạo phá thai, vô sinh, sinh con chậm phát triển, khuyết tật, các bệnh hoa liễu và những tổn thương tinh thần khác. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên xem việc “giữ mình” của con cái chỉ là tránh cho một hậu quả không mong muốn (mang thai), và càng không nên hiểu “giữ mình” là phải tiêm vào đầu trẻ những thành kiến xấu xa về tình dục, thậm chí là không cần phải hiểu biết gì về chúng cả. Sự kiểm soát sinh lý một cách khắc khổ, thái quá cũng có thể gây nên những tác hại tiêu cực về tâm hồn và thể chất. Phải giúp trẻ hiểu rằng, sở dĩ trẻ phải “giữ mình” vì thể chất và tinh thần cũng như các yếu tố khác để chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình của trẻ chưa hoàn thiện, chưa đủ điều kiện.
Như vậy, không có phép mầu nào để mở cánh cửa này bằng chính những hành động đạo đức và sự quan tâm cần thiết của mỗi người trong gia đình, xã hội đối với con trẻ. Tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên cho thấy, chúng ta chưa có những bước chuẩn bị ban đầu cho vấn đề này như trường học, bệnh viện dành riêng cho những người mẹ tuổi vị thành niên, để giúp họ vượt qua khó khăn, sinh con an toàn... Cho nên cách giải quyết đối với trẻ vị thành niên mang thai của gia đình, trường học, đoàn thể thường rất tiêu cực như: thành kiến, cô lập, đuổi học, thúc ép nạo phá thai, thiếu tình yêu thương, nâng đỡ… Chính quan niệm nặng nề này đã bức bách trẻ đi đến tình trạng phá thai (giết người không phạm luật) phổ biến, và điều này không chỉ xảy ra ở trẻ vị thành niên mà ở cả những thanh niên đã trưởng thành (những người có thể tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình). Chúng ta nghĩ gì về tình trạng quan hệ tình dục sớm của trẻ, trong khi chúng vẫn còn chưa biết tại làm sao mà có thai và sinh con ra bằng đường nào?
Tình dục và đạo đức là hai đối tượng khác nhau, không thể đồng nhất, nhưng nó tương quan với nhau rất chặt chẽ. Bởi nếu đạo đức gia đình, xã hội xuống cấp thì hệ quả tiêu cực mà thế hệ trẻ phải gánh chịu là điều khó tránh. Do đó, vẻ đẹp thể chất và tinh thần không nằm ở những tuyên ngôn to tát mà chính nó phải là những nỗ lực tự thân và lối sống làm gương của gia đình và toàn xã hội. Nếu nhìn nhận vấn đề trên trong mối tương quan nhân-quả thì chúng ta sẽ hiểu, đạo đức lối sống của thời đại nào chính là sản phẩm của thời đại ấy. Còn nhớ, vào năm 1470 vua Lê Thánh Tông từng ra sắc chỉ: “Con để tang cha mẹ mà vợ cả, vợ lẽ có mang thì bắt tội đi đày. Vợ để tang chồng mà dâm loạn bừa bãi… hay đi lấy chồng khác thì đều phải tội chết cả. Nếu đang có tang, ra ngoài thấy đám trò vui mà cứ mê mải xem không tránh thì bì phạm tội đi đày”... Tinh thần của thời đại ấy, khoan nói đến chuyện “hay-dở” ở thời đại chúng ta, song rõ ràng con người luôn rất cần những chuẩn mực đạo đức để hướng dẫn hành vi của mình. Nên chăng, giáo dục giới tính cần kết hợp với việc đẩy mạnh giáo dục những chuẩn đạo đức làm người căn bản của dân tộc như không giết người, không tham lam trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu… Thực tế, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên chiếm tỉ lệ cao luôn tương thích với tình trạng mang thai. Nhưng nguyên nhân trẻ mang thai không hoàn toàn chỉ ở bản năng sinh lý, hay do thiếu công cụ phòng tránh, bởi thống kê cho thấy rất nhiều trẻ có công cụ an toàn trong tay nhưng vẫn không tự chủ được hành vi, mà phần lớn điều này lại do bia rượu gây ra. Chúng ta nghĩ gì khi trẻ vị thành niên phải mang thai, phá thai, vô sinh… lại có một phần nguyên nhân từ bia rượu. Vậy những gì đang là nguyên nhân trực tiếp, hay gián tiếp cổ vũ cho lối sống buông thả, thiếu chín chắn của trẻ? Chúng ta không nên đổ lỗi, rằng tuổi trẻ kém nghị lực, thiếu ý chí phấn đấu, sống thác loạn… trong khi số lượng các công ty bia rượu, thuốc lá, nhà hàng, khách sạn… được quảng cáo, cấp phép mọc lên nhiều hơn cả trường học.Tại sao phương Tây phải lên tiếng báo động về tình trạng ngoại tình, tự do tình dục? Nó có liên hệ gì đến quá trình “giáo dục sex” một cách công khai và phổ biến? Chúng ta nghĩ gì khi một lúc nào đó, xã hội chúng ta cũng phải đối mặt với tình trạng này?…
Trông người lại nghĩ đến ta luôn luôn là bài học cần thiết. Nhưng khi áp dụng một mô hình chúng ta nên xem nó có phù hợp với phong tục, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc hay không. Nền tảng xã hội Việt Nam là cấu trúc gia đình, vì vậy giáo dục đạo đức lối sống từ trong gia đình cần phải được chú trọng. Hiểu biết về tình dục không nên chỉ dừng lại ở khái niệm “an toàn” nghiêng về mặt sinh lý, thể chất. Có như vậy chúng ta mới ý thức để nhận thấy và loại biệt giữa tình dục có động cơ tình cảm, thủy chung, gắn liền với tình yêu thương và tình dục có động cơ chỉ nhằm thỏa mãn bản năng sinh lý.
Có thể nói rằng, tình trạng quan hệ tình dục trước tuổi và hậu quả của việc nạo phá thai chiếm tỉ lệ cao ở trẻ vị thành niên có nguồn gốc quan trọng từ một gia đình có nhiều xáo trộn, và một nền giáo dục còn nhiều bất cập. Vì vậy, “giáo dục giới tính”, cần được nghiên cứu kỹ càng, mở rộng sang đối tượng cha mẹ, anh chị… để họ không chỉ có kiến thức về tâm sinh lý mà còn cởi mở, tư vấn trực tiếp tùy theo nhu cầu, tâm lý, tính cách của con em mình, hơn là giáo dục một cách tràn lan trong trường học. Thống kê trên thế giới cho thấy, ngay cả ở những nước không có kết cấu truyền thống gia đình bền vững, phần nhiều những đứa trẻ sa ngã đều là nạn nhân của một gia đình có nhiều đổ vỡ về mặt tinh thần, lối sống, cụ thể là người làm cha làm mẹ thờ ơ, không quan tâm đúng mức đến đời sống tâm lý, tình cảm của con cái; thiếu không khí hòa hợp thương yêu, cảm thông chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Nói đúng ra, trẻ chưa có một người bạn thực sự (cha mẹ, anh chị, thầy cô…) để tin tưởng bày tỏ và nhận được những lời khuyên thích hợp làm định hướng sống cho mình, dĩ nhiên, không thể không nói đến động cơ giáo dục của chúng ta, bởi nó đang có nhiều biểu hiện chệch hướng.

Nguyễn Ngọc Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét