Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

TẠM DỪNG TRÙNG TU CÓ BẢO VỆ ĐƯỢC DI TÍCH?


Sen Việt: Qua vấn đề trùng tu di tích, Sen Việt từng công bố bài viết: “Di sản Phật giáo: no dồn đói góp” của tác giả Nam Quốc, vì trước đó đã có nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin có những bình luận khác nhau về việc trùng tu, kiến tạo các công trình di sản văn hóa liên quan đến chùa chiền. Sen Việt nhận thấy cần thiết có một cách nhìn khác về lĩnh vực này, nêu ra những tồn tại lịch sử do những nguyên nhân chủ quan, khách quan của một thời đầy biến động. Cần phải nhắc lại quá khứ không xa để hiểu thêm những diễn biến nhận thức hiện tại, nhằm điều chỉnh và đi đến một sư quan tâm chung, công bằng hơn đối với các công trình kiến trúc liên quan đến những di sản văn hóa Phật giáo. Cũng về vấn đề này, Sen Việt xin tiếp tục gửi tới độc giả bài viết của tác giả Nguyễn Mai Sơn.

Bài viết: “Báo động từ di tích! Bài 4: Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích” được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 27/3/2009 có dẫn lời tòa soạn: “Hãy nhìn cái cách mà người ta nhân danh phục dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua để thấy họ ứng xử với văn hóa một cách phản văn hóa như thế nào? Đã có hàng chục năm say mê tìm hiểu cặn kẽ các di tích văn hóa, đặc biệt là đền chùa, họa sĩ Lê Thiết Cương và họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng tham gia cùng Tuổi Trẻ trong loạt bài này với cái nhìn của người trong cuộc”.

Văn hóa là cả một quá trình vận động và phát triển, chứ không phải một khái niệm tĩnh tại bất biết, vì thế nếu tìm hiểu những ứng xử văn hóa thì phải tìm hiểu chính quá trình vận động mang ý nghĩa lịch sử và thời đại ấy. Tìm hiểu như vậy để xem những giá trị văn hóa nào đang được bảo lưu một cách đúng nghĩa và những giá trị văn hóa nào đang trong quá trình bị đào thải, hủy diệt, canh tân. Nhận thức điều này để không rơi vào việc bàn luận thiếu khách quan, thậm chí kết luận một cách đầy cảm tính về những vấn đề liên quan đến văn hóa.

Tôi đặc biệt chú ý đến lời tòa soạn của báo Tuổi Trẻ, cụ thể là câu hỏi mang tính “kết luận” (một việc nhẽ ra không nên thuộc về tòa soạn), và nếu đọc kỹ thì sẽ thấy dấu hỏi (?) đưa vào câu “kết luận” trên là thừa: “Hãy nhìn cái cách mà người ta nhân danh phục dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua để thấy họ ứng xử với văn hóa một cách phản văn hóa như thế nào?”. Vì sao tôi nói đây là một câu hỏi mang tính “kết luận”, vì nếu là câu hỏi thì hãy để cho người đọc trả lời, chứ không phải tất cả những “phụ dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua” đều là những “ứng xử văn hóa một cách phản văn hóa”.

Nhưng tôi chú ý, vì sao Tuổi Trẻ chỉ sử dụng cái mốc thời gian là “20 năm”, tức khoảng từ năm 1999 trở lại đây. Còn từ năm 1999 trở về trước thì sao? Phải chăng nếu chỉ vào cái mốc 30 đến 35 năm thì e chúng ta lại chẳng thấy một khái niệm “trùng tu” nào cả, mà là “phá di tích, di sản” (một cách có chủ trương). Như vậy, có một sự vận động ý thức văn hóa và lịch sử nào để đền chùa, đình miếu, biến thành trường học, chuồng lợn, chuồng trâu, xưởng sản xuất, và biết bao nhiêu những đồ thờ tự bị đốt bỏ, bị tịch thu, bị tiêu hủy, có biết bao lầu chuông, gác trống bị kéo đổ…? Cái mốc thời gian “phá di tích” và cái mốc thời gian “trùng tu di tích” cách nhau chỉ trong gang tấc, nhưng nhận thức về di sản thì gắn bó với nhau như keo sơn. Phá đi, tiêu hủy đi thì mất hẳn, còn trùng tu (tu bổ) di tích là một trách nhiệm hiển nhiên của các triều đại trong lịch sử. Như vậy thì không có triều đại nào “tạm dừng trùng tu di tích” cả, vì ngừng trùng tu di tích cũng đồng nghĩa với việc “phá di tích”.

Mối liên hệ nhân quả nhiều chiều của một quá trình “phá” và “trùng tu” di tích cần phải được nhìn nhận như một quá trình tạo nên những “thái cực”, thậm chí những “lệch lạc” trong cả hiện thực “phá” và “trùng tu”. Lúc đó người ta sẽ đặt ra những câu hỏi lớn “tại sao lại phải phá di tích”, “tại sao lại phải trùng tu di tích?”, “phá di tích có phản văn hóa không?”, “trùng tu di tích có phản văn hóa không?”. Với những câu hỏi này thì lịch sử và phần nào hiện thực đang được cố gắng trả lời cho "tròn trịa" (có lý).

Nhưng chỉ e rằng chúng ta đang thiếu những “người trong cuộc” để hiểu hết những vết khuyết từ lịch sử “phá” và “trùng tu” di tích. Vết khuyết không thể không là một nguyên nhân gây ra những ngộ nhận và cả những méo mó, lệch lạc phần nào trong công tác trùng tu di tích hiện nay. Khái niệm “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” xuất hiện từ bao giờ và đã được hiểu và kích thích giới nghiên cứu về văn hóa như thế nào?

Có biết bao nhiêu ngôi chùa hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh, bởi chính những nhận thức “phi văn hóa”. Và còn rất nhiều ngôi chùa hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nếu không kịp thời trùng tu sửa chữa, thì sẽ đổ sập xuống bất cứ lúc nào, và chắc chắn lúc đó không chỉ có một vào bức tượng, một vào hoành phi là có nguy cơ không thể tu bổ được. Chúng tôi xin lấy ví dụ: “Chùa Vĩnh Thái (Hưng Yên) có rất nhiều tượng phật, chuông đồng, bia đá, sắc phong… từ nhiều thời để lại và cổ nhất là thời nhà Lý. Nếu bị sập khu tam bảo, có lẽ tất cả những bức tượng kia chỉ có vỡ vụn thành nhiều mảnh. Lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm trước mất mát này và còn lương tâm sẽ day dứt với hậu thế nữa chứ” ( http://www.baoxaydung.vn/PrintPreview.aspx?ID=13440 ). Điều đáng nói, nhà chùa kêu gọi cho phép trùng tu nhiều lần nhưng cấp chủ quản vẫn làm ngơ.

Chắc sự thờ ơ của các cấp quản lý về di tích chùa Vĩnh Thái nêu trên chính là đang ra sức bảo vệ di tích? Vì tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích mà (dừng bao lâu, dừng cho đến lúc nào? Tại sao, những câu phát biểu đầy cảm tính này lại có thể nhân danh là những “người trong cuộc” và lại được báo Tuổi Trẻ viết lời tòa soạn một cách “trịnh trọng” như thế.

Chúng ta hãy đi khắp các tỉnh thành trong cả nước xem, những ngôi chùa, những đền miếu, thậm chí cả nhà thờ nữa, xem những gì đang là bản sắc, những gì đang pha trộn lai căng, và những gì đang vận động theo dòng chảy hiện đại của lịch sử? Nhìn để hiểu về “giấc mộng quá khứ”, nhìn để thấy biết như thật về một hiện trạng của nền văn hóa nước nhà. Và nếu nhìn ở một tầm mức bao quát sẽ thấy ra rất nhiều điều thú vị, rằng nhà ở của người Việt hiện nay toàn những nhà ống hiện đại, với tất cả những tiện nghị hiện đại, nhưng chẳng ai tìm hiểu làm thế nào để phục dựng mẫu nhà ở của người Việt, cách ăn mặc, ứng xử của người Việt truyền thống. Vì sao vậy? Vì sự vận động có ý thức (và cả vô ý thức) của một quá trình giao thoa, tiếp biến (thậm chí cả triệt tiêu) văn hóa nữa.

Chúng ta lấy ví dụ về việc mới đây Hà Nội cho quy hoạch khu vực Hồ Gươm, hiện trạng đã có rất nhiều công trình kiến trúc xa lạ đang xấm chiếm khu vực này, nhưng khi các đề án kiến trúc đưa ra trình làng và xin ý kiến nhân dân, hầu hết các đế án đều ít nhiều “phản bội” lại Hồ Gươm. Đặc biệt khu vực này tồn tại hai di sản có giá trị vào bậc nhất kinh thành là chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân thì chẳng thấy ai quan tâm đến.

Đình, chùa, miếu, quán là nơi hội tụ, kết tinh di sản văn hóa, truyền thống, lịch sử của dân tộc. Người ta có thể xây dựng 1.000 tòa nhà hiện đại nhưng phá một ngôi đình là không xây lại được, là mất vĩnh viễn, mất lịch sử, mất truyền thống, mất tâm linh, mất văn hóa. Phá hoại đình chùa là điều không thể sửa sai, không thể sám hối” (Báo động từ di tích! Bài 4: Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích).

Di tích luôn phải hứng chịu chung sức ép của khí hậu, thời gian… Một di tích thường được trùng tu, thậm chí xây dựng lại không chỉ một lần. Và tùy điều kiện hoàn cảnh sinh hoạt mà quá trình trùng tu có thể tăng thêm diện tích hay giảm đi một số công trình để tránh lãng phí. Trong thời Nguyễn, có những di tích từ những thời Lý, Trần, Lê, nhưng khi được trùng tu lại, họ cũng vẫn cho xây cất thêm, hoặc giả phá bớt đi những hạng mục công trình cũ. Đọc các tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn từ Gia Long (1802) đến Bảo Đại (1945) cho chúng ta thấy rõ điều đó. Và những di tích ấy cũng tùy theo từng triều đại mà được phục dựng một cách khác nhau về lề lối (mô-típ) kiến trúc, tức nó cũng phản ánh tinh thần và giá trị kiến trúc, mỹ thuật của thời đại.

Tôi xin lấy ví dụ trong các văn bản (được nhà vua phê duyệt) liên quan đến trùng tu thời nhà Nguyễn, trong đó nói rất nhiều đến vấn đề tu bổ chùa chiền. Cụ thể việc trùng tu chùa Ngọc Sơn với nhiều hạng mục tu bổ được kê khai chi tiết về vật liệu, nhân công, giá thành. Riêng tu sửa Phật tượng và đồ thờ cúng thì được liệt kê rất chi tiết trong việc tượng nào bị hư hỏng cái gì, cần phải tu bỏ thay thế như thế nào: “Còn các tôn tượng và đồ thờ bể gãy cần thay đổi hay tu bổ xin do thần bộ chiếu theo biên bản khám kiểm (kê rõ ở sau) xét từng khoản tư cho Nội vụ đốc công, Vũ khố các nha trù nhu vật liệu, khoản nào bao nhiêu tư cho thần bộ chi phát để lãnh làm xong sớm giao thủ hộ chiếu nhận để thờ. Còn các đồ thờ nào đổi thì cái cũ sẽ do người thủ hộ đệ nạp cho Phụng nạp sở trong kho. Loại nào cần tu bổ lại, nhân công vật liệu, tiền gạo bao nhiêu xin liệt kê như sau…” (Bộ Công tâu việc kê khai chi tiết dự án tu bổ chùa Ngọc Sơn – Châu Bản Triều Nguyễn, Lý Kim Hoa sưu khảo, biên dịch, NXB VHTT, 2003, tr. 663).

Đáng lưu ý trong các văn bản liên quan đến trùng tu di tích Phật giáo này, chúng ta thấy có chi tiết như sau: “Thần bộ phụng tra cứu thì theo lệ định xây cất sửa sang chùa đền nhà cửa thời hạn phải đảm bảo kiên cố trong 5 năm” (Bộ Công tâu việc kiểm tra chùa Giác Hoàng, Linh Hựu, Long Quang và dự án tu bổ, sđd, tr. 442). Với thời hạn bảo đảm kiên cố trong vòng 5 năm thì quả thật thua xa bây giờ. Nếu so sánh theo cách nghĩ chúng ta muốn thì có thể nói, đọc xong những văn bản thời Nguyễn, chúng ta thấy họ không quan tâm lắm đến di tích Phật giáo dù có chiếu lệ tu bổ, Tuy nhiên, họ lại rất nghiêm túc trong việc đánh giá, kê khai và lên kế hoạch chi tiết về thu chi trong việc tu bổ di tích.

Chùa Một Cột ở Thủ đô Hà Nội hiện nay (đã được trùng tu lại nhiều lần) không phải chùa Một Cột nguyên bản thời nhà Lý. Một ngôi chùa được trùng tu nhiều lần, nhưng cái lần trùng tu mà ta quen nhìn trong khoảng thời gian sống với nó khiến cho chúng ta nảy sinh những tình cảm đặc biệt, không phai mờ trong ký ức. Tuy nhiên, văn hóa vật thể thì có quy luật (sinh diệt) của chính nó theo thời gian. Có những công trình như chùa Vĩnh Thái ở Hưng Yên thì chắc chắn trong tương lai phải xây mới lại. Vấn đề là xây mới như thế nào cho phù hợp chứ không phải cứ xây mới là phá hỏng di sản (trong khi có những di sản đã hỏng không thể sữa chữa được nữa).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa Diên Hựu (Một Cột) được vua cho xây dựng vào năm 1049: “Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quán Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm tòa sen của Phật Quán Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng chung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu”. Nhưng ngôi chùa này đến năm 1101 đã phải sửa chữa, tức mới chỉ 52 năm sau. Tuy nhiên đến năm 1105, tức 4 năm sau đó thì nhà vua lại sai làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở trước chùa và cho sửa lại chùa đẹp hơn cũ. Như vậy mới chỉ khoảng thời gian trên 50 năm mà chùa Diên Hựu đã qua 2 lần tu sửa và có những khác biệt rất lớn.

Các triều đại sau quan tâm đến ngôi chùa nào thì tu sửa ngôi chùa ấy. Nơi nào các quan địa phương quan tâm đến sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng thì chùa chiền được tâu báo để tu bổ. Còn như chùa Báo Thiên còn rất đẹp, từng là An Nam tứ khí, niềm tự hào quốc gia của người Việt thì giáo dân Nguyễn Hữu Độ, lúc đó là Tổng đốc, nghe lời Giám mục Puginier cho người phá sập và bàn giao để xây nhà thờ Lớn.

Ông Phan Cẩm Thượng than rằng: “Tình hình trùng tu các di tích văn hóa nghệ thuật cổ những năm gần đây thật đáng lo ngại. Nhà nước và nhân dân tốn rất nhiều tiền nhưng kết quả thu lại là các di sản bị biến mất và thay thế bằng một di tích mới. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng dường như tình trạng bất khả kháng làm nản lòng những tâm trạng hoài cổ”. Phát biểu này cho thấy rõ ông là một nhà Mỹ thuật hoài cổ. Nhưng bản thân tôi cũng hoài cổ không kém khi đứng trước Hồ Gươm mà không thấy chùa Báo Thiên đâu nữa. Đặc biệt hình ảnh về chùa Báo Ân mà hiện nay còn trơ trọi tháp Hòa Phong nằm đó thì kiếm một người hoài cổ để thao thức phục dựng lại nó giống như lòng hoài cổ của ông Phan Cẩm Thượng ở Việt Nam cũng rất hiếm hoi.

Tuy nhiên, khi định mức giá trị “thẩm mỹ” ở không gian tâm linh, cũng xin các nhà thẩm mỹ lưu ý một điều, giá trị thẩm mỹ không chỉ được định mức bằng lớp bụi thời gian (gọi là cổ) mà còn nhiều các giá trị tinh thần khác nữa. Sự khác nhau trong tu bổ, mỗi thời đại mỗi khác, thậm chí trong cùng một thời đại nhưng mỗi địa phương mỗi khác. Vì thế sắc diện tượng Phật ở miền Bắc khác miền Trung và khác miền Nam. Và cũng bởi vì thế mà ta có những tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay không giống nhau ở nhiều nơi, đặc biệt tượng Phật ở miền Nam thì rất “lòe loẹt”, “ngây ngô”, nhưng phản ánh lối sống của cư dân trong vùng đất mới. Thẩm mỹ không chỉ có giá trị đặc thù mà còn cả đa dạng nữa. Chứ nếu cứ nhìn vào một mô-típ thẩm mỹ để làm chuẩn thì có tượng nghìn mắt nghìn tay nào qua nổi tượng tại chùa Bút Tháp. Nhưng có phải vì giá trị thẩm mỹ cao vậy mà cả nước này chùa nào cũng phải “photo” nguyên bản pho tượng ấy để thờ? Và có phải mái cong chùa Tây Phương quá đẹp nên chùa nào cũng phải làm theo mái cong ấy?

Đơn giản mộc mạc có nét đẹp riêng, cầu kỳ, chi tiết, màu sắc sặc sỡ cũng có những nét đẹp riêng phản ánh những đặc điểm của sự giao thoa văn hóa và tín ngưỡng. Bởi có một điều mà chúng ta không thể quên là rất nhiều dòng Thiền, dòng Mật, dòng Tịnh được truyền sang từ Trung Hoa, mang những nội hàm văn hóa giao thoa giữa Trung Hoa và Việt Nam, vì thế các sinh hoạt kiến trúc, điêu khắc chùa tháp ít nhiều có dấu ấn của sự giao thoa ấy.

Nếu chúng ta giao lưu với Tây Tạng, Nhật Bản thì chắc chắn ở Việt Nam rồi sẽ hình thành những ngôi chùa mang dáng dấp ấy, cũng giống như người Việt xây chùa chùa Một Cột trên đất Thái Lan, và những ngôi chùa người Việt khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Trước khi chúng ta muốn kết luận cái gì là “phản văn hóa” thì trước tiên chúng ta phải đứng đúng trên góc độ văn hóa với nhiều góc cạnh thuận nghịch, lợi hại… của nó để nhìn nhận. Nếu văn hóa chỉ được đo qua một kênh duy nhất là “thẩm mỹ” thì sẽ không bao giờ lý giải được quá trình biến động của văn hóa, tức văn hóa là một sự vận động có ý thức (ngay cả trong việc việc xây chùa mang dáng dấp hiện đại, xây nhà kiểu Tây phương).

Bản thân tôi xem kết luận của ông Phan Cẩm Thượng là một thái độ “hất nước và hất luôn đứa trẻ”, và rất cảm tính: “Tuy nhiên quan trọng là cảm giác chung khi vào những nơi thờ tự bây giờ là lòe loẹt, dị đoan, hỗn tạp và phi thẩm mỹ”. Lấy cảm giác của mình để đánh giá chung cảm giác của mọi người là một sự áp đặt chủ quan, thậm chí là làm hoang mang thêm một cách không cần thiết đối với các giá trị xã hội.

Một người làm văn hóa, thẩm mỹ không bao giờ kết luận vội vã và hồ đồ như thế, vì từ một chuyện “trùng tu” mà ra chuyện “dị đoan”, “hỗn tạp”, “phi thẩm mỹ”, thì mong ông Phan Cẩm Thượng hãy kiến nghị với nhà nước phá bỏ hết những ngôi chùa trên Việt Nam này đi để thực hiện theo những gì mà trong đầu ông muốn nó phải như thế. Còn khái niệm “trùng tu di tích” và những nội hàm chung quanh nó từ quá khứ xa xưa đến hiện tại không có gì là "ghê ghớm" như đầu óc ông và một số người đã tưởng tượng. Nhưng điều đó cũng cho thấy một vấn nạn của không ít những con người hiện đại đó là không còn giá trị nào để bám víu, mặc dù vẫn còn đó những giá trị vượt qua rào cản của “mới -cũ”, “lập-phá” trong dòng chảy đầy biến động của định luật vô thường để tồn tại lâu dài trong cuộc sống con người đó là niềm tin về cái thiện.

Phản biện để nâng cao ý thức văn hóa, thẩm mỹ trong trùng tu di tích là một điều đáng trân trọng. Song vì thế mà lạc đề vào những vấn đề tâm linh và gọi nó là “phản văn hóa”, "phi thẩm mỹ" bằng hành vi lên án một cách thái quá cũng được xem là thái độ không trung thực với chính mình.

Nguyễn Mai Sơn

Xin xem lại bài

- "Di sản Phật giáo: no dồn đói góp":http://huongsenviet.blogspot.com/2008/12/di-sn-pht-gio-no-dn-i-gp.html.

- "Thêm một chuyện "không chịu nổi"": http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=5821

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét