Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

CHÙA XƯA - CHÙA NAY


Anh Bắc hành du xuân năm nay có gì hay? Tuyệt vời bạn ơi. Du xuân với hiền nhân quân tử vốn là thăm thú danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn cái vẻ đẹp tráng lệ của non sông mà thêm yêu tổ quốc, mà tưởng nhớ, tri ân tiền nhân.

Hưởng cái trong sạch của trời đất mà tu dưỡng bản thân, xem cái vần vũ luân chuyển của vạn vật mà hiểu sâu hơn về thế sự. Có mỗi một chuyến du lịch văn hoá sinh thái mà cả rổ nhiệm vụ to đùng thế thì làm sao mà hoàn thành được!

Đó là nói cái ý nghĩa sâu xa của du xuân chứ ngày nay chỉ là một sản phẩm du lịch giá rẻ kích cầu. Nhiệm vụ chủ yếu là cúng vái cầu tiền, cầu chức, cầu con hay cầu được giải cứu..., cụ thể lắm không mù mờ vô mục đích như xưa. Thế anh lần này thì đi cầu gì?

Chả là nghe nói mấy năm nay chùa chiền mọc như nấm. Rất nhiều cái hoành tráng hết cỡ, sách Guinnes VN phải bổ sung liên tục muốn đi xem cho biết. Lại muốn được ôn cố tri tân. Ước được trở về cái chùa làng quê kệch, tiêu sơ thời niên thiếu. Cầu được ước thấy có anh bạn rủ đi chùa Keo Thái Bình rồi sang Bái Đính Ninh Bình.

Ấn tượng thế nào?

Xin tổng thuật hầu "quan anh" đây.

Tới Keo lúc khoảng 9 giờ sáng. Sương còn dăng bảng lảng. Từ đê thấp nhìn xuống ngôi chùa trải dài một màu nâu trầm mặc, thấp thoáng sau cây. Một sân gạch rộng nhận giữ ôtô, xe máy hai bên là hay dẫy hàng quán ăn uống, bán nhang, làm gà, nấu xôi sắm lễ, xem bói và xin quẻ, viết sớ thuê...

Ngày thường nên khá vắng vẻ nhưng cũng được chèo kéo nhiệt tình không kém các chị bán vé số ở các quán càphê Hà Nội. Ngôi tiền tế ba gian được xây thêm bốn trụ ximăng, chắc thay tam quan xưa đã mất tỉ lệ, vị trí không được chuẩn nên vừa như cái chêm cố đóng thêm vào vừa như rơi ra khỏi bố cục chung còn nguyên vẹn từ mấy thế kỷ.

Chùa này đặc sắc có ba cái hồ ở mặt trước và hai bên. Các toà nhà soi bóng tăng gấp đôi chiều cao, thêm vẻ huyền ảo và hồ cũng là cái máy điều hoà nhiệt độ luôn. Kiến trúc nội công ngoại quốc ngay ngắn, các toà nhà nối nhau điềm đạm, đăng đối, khiêm nhường. Hàng cột ngoài hiên chỉ cao hơn đầu tôi khoảng hai gang tay, thật là ấm cúng.

Nội thất thâm u, trầm mặc. Những mảng sân vườn nhỏ đan cài thần tình nên dạo quanh chùa không biết chán, luôn luân chuyển cao thấp xa gần. Sau cùng là gác chuông ba tầng nổi tiếng, kiến trúc gỗ cao nhất nước mình xưa chỉ có vậy thôi nhưng người ta phải ngây người vì sự thống nhất hoàn chỉnh của phong cách cổ điển Việt Nam. Nó duyên dáng, thân mật và uy nghi kỳ lạ.

Hệ kèo cột gỗ chắc đậm, chạm khắc rất vừa phải, hoàn toàn không có màu mè gì. Thất vọng nhỏ là ở hai gian bán lưu niệm thấy toàn đồ rẻ tiền, mau hỏng với rất nhiều siêu nhân, và phù hiệu các đội bóng đá Anh và Italia!

Chiều sang Bái Đính, ngôi chùa to nhất nước, chưa hoàn thành đã là điểm đến hấp dẫn và tấp nập dịch vụ tâm linh. Một đội xe ôm vây khách mời 10 ngàn một cuốc xe lên chùa: "Chùa to, cao thế các cụ leo sao nổi!". Qua tam quan nội to nhất Việt Nam là một sân mênh mông với 500 tượng la hán bằng đá, đông đảo nhất Việt Nam, mỗi người một dáng vẻ kì quái, như lạc vào đám quân lính gốm nổi tiếng ở mộ Tần Thuỷ Hoàng. Có lẽ sẽ được bố trí vào hai dẫy trường lang gỗ hai bên cũng dài nhất Việt Nam.

Tiếp lên trên là tháp chuông cao nhất Việt Nam với quả chuông 100 tấn nặng nhất Việt Nam. Mái tháp cong vút có vẻ Trung Hoa. Tiếp theo là toà để tượng đồng Quán Thế Âm Bồ tát nhiều mắt nhiều tay phỏng theo pho tượng nổi tiếng ở Bút Tháp cũng to nhất Việt Nam. Sau nữa tới toà nhà để tượng Adiđà to nhất Việt Nam với hai tầng mái có vẻ Hàn Quốc. Phía sau là giếng ngọc to nhất Việt Nam. Và trên cùng uy nghi là nhà nóc dát vàng để ba pho tam thế to nhất Việt Nam, mỗi pho dát 17kg vàng thật, hai bên có các tượng kim cương chùa Tây Phương phóng to. Ba tầng mái có phong vị Nhật Bản. Ngoài sân có cái lư hương nhất Việt Nam và hàng cây đề có ghi đủ tên nhiều vị quan chức trồng ngày tháng năm nào làm cho ngôi chùa đồ sộ nhất Việt Nam mang phong vị quốc tự. Người Ninh Bình ai cũng tự hào.

Sao bác cứ nhất Việt Nam mãi thế? Khổ, tôi đâu có bịa! Chỉ trích nguyên văn cuốn Guide Book in giới thiệu chùa thôi. Có điều tôi chưa thấy chùa nào ở Việt Nam lại có hệ thống tượng lạ như vậy, phong cách nghệ thuật tổng hợp Nam-Bắc-Đông Á Châu như vậy. Có lẽ trước lạ sau quen. 300 năm sau sẽ thấy nó thuần Việt lo gì.

Tuỳ anh. Tôi ôn cố mà chả tri tân được. Không dám bình luận.

Nguyễn Bỉnh Quân (Theo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét