Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

LÃNH ĐẠO: NHỮNG GIÁ TRỊ TỪ BÊN TRONG


Đời sống xã hội đang có nhiều thay đổi lớn đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân phải có những điều chỉnh thích hợp để cân bằng và tiến tới. Nhận thức đúng để đi đến điều chỉnh tích cực là một phần quan trọng trong quá trình ý thức về việc cần phải thay đổi để làm mới và làm mạnh chính mình một cách dũng cảm và có trách nhiệm…

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo được phân cấp từ Trung ương đến địa phương, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nhưng nhận thức về sự “đổi mới” gần như vẫn chưa đến được với tổ chức này. Yếu tố nào từ trong truyền thống tư tưởng Phật giáo làm gia tăng khoảng cách trong nhận thức trên? Hay phải chăng do “năng lực” quản lý mà ở một thời điểm tình thế cần phải bổ sung những thành phần nhân sự theo một “tiêu chuẩn” nào đó để làm lãnh đạo?

Truyền thống tư tưởng Phật giáo Việt Nam chắc chắn không phải là rào cản trong quá trình nhận thức cần phải “đổi mới” cho phù hợp với những giá trị thời đại, vì xuyên suốt lịch sử nó từng là một truyền thống dấn thân nhập thế, cư trần lạc đạo…

Một khi vấn đề “chọn” người lãnh đạo, “chọn” người tham gia vào các công việc hành chính của Giáo hội vẫn còn là công việc không có nhiều sự điều chỉnh từ bên trong mà chủ yếu do tác động từ bên ngoài thì chính bản thân nó sẽ là một lực cản mạnh mẽ trong quá trình phát triển Giáo hội. Thế nên, phần nào do yếu về năng lực quản lý, kém về năng lực tinh thần (trong vai trò là lãnh tụ tinh thần), nên Giáo hội vẫn đứng ngoài, thậm chí làm ngơ trước mọi phản biện xã hội.

Trong một thời kỳ nào đó, vai trò lãnh đạo tôn giáo của những thành phần "được chọn" này phải có những nhân tố đảm bảo nào đó ở mức độ “cho phép”, có thể hiểu và cảm thông được. Tuy nhiên, khi xã hội có nhiều những đòi hỏi về học thuật, tự do, dân chủ, sáng tạo… thì chính những thành phần này vì muốn giữ ghế lâu dài sẽ “gia trì” sự bảo thủ, nên đây cũng chính là nguyên nhân chính kéo lùi mọi bước tiến trong một quá trình mà xã hội đang ý thức đẩy mạnh cải cách trên nhiều phương diện.

Cải cách luôn đi cùng với những mục tiêu cụ thể và dài hạn cho tương lai của tổ chức. Các yếu tố cần thực hiện phải được khởi động bằng một chính sách chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực ngắn, trung, dài hạn một cách bài bản và một cơ sở hạ tầng có sự liên kết chặt chẽ giữa các ban ngành.

Chúng ta luôn tôn trọng những bước đi cần mẫn của quá khứ, song tư duy và nhận thức luôn phải là tư duy và nhận thức của thời đại. Thời Lý-Trần có những yếu tố “thời đại” của thời Lý -Trần. Mỗi thời đại đều mang trong mình những yếu tố mà thời đại đặt ra và đòi hỏi nó phải điều chỉnh và thay đổi để thích nghi, phát triển.

Nếu ở thời đại như hiện nay mà chúng ta vẫn vận dụng tư duy và cách làm cũ thì mãi mãi tổ chức Giáo hội chỉ là tổ chức có vẻ như thống nhất về mặt hình thức mà không phải là một tổ chức có hệ thống chặt chẽ nhằm chuyển tải những giá trị tinh thần to lớn của đạo Phật nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Chấn chỉnh được nhận thức thì sẽ đi đến thống nhất lợi ích trong vai trò là một tổ chức xã hội. Có nghĩa rằng, những tính chất “nhóm”, “cá nhân” đóng vai trò cục bộ sẽ phải tự điều chỉnh mình để hòa nhập với tổ chức Phật giáo ở cả hai giá trị: năng lực lãnh đạo và năng lực tinh thần. Nhìn vào cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo hiện nay thì thấy rõ sự khập khiễng trong vấn đề này. Có những người năng lực tinh thần có đủ nhưng năng lực lãnh đạo thì đã cạn kiệt theo tuổi tác. Có những người có “năng khiếu” lãnh đạo vì được đào tạo từ một môi trường lãnh đạo có “thế thuật” thì lại quá yếu về năng lực tinh thần, vì vậy càng lên cao càng làm cho người dưới ít có sự kính phục.

Và chính sự mâu thuẫn này mà chúng ta thấy vấn đề tiếp cận với những giá trị thời đại tuy có được tư duy, bàn thảo qua các hình thức hội thảo, giao lưu,... nhưng bàn xong rồi để đó, ít thấy khởi động để thay đổi, vì chưa thấy một nhận thức mới bắt đầu từ sự điều chỉnh ở hàng lãnh đạo. Nếu thúc đẩy Giáo hội đi lên bằng những tư duy đã cũ, bằng cách mà Giáo hội đã đi lên từ thời chiến tranh của một vài thập kỷ trước thì chỉ một thời gian sau nó sẽ lại đi vào quỹ đạo của sự bảo thủ của chính nó, co cụm về phía bảo vệ cho lợi ích cá nhân và tạo ra sự an toàn cho lý lịch của một nhóm người khi đóng vai là những nhà lãnh đạo Phật giáo.

Có những vị lãnh đạo Phật giáo “ứng thế” do hoàn cảnh lịch sử bắt buộc nhưng luôn có ý thức đảm bảo được sự vận hành của một bộ máy mà những yếu tố rệu rã, trì trệ luôn có những bộc lộ không thể che dấu. Trong khi đó, một số khác, do sự tự mãn về danh lợi thông qua vai trò “khai quốc công thần” trong thời "binh lửa" đã làm cho Phật giáo rơi vào tình trạng bị lý giải bằng các hình thức “đấu tranh” xã hội. Trong khi người lãnh đạo không cần phải thi thố quyền lực hay ra oai chứng tỏ rằng mình là người được "tổ chức" chọn vì điều đó không nói lên nhiều vai trò lãnh tụ tinh thần của họ trong một ý nghĩa trong sáng và một môi trường sống lành mạnh dựa trên tinh thần Phật giáo. Do đó, đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam trong tương lai (xa gần) đều chỉ ra rằng không thể được xây dựng trên cơ sở của những giải pháp tình thế, nhất thời (cả về nhận sự lẫn chiến lược).

Nhận thức Phật giáo đúng thì sẽ hướng dẫn nhà lãnh đạo phát triển Giáo hội đi đúng hướng. Đúng hướng thì thấy ngay được thành quả của sự phát triển đi lên. Ở điểm này, xin lưu ý không nên bám vào sự phát triển chỉ bằng những việc xây mới lại nhiều chùa chiền to lớn, sư sãi giàu có, lễ lạc nhiều… Bởi chính sự phát triển hình thức đi chệch với quỹ đạo nhận thức và bị thao túng bởi tư duy “nhiệm kỳ” (tức muốn thay đổi gì thì phải chờ đến hết nhiệm kỳ) đã khiến cho Giáo hội bị trì trệ và bảo thủ, từ đó mà mất luôn tính sáng tạo và dân chủ, hai yếu tố mà tư tưởng Phật giáo luôn đề cao.

Thái độ “mũ ni che tai” là thái độ bằng lòng, chấp nhận với mọi sự sắp đặt, coi sự sắp đặt ấy là khuôn vàng thước ngọc của sự “được chọn”. Người được chọn là “Phật bổ xứ” chứ người được chọn không phải là người “chạy chức chạy quyền” bằng cách dựa vào quyền lợi thế tục để trục lợi và củng cố quyền lực để nhằm đấu đá và kiềm chế lẫn nhau trong quá trình tìm kiếm dục vọng cho bản thân…

Những biểu hiện về đời sống tâm linh bát nháo và rối loạn hiện nay đang cảnh báo cho những hành vi tôn giáo tín ngưỡng sai lầm mà hậu quả có nó chính là đường hướng giáo dục tôn giáo đang ở trong cảnh nói được mà không làm được, cũng như thiếu những điều chỉnh từ “nóc”.

Đức Phật dạy như sau:

Quốc dân tạo ác nghiệp

Quốc vương không cấm đoán

Thế là Phi chánh pháp

Không đúng cách trị đuổi

Thấy ác mà không chận

Phi pháp tự tươi lớn

Thế là trong vương quốc

Gian trá ngày càng nhiều

Quốc vương thấy quốc dân

Làm ác mà không ngăn

Thì chư thiên Đạo lợi

Cùng sinh ra phẫn nộ

Nên quốc chính thương tổn

Dối trá lan khắp nước

Bị ngoại thù xâm lược

Hủy diệt cả vương quốc…

Người ta bảo: “Không kẻ nào điếc bằng lòng người không muốn nghe, không kẻ nào mù bằng lòng kẻ không muốn thấy”. Muốn thay đổi được những yếu tố bảo thủ trì trệ trong Giáo hội thì cần phải đẩy mạnh những phản biện xã hội, trong đó cần phải đề cập nhiều đến những vấn đề thuộc về chính sách, chiến lược, những vấn đề thuộc thủ tục hành chính và cả những vấn đề thuộc vai trò cá nhân như lạm quyền và tham nhũng… Dấy lên những phản biện này nhằm thêm tai cho Giáo hội, để giáo hội lằng nghe nhiều hơn; thêm mắt cho Giáo hội, để Giáo hội thấy nhiều hơn, từ đó mà biết và làm những việc cụ thể, thiết thực hơn.

Trong kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Đức Phật đã chỉ bày một cách nghiêm khắc về vai trò của người lãnh đạo. Vì ở vị trí, vai trò của họ, họ phải nghiêm túc và có trách nhiệm hơn với chính mình và với những người đã giao phó sự tin tưởng và kỳ vọng cho họ.

Giáo dục bằng phi pháp

Tràn lan trong quốc gia

Thì đấu tranh gian dối

Thì bệnh dịch hoành hành…

Tối đại thần trong nước

Cùng các vị phụ tướng

Lòng đầy những dua nịnh

Cùng nhau làm phi pháp

Thấy kẻ làm phi pháp

Mà yêu mến kính nể

Thấy người làm thiện pháp

Lại hành hạ khổ sở…

Trong cả quốc gia ấy

Mọi tầng lớp quốc dân

Ít sức, không khỏe mạnh

Làm việc không kham năng…

Vua mà gần phi pháp

Thân gần với kẻ ác

Thì cả ba thế giới

Do vậy suy tổn cả…

Ý nghĩa “Phật bổ xứ” không có gì khác hơn là những người lãnh đạo sống đúng với chánh pháp. Và người lãnh đạo nên là những người đầu tiên tiếp nhận những giá trị giáo dục này.

Thường Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét