Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

TRẬN LỤT LỊCH SỬ Ở HÀ NỘI: CÓ PHẢI “TRỜI PHẠT”?


Sau trận lụt lịch sử tại Hà Nội, “Chúa cứu thế” cho đăng những bài viết tung tin đồn nhảm nhí, rằng trận lụt ấy là do “trời phạt” và được một số kẻ cuồng tín tung hô. “Một trí thức sống tại thành phố Hồ Chí Minh” qua bài viết “Tâm linh có ngăn được lũ lụt?” ngày 14/11/2008 trên BBC cũng chung một luận điệu nhảm nhí tương tự. Cần phải nói BBC rất hay có những bài viết kiểu (không tên tuổi, giới tính) như bài viết này và ngụy biện với dòng chữ “theo quan điểm của tác giả). Những năm gần đây, khi mạng lưới Internet và blog cá nhân phát triển, BBC càng trở nên mất uy tín với những thông tin kiểu tung hỏa mù này.

Trận lụt lịch sự tại Hà Nội vừa qua cũng như những trận lụt lịch sử tại Châu Âu, tại Mexico hay các thảm họa thiên tai khác như cháy rừng ở Úc, Mỹ, Hy Lạp; động đất ở Indonesia, Pakistan, Trung Quốc, Nhật Bản; Bão lụt ở Mỹ, ở Philippinne, ở Việt Nam, Trung Quốc; sóng thần ở Nam Á… những năm gần đây, đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và của. Có không ít quốc gia từ Đông sang Tây phải trải qua những trận bão lũ lịch sử, vì đó là một hiện tượng thiên nhiên mà những quốc gia có vùng địa lý với điều kiện khí hậu khác nhau có thể tích hợp những trận thiên tai lớn nhỏ, điều đó không thể do con người hay "Thượng đế" nào sắp đặt.

Ông/bà “trí thức” này bàn chuyện về “tâm linh” và lũ lụt, có chiều hướng phê phán đủ thứ chuyện từ nhập đồng, gọi hồn, tìm hài cốt… nhưng đọc đến hết bài mới thấy ông/bà trí thức này mắc nghẹn một điều gì đó không nói ra được, hình như cũng là hai từ “tâm linh” nhưng tâm linh (phe nó) khác với “Ông Trời” (phe ta) thì phải.

Bài viết phê bình “chủ nghĩa duy vật” là không tin thần thánh gì cả. Nhưng thực tế lại cho thấy xã hội có nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng được khôi phục và phát triển, người dân có tự do tín ngưỡng nhiều hơn trong cúng lễ... Ông/bà "trí thức" kia cảm nhận ra điều đó nên mới viết: “Nhờ có tự do tín ngưỡng như thế nên các Hội Thánh Tin Lành được cấp phép hoạt động trở lại và người công giáo Hà Nội mới công khai tụ họp cầu nguyện để đòi lại Toà Khâm Sứ ở khu đất Nhà Chung, Hà Nội”.

Thế thì nhẽ ra đây là một điều đáng suy nghĩ, vì rõ ràng Việt Nam đang có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Và “tự do tôn giáo” được hiểu là mọi người đều có quyền theo hay không theo một tín ngưỡng tôn giáo, cũng như các hình thức sinh hoạt tôn giáo phải phù hợp với thuần phong mũ tục của dân tộc và luật pháp của nhà nước Việt Nam. Còn vấn đề người Công giáo cầu nguyện đòi đất tòa Khâm sứ cũ (chùa Báo Thiên bị giám mục Puginier mưu chiếm) là một biểu hiện trái pháp luật, và coi thường cả lương tâm lịch sử, nó không liên quan gì đến việc “tự do tôn giáo”.

Chẳng lẽ trận lụt lịch sử do mưa lớn gây ra ở Hà Nội không gợi cho ông/bà "trí thức" kia lòng trắc ẩn nào trước mất mát của người dân hay sao? Với trận lụt lịch sử, thay vì đi phê bình lòng tham và sự tàn phá môi trường sống của con người ông ta lại đi vào phê bình một vài hiện tượng tâm linh hay các biểu hiện thuộc lĩnh vực văn hóa, phong tục đang được khôi phục. Thậm chí ông/bà "trí thức" này không vui khi thấy người đảng viên (hay vợ con của họ) biết cúng lễ theo những hình thức tâm linh (phe nó) mà quên mộ "Ông Trời" (phe mình). Ông/bà này nên hiểu những hình thức tín ngưỡng tâm linh bản địa… dù biểu hiện đậm nhạt khác nhau nhưng gần như quốc gia nào cũng có.

Ông/bà gọi là “trí thức” kia đã viết như thế này đây: “Mà đã nói đến tâm linh thì phải coi lại tướng số của các mẫu nghi thiên hạ. Phải xem lại tử vi sao lại xung khắc đến như thế, hoặc họ có làm điều gì không phải đạo với đất trời. Có ai làm gì đến nỗi động mả tổ tiên không? Có nên cần coi lại việc đào bới, đập phá những nơi xung yếu của Hà Nội dù với mục đích đi tìm nguồn gốc văn hoá dân tộc?”. Ngay cả việc khai quật những di tích tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc cũng bị cái ông/bà “trí thức” này cho là một nguyên nhân để gắn với trận lụt tại Hà Nội. Không biết ông/bà này được sinh ra từ cội nguồn văn hóa nào? Nếu không phải từ cội nguồn văn hóa của dân tộc này thì ông/bà “trí thức” ấy do cuồng tín “trời” mà được vặn xương sườn nặn ra chăng?

Để trả lời những câu hỏi trên, đọc hết bài viết của ông/bà “trí thức” này mới thấy có một điều không ổn bởi ông/bà này chủ yếu không tiêu hóa những hiện tượng “tâm linh” khác ngoài “Ông Trời” của ông ta.
Bởi nếu phê bình “chủ nghĩa duy vật” vô thần thì phải đề cao các hiện tượng tâm linh hữu thần. Đằng này ông/bà “trí thức” kia chẳng những phê bình “chủ nghĩa duy vật” mà còn mỉa mai các hiện tượng tâm linh thuộc tín ngưỡng đa thần của người bản địa, cứ như không có điều gì để có thể tin vào các hiện tượng tâm linh ấy. Nhưng điều trái khoáy là mở đầu bài viết “Tâm linh có ngăn được lũ lụt?”, ông/bà này lại có vẻ như tin vào lời đồn “trời hại”. Chính vì điều này mà cuối bài viết ông/bà “trí thức” này lại bung ra một câu hỏi “tại con người hay tại Ông Trời?”, rồi liên hệ đến việc “còn bao nhiêu công cụ phục vụ cho nhu cầu tâm linh bị hư hỏng, người Hà Nội phải mua sắm và thị trường tâm linh lại được mùa bội thu”.

Nếu những giá trị tâm linh biểu hiện ở những công cụ phục vụ cho nó bị hư hỏng do lũ lụt thì người ta phải sắm sửa, thay mới làm cho nó trang nghiêm là điều rất cần thiết. Riêng bàn thờ tổ tiên ông bà, nếu có bị hư hỏng do lũ lụt thì càng nên phải chú trọng mà sửa sang đầu tiên.

Xâu kết những sự kiện mà ông/bà “trí thức” này phê bình và cách thức đưa tin không đàng hoàng của BBC mới nhận ra sự vụ “Tòa khâm sứ” vẫn còn bị ám ảnh và cay cú với họ nhiều lắm. Và rõ ràng “trời hại” này không phải ông Trời của người Việt Nam đâu mà hình như là trời (“Chúa trời”) luôn bị cưỡng bức phải “hiệp thông” với người cầu nguyện đòi đất gì đó thì phải.

Đọc bài viết này với những bài viết trên “Chúa cứu thế” về trận lụt tại Hà Nội mới thấy hết cái luận điệu “trời phạt” này của một số người cuồng tín về “trời”. Đúng như một độc giả im di Việt Nam viết để phản biện với ông/bà “trí thức” này trên BBC “Cứ theo quan điểm của tác giả bài viết này thì người Mỹ là người vô đạo nhất, phỉ báng tâm linh nhất. Bằng chứng là hàng nghìn người Mỹ chết sau cơn bão Katrina. Xin nghiêng mình trước vong linh các nạn nhân cơn bão Katrina”.

Lấy ví dụ từ Philippinne cho gần. Philippinne là một nước có khoảng 92% theo đạo Thiên Chúa giáo (Công giáo khoảng 80%), còn lại là các đạo khác và tín ngưỡng bản địa. Nhưng nước này nằm trong vành đai bão Tây Thái Bình Dương và hàng năm phải nhận khoảng 19 cơn bão, đồng thời nằm ở rìa phía Tây Bắc của Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nên thường xảy ra động đất và các hoạt động núi lửa. Có khoảng 20 trận động đất được ghi nhận mỗi ngày ở Philippines, dù đa số là quá nhẹ. Vậy có phải vì cuồng tín “trời” mà hết được bão và động đất không? Nếu bão không phải là hiện tượng tự nhiên mà do “trời phạt” thì phải chăng người Philippinne hiện nay là “vô đạo” hay “nhảm nhí đạo” nên mới ra nông nỗi như vậy?

Hoàn toàn không phải như vậy vì mưa bão, lũ lụt là những hiện tượng tự nhiên, có những trường hợp có dự báo tốt thì giảm được thiệt hại, có những trường hợp dự báo đúng nhưng chủ quan thì vẫn gây ra thiệt hại lớn. Như vậy vấn đề giảm thiệt hại ở mức nào là do con người chứ không phải do cuồng tín về “trời phạt”, “thánh vật” gì gì đó.

Vào trang nhà “Chúa cứu thế” mới thấy những người Công giáo ấy quả là có vấn đề về đầu óc khi nói rằng vì đàn áp vụ cầu nguyện đòi đất của Công giáo nên bị “trời phạt”. Nhưng nếu quả có “trời phạt” thì “trời ấy” cũng nên né người Công giáo ra chứ ai lại để người Công giáo cũng bị chung cảnh “ngập lụt” nặng như vậy, đặc biệt ở xứ đạo Đồng Chiêm (Hà Nội), Nho Quan (Ninh Bình)... Và nếu đã có đầu óc mụ mị tin vào “trời phạt” thì cũng nên đặt câu hỏi ngược lại: phải chăng vì chính quyền để cho người Công giáo cầu nguyện đòi đất kéo dài, vẩy nước thánh tùm lum trên đường, gây mất trật tự công cộng, tung tin Đức Mẹ hiện hình, cắm thánh giá bừa bãi… nên Trời (của người Việt Nam) đã giáng họa?

Nếu cứ suy luận kiểu “trời phạt” như thế thì bao giờ nói cho hết. Hóa ra cái ông/bà “trí thức” kia phê bình các hiện tượng tâm linh khác chỉ để ngụ ý nhằm tôn cái “trời” của ông ta lên. Có nghĩa rằng phải dẹp hết các tín ngưỡng tâm linh khác đi, chỉ có “trời” của ông ta mới đáng tin, mới có thể vì đám cầu nguyện trái pháp luật và thiếu lương tâm lịch sử ấy mà giáng họa bừa bãi như thế. “Phải chăng kiến thức khoa học về mưa lũ, lòng trắc ẩn trước khổ đau mất mát chung, sự hiểu biết về tương quan giữa ứng xử (nhân quả) của con người với thiên nhiên của họ tự nhiên biến đâu mất hết, trong họ chỉ có lòng hận thù sự cay cú vì “yêu sách” của mình không được thỏa mãn?” (Thường Trung).

Tâm linh nào thì cũng từ con người mà ra. Nếu tâm linh có thể ngăn được lũ lụt thì có thể ngăn được các hiện tượng gây hại khác trong xã hội. Và trước khi ngăn thứ nọ thứ kia thì hãy ngăn lòng tham lam, ích kỷ, hận thù, ngu si của con người. Vì từ những cái đó mà con người ứng xử tệ bạc với thiên nhiên, đồng loại. Nếu quả là “trời” của mấy người "cầu nguyện đòi đất" có thể gây ra “lụt” hại gần 30 người dân Hà Nội chết oan và làm thiệt hại vật chất lên đến mấy ngàn tỷ đồng như vậy, thì chúng ta phải xem xét lại hành vi mà người ta ca ngợi “tình yêu” của vị “trời” này. Bởi vì một lúc điên cuồng trả thù mà ông ta đã gây hại biết bao nhiêu. Ông ta không những không biết sống hòa đồng với các tín ngưỡng bản địa khác mà còn tìm cách gây tốn kém cho họ.

Làm gì có “trời” nào như thế, vì thay bằng đợi người cầu nguyện bị thua một cách phải phát biểu là “nhục nhã” thì hãy làm cho họ “thắng” bằng nổi loạn chiếm đất ngay từ ban đầu đi. Nếu ngay lúc cầu nguyện chiếm đất ấy không thắng được phải chăng là “trời” hết phép, hoặc giả mải đi “buôn lậu”, “cướp đất” ở một quốc gia nào đó nên không kịp quay trở về để “hiện hình” một lần nữa cho đám cuồng tín chiếm đất tung hô về phép lạ? Và nếu ở Thái Hà có Đức Mẹ hiển linh thật thì hãy để cho khu Nguyễn Lương Bằng khô ráo không một giọt nước, tại sao để các giáo dân và linh mục cũng phải lội bì bõm như vậy?

Trời của người Việt Nam đã cảnh báo với người Việt về việc chặt phá rừng và đối xử tệ bạc với môi trường sống, phản ánh tương quan nhân quả của con người với môi trường, rất đáng phải suy ngẫm, kinh nghiệm. Tuyệt nhiên không có “trời” nào hiện ra lũ lụt để trả thù việc nhà nước ngăn cản những người cầu nguyện “đòi đất” trái pháp luật. Chỉ có “Ông Trời” đầy tư thù của ông/bà “trí thức” kia và cái loa đang rè BBC mới làm việc với động cơ không trong sáng như vậy. “Trời” ấy, xin lỗi, rất xa lạ, phản cảm với người Việt.

Trung Ngôn

1 nhận xét:

  1. Đã đọc bài của một ông có tên NgườiBếnNgoé trên BBC là "Tâm linh có ngăn được lũ lụt?"
    link http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/11/081114_hanoi_floods_supertition.shtml

    Ngớ ngẩn và nhảm nhí hết sức, từ người viết đến người đăng là bbc.

    Trả lờiXóa