Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

TUỔI TRẺ CHƯA LỚN


Hai mái đầu bạc: nhà văn Nguyên Ngọc và GS.TS Lê Ngọc Trà, hai nhà văn hóa đã hàn huyên trong một buổi gặp gỡ, với những khắc khoải, suy tư về bản lĩnh thế hệ trẻ hôm nay, những người đang tiếp nối thế hệ của họ đưa đất nước tăng tốc phát triển…

Nhà văn Nguyên Ngọc: Những ngày gần đây, tôi suy nghĩ nhiều về lớp trẻ hiện nay. Nói cho cùng, vận mệnh đất nước ở trong tay họ. Nếu suy nghĩ về tương lai đất nước, nói cách nào đó là suy nghĩ về lớp trẻ.

Nói thật, những năm trước đây tôi bi quan cho rằng lớp trẻ thụ động, ý thức xã hội ít, nhạt nhẽo, thậm chí một bộ phận nào đó biểu hiện không tốt. Nhưng vài năm gần đây, tôi suy nghĩ lại, họ có ý thức xã hội đấy. Những biểu hiện của họ đi vào chiều sâu tư duy hơn. Và, khi chúng ta thấy sự im lặng của họ trước mọi vấn đề xã hội, đó là điều chúng ta phải suy nghĩ! Thật sự họ đang nghĩ gì? Biểu hiện bên ngoài có song hành với suy nghĩ bên trong tâm hồn thực?

Tuổi trẻ im lặng: vấn đề cần suy nghĩ!

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Tôi nghĩ không phải cái gì người lớn áp đặt cũng được tuổi trẻ chấp nhận cả đâu. Đôi khi im lặng cũng là phản kháng đấy. Anh có thấy một hiện tượng: ước mơ của tuổi trẻ hiện nay là đi du học bất cứ nước nào. Ra đi, các em mang theo hoài bão tiếp thu kiến thức mới, song hình như đấy cũng là sự phản ứng với nền giáo dục còn quá yếu kém của chúng ta hiện nay. Có phải vậy không anh?

• Nhà văn Nguyên Ngọc: Đúng. Lớp trẻ hiện nay phần lớn đều có tâm tư với nền giáo dục nước nhà. Trong cái im lặng hoặc vâng dạ của các em hôm nay, bao nhiêu % là sự thật. Tôi đã thấy trong nhiều trường hợp, ở một môi trường xã hội nào đó, các em có những biểu hiện, suy nghĩ rất khác. Bởi, nếu chúng ta áp đặt những suy nghĩ chủ quan của người lớn lên lớp trẻ, sẽ có hai tác hại: Thứ nhất, vô tình chúng ta tạo ra một lớp nào đó nói dối (trong bụng suy nghĩ khác, dù ngoài vâng dạ), thậm chí cơ hội. Thứ hai, kìm hãm năng lực phát triển của nó.

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Tôi chia sẻ suy nghĩ này với anh Ngọc. Người lớn tuổi như chúng ta và lớp trẻ luôn có khoảng cách về hành động cũng như suy nghĩ, đó là tất nhiên. Nhưng, nếu khoảng cách đó đẩy tới trạng thái kìm hãm sự phát triển của tuổi trẻ, đó là sự nguy hiểm. Tôi nghĩ, tuổi trẻ bây giờ có tiềm năng lớn về tri thức, thông tin, sức bật. Nhưng, vì sao hầu hết người lớn chúng ta đều cảm thấy họ dường như chưa lớn, chưa thể hiện được bản lĩnh của những người trẻ tuổi trong mọi vấn đề của xã hội cũng như chính cuộc đời họ.

Tôi đã ray rứt, khi mới đây trong một cuộc gặp mặt của thanh niên với các nhà lãnh đạo, giữa những khó khăn bộn bề của một đất nước đang cố vươn lên, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế toàn cầu mà đất nước chúng ta không đứng ngoài, có những thanh niên đặt câu hỏi: có nên yêu sớm… Tôi hiểu tình yêu là thế nào với tuổi trẻ, nhưng liệu rằng ở một cuộc họp như thế có phải là lúc nêu những câu hỏi như vậy. Lỗi này thuộc về tuổi trẻ hay ai? Tôi nghĩ, lỗi thuộc về hoàn cảnh xã hội. Anh nghĩ sao?

• Nhà văn Nguyên Ngọc: Nói cho thật, thế hệ chúng mình may mắn lớn lên trong một môi trường xã hội thuần hơn, sống đầy lý tưởng giải phóng đất nước. Còn thế hệ hôm nay lớn lên trong hòa bình, trong một xã hội mở cửa bước vào toàn cầu hóa, cái lý tưởng thật sự không hiển hiện trước mắt, mà mỗi con người phải tự tìm cho mình một mục đích để đuổi theo. Do đó, nếu không có sự dẫn dắt khoa học - tôi nhấn mạnh là khoa học - thì các em dễ mất phương hướng, sinh ra hoài nghi và chán chường. Từ đó sẽ sinh ra chán nản hoặc cơ hội.

Tôi đồng ý với anh. Lỗi không phải của tuổi trẻ, lỗi của môi trường xã hội.

Không dạy sống - sao rèn được bản lĩnh!

• Nhà văn Nguyên Ngọc: Xã hội hôm nay, với sự bùng nổ của Internet và các phương tiện thông tin hiện đại, giới trẻ có tràn đầy thông tin không chỉ đến từng ngõ ngách trong nước mà cả toàn cầu. Đó là thế mạnh mà các em, cháu đang hơn thế hệ cha ông. Nhưng những kiến thức đó không tự dưng mang đến cho người ta một lý tưởng sống.

Tôi cho vấn đề của con người không phải chỉ là thông tin. Vấn đề là cái lõi, cái tinh thần của thông tin đó như thế nào. Giáo dục hôm nay nhét đầy kiến thức cho con trẻ, đến độ chúng bội thực thông tin. Đó là vấn nạn. Rồi với những thông tin đó, không xài thường xuyên sẽ dần quên hết. Và, con người còn lại sẽ sống với cuộc đời đầy xô bồ hiện nay như thế nào!?

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Nãy giờ tôi dõi theo ý của anh, cuối cùng thấy chúng ta cùng gặp nhau ở một điểm: giáo dục ở ta đang thiếu một triết lý, điều này nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu cũng nghĩ như tôi và anh. Quan trọng nhất của giáo dục không chỉ là tri thức, mà còn là cách sống. Theo tôi, giáo dục phổ thông là dạy làm người, còn giáo dục đại học là dạy nghề. Ông J. Dewey có một tư tưởng rất hay: giáo dục chính là cuộc sống. Tôi cho đây là tư tưởng cực hay. Dạy đứa trẻ chính là dạy nó sống. Nó không biết sống cho đúng thì làm sao có đủ bản lĩnh trước cuộc đời.

Đã đến lúc phải xem lại toàn bộ chương trình giáo dục. Nhà trường quan trọng trước hết phải dạy người ta sống. Chứ không phải chỉ cung cấp tri thức, dạy hiểu biết, dạy tư duy, cho dù là tư duy sáng tạo. Ở Singapore, vừa qua họ đã cho bớt giờ khoa học ở bậc tiểu học mà tăng giờ dạy kỹ năng sống ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Bởi con người dù hiểu biết thông minh, sáng tạo đến mấy cũng không đủ làm con người có bản lĩnh.

• Nhà văn Nguyên Ngọc:Ý anh hay. Từ thông tin đến tư duy, cũng vẫn chỉ là kỹ thuật, cái kỹ thuật tư duy trong đầu. Vấn đề là phải thao tác kỹ thuật đó như thế nào. Mà tôi cho rằng để sống làm người có bản lĩnh, cái cảm là vô cùng quan trọng. Buồn thay, nay môn văn không dạy cho con trẻ cái cảm mà biến thành một môn khoa học. Sai hết rồi!

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Bây giờ bên cạnh chỉ số IQ (thông minh) người ta còn đặt vai trò quan trọng của chỉ số EQ (cảm xúc).

Dân chủ, cần bản lĩnh từ cả hai phía

• Nhà văn Nguyên Ngọc: Gần đây ở Nga người ta có in lại quyển “Những ý nghĩ không hợp thời” của M. Gorki viết thời kỳ cách mạng Nga mới lật đổ Sa Hoàng, trong đó ông nói: Cuộc cách mạng đã rất quan trọng và vĩ đại. Song, mới chỉ đưa những căn bệnh ngoài da vào trong nội tạng.

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Nhân anh nói tới M.Gorki, tôi nhớ tới Mandela, tôi xem ông là bậc hiền triết. Sau khi lãnh đạo việc xóa bỏ chế độ Apactha, ông nói: Chúng ta chưa có tự do. Chúng ta mới giành được quyền để được tự do. Các bệnh của dân tộc chúng ta còn nguyên si. Suy nghĩ về dân tộc phải suy nghĩ tới mức như vậy. Phải có cuộc cải tạo dân tộc bằng văn hóa. Bởi lớp trẻ có thể biết nhiều, thông minh, song một khi phần con người nhân văn nó chông chênh, rất nguy hiểm. Tư tưởng của Tổng thống Obama (Mỹ): bản chất sự thay đổi của nước Mỹ không nằm ở vũ khí, không nằm ở sự giàu có mà nằm ở sự thay đổi tính nhân văn của dân tộc.

• Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi chia sẻ. Tuổi trẻ là tuổi lãng mạn, kéo dài 10-15 năm. Tới khi có gia đình cái lãng mạn đã giảm nhiều. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng đã thốt lên trong lời ca: “Ai cũng có một thời trai trẻ…”. Chính tuổi trẻ cần có lý tưởng để vươn tới. Mà nói đến lý tưởng là nói đến cái chất lãng mạn của con người. Ở đây xin đừng hiểu lãng mạn là “than cùng mây và khóc với gió”, mà là một sự hướng thiện, khao khát lý tưởng, vươn lên cái đẹp trong cuộc sống. Phải tạo điều kiện cho tuổi trẻ giải phóng năng lực.

Nhưng, tôi muốn đề cập đến vấn đề nhạy cảm: dân chủ. Chính sự dân chủ sẽ giúp thế hệ trẻ tìm thấy hoài bão đích thực của mình, chứ không phải là thứ hoài bão gán ghép cho họ. Làm sao trao cho người ta quyền dân chủ mà người ta không lợi dụng nó để hành động bậy. Đó là bản lĩnh của nhà lãnh đạo, cũng như của nền giáo dục trong việc giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, trong việc tạo cho họ một tình yêu gia đình - xã hội và cộng đồng, một nhân sinh quan đúng đắn.

Chúng ta đã không giáo dục đầy đủ tính nhân văn cho tuổi trẻ, cũng như những định chế về luật pháp và đạo đức để sống trong một xã hội đang có những chuyển đổi dữ dội, nhưng lại cũng chưa được quản lý một cách khoa học, vì vậy ta mới lo sợ khi mở rộng cửa…

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Chính vì vậy, hiện nay có hiện tượng ở một bộ phận tuổi trẻ: chuyện gì cũng có thể chém giết nhau được. Một khi thông tin thiếu cái lõi nhân văn, loạn là thế. Tôi cảm nhận, có một chỗ nào đó trong căn bệnh xã hội của chúng ta hiện nay chưa được tháo gỡ.

Phẩm chất thật sự của trí thức là nhân cách

• Nhà văn Nguyên Ngọc: Nguy hiểm ở chỗ khi con người chỉ được cung cấp thông tin đơn thuần, họ sẽ trở nên khô khan, lạnh lùng và những tội ác sẽ đến từ đấy. Bởi, thông tin không tạo nên tâm hồn. Nói cho cùng, bản lĩnh chính là phẩm chất lãng mạn trong con người. Những con người vĩ đại, họ lãng mạn lắm.

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Khi người ta biết yêu cái đẹp, khó làm điều xấu. Khi anh biết rung cảm với một chiếc lá rơi, anh dễ rung động trước nỗi khổ của con người, nhân loại, lương tri anh thức dậy, chế ngự được dục vọng. Do đó, phải chuẩn bị cho con trẻ nhân cách, làm người bên cạnh trang bị tri thức.

• Nhà văn Nguyên Ngọc: Tri thức tự bản thân nó luôn luôn vươn tới sự hoàn thiện. Khi đạt đến sự hoàn thiện tri thức có vẻ đẹp của nó, chứ không còn là kiến thức trần trụi. Khi nói tới trí thức người ta thường nghĩ tới người có tri thức, có học thức. Thật ra phẩm chất thật sự của người trí thức nằm ở nhân cách trí thức của anh ta.

•  GS.TS Lê Ngọc Trà: Đúng rồi. Nhân cách trí thức này rất quan trọng, nó thể hiện trước hết không phải ở những phẩm chất đạo đức thông thường: hiền lành, nhân hậu… mà chủ yếu là khát vọng về chân lý và sự trung thành đến cùng với chân lý, sự thật. Theo tôi ở Việt Nam, đội ngũ trí thức hiểu theo nghĩa này còn rất mỏng.

Văn hóa chính là cái phanh

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Tôi cũng muốn nói rõ hơn, tuổi trẻ không thiếu thông tin, khoa học, nhưng cái họ thiếu chính là tính nhân văn trong các lõi thông tin đó. Và, điều gì sẽ xảy ra nếu bản lĩnh của họ trước cuộc đời trở nên yếu ớt hoặc lệch lạc. Nhất là khi đất nước ta đang bước vào nền kinh tế thị trường, giữa những giông bão của thị trường, tuổi trẻ dễ xốc nổi, nếu bản lĩnh yếu liệu rằng họ có bị nghiêng ngả không. Tất nhiên, kinh tế thị trường là bắt buộc nhưng nó phải xây dựng trên một nền tảng pháp lý, đạo đức lành mạnh, tương hợp, nếu không sẽ đẻ ra những hậu quả rất nguy hiểm.

• Nhà văn Nguyên Ngọc: Kinh tế thị trường của ta hiện nay vẫn còn thời kỳ hoang dã, thiếu hầu hết những định chế đạo đức ràng buộc. Do đó, phát triển thế nào đó là hạnh phúc, và thế nào đó lại là đau khổ. Bill Gates tham vọng và khao khát làm giàu. Nhưng trong ông ta vẫn là con người lãng mạn, do đó đồng tiền ông ta làm ra đã dành phần lớn để cống hiến trở lại vì hạnh phúc của nhân loại qua công tác từ thiện.

• GS.TS Lê Ngọc Trà: Tôi cũng nghĩ như anh, lãng mạn không hề mâu thuẫn với khát khao vươn tới. Và, văn hóa chính là cái phanh. Đất nước đang tăng tốc phát triển, chính lúc này lại cần cái phanh văn hóa để xã hội không lệch lạc.

Tôi cho rằng thanh niên hiện nay đang chịu cái gánh rất nặng trong giai đoạn chuyển đổi của đất nước. Cùng một lúc, chuyển từ nông thôn thành thành thị, từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, từ chuyên chính sang dân chủ, từ vô thần sang thừa nhận tự do tôn giáo, từ sản xuất nhỏ sang sản xuất công nghiệp hóa… Hàng loạt sự chuyển đổi đó lại đặt trên vai một xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, chịu không nổi bứt hết... Một sự đứt gãy văn hóa khủng khiếp. Không chỉ tuổi trẻ, mà tuổi già cũng khủng hoảng.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi thông cảm cho thanh niên đang đứng giữa dòng nước siết. Chính vì vậy, lúc này chính văn hóa - giáo dục phải có sự vươn lên, dẫn dắt con người vượt qua khủng hoảng. Không tự dưng mà trong diễn văn nhậm chức của mình cách đây không lâu, bà hiệu trưởng ĐH Harvard nổi tiếng đã nói: Giáo dục đại học không chỉ lo cho bây giờ. Nó còn phải kết nối quá khứ với tương lai. Lo cho cả cuộc đời con người. 

Theo MAI LAN (Người Đô Thị) 

LÃNH ĐẠO: NHỮNG GIÁ TRỊ TỪ BÊN TRONG


Đời sống xã hội đang có nhiều thay đổi lớn đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân phải có những điều chỉnh thích hợp để cân bằng và tiến tới. Nhận thức đúng để đi đến điều chỉnh tích cực là một phần quan trọng trong quá trình ý thức về việc cần phải thay đổi để làm mới và làm mạnh chính mình một cách dũng cảm và có trách nhiệm…

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo được phân cấp từ Trung ương đến địa phương, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nhưng nhận thức về sự “đổi mới” gần như vẫn chưa đến được với tổ chức này. Yếu tố nào từ trong truyền thống tư tưởng Phật giáo làm gia tăng khoảng cách trong nhận thức trên? Hay phải chăng do “năng lực” quản lý mà ở một thời điểm tình thế cần phải bổ sung những thành phần nhân sự theo một “tiêu chuẩn” nào đó để làm lãnh đạo?

Truyền thống tư tưởng Phật giáo Việt Nam chắc chắn không phải là rào cản trong quá trình nhận thức cần phải “đổi mới” cho phù hợp với những giá trị thời đại, vì xuyên suốt lịch sử nó từng là một truyền thống dấn thân nhập thế, cư trần lạc đạo…

Một khi vấn đề “chọn” người lãnh đạo, “chọn” người tham gia vào các công việc hành chính của Giáo hội vẫn còn là công việc không có nhiều sự điều chỉnh từ bên trong mà chủ yếu do tác động từ bên ngoài thì chính bản thân nó sẽ là một lực cản mạnh mẽ trong quá trình phát triển Giáo hội. Thế nên, phần nào do yếu về năng lực quản lý, kém về năng lực tinh thần (trong vai trò là lãnh tụ tinh thần), nên Giáo hội vẫn đứng ngoài, thậm chí làm ngơ trước mọi phản biện xã hội.

Trong một thời kỳ nào đó, vai trò lãnh đạo tôn giáo của những thành phần "được chọn" này phải có những nhân tố đảm bảo nào đó ở mức độ “cho phép”, có thể hiểu và cảm thông được. Tuy nhiên, khi xã hội có nhiều những đòi hỏi về học thuật, tự do, dân chủ, sáng tạo… thì chính những thành phần này vì muốn giữ ghế lâu dài sẽ “gia trì” sự bảo thủ, nên đây cũng chính là nguyên nhân chính kéo lùi mọi bước tiến trong một quá trình mà xã hội đang ý thức đẩy mạnh cải cách trên nhiều phương diện.

Cải cách luôn đi cùng với những mục tiêu cụ thể và dài hạn cho tương lai của tổ chức. Các yếu tố cần thực hiện phải được khởi động bằng một chính sách chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực ngắn, trung, dài hạn một cách bài bản và một cơ sở hạ tầng có sự liên kết chặt chẽ giữa các ban ngành.

Chúng ta luôn tôn trọng những bước đi cần mẫn của quá khứ, song tư duy và nhận thức luôn phải là tư duy và nhận thức của thời đại. Thời Lý-Trần có những yếu tố “thời đại” của thời Lý -Trần. Mỗi thời đại đều mang trong mình những yếu tố mà thời đại đặt ra và đòi hỏi nó phải điều chỉnh và thay đổi để thích nghi, phát triển.

Nếu ở thời đại như hiện nay mà chúng ta vẫn vận dụng tư duy và cách làm cũ thì mãi mãi tổ chức Giáo hội chỉ là tổ chức có vẻ như thống nhất về mặt hình thức mà không phải là một tổ chức có hệ thống chặt chẽ nhằm chuyển tải những giá trị tinh thần to lớn của đạo Phật nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Chấn chỉnh được nhận thức thì sẽ đi đến thống nhất lợi ích trong vai trò là một tổ chức xã hội. Có nghĩa rằng, những tính chất “nhóm”, “cá nhân” đóng vai trò cục bộ sẽ phải tự điều chỉnh mình để hòa nhập với tổ chức Phật giáo ở cả hai giá trị: năng lực lãnh đạo và năng lực tinh thần. Nhìn vào cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo hiện nay thì thấy rõ sự khập khiễng trong vấn đề này. Có những người năng lực tinh thần có đủ nhưng năng lực lãnh đạo thì đã cạn kiệt theo tuổi tác. Có những người có “năng khiếu” lãnh đạo vì được đào tạo từ một môi trường lãnh đạo có “thế thuật” thì lại quá yếu về năng lực tinh thần, vì vậy càng lên cao càng làm cho người dưới ít có sự kính phục.

Và chính sự mâu thuẫn này mà chúng ta thấy vấn đề tiếp cận với những giá trị thời đại tuy có được tư duy, bàn thảo qua các hình thức hội thảo, giao lưu,... nhưng bàn xong rồi để đó, ít thấy khởi động để thay đổi, vì chưa thấy một nhận thức mới bắt đầu từ sự điều chỉnh ở hàng lãnh đạo. Nếu thúc đẩy Giáo hội đi lên bằng những tư duy đã cũ, bằng cách mà Giáo hội đã đi lên từ thời chiến tranh của một vài thập kỷ trước thì chỉ một thời gian sau nó sẽ lại đi vào quỹ đạo của sự bảo thủ của chính nó, co cụm về phía bảo vệ cho lợi ích cá nhân và tạo ra sự an toàn cho lý lịch của một nhóm người khi đóng vai là những nhà lãnh đạo Phật giáo.

Có những vị lãnh đạo Phật giáo “ứng thế” do hoàn cảnh lịch sử bắt buộc nhưng luôn có ý thức đảm bảo được sự vận hành của một bộ máy mà những yếu tố rệu rã, trì trệ luôn có những bộc lộ không thể che dấu. Trong khi đó, một số khác, do sự tự mãn về danh lợi thông qua vai trò “khai quốc công thần” trong thời "binh lửa" đã làm cho Phật giáo rơi vào tình trạng bị lý giải bằng các hình thức “đấu tranh” xã hội. Trong khi người lãnh đạo không cần phải thi thố quyền lực hay ra oai chứng tỏ rằng mình là người được "tổ chức" chọn vì điều đó không nói lên nhiều vai trò lãnh tụ tinh thần của họ trong một ý nghĩa trong sáng và một môi trường sống lành mạnh dựa trên tinh thần Phật giáo. Do đó, đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam trong tương lai (xa gần) đều chỉ ra rằng không thể được xây dựng trên cơ sở của những giải pháp tình thế, nhất thời (cả về nhận sự lẫn chiến lược).

Nhận thức Phật giáo đúng thì sẽ hướng dẫn nhà lãnh đạo phát triển Giáo hội đi đúng hướng. Đúng hướng thì thấy ngay được thành quả của sự phát triển đi lên. Ở điểm này, xin lưu ý không nên bám vào sự phát triển chỉ bằng những việc xây mới lại nhiều chùa chiền to lớn, sư sãi giàu có, lễ lạc nhiều… Bởi chính sự phát triển hình thức đi chệch với quỹ đạo nhận thức và bị thao túng bởi tư duy “nhiệm kỳ” (tức muốn thay đổi gì thì phải chờ đến hết nhiệm kỳ) đã khiến cho Giáo hội bị trì trệ và bảo thủ, từ đó mà mất luôn tính sáng tạo và dân chủ, hai yếu tố mà tư tưởng Phật giáo luôn đề cao.

Thái độ “mũ ni che tai” là thái độ bằng lòng, chấp nhận với mọi sự sắp đặt, coi sự sắp đặt ấy là khuôn vàng thước ngọc của sự “được chọn”. Người được chọn là “Phật bổ xứ” chứ người được chọn không phải là người “chạy chức chạy quyền” bằng cách dựa vào quyền lợi thế tục để trục lợi và củng cố quyền lực để nhằm đấu đá và kiềm chế lẫn nhau trong quá trình tìm kiếm dục vọng cho bản thân…

Những biểu hiện về đời sống tâm linh bát nháo và rối loạn hiện nay đang cảnh báo cho những hành vi tôn giáo tín ngưỡng sai lầm mà hậu quả có nó chính là đường hướng giáo dục tôn giáo đang ở trong cảnh nói được mà không làm được, cũng như thiếu những điều chỉnh từ “nóc”.

Đức Phật dạy như sau:

Quốc dân tạo ác nghiệp

Quốc vương không cấm đoán

Thế là Phi chánh pháp

Không đúng cách trị đuổi

Thấy ác mà không chận

Phi pháp tự tươi lớn

Thế là trong vương quốc

Gian trá ngày càng nhiều

Quốc vương thấy quốc dân

Làm ác mà không ngăn

Thì chư thiên Đạo lợi

Cùng sinh ra phẫn nộ

Nên quốc chính thương tổn

Dối trá lan khắp nước

Bị ngoại thù xâm lược

Hủy diệt cả vương quốc…

Người ta bảo: “Không kẻ nào điếc bằng lòng người không muốn nghe, không kẻ nào mù bằng lòng kẻ không muốn thấy”. Muốn thay đổi được những yếu tố bảo thủ trì trệ trong Giáo hội thì cần phải đẩy mạnh những phản biện xã hội, trong đó cần phải đề cập nhiều đến những vấn đề thuộc về chính sách, chiến lược, những vấn đề thuộc thủ tục hành chính và cả những vấn đề thuộc vai trò cá nhân như lạm quyền và tham nhũng… Dấy lên những phản biện này nhằm thêm tai cho Giáo hội, để giáo hội lằng nghe nhiều hơn; thêm mắt cho Giáo hội, để Giáo hội thấy nhiều hơn, từ đó mà biết và làm những việc cụ thể, thiết thực hơn.

Trong kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Đức Phật đã chỉ bày một cách nghiêm khắc về vai trò của người lãnh đạo. Vì ở vị trí, vai trò của họ, họ phải nghiêm túc và có trách nhiệm hơn với chính mình và với những người đã giao phó sự tin tưởng và kỳ vọng cho họ.

Giáo dục bằng phi pháp

Tràn lan trong quốc gia

Thì đấu tranh gian dối

Thì bệnh dịch hoành hành…

Tối đại thần trong nước

Cùng các vị phụ tướng

Lòng đầy những dua nịnh

Cùng nhau làm phi pháp

Thấy kẻ làm phi pháp

Mà yêu mến kính nể

Thấy người làm thiện pháp

Lại hành hạ khổ sở…

Trong cả quốc gia ấy

Mọi tầng lớp quốc dân

Ít sức, không khỏe mạnh

Làm việc không kham năng…

Vua mà gần phi pháp

Thân gần với kẻ ác

Thì cả ba thế giới

Do vậy suy tổn cả…

Ý nghĩa “Phật bổ xứ” không có gì khác hơn là những người lãnh đạo sống đúng với chánh pháp. Và người lãnh đạo nên là những người đầu tiên tiếp nhận những giá trị giáo dục này.

Thường Trung

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

TẠM DỪNG TRÙNG TU CÓ BẢO VỆ ĐƯỢC DI TÍCH?


Sen Việt: Qua vấn đề trùng tu di tích, Sen Việt từng công bố bài viết: “Di sản Phật giáo: no dồn đói góp” của tác giả Nam Quốc, vì trước đó đã có nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin có những bình luận khác nhau về việc trùng tu, kiến tạo các công trình di sản văn hóa liên quan đến chùa chiền. Sen Việt nhận thấy cần thiết có một cách nhìn khác về lĩnh vực này, nêu ra những tồn tại lịch sử do những nguyên nhân chủ quan, khách quan của một thời đầy biến động. Cần phải nhắc lại quá khứ không xa để hiểu thêm những diễn biến nhận thức hiện tại, nhằm điều chỉnh và đi đến một sư quan tâm chung, công bằng hơn đối với các công trình kiến trúc liên quan đến những di sản văn hóa Phật giáo. Cũng về vấn đề này, Sen Việt xin tiếp tục gửi tới độc giả bài viết của tác giả Nguyễn Mai Sơn.

Bài viết: “Báo động từ di tích! Bài 4: Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích” được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 27/3/2009 có dẫn lời tòa soạn: “Hãy nhìn cái cách mà người ta nhân danh phục dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua để thấy họ ứng xử với văn hóa một cách phản văn hóa như thế nào? Đã có hàng chục năm say mê tìm hiểu cặn kẽ các di tích văn hóa, đặc biệt là đền chùa, họa sĩ Lê Thiết Cương và họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng tham gia cùng Tuổi Trẻ trong loạt bài này với cái nhìn của người trong cuộc”.

Văn hóa là cả một quá trình vận động và phát triển, chứ không phải một khái niệm tĩnh tại bất biết, vì thế nếu tìm hiểu những ứng xử văn hóa thì phải tìm hiểu chính quá trình vận động mang ý nghĩa lịch sử và thời đại ấy. Tìm hiểu như vậy để xem những giá trị văn hóa nào đang được bảo lưu một cách đúng nghĩa và những giá trị văn hóa nào đang trong quá trình bị đào thải, hủy diệt, canh tân. Nhận thức điều này để không rơi vào việc bàn luận thiếu khách quan, thậm chí kết luận một cách đầy cảm tính về những vấn đề liên quan đến văn hóa.

Tôi đặc biệt chú ý đến lời tòa soạn của báo Tuổi Trẻ, cụ thể là câu hỏi mang tính “kết luận” (một việc nhẽ ra không nên thuộc về tòa soạn), và nếu đọc kỹ thì sẽ thấy dấu hỏi (?) đưa vào câu “kết luận” trên là thừa: “Hãy nhìn cái cách mà người ta nhân danh phục dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua để thấy họ ứng xử với văn hóa một cách phản văn hóa như thế nào?”. Vì sao tôi nói đây là một câu hỏi mang tính “kết luận”, vì nếu là câu hỏi thì hãy để cho người đọc trả lời, chứ không phải tất cả những “phụ dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua” đều là những “ứng xử văn hóa một cách phản văn hóa”.

Nhưng tôi chú ý, vì sao Tuổi Trẻ chỉ sử dụng cái mốc thời gian là “20 năm”, tức khoảng từ năm 1999 trở lại đây. Còn từ năm 1999 trở về trước thì sao? Phải chăng nếu chỉ vào cái mốc 30 đến 35 năm thì e chúng ta lại chẳng thấy một khái niệm “trùng tu” nào cả, mà là “phá di tích, di sản” (một cách có chủ trương). Như vậy, có một sự vận động ý thức văn hóa và lịch sử nào để đền chùa, đình miếu, biến thành trường học, chuồng lợn, chuồng trâu, xưởng sản xuất, và biết bao nhiêu những đồ thờ tự bị đốt bỏ, bị tịch thu, bị tiêu hủy, có biết bao lầu chuông, gác trống bị kéo đổ…? Cái mốc thời gian “phá di tích” và cái mốc thời gian “trùng tu di tích” cách nhau chỉ trong gang tấc, nhưng nhận thức về di sản thì gắn bó với nhau như keo sơn. Phá đi, tiêu hủy đi thì mất hẳn, còn trùng tu (tu bổ) di tích là một trách nhiệm hiển nhiên của các triều đại trong lịch sử. Như vậy thì không có triều đại nào “tạm dừng trùng tu di tích” cả, vì ngừng trùng tu di tích cũng đồng nghĩa với việc “phá di tích”.

Mối liên hệ nhân quả nhiều chiều của một quá trình “phá” và “trùng tu” di tích cần phải được nhìn nhận như một quá trình tạo nên những “thái cực”, thậm chí những “lệch lạc” trong cả hiện thực “phá” và “trùng tu”. Lúc đó người ta sẽ đặt ra những câu hỏi lớn “tại sao lại phải phá di tích”, “tại sao lại phải trùng tu di tích?”, “phá di tích có phản văn hóa không?”, “trùng tu di tích có phản văn hóa không?”. Với những câu hỏi này thì lịch sử và phần nào hiện thực đang được cố gắng trả lời cho "tròn trịa" (có lý).

Nhưng chỉ e rằng chúng ta đang thiếu những “người trong cuộc” để hiểu hết những vết khuyết từ lịch sử “phá” và “trùng tu” di tích. Vết khuyết không thể không là một nguyên nhân gây ra những ngộ nhận và cả những méo mó, lệch lạc phần nào trong công tác trùng tu di tích hiện nay. Khái niệm “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” xuất hiện từ bao giờ và đã được hiểu và kích thích giới nghiên cứu về văn hóa như thế nào?

Có biết bao nhiêu ngôi chùa hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh, bởi chính những nhận thức “phi văn hóa”. Và còn rất nhiều ngôi chùa hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nếu không kịp thời trùng tu sửa chữa, thì sẽ đổ sập xuống bất cứ lúc nào, và chắc chắn lúc đó không chỉ có một vào bức tượng, một vào hoành phi là có nguy cơ không thể tu bổ được. Chúng tôi xin lấy ví dụ: “Chùa Vĩnh Thái (Hưng Yên) có rất nhiều tượng phật, chuông đồng, bia đá, sắc phong… từ nhiều thời để lại và cổ nhất là thời nhà Lý. Nếu bị sập khu tam bảo, có lẽ tất cả những bức tượng kia chỉ có vỡ vụn thành nhiều mảnh. Lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm trước mất mát này và còn lương tâm sẽ day dứt với hậu thế nữa chứ” ( http://www.baoxaydung.vn/PrintPreview.aspx?ID=13440 ). Điều đáng nói, nhà chùa kêu gọi cho phép trùng tu nhiều lần nhưng cấp chủ quản vẫn làm ngơ.

Chắc sự thờ ơ của các cấp quản lý về di tích chùa Vĩnh Thái nêu trên chính là đang ra sức bảo vệ di tích? Vì tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích mà (dừng bao lâu, dừng cho đến lúc nào? Tại sao, những câu phát biểu đầy cảm tính này lại có thể nhân danh là những “người trong cuộc” và lại được báo Tuổi Trẻ viết lời tòa soạn một cách “trịnh trọng” như thế.

Chúng ta hãy đi khắp các tỉnh thành trong cả nước xem, những ngôi chùa, những đền miếu, thậm chí cả nhà thờ nữa, xem những gì đang là bản sắc, những gì đang pha trộn lai căng, và những gì đang vận động theo dòng chảy hiện đại của lịch sử? Nhìn để hiểu về “giấc mộng quá khứ”, nhìn để thấy biết như thật về một hiện trạng của nền văn hóa nước nhà. Và nếu nhìn ở một tầm mức bao quát sẽ thấy ra rất nhiều điều thú vị, rằng nhà ở của người Việt hiện nay toàn những nhà ống hiện đại, với tất cả những tiện nghị hiện đại, nhưng chẳng ai tìm hiểu làm thế nào để phục dựng mẫu nhà ở của người Việt, cách ăn mặc, ứng xử của người Việt truyền thống. Vì sao vậy? Vì sự vận động có ý thức (và cả vô ý thức) của một quá trình giao thoa, tiếp biến (thậm chí cả triệt tiêu) văn hóa nữa.

Chúng ta lấy ví dụ về việc mới đây Hà Nội cho quy hoạch khu vực Hồ Gươm, hiện trạng đã có rất nhiều công trình kiến trúc xa lạ đang xấm chiếm khu vực này, nhưng khi các đề án kiến trúc đưa ra trình làng và xin ý kiến nhân dân, hầu hết các đế án đều ít nhiều “phản bội” lại Hồ Gươm. Đặc biệt khu vực này tồn tại hai di sản có giá trị vào bậc nhất kinh thành là chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân thì chẳng thấy ai quan tâm đến.

Đình, chùa, miếu, quán là nơi hội tụ, kết tinh di sản văn hóa, truyền thống, lịch sử của dân tộc. Người ta có thể xây dựng 1.000 tòa nhà hiện đại nhưng phá một ngôi đình là không xây lại được, là mất vĩnh viễn, mất lịch sử, mất truyền thống, mất tâm linh, mất văn hóa. Phá hoại đình chùa là điều không thể sửa sai, không thể sám hối” (Báo động từ di tích! Bài 4: Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích).

Di tích luôn phải hứng chịu chung sức ép của khí hậu, thời gian… Một di tích thường được trùng tu, thậm chí xây dựng lại không chỉ một lần. Và tùy điều kiện hoàn cảnh sinh hoạt mà quá trình trùng tu có thể tăng thêm diện tích hay giảm đi một số công trình để tránh lãng phí. Trong thời Nguyễn, có những di tích từ những thời Lý, Trần, Lê, nhưng khi được trùng tu lại, họ cũng vẫn cho xây cất thêm, hoặc giả phá bớt đi những hạng mục công trình cũ. Đọc các tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn từ Gia Long (1802) đến Bảo Đại (1945) cho chúng ta thấy rõ điều đó. Và những di tích ấy cũng tùy theo từng triều đại mà được phục dựng một cách khác nhau về lề lối (mô-típ) kiến trúc, tức nó cũng phản ánh tinh thần và giá trị kiến trúc, mỹ thuật của thời đại.

Tôi xin lấy ví dụ trong các văn bản (được nhà vua phê duyệt) liên quan đến trùng tu thời nhà Nguyễn, trong đó nói rất nhiều đến vấn đề tu bổ chùa chiền. Cụ thể việc trùng tu chùa Ngọc Sơn với nhiều hạng mục tu bổ được kê khai chi tiết về vật liệu, nhân công, giá thành. Riêng tu sửa Phật tượng và đồ thờ cúng thì được liệt kê rất chi tiết trong việc tượng nào bị hư hỏng cái gì, cần phải tu bỏ thay thế như thế nào: “Còn các tôn tượng và đồ thờ bể gãy cần thay đổi hay tu bổ xin do thần bộ chiếu theo biên bản khám kiểm (kê rõ ở sau) xét từng khoản tư cho Nội vụ đốc công, Vũ khố các nha trù nhu vật liệu, khoản nào bao nhiêu tư cho thần bộ chi phát để lãnh làm xong sớm giao thủ hộ chiếu nhận để thờ. Còn các đồ thờ nào đổi thì cái cũ sẽ do người thủ hộ đệ nạp cho Phụng nạp sở trong kho. Loại nào cần tu bổ lại, nhân công vật liệu, tiền gạo bao nhiêu xin liệt kê như sau…” (Bộ Công tâu việc kê khai chi tiết dự án tu bổ chùa Ngọc Sơn – Châu Bản Triều Nguyễn, Lý Kim Hoa sưu khảo, biên dịch, NXB VHTT, 2003, tr. 663).

Đáng lưu ý trong các văn bản liên quan đến trùng tu di tích Phật giáo này, chúng ta thấy có chi tiết như sau: “Thần bộ phụng tra cứu thì theo lệ định xây cất sửa sang chùa đền nhà cửa thời hạn phải đảm bảo kiên cố trong 5 năm” (Bộ Công tâu việc kiểm tra chùa Giác Hoàng, Linh Hựu, Long Quang và dự án tu bổ, sđd, tr. 442). Với thời hạn bảo đảm kiên cố trong vòng 5 năm thì quả thật thua xa bây giờ. Nếu so sánh theo cách nghĩ chúng ta muốn thì có thể nói, đọc xong những văn bản thời Nguyễn, chúng ta thấy họ không quan tâm lắm đến di tích Phật giáo dù có chiếu lệ tu bổ, Tuy nhiên, họ lại rất nghiêm túc trong việc đánh giá, kê khai và lên kế hoạch chi tiết về thu chi trong việc tu bổ di tích.

Chùa Một Cột ở Thủ đô Hà Nội hiện nay (đã được trùng tu lại nhiều lần) không phải chùa Một Cột nguyên bản thời nhà Lý. Một ngôi chùa được trùng tu nhiều lần, nhưng cái lần trùng tu mà ta quen nhìn trong khoảng thời gian sống với nó khiến cho chúng ta nảy sinh những tình cảm đặc biệt, không phai mờ trong ký ức. Tuy nhiên, văn hóa vật thể thì có quy luật (sinh diệt) của chính nó theo thời gian. Có những công trình như chùa Vĩnh Thái ở Hưng Yên thì chắc chắn trong tương lai phải xây mới lại. Vấn đề là xây mới như thế nào cho phù hợp chứ không phải cứ xây mới là phá hỏng di sản (trong khi có những di sản đã hỏng không thể sữa chữa được nữa).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa Diên Hựu (Một Cột) được vua cho xây dựng vào năm 1049: “Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quán Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm tòa sen của Phật Quán Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng chung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu”. Nhưng ngôi chùa này đến năm 1101 đã phải sửa chữa, tức mới chỉ 52 năm sau. Tuy nhiên đến năm 1105, tức 4 năm sau đó thì nhà vua lại sai làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở trước chùa và cho sửa lại chùa đẹp hơn cũ. Như vậy mới chỉ khoảng thời gian trên 50 năm mà chùa Diên Hựu đã qua 2 lần tu sửa và có những khác biệt rất lớn.

Các triều đại sau quan tâm đến ngôi chùa nào thì tu sửa ngôi chùa ấy. Nơi nào các quan địa phương quan tâm đến sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng thì chùa chiền được tâu báo để tu bổ. Còn như chùa Báo Thiên còn rất đẹp, từng là An Nam tứ khí, niềm tự hào quốc gia của người Việt thì giáo dân Nguyễn Hữu Độ, lúc đó là Tổng đốc, nghe lời Giám mục Puginier cho người phá sập và bàn giao để xây nhà thờ Lớn.

Ông Phan Cẩm Thượng than rằng: “Tình hình trùng tu các di tích văn hóa nghệ thuật cổ những năm gần đây thật đáng lo ngại. Nhà nước và nhân dân tốn rất nhiều tiền nhưng kết quả thu lại là các di sản bị biến mất và thay thế bằng một di tích mới. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng dường như tình trạng bất khả kháng làm nản lòng những tâm trạng hoài cổ”. Phát biểu này cho thấy rõ ông là một nhà Mỹ thuật hoài cổ. Nhưng bản thân tôi cũng hoài cổ không kém khi đứng trước Hồ Gươm mà không thấy chùa Báo Thiên đâu nữa. Đặc biệt hình ảnh về chùa Báo Ân mà hiện nay còn trơ trọi tháp Hòa Phong nằm đó thì kiếm một người hoài cổ để thao thức phục dựng lại nó giống như lòng hoài cổ của ông Phan Cẩm Thượng ở Việt Nam cũng rất hiếm hoi.

Tuy nhiên, khi định mức giá trị “thẩm mỹ” ở không gian tâm linh, cũng xin các nhà thẩm mỹ lưu ý một điều, giá trị thẩm mỹ không chỉ được định mức bằng lớp bụi thời gian (gọi là cổ) mà còn nhiều các giá trị tinh thần khác nữa. Sự khác nhau trong tu bổ, mỗi thời đại mỗi khác, thậm chí trong cùng một thời đại nhưng mỗi địa phương mỗi khác. Vì thế sắc diện tượng Phật ở miền Bắc khác miền Trung và khác miền Nam. Và cũng bởi vì thế mà ta có những tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay không giống nhau ở nhiều nơi, đặc biệt tượng Phật ở miền Nam thì rất “lòe loẹt”, “ngây ngô”, nhưng phản ánh lối sống của cư dân trong vùng đất mới. Thẩm mỹ không chỉ có giá trị đặc thù mà còn cả đa dạng nữa. Chứ nếu cứ nhìn vào một mô-típ thẩm mỹ để làm chuẩn thì có tượng nghìn mắt nghìn tay nào qua nổi tượng tại chùa Bút Tháp. Nhưng có phải vì giá trị thẩm mỹ cao vậy mà cả nước này chùa nào cũng phải “photo” nguyên bản pho tượng ấy để thờ? Và có phải mái cong chùa Tây Phương quá đẹp nên chùa nào cũng phải làm theo mái cong ấy?

Đơn giản mộc mạc có nét đẹp riêng, cầu kỳ, chi tiết, màu sắc sặc sỡ cũng có những nét đẹp riêng phản ánh những đặc điểm của sự giao thoa văn hóa và tín ngưỡng. Bởi có một điều mà chúng ta không thể quên là rất nhiều dòng Thiền, dòng Mật, dòng Tịnh được truyền sang từ Trung Hoa, mang những nội hàm văn hóa giao thoa giữa Trung Hoa và Việt Nam, vì thế các sinh hoạt kiến trúc, điêu khắc chùa tháp ít nhiều có dấu ấn của sự giao thoa ấy.

Nếu chúng ta giao lưu với Tây Tạng, Nhật Bản thì chắc chắn ở Việt Nam rồi sẽ hình thành những ngôi chùa mang dáng dấp ấy, cũng giống như người Việt xây chùa chùa Một Cột trên đất Thái Lan, và những ngôi chùa người Việt khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Trước khi chúng ta muốn kết luận cái gì là “phản văn hóa” thì trước tiên chúng ta phải đứng đúng trên góc độ văn hóa với nhiều góc cạnh thuận nghịch, lợi hại… của nó để nhìn nhận. Nếu văn hóa chỉ được đo qua một kênh duy nhất là “thẩm mỹ” thì sẽ không bao giờ lý giải được quá trình biến động của văn hóa, tức văn hóa là một sự vận động có ý thức (ngay cả trong việc việc xây chùa mang dáng dấp hiện đại, xây nhà kiểu Tây phương).

Bản thân tôi xem kết luận của ông Phan Cẩm Thượng là một thái độ “hất nước và hất luôn đứa trẻ”, và rất cảm tính: “Tuy nhiên quan trọng là cảm giác chung khi vào những nơi thờ tự bây giờ là lòe loẹt, dị đoan, hỗn tạp và phi thẩm mỹ”. Lấy cảm giác của mình để đánh giá chung cảm giác của mọi người là một sự áp đặt chủ quan, thậm chí là làm hoang mang thêm một cách không cần thiết đối với các giá trị xã hội.

Một người làm văn hóa, thẩm mỹ không bao giờ kết luận vội vã và hồ đồ như thế, vì từ một chuyện “trùng tu” mà ra chuyện “dị đoan”, “hỗn tạp”, “phi thẩm mỹ”, thì mong ông Phan Cẩm Thượng hãy kiến nghị với nhà nước phá bỏ hết những ngôi chùa trên Việt Nam này đi để thực hiện theo những gì mà trong đầu ông muốn nó phải như thế. Còn khái niệm “trùng tu di tích” và những nội hàm chung quanh nó từ quá khứ xa xưa đến hiện tại không có gì là "ghê ghớm" như đầu óc ông và một số người đã tưởng tượng. Nhưng điều đó cũng cho thấy một vấn nạn của không ít những con người hiện đại đó là không còn giá trị nào để bám víu, mặc dù vẫn còn đó những giá trị vượt qua rào cản của “mới -cũ”, “lập-phá” trong dòng chảy đầy biến động của định luật vô thường để tồn tại lâu dài trong cuộc sống con người đó là niềm tin về cái thiện.

Phản biện để nâng cao ý thức văn hóa, thẩm mỹ trong trùng tu di tích là một điều đáng trân trọng. Song vì thế mà lạc đề vào những vấn đề tâm linh và gọi nó là “phản văn hóa”, "phi thẩm mỹ" bằng hành vi lên án một cách thái quá cũng được xem là thái độ không trung thực với chính mình.

Nguyễn Mai Sơn

Xin xem lại bài

- "Di sản Phật giáo: no dồn đói góp":http://huongsenviet.blogspot.com/2008/12/di-sn-pht-gio-no-dn-i-gp.html.

- "Thêm một chuyện "không chịu nổi"": http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=5821

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

THÊM MỘT CHUYỆN “CHỊU KHÔNG NỔI”


Ông bà ta bảo “để thì hòn đất, cất (lên) thì ông Bụt” quả là thấm thía. Chuyện hòn đất và ông Bụt chỉ là chuyện “xấu - đẹp” trong gang tấc của sự thành kính hay không. Nhưng việc học cách để “cất lên” một giá trị qua một cái lạy cung kính hay ứng xử đúng lễ thì không phải ai cũng dễ dàng làm được cho dù người đó có uy tín và địa vị như thế nào trong xã hội.

Tôi không nhớ rõ ngày nào, cách đây khoảng một tuần, trên báo Vietnamnet có viết về nhà sư có thế danh là Nguyễn Đức Vân, con của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Tôi chỉ chú ý đến câu nhà sư Nguyễn Đức Vân bộc bạch như sau: “Tôi tự do quen rồi. Vô chùa, phải theo trật tự. Lỡ gặp phải người mình không kính trọng cho lắm mà vẫn cứ phải cúi chào, chịu hông được!”.

Đúng là người mình không kính trọng mà cứ phải gặp thì thật “chịu hông nổi”. Người mình kính trọng thì lại chẳng ăn nhập gì với chức tước và địa vị của họ trong xã hội cả. Nhiều khi cung kính vái chào một chú tiểu, một thầy tỳ kheo trẻ, nhưng nhìn thấy ông Hòa thượng là lại muốn tránh cho xa rồi. Tránh cho xa không phải là sợ mà là nhìn thấy họ “ban đạo từ” và liến thoắng với những điều hay điều tốt, nhưng việc làm thực của họ thì chẳng thấy hay tốt ở điểm nào, thế nên họ không thấy xấu hổ nhưng mình thì xấu hổ và “chịu hông nổi” cho những điều họ nói. Khẩu giáo mà thân không giáo, thì càng nói càng làm loạn xã hội.

Nhưng thôi! Bỏ qua chuyện đó. Quay lại với mấy ông làm nhà văn, nhà mỹ thuật. Hôm qua đọc bài “Trùng tu, hết chịu nổi!” của nhà văn Nguyên Ngọc, vô hình chung lại bắt gặp cái từ giống với “chịu hông nổi”. Dạo này xã hội ta xuất hiện nhiều những chuyện khiến cho “chịu không nổi”. Nhưng cái “chịu không nổi” ở mỗi phát ngôn lại có khoảng cách và trình độ khác nhau.

Nói đến nhà văn Nguyên Ngọc, tôi lại nhớ đến chuyện về chuyến du xuân đầu năm vào chùa của ông đăng trên Vietnamnet. Mới bước chân vào chùa, ngửi thấy mùi mực nướng là ông muốn quay ra rồi. Tôi chẳng biết cái “mùi mực nướng” ám ảnh nhà văn đến mức nào mà đến nỗi chưa vào lễ Phật mà đã muốn đi ra khỏi chùa rồi.

Có một điều cần lưu ý trong sinh hoạt tín ngưỡng ở miền Bắc, dù không có phái Nam truyền, nhưng ở miền Bắc không có nhiều sự phân biệt ăn chay hay ăn mặn hàng ngày, nhưng thức ăn dâng cúng trong những ngày có đám cúng giỗ thì nhất định phải nấu chay. Ăn chay hay ăn mặn chỉ là một sự khuyến khích chứ không có giới nào cấm chuyện đó cả. Trong miền Nam phái Nam truyền họ vẫn ăn mặn thường ngày. Thật là uổng cho nhà văn Nguyên Ngọc khi thấy mùi mực nướng và cũng do không hiểu hết sinh hoạt tôn giáo ở miền Bắc mà mất cả một chuyến viếng thăm cảnh Phật.

Còn cái nhìn về việc “trùng tu di tích” hiện nay của nhà văn Nguyên Ngọc đúng là không sai, nhưng “phát hiện lại châu Mỹ” qua vấn đề này thì cũng chẳng có gì là mới. Ai cũng phải thừa nhận việc trùng tu không khéo là sẽ phá hỏng di tích. Nhưng cũng cần phải nói trình độ trùng tu của di tích của đất nước ta còn đang ở thời kỳ “mò mẫm”. Cái gì mà sáng tạo làm mới thì tượng Phật, Thần có nhiều vẻ, mộc mạc, ngô nghê, hay sử dụng chất liệu bằng đất chưa nung (dễ hỏng) như ở miền Tây Nam bộ cũng có những nét hấp dẫn đặc thù. Nhưng cái gì sửa lại thì phải cho thật giống nguyên bản, tức phải biết “photo” tượng Phật cho có trình độ.

Nhưng trình độ trùng tu ngay cả ở những công trình cấp quốc gia do Bộ Văn hóa và Truyền thông đứng ra để làm cũng khối chuyện đáng bàn, huống chi là để dân tự làm. Tuy nhiên, ở một số triễn lãm (có ý nghĩa kinh doanh) thì người ta lại kinh ngạc về mức độ làm tượng giả cổ để trưng bày, còn chú thích thì vẫn ghi rõ là từ đời nảo đời nào đó rất xa xưa. Mắt trần chẳng nhìn ra được, nhiều khi nhà chuyên môn cũng bị lừa như thường. Tượng thờ thì ít ai nghĩ đến chuyện làm giả như thật, bởi nhiều khi có những bức tượng có vẻ ngoài rất cổ, nhưng trong ruột đã mục hết rồi, chỉ bao sái (lau) tượng vài lần là bộ phận nọ, bộ phận kia vỡ ra. Có những khi trộm mò vào chùa đánh cắp tượng, bê xuống đến đất thì vất tượng nằm đó vì tượng đã mục rồi. Chờ được “ông Văn hóa” về trùng tu thì không biết đến bao giờ. Nhiều bức tượng dân "phải" làm mới, và khi đặt lên với hệ thống tượng cũ thì có độ chênh về “lớp thời gian”, nhưng để chỗ đó thiếu tượng thì cũng không ổn.

Bàn chuyện trùng tu di tích, có lẽ không có gì hơn là những trường Mỹ thuật, Kiến trúc Việt Nam nên mở ngay một chuyên khoa về trùng tu di tích, vì đất nước ta có rất nhiều di tích. Còn về phía các làng nghề nên chuyên môn hóa nhiều hơn trình độ trùng tu di tích, tượng thờ, đặc biệt kế thừa sử dụng các chất liệu truyền thống, kết hợp với các chất liệu mới có độ bền dài lâu. Và về phía Phật giáo, nếu có chùa chiền trùng tu thì cũng nên xem xét, tham khảo kỹ trước khi trùng tu, để đừng làm bong mất những giá trị mỹ thuật mà những nhà văn, nhà mỹ thuật muốn nhìn thấy nó phải như thế.

Các cụ thì bảo, để thì hòn đất mà cất lên thì là ông Bụt. Khi hòn đất đã được đội lên đầu, đưa lên ban thờ thì dù nó có méo mó, hay không được hoàn chỉnh về mỹ thuật thì cũng đáng để vái lạy. Hóa ra chuyện đến chùa không chỉ có mỗi một chuyện là xem tượng có hoàn chỉnh về mỹ thuật hay độ trùng tu “photo” có đúng nguyên bản hay không, mà còn nhiều chuyện khác ẩn đằng sau những bức tượng, những “hòn đất” đã được lòng thành kính cất lên ấy.

Và quả thật tương phản khi người ta hè nhau bàn về vấn đề tương tự, nhưng tôi nhìn thấy nhà mỹ thuật có tiếng nào đó đang xỏ tay vào túi đứng trước một pho tượng Hộ pháp (chưa được những người hăng hái trùng tu “chạm tới”), trong khi tay kia nhà mỹ thuật này cầm tờ báo và đưa về phía tượng (Báo động từ di tích! - Bài 1: Dân thôn “tô tượng” phá đền chùa!). Tôi không biết tờ báo đó có “sạch” hơn mấy đồng tiền mà người dân nhét vào tay tượng Phật hay không? Nhưng một người Phật tử như tôi khi nhìn thấy hình ảnh này là cũng muốn thêm một chuyện “chịu không nổi” rồi. Bởi người Phật tử đứng trước tượng thần Phật thì chẳng ai dám xỏ tay vào túi, cầm báo chỉ trỏ ngang dọc cả như thế cả. Hình ảnh đó có phải là “tai nạn nghề nghiệp” của giới báo chí hay…?

Hóa ra anh nhà văn vào chùa nhìn tượng thì muốn nó “ra văn ra vẻ”, anh mỹ thuật vào chùa thì cũng giống như bước vào bảo tàng mỹ thuật, bàn tán về từng cái lớp sơn, khuôn diện, cái thế đứng ngồi…, còn người Phật tử thì chỉ biết thành tâm vái lạy. Người ta quan tâm đến vấn đề gì thì nhìn vấn đề ấy bằng những con mắt khác nhau. Xấu hay đẹp cũng vậy, mỗi người có một tiêu chí để đánh giá. Mặt người của thế kỷ 21 khác xa mặt người của những thế kỷ trước. Sự thay đổi quá lớn và quá nhiều mặt ở trong cuộc sống khiến người ta chưa có đủ bình tĩnh để nhìn nhận chính những sự thay đổi đó, kể cả sự thay đổi trong thói quen nghênh ngang “mang danh” để bước chân vào cửa chùa.

Tôi thì được chứng kiến không ít lần những nhà khoa học, những nhà khảo cổ và cả những nhà văn, nhà mỹ thuật, họ bước chân vào chùa là để “phân tích” tượng Phật đồ thờ, để bóc tách “văn hóa” ở những khía cạnh mà họ quan tâm, chứ nhiều khi đứng trước Phật họ cũng chỉ trỏ tùy tiện, cửa nào cũng đi, và khi đến chánh điện một số người còn không vái lạy, thậm chí không bước lùi vài bước khi quay ra, khi đứng thì quay cả lưng vào tượng. Tiêu chí về cái đẹp thì có nhiều, tượng đẹp đã đành mà người đến chiêm ngưỡng những bức tượng ấy cũng nên có những hành động đẹp.

Bằng không, hóa ra mình đến chùa để “chịu không nổi” về vấn đề này, nhưng chính mình lại làm cho người “chịu không nổi” ở một vấn đề khác, mà nhiều khi vấn đề ấy ở chốn linh thiêng còn nghiêm trọng hơn nhiều đó là lòng thành tâm và sự tôn kính!

Ông bà ta bảo “để thì hòn đất, cất (lên) thì ông Bụt” quả là thấm thía. Chuyện hòn đất và ông Bụt chỉ là chuyện “xấu - đẹp” trong gang tấc của sự thành kính hay không. Nhưng việc học cách để “cất lên” một giá trị qua một cái lạy cung kính hay ứng xử đúng lễ thì không phải ai cũng dễ dàng làm được cho dù người đó có uy tín và địa vị như thế nào trong xã hội.

Nam Quốc

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

TINH THẦN ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ


Lòng dân hoang mang, ly tán bởi quan tham nhũng nhiễu, bởi những người cầm quyền bất tài, vô đức, bởi những biểu hiện tâm linh lệch lạc, biến tướng. Vì thế, yêu nước là phải nói đến cách chúng ta giữ nước, cách chúng ta đã chiến thắng giặc ngoại xâm, cách chúng ta giữ gìn độc lập hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, cách chúng ta xây dựng đời sống tâm linh tốt đẹp.

Tinh thần độc lập dân tộc trải qua quá trình lâu dài trong công cuộc dựng nước và giữ nước của người Việt. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng trở thành tài sản tinh thần có giá trị trên các bình diện giao thoa đối kháng với văn hóa Trung Hoa. Ngôi chùa Khai Quốc (sau gọi là Trấn Quốc) được xây dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547) đã nói lên tinh thần ấy.

Phật giáo ngay từ buổi đầu đã gìn giữ và chuyển tải nội hàm dựng nước và giữ nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử dân tộc, tinh thần ấy vẫn còn nguyên giá trị thời đại mỗi khi đất nước lâm nguy hay có biến. Sự dòm ngó của ngoại bang và những hậu quả đi liền sau đó của chiến tranh cướp đoạt luôn đem đến cho dân tộc ta những đau thương, đồng thời cũng nhóm lên những phản ứng chiến tranh tích cực, trui rèn ý chí kiên cường bất khuất và thử thách lòng vị tha, bao dung của người Việt.

Những nhà lãnh đạo đất nước buổi đầu nhận thức được mối liên hệ nhân quả sâu xa trong tiến trình mở nước và giữ nước, vì thế chùa chiền là chốn tâm linh hóa giải những buồn đau nhân thế, gửi gắm những khát khao hòa bình qua nghìn năm bị phương Bắc đô hộ. Cũng từ mối tiếp xúc ban đầu đầy trong sáng, thiện cảm ấy mà những phẩm chất Phật giáo thấm nhuần vào tính cách của những bậc quân vương, và không ít người trong số họ đã trở thành bậc minh quân với dáng dấp của những triết nhân xuất trần.

Tinh thần độc lập, tự chủ đó bao trùm lên nhiều địa tầng sông núi. Vì thế mỗi sắc vóc cương thổ, mỗi hình hài của thắng tích đều là niềm tự hào thể hiện niềm tin và khát vọng dung chứa, no đủ của người Việt. Khi chủ quyền đất nước được xác lập thì từng mảnh đất thân yêu của người Việt đều trở thành linh địa, ở đó có sự vận động từ ý thức chiến tranh và cả nghiệp quả (chủ quan, khách quan) mà dân tộc ta đã tạo ra trong dòng chảy vô thường của những tiếp nối thành bại, sinh diệt.

Sự vận động của lịch sử trong dòng chảy ý thức đó đã nối liền các triều đại trong một mẫu số chung, đó là bảo vệ cương thổ. Thực tiễn lịch sử thời phong kiến luôn thách thức các giá trị về hòa bình, vì bản chất của nhà nước phong kiến chính là “phong tước”, “kiến địa” trong một tấn tuồng ngoại giao: thần thuộc giả vờ.

Cũng chính vì thế mà những giá trị của nền độc lập tự chủ luôn phải đối diện với những sức ép lớn hơn đến từ bên ngoài. Sức ép ấy là tác nhân trực tiếp thúc giục tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc bừng tỉnh. Vì thế bất cứ hành động nào muốn xóa bỏ sự nghiệp an dân của tiên tổ, muốn thay đổi phong tục, nếp nhà đều vấp phải những phản kháng mãnh liệt, thậm chí phải trả giá cho hành vi xâm chiếm ngang ngược của mình.

Từ những liên đới nhân quả rộng rãi giữa các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng rộng lớn Trung Hoa, người lãnh đạo đã phải chọn lựa cho dân tộc mình những bước đi thích hợp để tồn tại. Thế nên chỉ có tư tưởng yêu nước là đủ sức dẫn dắt hành động và ý chí của người lãnh đạo, khiến họ sáng suốt dành toàn bộ tâm sức cho mục đích lâu dài là an dân. Và cũng chỉ có những người trước sau trung thành bảo vệ đất nước này mới có đủ nhân cách để bàn về vận nước.

Vận nước là mệnh vận của một thời đại, nên cần phải chỉ cho ra điều gì là sở trường, sở đoản của một dân tộc.

Khi Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để kể ra tội ác của giặc Minh và đề cao nên văn hiến của dân tộc là ông đã nhận ra được bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Trung Hoa. Họ luôn nói ra rả về đạo lý nhân nghĩa, về một nhà nước nhân trị, đức trị, nhưng chính hành động của họ lại đi ngược với điều đó.

Nhưng một chuỗi các bài học lịch sử đều chỉ ra rằng chúng ta đã thắng ngoại xâm bằng nội lực và bằng những ứng xử ngoại giao mềm dẻo có sách lược. Nội lực đó là kết tinh của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Hơn tất cả là tinh thần yêu nước, thương dân, cởi bỏ mọi ân oán cá nhân và biết sống vì lợi ích chung. Nếu không có tinh thần yêu nước thủy chung dẫn dắt thì mọi kêu gọi cho việc bảo vệ dân tộc sẽ bị một số thế lực vọng ngoại lợi dụng để đưa giặc vào giày xéo quê hương.

Lịch sử nước ta đã chỉ ra nhiều những biến cố lập lại. 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm Pháp thuộc đã cho ta nhiều bài học quý giá để nhận diện những thành phần tư tưởng ưu liệt trong xã hội.

Thời đại nào của dân tộc ta cũng phải đối mặt với hai thế lực đó là thù trong, giặc ngoài. Thù trong giặc ngoài tuy hai mà một, vì thực chất lúc nào họ cũng rắp tâm nuôi dưỡng cảnh nồi da xáo thịt. Nếu không cố kết được lòng dân về một mối thì hai thế lực này bất kể lúc nào cũng lợi dụng vào đó để thôn tính và gây bất ổn cho nước ta.

Thế nên, nói đến thế trận lòng dân, nói đến binh pháp công tâm thực chất là nói về tài đức của những người lãnh đạo. Cố kết lòng dân không có gì khác hơn là người lãnh đạo phải biết sống vì dân. Còn nếu cứ để dân sợ quan vì tình trạng quan tham, quan bất tài vô đức hành dân thì không bao giờ có thể quy tụ được sức dân về một mối.

Lịch sử cũng luôn chỉ ra, khi có những biến động lăm le đến từ bên ngoài thì một số thế lực trong nước sẽ vì thói ích kỷ mà khởi ra những tranh giành và mưu toan lật đổ. Đồng thời bất cứ khi nào giặc ngoại xâm nhìn ra cảnh trong nước có biến, chúng phân tích rất kỹ và từng bước một ăn mòn vào cương thổ của nước ta. Hai cặp bài này luôn diễn ra song trùng.

Do đó, bất cứ hướng đi nào lúc này cũng phải nhìn ra một mẫu số chung qua những thành công và thất bại đến từ quá khứ. Chúng ta đã thắng giặc phương Bắc qua mẫu số nào? Chúng ta đã mượn sức Nhật, Pháp, Mỹ, Nga và kết quả ra sao? Lưu ý điều đó để thấy rằng, mảnh đất này, không có mồ hôi nước mắt, không phải quê hương huyết thốngquê hương tâm linh của họ.

Và nếu như người Việt không còn giữ được hai quê hương này trong lòng mình thì người Việt đã trở nên vong bản và trở thành một loại giặc nguy hiểm với non sông đất nước. Đạo Phật Việt Nam chưa từng quay lưng lại với vận mệnh dân tộc vì người Phật tử dù ở cương vị nào thì trong huyết quản của họ vẫn có hai dòng chảy quê hương này.

Hai quê hương ấy giao thoa với nhau, khiến họ nhận ra thân thể mình được tạo nên từ cha mẹ, được che chở bởi đất đai, sông núi. Quê hương tâm linh là quê hương mà làng xã gắn với thần Phật và những người có công tạo dựng và gìn giữ quê hương đất nước. Quê hương tâm linh ấy là nơi ngưỡng vọng về một đời sống hòa bình, nhân hiếu, trung tín, no đủ của mọi người.

Người Việt thực sự là người Việt khi mang trong mình tròn đủ hai quê hương ấy. Có hai quê hương ấy thì dù bất cứ sống trong cộng đồng dân tộc nào người Việt cũng ý thức bảo vệ và không vì vọng ngoại mà bán rẻ cộng đồng dân tộc mình.

Biết bao nhiêu nền văn hóa bị thủ tiêu trong quá trình chiến tranh xâm lược trên thế giới. Nhưng may mắn thay người Việt vẫn còn giữ được tiếng nói của mình và một cương thổ được định hình như ngày hôm nay. Điều đó cho thấy ý thức gốc nguồn đã ăn sâu trong tâm khảm.

Điều quan trọng của nội lực chính là vua tôi, dân chúng đoàn kết một lòng. Đất nước vững vàng khi nhà lãnh đạo phải biết khoan sức dân, chăm lo cho dân và ân uy phải được tỏ rõ. Một chuyện làm loạn nhỏ mà không đủ uy để giải quyết thì không thể tôn cao được luật pháp. Một nguyện vọng thỉnh cầu phù hợp với lòng dân mà không được đáp ứng thì không tỏ rõ cái ân của nhà cầm quyền.

Chính vì vậy, ngài Pháp Thuận khi được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước đã khuyên nhà vua nên đề cao “vô vi” (Vô vi cư điện các. Xứ xứ tức đao binh). Quốc sư Phù Vân sau này cũng khuyên vua Trần Thái Tông: “Phải biết lấy ý của thiên hạ làm ý của mình”.

Cuộc vận động để bảo vệ chủ quyền đất nước đã được những vị vua đầu tiên của Việt Nam tiến hành cùng lúc khi xây chùa Khai Quốc. Cuộc vận động nhân nghĩa cũng được thể hiện qua danh xưng của những ngôi chùa như Báo Ân, Báo Thiên… Đó là cả một cuộc vận động ý thức chính trị và tâm linh được kết hợp một cách uyển chuyển và nhuần nhuyễn.

Xây chùa là để xây nền móng đạo đức vững chắc cho dân tộc bằng những đường hướng sống rất cụ thể qua những việc làm đem lại lợi ích và an lạc cho số đông. Đúng với mong mỏi về một đất nước thái bình thịnh trị, và điều đó không được đo bằng chỉ số trong nhà dân tích bao nhiêu vàng bạc mà bằng những ứng xử thuần thiện: “Người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa” (triều Lý Trần).

Lòng dân hoang mang, ly tán bởi quan tham nhũng nhiễu, bởi những người cầm quyền bất tài, vô đức, bởi những biểu hiện tâm linh lệch lạc, biến tướng. Vì thế, yêu nước là phải nói đến cách chúng ta giữ nước, cách chúng ta đã chiến thắng giặc ngoại xâm, cách chúng ta giữ gìn độc lập hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, cách chúng ta xây dựng đời sống tâm linh tốt đẹp.

Nguyễn Trãi viết: “Phần thì giận hung đồ ngang dọc. Phần thì lo vận nước khó khăn”. “Lo vận nước khó khăn” là tầm nhìn của người trí, vì chỉ e trong lúc vận nước gặp nhiều khó khăn mà thù trong giặc ngoài nổi lên, sẽ làm cho dân tộc điêu linh, khó khăn càng thêm chồng chất. An được dân chính là yêu nước. An được dân chính là giữ nước. Thực tế, vai trò an dân trong nhiều thế kỷ đã được nhà cầm quyền giao phó cho Phật giáo.

Ứng xử “vô vi” không đặt tình cảm, ý chí nhân dân vào chỗ bất thường của nghiệp chiến tranh (binh đao) mà chính nó phải được ứng xử chuẩn mực trong đời sống hàng ngày của người lãnh đạo (nơi điện các). Chính những ứng xử ấy đem lại lợi ích an lạc cho nhân dân. An được dân thì nhất định nước sẽ cường thịnh.

Kêu gọi tinh thần yêu nước bằng ứng xử tốt đẹp của lối sống tự thân có ý nghĩa xa rộng hơn nhiều khi bám vào khái niệm “dân tộc” (của ai) chung chung, vô thưởng vô phạt. Trở về với vô vi cũng có nghĩa rằng tin ở chính mình, không cần phải sử dụng bất kỳ một thế lực nào khác can thiệp. Nhân dân tự nhìn cách sống của người lãnh đạo mà đón nhận và khắc sâu tinh thần yêu nước vào tâm khảm, chứ không phải lòng yêu nước nhất thời đến từ những sự hô hào theo phong trào một cách miễn cưỡng.

Quay về với ứng xử “vô vi” thì không rơi vào sức ỳ “chủ nghĩa dân tộc”. “Vô vi” cũng không có chỗ đứng cho tư tưởng bám vào tang thương, quốc hận hay quốc nhục trong quá khứ, bởi chính nó phải là chính sách chọn lựa cho dân tộc đầy đủ những người có tài có đức. Hơn 700 năm trước Ô Mã Nhi đã phải thốt lên khi gặp Đỗ Khắc Chung: “Người này …có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người tài giỏi, chưa thể mưu tính được”.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Khí tiết của người tài đức không phải là sản phẩm độc chiếm của bất cứ thành phần nào trong xã hội. Có những hiền tài ấy thì không có bất cứ thế lực ngoại xâm, nội loạn nào có thể nhũng nhiễu “mưu tính được”. Có lẽ nào tinh thần độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ lại không được bắt đầu từ việc coi trọng hiền tài?

Thích Thanh Thắng

(Nguồn: http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=5801)