Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

THÊM MỘT CHUYỆN “CHỊU KHÔNG NỔI”


Ông bà ta bảo “để thì hòn đất, cất (lên) thì ông Bụt” quả là thấm thía. Chuyện hòn đất và ông Bụt chỉ là chuyện “xấu - đẹp” trong gang tấc của sự thành kính hay không. Nhưng việc học cách để “cất lên” một giá trị qua một cái lạy cung kính hay ứng xử đúng lễ thì không phải ai cũng dễ dàng làm được cho dù người đó có uy tín và địa vị như thế nào trong xã hội.

Tôi không nhớ rõ ngày nào, cách đây khoảng một tuần, trên báo Vietnamnet có viết về nhà sư có thế danh là Nguyễn Đức Vân, con của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Tôi chỉ chú ý đến câu nhà sư Nguyễn Đức Vân bộc bạch như sau: “Tôi tự do quen rồi. Vô chùa, phải theo trật tự. Lỡ gặp phải người mình không kính trọng cho lắm mà vẫn cứ phải cúi chào, chịu hông được!”.

Đúng là người mình không kính trọng mà cứ phải gặp thì thật “chịu hông nổi”. Người mình kính trọng thì lại chẳng ăn nhập gì với chức tước và địa vị của họ trong xã hội cả. Nhiều khi cung kính vái chào một chú tiểu, một thầy tỳ kheo trẻ, nhưng nhìn thấy ông Hòa thượng là lại muốn tránh cho xa rồi. Tránh cho xa không phải là sợ mà là nhìn thấy họ “ban đạo từ” và liến thoắng với những điều hay điều tốt, nhưng việc làm thực của họ thì chẳng thấy hay tốt ở điểm nào, thế nên họ không thấy xấu hổ nhưng mình thì xấu hổ và “chịu hông nổi” cho những điều họ nói. Khẩu giáo mà thân không giáo, thì càng nói càng làm loạn xã hội.

Nhưng thôi! Bỏ qua chuyện đó. Quay lại với mấy ông làm nhà văn, nhà mỹ thuật. Hôm qua đọc bài “Trùng tu, hết chịu nổi!” của nhà văn Nguyên Ngọc, vô hình chung lại bắt gặp cái từ giống với “chịu hông nổi”. Dạo này xã hội ta xuất hiện nhiều những chuyện khiến cho “chịu không nổi”. Nhưng cái “chịu không nổi” ở mỗi phát ngôn lại có khoảng cách và trình độ khác nhau.

Nói đến nhà văn Nguyên Ngọc, tôi lại nhớ đến chuyện về chuyến du xuân đầu năm vào chùa của ông đăng trên Vietnamnet. Mới bước chân vào chùa, ngửi thấy mùi mực nướng là ông muốn quay ra rồi. Tôi chẳng biết cái “mùi mực nướng” ám ảnh nhà văn đến mức nào mà đến nỗi chưa vào lễ Phật mà đã muốn đi ra khỏi chùa rồi.

Có một điều cần lưu ý trong sinh hoạt tín ngưỡng ở miền Bắc, dù không có phái Nam truyền, nhưng ở miền Bắc không có nhiều sự phân biệt ăn chay hay ăn mặn hàng ngày, nhưng thức ăn dâng cúng trong những ngày có đám cúng giỗ thì nhất định phải nấu chay. Ăn chay hay ăn mặn chỉ là một sự khuyến khích chứ không có giới nào cấm chuyện đó cả. Trong miền Nam phái Nam truyền họ vẫn ăn mặn thường ngày. Thật là uổng cho nhà văn Nguyên Ngọc khi thấy mùi mực nướng và cũng do không hiểu hết sinh hoạt tôn giáo ở miền Bắc mà mất cả một chuyến viếng thăm cảnh Phật.

Còn cái nhìn về việc “trùng tu di tích” hiện nay của nhà văn Nguyên Ngọc đúng là không sai, nhưng “phát hiện lại châu Mỹ” qua vấn đề này thì cũng chẳng có gì là mới. Ai cũng phải thừa nhận việc trùng tu không khéo là sẽ phá hỏng di tích. Nhưng cũng cần phải nói trình độ trùng tu của di tích của đất nước ta còn đang ở thời kỳ “mò mẫm”. Cái gì mà sáng tạo làm mới thì tượng Phật, Thần có nhiều vẻ, mộc mạc, ngô nghê, hay sử dụng chất liệu bằng đất chưa nung (dễ hỏng) như ở miền Tây Nam bộ cũng có những nét hấp dẫn đặc thù. Nhưng cái gì sửa lại thì phải cho thật giống nguyên bản, tức phải biết “photo” tượng Phật cho có trình độ.

Nhưng trình độ trùng tu ngay cả ở những công trình cấp quốc gia do Bộ Văn hóa và Truyền thông đứng ra để làm cũng khối chuyện đáng bàn, huống chi là để dân tự làm. Tuy nhiên, ở một số triễn lãm (có ý nghĩa kinh doanh) thì người ta lại kinh ngạc về mức độ làm tượng giả cổ để trưng bày, còn chú thích thì vẫn ghi rõ là từ đời nảo đời nào đó rất xa xưa. Mắt trần chẳng nhìn ra được, nhiều khi nhà chuyên môn cũng bị lừa như thường. Tượng thờ thì ít ai nghĩ đến chuyện làm giả như thật, bởi nhiều khi có những bức tượng có vẻ ngoài rất cổ, nhưng trong ruột đã mục hết rồi, chỉ bao sái (lau) tượng vài lần là bộ phận nọ, bộ phận kia vỡ ra. Có những khi trộm mò vào chùa đánh cắp tượng, bê xuống đến đất thì vất tượng nằm đó vì tượng đã mục rồi. Chờ được “ông Văn hóa” về trùng tu thì không biết đến bao giờ. Nhiều bức tượng dân "phải" làm mới, và khi đặt lên với hệ thống tượng cũ thì có độ chênh về “lớp thời gian”, nhưng để chỗ đó thiếu tượng thì cũng không ổn.

Bàn chuyện trùng tu di tích, có lẽ không có gì hơn là những trường Mỹ thuật, Kiến trúc Việt Nam nên mở ngay một chuyên khoa về trùng tu di tích, vì đất nước ta có rất nhiều di tích. Còn về phía các làng nghề nên chuyên môn hóa nhiều hơn trình độ trùng tu di tích, tượng thờ, đặc biệt kế thừa sử dụng các chất liệu truyền thống, kết hợp với các chất liệu mới có độ bền dài lâu. Và về phía Phật giáo, nếu có chùa chiền trùng tu thì cũng nên xem xét, tham khảo kỹ trước khi trùng tu, để đừng làm bong mất những giá trị mỹ thuật mà những nhà văn, nhà mỹ thuật muốn nhìn thấy nó phải như thế.

Các cụ thì bảo, để thì hòn đất mà cất lên thì là ông Bụt. Khi hòn đất đã được đội lên đầu, đưa lên ban thờ thì dù nó có méo mó, hay không được hoàn chỉnh về mỹ thuật thì cũng đáng để vái lạy. Hóa ra chuyện đến chùa không chỉ có mỗi một chuyện là xem tượng có hoàn chỉnh về mỹ thuật hay độ trùng tu “photo” có đúng nguyên bản hay không, mà còn nhiều chuyện khác ẩn đằng sau những bức tượng, những “hòn đất” đã được lòng thành kính cất lên ấy.

Và quả thật tương phản khi người ta hè nhau bàn về vấn đề tương tự, nhưng tôi nhìn thấy nhà mỹ thuật có tiếng nào đó đang xỏ tay vào túi đứng trước một pho tượng Hộ pháp (chưa được những người hăng hái trùng tu “chạm tới”), trong khi tay kia nhà mỹ thuật này cầm tờ báo và đưa về phía tượng (Báo động từ di tích! - Bài 1: Dân thôn “tô tượng” phá đền chùa!). Tôi không biết tờ báo đó có “sạch” hơn mấy đồng tiền mà người dân nhét vào tay tượng Phật hay không? Nhưng một người Phật tử như tôi khi nhìn thấy hình ảnh này là cũng muốn thêm một chuyện “chịu không nổi” rồi. Bởi người Phật tử đứng trước tượng thần Phật thì chẳng ai dám xỏ tay vào túi, cầm báo chỉ trỏ ngang dọc cả như thế cả. Hình ảnh đó có phải là “tai nạn nghề nghiệp” của giới báo chí hay…?

Hóa ra anh nhà văn vào chùa nhìn tượng thì muốn nó “ra văn ra vẻ”, anh mỹ thuật vào chùa thì cũng giống như bước vào bảo tàng mỹ thuật, bàn tán về từng cái lớp sơn, khuôn diện, cái thế đứng ngồi…, còn người Phật tử thì chỉ biết thành tâm vái lạy. Người ta quan tâm đến vấn đề gì thì nhìn vấn đề ấy bằng những con mắt khác nhau. Xấu hay đẹp cũng vậy, mỗi người có một tiêu chí để đánh giá. Mặt người của thế kỷ 21 khác xa mặt người của những thế kỷ trước. Sự thay đổi quá lớn và quá nhiều mặt ở trong cuộc sống khiến người ta chưa có đủ bình tĩnh để nhìn nhận chính những sự thay đổi đó, kể cả sự thay đổi trong thói quen nghênh ngang “mang danh” để bước chân vào cửa chùa.

Tôi thì được chứng kiến không ít lần những nhà khoa học, những nhà khảo cổ và cả những nhà văn, nhà mỹ thuật, họ bước chân vào chùa là để “phân tích” tượng Phật đồ thờ, để bóc tách “văn hóa” ở những khía cạnh mà họ quan tâm, chứ nhiều khi đứng trước Phật họ cũng chỉ trỏ tùy tiện, cửa nào cũng đi, và khi đến chánh điện một số người còn không vái lạy, thậm chí không bước lùi vài bước khi quay ra, khi đứng thì quay cả lưng vào tượng. Tiêu chí về cái đẹp thì có nhiều, tượng đẹp đã đành mà người đến chiêm ngưỡng những bức tượng ấy cũng nên có những hành động đẹp.

Bằng không, hóa ra mình đến chùa để “chịu không nổi” về vấn đề này, nhưng chính mình lại làm cho người “chịu không nổi” ở một vấn đề khác, mà nhiều khi vấn đề ấy ở chốn linh thiêng còn nghiêm trọng hơn nhiều đó là lòng thành tâm và sự tôn kính!

Ông bà ta bảo “để thì hòn đất, cất (lên) thì ông Bụt” quả là thấm thía. Chuyện hòn đất và ông Bụt chỉ là chuyện “xấu - đẹp” trong gang tấc của sự thành kính hay không. Nhưng việc học cách để “cất lên” một giá trị qua một cái lạy cung kính hay ứng xử đúng lễ thì không phải ai cũng dễ dàng làm được cho dù người đó có uy tín và địa vị như thế nào trong xã hội.

Nam Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét