Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

CHƯ TĂNG THỜI LÝ MẶC Y “TIỂU THỪA”?


Nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, một số website có đăng tin về việc phát hiện “nếp áo Tiểu thừa” trên tượng vua Trần Nhân Tông tại tháp tổ Huệ Quang của tác giả Trần Khánh Linh. Tôi quan tâm đến những chi tiết đã được trình bày sau đây.

“Tượng vua Nhân Tông trong tháp tổ Huệ Quang quả là công trình tuyệt mĩ về mặt mĩ thuật, nhưng đặc biệt hơn cả là pho tượng đó tồn tại trong đó những bí ẩn mà mãi cho đến ngày nay chúng ta mới đặt câu hỏi và bắt đầu trên con đường khám phá: Đó chính là nếp áo tiểu thừa mà những người thợ chế tác cùng thời khoác cho bức tượng.

Như chúng ta đã biết rõ ràng thiền phái Trúc Lâm nằm chung trong hệ thống Phật giáo Đại Thừa vậy nếp áo Tiểu Thừa của đệ nhất tổ một dòng thiền Đại thừa mang ý nghĩa gì?

Tìm lại một chút lịch sử các pho tượng cổ vua Nhân Tông, ngoài pho tượng đặt trong tháp Huệ Quang ra còn có một số pho tượng khác vua cũng mặc áo tiểu thừa: hệ thống ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ ở Côn Sơn; ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ trong chùa Đồng cũ được xây dựng đầu thế kỷ 20… còn lại đa phần các pho tượng khác vua vẫn mặc áo Đại Thừa.

Giở lại một số sách sử chép về cuộc đời bắt đầu khi vua xuất gia tu hành đến đắc đạo thành Phật ta thấy có một số sự kiện sư sau:

Sách Thánh Đăng Ngữ Lục chép: “Năm Kỷ Hợi Hưng Long thứ 7, tháng 10 bằng cách đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng tu hành 12 hạnh đầu đà, tự gọi là Hương Vân Đại Đầu Đà”.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Tháng 8 (năm kỷ hợi) Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia, vào núi Yên Tử khổ hạnh”.

Sách Thánh Đăng ngữ lục chép lại: Khi mất vua Nhân tông được tôn hiệu Đại thánh Trần triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Huệ Điều Ngự Tổ Phật.

Như vậy có một điều khẳng định là vua Trần Nhân Tông đã tu hành theo pháp giới hạnh đầu đà thuộc Tiểu thừa để rồi sau này đắc đạo thành Phật” (Phát hiện nếp áo tiểu thừa trên tượng Trần Nhân Tông - Vietnamnet).
*
Có thể nói đoạn trích trên đáng chú ý với 2 điểm mà tôi đã in đậm. Với 2 điểm đáng chú ý này, tôi vẫn phân vân và chưa cảm thấy được thuyết phục. Vì vậy, tôi xin gợi ra thêm một số suy nghĩ có căn cứ để chúng ta tham khảo thêm về “nếp áo Tiểu thừa” trên tượng vua Trần Nhân Tông, nhằm đến những giả thiết (hay kết luận) về sau thuyết phục hơn.

- Với chi tiết đáng chú ý thứ nhất: “ngoài pho tượng đặt trong tháp Huệ Quang ra còn có một số pho tượng khác vua cũng mặc áo tiểu thừa: hệ thống ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ ở Côn Sơn; ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ trong chùa Đồng cũ được xây dựng đầu thế kỷ 20… còn lại đa phần các pho tượng khác vua vẫn mặc áo Đại Thừa”, chúng ta cần phải xác định cụ thể niên đại của những pho tượng có “nếp áo Tiểu thừa” và cả Đại thừa nữa.

Vì rằng, khi tạc tượng Phật, người đời sau cũng có thể sao chép lại mẫu tượng trước đó. Nếu không xác định được những niên đại cùng thời hoặc sớm hơn pho tượng trong tháp tổ Huệ Quang thì sẽ thiếu thuyết phục. Biết đâu, cùng thời, khi Trần Nhân Tông viên tịch đã tồn tại cả hai mẫu tượng với 2 nếp áo (Tiểu thừa, Đại thừa) khác nhau?

- Với chi tiết đáng chú ý thứ hai: “có một điều khẳng định là vua Trần Nhân Tông đã tu hành theo pháp giới hạnh đầu đà thuộc Tiểu thừa để rồi sau này đắc đạo thành Phật”, chúng ta quan tâm đến hạnh tu đầu đà.

Đầu đà: phiên âm chữ Phạn Dhùta, cũng phiên là đỗ trà hay đỗ đa. Dhùta đến từ động từ Dhù có nghĩa là rũ bỏ, tiêu diệt, cho nên hạnh đầu đà, có nghĩa là rũ bỏ các phiền não, tiêu diệt những chướng ngại do ăn mặc ở tạo nên.
Vậy hạnh tu đầu đà có phải chỉ dành riêng cho những người theo truyền thống Tiểu thừa hay không? Ở Việt Nam, sự phân biệt này là không rõ ràng và không cần thiết, vì vốn dĩ ngay từ đầu đã có sự dung hội của nhiều pháp môn tu khác nhau mà không hề có sự phân biệt.

Không chỉ có vua Trần Nhân Tông mới tu hạnh đầu đà. Trong hành trạng của thiền sư Cứu Chỉ (Đàm Cứu Chỉ) đời thứ 7, dòng Vô ngôn thông (Đại thừa) thời Lý, có chi tiết như sau:

“Sư thấu triệt ý chỉ. Nhân đó Trưởng lão đặt tên Sư là Cứu Chỉ. Sau đó, Sư lên chùa Quang Minh, núi Tiên Du (Bắc Ninh) ở luôn trong đó chuyên tu hạnh đầu đà, trọn năm không bước chân xuống núi. Tiếng đồn tới kinh đô, vua Lý Thái Tông cho mời mấy lần nhưng Sư không đến nên ba lần thân hành đến chùa Sư, lấy lời an ủi thăm hỏi…” (Thiền sư Việt Nam, Thích Thanh Từ).

Đối chiếu thơ văn, thi kệ, quan điểm tư tưởng của thiền sư Cứu Chỉ và Trần Nhân Tông, ngoài chi tiết tu hạnh đầu đà, nổi bật vẫn là tư tưởng Đại thừa. Vậy có phải chỉ có người theo Tiểu thừa mới tu hạnh đầu đà, và chỉ tu hạnh đầu đà mới mặc áo Tiểu thừa?

Vì không có một bản văn chính thức nào nói đến y phục của tăng sĩ thời Trần, nên chúng ta mới phải diễn giải các chi tiết như vậy. Trần Nhân Tông có thể nào mặc y khác biệt với chư Tăng thời đó, đặc biệt là đối với những tăng sĩ cùng một môn phái do ông sáng lập? Chúng ta có thể so sánh với nếp áo trên pho tượng Pháp Loa và Huyền Quang xem họ có mang “nếp áo Tiểu thừa” không, bởi họ là những người được truyền thừa trực tiếp từ Trần Nhân Tông?

Đó là những giả thiết cần phải được đặt ra. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý để chúng ta có thể liên hệ tới “nếp áo Tiểu thừa” này của vua Trần Nhân Tông. Trong văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh do Nguyễn Công Bật thời Lý soạn có đoạn đã miêu tả về ngày Lễ tắm Phật như sau: “… Để mồng một hàng tháng, để mùa Xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng tinh thành cho năm chúng, cùng hở vai tiến thoái nhịp nhàng…”.

Vậy việc năm chúng xuất gia (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni) mặc y phục hở vai thời Lý có liên quan và tiếp nối gì đến y phục chung và phổ biến của tăng sĩ thời Trần, cũng như nếp áo trên tượng Trần Nhân Tông?

Và nếu cách mặc hở vai của tăng sĩ là một hình thức phổ biến thời Lý, được tiếp nối với các hình thức ăn mặc khác của tăng sĩ thời Trần thì việc tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông có nếp áo hở vai có phải là điều quá ngạc nhiên? Phải chăng với nếp áo trên bức tượng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang, chúng ta nên gọi là “nếp áo hở vai” hơn là gọi “nếp áo Tiểu thừa”?

Trên đây chỉ là một chi tiết phần nào chỉ ra cách ăn mặc của tăng sĩ thời Lý và một số giả thiết nhằm gợi mở rõ hơn cho “nếp áo hở vai” trên tượng Trần Nhân Tông. Chúng ta hy vọng còn có những phát hiện mới hơn nữa từ trong các thư tịch cổ, bia đá, chuông đồng… Bởi đó là những tư liệu mà chúng ta phải giữ gìn, tìm hiểu, vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực văn hóa của Phật giáo nước ta.

Chỉ riêng văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh đã cho ta thấy nguồn gốc của Quốc lễ Phật đản, của nghệ thuật làm người rối, phong tục múa rối nước, và lễ hội đèn Quảng Chiếu. Gần đây, chúng ta đang tìm hiểu để phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chắc chắn những miêu tả sinh động và chi tiết trong văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh về lễ hội là những cơ sở đáng tin cậy để chúng ta quan tâm, tham khảo.

Thích Thanh Thắng

(phattuvietnam.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét