Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

TINH THẦN ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ


Lòng dân hoang mang, ly tán bởi quan tham nhũng nhiễu, bởi những người cầm quyền bất tài, vô đức, bởi những biểu hiện tâm linh lệch lạc, biến tướng. Vì thế, yêu nước là phải nói đến cách chúng ta giữ nước, cách chúng ta đã chiến thắng giặc ngoại xâm, cách chúng ta giữ gìn độc lập hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, cách chúng ta xây dựng đời sống tâm linh tốt đẹp.

Tinh thần độc lập dân tộc trải qua quá trình lâu dài trong công cuộc dựng nước và giữ nước của người Việt. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng trở thành tài sản tinh thần có giá trị trên các bình diện giao thoa đối kháng với văn hóa Trung Hoa. Ngôi chùa Khai Quốc (sau gọi là Trấn Quốc) được xây dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547) đã nói lên tinh thần ấy.

Phật giáo ngay từ buổi đầu đã gìn giữ và chuyển tải nội hàm dựng nước và giữ nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử dân tộc, tinh thần ấy vẫn còn nguyên giá trị thời đại mỗi khi đất nước lâm nguy hay có biến. Sự dòm ngó của ngoại bang và những hậu quả đi liền sau đó của chiến tranh cướp đoạt luôn đem đến cho dân tộc ta những đau thương, đồng thời cũng nhóm lên những phản ứng chiến tranh tích cực, trui rèn ý chí kiên cường bất khuất và thử thách lòng vị tha, bao dung của người Việt.

Những nhà lãnh đạo đất nước buổi đầu nhận thức được mối liên hệ nhân quả sâu xa trong tiến trình mở nước và giữ nước, vì thế chùa chiền là chốn tâm linh hóa giải những buồn đau nhân thế, gửi gắm những khát khao hòa bình qua nghìn năm bị phương Bắc đô hộ. Cũng từ mối tiếp xúc ban đầu đầy trong sáng, thiện cảm ấy mà những phẩm chất Phật giáo thấm nhuần vào tính cách của những bậc quân vương, và không ít người trong số họ đã trở thành bậc minh quân với dáng dấp của những triết nhân xuất trần.

Tinh thần độc lập, tự chủ đó bao trùm lên nhiều địa tầng sông núi. Vì thế mỗi sắc vóc cương thổ, mỗi hình hài của thắng tích đều là niềm tự hào thể hiện niềm tin và khát vọng dung chứa, no đủ của người Việt. Khi chủ quyền đất nước được xác lập thì từng mảnh đất thân yêu của người Việt đều trở thành linh địa, ở đó có sự vận động từ ý thức chiến tranh và cả nghiệp quả (chủ quan, khách quan) mà dân tộc ta đã tạo ra trong dòng chảy vô thường của những tiếp nối thành bại, sinh diệt.

Sự vận động của lịch sử trong dòng chảy ý thức đó đã nối liền các triều đại trong một mẫu số chung, đó là bảo vệ cương thổ. Thực tiễn lịch sử thời phong kiến luôn thách thức các giá trị về hòa bình, vì bản chất của nhà nước phong kiến chính là “phong tước”, “kiến địa” trong một tấn tuồng ngoại giao: thần thuộc giả vờ.

Cũng chính vì thế mà những giá trị của nền độc lập tự chủ luôn phải đối diện với những sức ép lớn hơn đến từ bên ngoài. Sức ép ấy là tác nhân trực tiếp thúc giục tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc bừng tỉnh. Vì thế bất cứ hành động nào muốn xóa bỏ sự nghiệp an dân của tiên tổ, muốn thay đổi phong tục, nếp nhà đều vấp phải những phản kháng mãnh liệt, thậm chí phải trả giá cho hành vi xâm chiếm ngang ngược của mình.

Từ những liên đới nhân quả rộng rãi giữa các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng rộng lớn Trung Hoa, người lãnh đạo đã phải chọn lựa cho dân tộc mình những bước đi thích hợp để tồn tại. Thế nên chỉ có tư tưởng yêu nước là đủ sức dẫn dắt hành động và ý chí của người lãnh đạo, khiến họ sáng suốt dành toàn bộ tâm sức cho mục đích lâu dài là an dân. Và cũng chỉ có những người trước sau trung thành bảo vệ đất nước này mới có đủ nhân cách để bàn về vận nước.

Vận nước là mệnh vận của một thời đại, nên cần phải chỉ cho ra điều gì là sở trường, sở đoản của một dân tộc.

Khi Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để kể ra tội ác của giặc Minh và đề cao nên văn hiến của dân tộc là ông đã nhận ra được bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Trung Hoa. Họ luôn nói ra rả về đạo lý nhân nghĩa, về một nhà nước nhân trị, đức trị, nhưng chính hành động của họ lại đi ngược với điều đó.

Nhưng một chuỗi các bài học lịch sử đều chỉ ra rằng chúng ta đã thắng ngoại xâm bằng nội lực và bằng những ứng xử ngoại giao mềm dẻo có sách lược. Nội lực đó là kết tinh của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Hơn tất cả là tinh thần yêu nước, thương dân, cởi bỏ mọi ân oán cá nhân và biết sống vì lợi ích chung. Nếu không có tinh thần yêu nước thủy chung dẫn dắt thì mọi kêu gọi cho việc bảo vệ dân tộc sẽ bị một số thế lực vọng ngoại lợi dụng để đưa giặc vào giày xéo quê hương.

Lịch sử nước ta đã chỉ ra nhiều những biến cố lập lại. 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm Pháp thuộc đã cho ta nhiều bài học quý giá để nhận diện những thành phần tư tưởng ưu liệt trong xã hội.

Thời đại nào của dân tộc ta cũng phải đối mặt với hai thế lực đó là thù trong, giặc ngoài. Thù trong giặc ngoài tuy hai mà một, vì thực chất lúc nào họ cũng rắp tâm nuôi dưỡng cảnh nồi da xáo thịt. Nếu không cố kết được lòng dân về một mối thì hai thế lực này bất kể lúc nào cũng lợi dụng vào đó để thôn tính và gây bất ổn cho nước ta.

Thế nên, nói đến thế trận lòng dân, nói đến binh pháp công tâm thực chất là nói về tài đức của những người lãnh đạo. Cố kết lòng dân không có gì khác hơn là người lãnh đạo phải biết sống vì dân. Còn nếu cứ để dân sợ quan vì tình trạng quan tham, quan bất tài vô đức hành dân thì không bao giờ có thể quy tụ được sức dân về một mối.

Lịch sử cũng luôn chỉ ra, khi có những biến động lăm le đến từ bên ngoài thì một số thế lực trong nước sẽ vì thói ích kỷ mà khởi ra những tranh giành và mưu toan lật đổ. Đồng thời bất cứ khi nào giặc ngoại xâm nhìn ra cảnh trong nước có biến, chúng phân tích rất kỹ và từng bước một ăn mòn vào cương thổ của nước ta. Hai cặp bài này luôn diễn ra song trùng.

Do đó, bất cứ hướng đi nào lúc này cũng phải nhìn ra một mẫu số chung qua những thành công và thất bại đến từ quá khứ. Chúng ta đã thắng giặc phương Bắc qua mẫu số nào? Chúng ta đã mượn sức Nhật, Pháp, Mỹ, Nga và kết quả ra sao? Lưu ý điều đó để thấy rằng, mảnh đất này, không có mồ hôi nước mắt, không phải quê hương huyết thốngquê hương tâm linh của họ.

Và nếu như người Việt không còn giữ được hai quê hương này trong lòng mình thì người Việt đã trở nên vong bản và trở thành một loại giặc nguy hiểm với non sông đất nước. Đạo Phật Việt Nam chưa từng quay lưng lại với vận mệnh dân tộc vì người Phật tử dù ở cương vị nào thì trong huyết quản của họ vẫn có hai dòng chảy quê hương này.

Hai quê hương ấy giao thoa với nhau, khiến họ nhận ra thân thể mình được tạo nên từ cha mẹ, được che chở bởi đất đai, sông núi. Quê hương tâm linh là quê hương mà làng xã gắn với thần Phật và những người có công tạo dựng và gìn giữ quê hương đất nước. Quê hương tâm linh ấy là nơi ngưỡng vọng về một đời sống hòa bình, nhân hiếu, trung tín, no đủ của mọi người.

Người Việt thực sự là người Việt khi mang trong mình tròn đủ hai quê hương ấy. Có hai quê hương ấy thì dù bất cứ sống trong cộng đồng dân tộc nào người Việt cũng ý thức bảo vệ và không vì vọng ngoại mà bán rẻ cộng đồng dân tộc mình.

Biết bao nhiêu nền văn hóa bị thủ tiêu trong quá trình chiến tranh xâm lược trên thế giới. Nhưng may mắn thay người Việt vẫn còn giữ được tiếng nói của mình và một cương thổ được định hình như ngày hôm nay. Điều đó cho thấy ý thức gốc nguồn đã ăn sâu trong tâm khảm.

Điều quan trọng của nội lực chính là vua tôi, dân chúng đoàn kết một lòng. Đất nước vững vàng khi nhà lãnh đạo phải biết khoan sức dân, chăm lo cho dân và ân uy phải được tỏ rõ. Một chuyện làm loạn nhỏ mà không đủ uy để giải quyết thì không thể tôn cao được luật pháp. Một nguyện vọng thỉnh cầu phù hợp với lòng dân mà không được đáp ứng thì không tỏ rõ cái ân của nhà cầm quyền.

Chính vì vậy, ngài Pháp Thuận khi được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước đã khuyên nhà vua nên đề cao “vô vi” (Vô vi cư điện các. Xứ xứ tức đao binh). Quốc sư Phù Vân sau này cũng khuyên vua Trần Thái Tông: “Phải biết lấy ý của thiên hạ làm ý của mình”.

Cuộc vận động để bảo vệ chủ quyền đất nước đã được những vị vua đầu tiên của Việt Nam tiến hành cùng lúc khi xây chùa Khai Quốc. Cuộc vận động nhân nghĩa cũng được thể hiện qua danh xưng của những ngôi chùa như Báo Ân, Báo Thiên… Đó là cả một cuộc vận động ý thức chính trị và tâm linh được kết hợp một cách uyển chuyển và nhuần nhuyễn.

Xây chùa là để xây nền móng đạo đức vững chắc cho dân tộc bằng những đường hướng sống rất cụ thể qua những việc làm đem lại lợi ích và an lạc cho số đông. Đúng với mong mỏi về một đất nước thái bình thịnh trị, và điều đó không được đo bằng chỉ số trong nhà dân tích bao nhiêu vàng bạc mà bằng những ứng xử thuần thiện: “Người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa” (triều Lý Trần).

Lòng dân hoang mang, ly tán bởi quan tham nhũng nhiễu, bởi những người cầm quyền bất tài, vô đức, bởi những biểu hiện tâm linh lệch lạc, biến tướng. Vì thế, yêu nước là phải nói đến cách chúng ta giữ nước, cách chúng ta đã chiến thắng giặc ngoại xâm, cách chúng ta giữ gìn độc lập hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, cách chúng ta xây dựng đời sống tâm linh tốt đẹp.

Nguyễn Trãi viết: “Phần thì giận hung đồ ngang dọc. Phần thì lo vận nước khó khăn”. “Lo vận nước khó khăn” là tầm nhìn của người trí, vì chỉ e trong lúc vận nước gặp nhiều khó khăn mà thù trong giặc ngoài nổi lên, sẽ làm cho dân tộc điêu linh, khó khăn càng thêm chồng chất. An được dân chính là yêu nước. An được dân chính là giữ nước. Thực tế, vai trò an dân trong nhiều thế kỷ đã được nhà cầm quyền giao phó cho Phật giáo.

Ứng xử “vô vi” không đặt tình cảm, ý chí nhân dân vào chỗ bất thường của nghiệp chiến tranh (binh đao) mà chính nó phải được ứng xử chuẩn mực trong đời sống hàng ngày của người lãnh đạo (nơi điện các). Chính những ứng xử ấy đem lại lợi ích an lạc cho nhân dân. An được dân thì nhất định nước sẽ cường thịnh.

Kêu gọi tinh thần yêu nước bằng ứng xử tốt đẹp của lối sống tự thân có ý nghĩa xa rộng hơn nhiều khi bám vào khái niệm “dân tộc” (của ai) chung chung, vô thưởng vô phạt. Trở về với vô vi cũng có nghĩa rằng tin ở chính mình, không cần phải sử dụng bất kỳ một thế lực nào khác can thiệp. Nhân dân tự nhìn cách sống của người lãnh đạo mà đón nhận và khắc sâu tinh thần yêu nước vào tâm khảm, chứ không phải lòng yêu nước nhất thời đến từ những sự hô hào theo phong trào một cách miễn cưỡng.

Quay về với ứng xử “vô vi” thì không rơi vào sức ỳ “chủ nghĩa dân tộc”. “Vô vi” cũng không có chỗ đứng cho tư tưởng bám vào tang thương, quốc hận hay quốc nhục trong quá khứ, bởi chính nó phải là chính sách chọn lựa cho dân tộc đầy đủ những người có tài có đức. Hơn 700 năm trước Ô Mã Nhi đã phải thốt lên khi gặp Đỗ Khắc Chung: “Người này …có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người tài giỏi, chưa thể mưu tính được”.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Khí tiết của người tài đức không phải là sản phẩm độc chiếm của bất cứ thành phần nào trong xã hội. Có những hiền tài ấy thì không có bất cứ thế lực ngoại xâm, nội loạn nào có thể nhũng nhiễu “mưu tính được”. Có lẽ nào tinh thần độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ lại không được bắt đầu từ việc coi trọng hiền tài?

Thích Thanh Thắng

(Nguồn: http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=5801)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét