(Dân trí) - “Người trí thức cần phải có khí phách. Trí thức Việt
Thời gian gần đây, câu hỏi về khí phách trí thức mà ngày xưa gọi là chất "Sỹ phu Bắc Hà" được đặt ra trên không ít phương tiện thông tin đại chúng và mỗi người có một câu trả lời khác nhau. Có người cho rằng không ít trí thức thời nay "xu thời cơ hội" nhưng cũng có rất nhiều người cho rằng đó chỉ là số rất ít còn đa só vẫn giữ đươc phẩm tiết. Có cả ý kiến cho rằng trí thức thời nay cơ hội được núp dưới cái bóng của câu thành ngữ: "Một điều nhịn là chín điều lành"... Chúng tôi có cuộc đối thoại với nhà văn, nhà báo Phan Quang, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt
Nhận định về tầng lớp tinh hoa của đất nước mà nói rằng hèn thì theo tôi là không nên và không đúng với bản chất. Bất cứ một dân tộc nào cũng có những nhược điểm "cố hữu" của mình. Gần đây, có nhiều cuốn sách của các tác giả là người chính nước đó đã viết về tính xấu của dân tộc họ. Ví dụ như người Trung Quốc có cuốn Người Trung Quốc xấu xí chẳng hạn. Rồi người Pháp cũng có những nhận định rất chính xác về các nhược điểm của trí thức Pháp là nói hay mà hành động không phải lúc nào cũng hay như nói...
Nếu nói về những tính xấu của trí thức Việt Nam, ông sẽ nói về điều gì?
Tôi nghĩ cũng không ít đâu. Chẳng hạn, chúng ta đều có dịp nghe giai thoại khá phổ biến: một người Việt Nam thì giỏi hơn một người Nhật, hai người Việt Nam bằng hai người Nhật, và ba người Việt Nam thì kém ba người Nhật. Giai thoại đó đủ nói lên cái tính thiếu hợp tác, kém đoàn kết, thậm chí hay ghen ghét, kèn cựa nhau.
Thưa ông, đúng là tính cách mỗi dân tộc đều có những ưu điểm và cả những nhược điểm nhưng có thể nói khí phách của "Sỹ phu" luôn là niềm tự hào của truyền thống dân tộc...?
Đúng. Người trí thức cần phải có khí phách. Trí thức Việt
Một giáo sư rất được coi trọng về phẩm tiết, về sự thẳng thắn, trung thực thì cho rằng trí thức thời nay ít khí phách, hay nói cách khác là hèn và ông cũng không loại trừ mình có những lúc như thế?
Mỗi người đều có quyền có thái độ của mình đối với chính mình. Tôi rất khâm phục những vị có học hàm, học vị cao vì sự học là gian nan, vất vả lắm, sự học tạo nên tri thức của con người. Tuy nhiên không phải ai có học hàm, học vị cao đều là những trí thức đầy đủ, đúng với ý nghĩa của hai từ ấy. Có thực học và có hư học. Hư học không phải chỉ là bằng giả, học giả mà là suốt đời học những điều "hư", không mấy lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Những người này thời nay không ít. Và có lẽ tại hư học cho nên họ không dám nói và nhất là không có gì nhiều của riêng mình để mà nói. Còn trí thức đích thực thì không hèn, không thể hèn, không được hèn.
Trí thức phải là mẫu mực của xã hội
Ông nghĩ gì về nhận định của TS Chu Hảo: "Trí thức phải là người có năng lực phê phán và hướng dẫn xã hội"?
Trí thức trước hết là công dân cho nên cần phải dấn thân vào đời sống xã hội với tư cách công dân. Dấn thân theo cách nào lại là vấn đề khác. Một nhà khoa học không nhất thiết phải lúc nào cũng phải góp ý về chủ trương, chính sách cụ thể hay trả lời báo chí về thời sự. Họ dấn thân vào những công trình nghiên cứu khoa học của họ và khi đất nước cần điều gì hợp với khả năng của họ, họ sẽ cống hiến hết mình. Tôi nghĩ trí thức không nhất thiết lúc nào phải phát biểu quan điểm chính trị của mình một cách ồn ào. Họ có cách thể hiện riêng, bằng chính các công trình khoa học của họ, bằng thái độ của họ đối với cuộc sống.
Nhưng nếu cả đời chỉ chăm chú với những công trình nghiên cứu khoa học mà không quan tâm đến những biến động của đời sống xã hội, "mũ ni che tai" phải chăng cũng là sự chạy trốn?
Tôi không nói là cả đời trùm chăn. Khi cần thiết, họ sẽ tỏ thái độ vì là trí thức, chẳng mấy ai không có lòng yêu nước. Người trí thức phải có năng lực phê phán, đồng thời cũng phải là người nhiệt thành biểu dương cái hay, cái tốt. Trí thức phải là mẫu mực của xã hội.
Không phân biệt đảng viên hay ngoài Đảng
Tất nhiên "đất nước" và "thể chế" là hai khái niệm nhưng trong trường hợp này xin được đồng nhất. Xin hỏi ông, họ yêu đất nước nhưng đất nước có thực lòng yêu họ không?
Điều này tôi có dịp phát biểu trong một cuộc hội thảo về kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Không thể phủ nhận thời gian qua, chính sách của Nhà nước ta đối với nhân tài còn nhiều bất cập. Tôi đã từng nghe một nhà trí thức nay đã quá cố nói rằng "Khi trí thức tin Đảng thì trí thức không thật sự được Đảng tin dùng, nay Đảng cần đến trí thức thì trí thức không phải ai cũng thật tin ở Đảng". Dĩ nhiên đó là câu nói phẫn, mang tính cực đoan nhưng rất đáng được lãnh đạo lắng nghe.
Thưa ông, đặt vấn đề trí thức với Đảng tức là "hai trong một" vì rất nhiều trí thức lớn là đảng viên. Nhưng nếu như trong trí thức có xuất hiện tư tưởng khiếp nhược, hèn, cơ hội, chưa tin tưởng thì đó là điều đáng thất vọng...?
Đường lối của Đảng đối với trí thức nhìn chung nhất quán, những yếu kém, bất cập đang được khắc phục dần. Nếu thực tế chưa làm được như đường lối đã đề ra thì trách nhiệm trước hết thuộc về những ai giữ trách nhiệm lãnh đạo.
Trách nhiệm đương nhiên là quan trọng nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để người thực tài có thể được trọng dụng?
Theo tôi, chính sách trọng dụng nhân tài không nằm ngoài ba mặt. Thứ nhất, đưa những người có thực tài vào những vị trí xứng đáng, tạo điều kiện tối thiểu về khoa học và đời sống để họ yên tâm làm việc. Sử dụng nhân tài phải đúng như chính sách đã ban hành: Không phân biệt người đó là đảng viên hay là người ngoài Đảng. Thứ hai, kiên quyết đưa những người bất tài ra khỏi những cương vị quá tầm năng lực của họ. Đặc biệt xử lý nghiêm những người học giả, bằng cấp giả, học hàm học vị giả hoặc hư học bất kể họ là con ai, cháu ai. Thứ ba, các cơ quan đầu não quốc gia phải là tấm gương quy tụ những người có thực tài của đất nước. Kiên quyết bịt những lối đi tắt, từ đó ngăn chặn những kẻ bất tài song khéo xử sự, bằng cách này hoặc bằng cách khác len lỏi lên tới đỉnh cao quyền lực.
Nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời
Thưa ông, Nghị quyết TW 7 về công tác trí thức ban hành đã nửa năm, ông cảm nhận con đường đi vào đời sống của Nghị quyết này như thế nào?
Để những chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống luôn là con đường gian nan, cần rất nhiều công sức, thời gian và nhất là điều kiện để chủ trương trở thành hiện thực - yếu tố quyết định sự thành công của chủ trương, chính sách. Theo tôi, sau nửa năm ban hành, không biết Nghị quyết này đã ngấm vào chiều sâu thế nào chứ hiện nay dường như có vẻ lặng lẽ. Hay là tại môi trường xã hội bây giờ đang nổi lên nhiều bức xúc về kinh tế, đời sống? Hay tại mảnh đất tiếp nhận là đội ngũ trí thức chưa sẵn sàng? Hay tại trí thức có làm, làm nhiều song ít muốn nói về mình? Hay tại nó ra đời ở thời điểm chưa phù hợp? Rất nhiều câu hỏi mà tôi chưa tìm ra câu trả lời.
Ông có nghĩ rằng việc chuẩn bị chưa chu đáo?
Không. Đây là Nghị quyết được chuẩn bị rất kỹ trong một thời gian khá dài, được nhiều trí thức có tên tuổi đóng góp ý kiến và theo tôi nội dung tương đối hoàn chỉnh. Tôi nói tương đối vì chẳng bao giờ có một nghị quyết, một chủ trương đầy đủ và đúng đắn về tất cả mọi vấn đề, hoàn thiện 100%. Tại sao nó chưa được sự đón nhận như mong đợi? Một câu hỏi nữa phải tìm câu trả lời
Hay còn tâm trạng hoài nghi, thưa ông?
Có thể lắm. Tâm trạng trí thức gần đây không ít người dè dặt với những chủ trương, chính sách mới ban hành. Không phải họ hoài nghi mọi thứ mà do kinh nghiệm, nhiều người e bước đầu vồ vập quá, đến khi đi vào cuộc sống lại không được như kỳ vọng thì vỡ mộng nên phần nào còn dè dặt chăng. Tuy nhiên, nếu Nghị quyết đúng, đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của đời sống xã hội (tất nhiên là tương đối) thì sớm muộn, nó cũng sẽ đi vào cuộc sống. Trước mắt đành chờ đợi vậy. Cũng cần nói thêm: Nghị quyết có sức sống bền lâu cho nên sự thành bại của nó cũng phải có quá trình. Đây không phải là một cuộc vận động kíp thời như quyên góp, làm từ thiện chống bão, chống lụt chẳng hạn mà có thể đánh giá ngay kết quả đạt được lớn hay nhỏ. Nửa năm chưa đủ thời gian để khẳng định, chỉ vừa đủ để nói lên một điều gì đó có tính cảnh báo xu hướng mà thôi.
Nghề nhiều đam mê nhưng không ít bạc bẽo
Trở lại với quan niệm về trí thức. Theo ông, nhà báo có phải là trí thức?
Có lẽ phải phân định rõ nhà báo và nghề báo. Nhà báo làm nghề báo, là nghề hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng, tinh thần nghĩa là nghề báo mang tính trí thức và đòi hỏi hàm lượng trí thức. Nhưng không phải nhà báo nào cũng là trí thức. Nói cách khác, hoạt động báo chí là hoạt động trí thức còn ai làm nghề ấy có phải là trí thức không thì còn tuỳ thuộc nhiều điều kiện khác nữa.
Ông Hữu Thọ trả lời phỏng vấn dịp Tết vừa qua về báo chí có nói năm 2008 là năm tổn thất nặng nề. Ông có đồng ý với nhận định này?
Tại Lễ trao giải báo chí quốc gia năm 2008, trong khi giao lưu với phóng viên truyền hình, tôi có phát biểu nghề báo có nhiều đam mê nhưng cũng lắm chán chường, không chỉ chán chường mà có khi còn bạc bẽo. Vui cũng nhiều mà buồn cũng không ít. Chuyện cũ qua rồi, buồn lắm chứ, nhắc lại chỉ để nhắc lại và hi vọng chuyện buồn ấy mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm. Riêng tôi vẫn nghĩ, nên có cách xử lý khác những gì đã diễn ra năm 2008. Tự ta làm khó cho ta. Hi vọng rằng sau này mọi việc sẽ được xử lý thấu tình, đạt lý và có lợi cho sự nghiệp chung, cho đất nước hơn.
Xin cám ơn ông!
Bùi Hoàng Tám - Kim Khánh
(Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét