Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

MẸ GIÀ HƠN TRĂM TUỔI VẪN THƯƠNG CON TÁM MƯƠI


Thật xót xa cho bất cứ ai khi chứng kiến cảnh người con đánh mẹ ruột của mình. Xã hội chúng ta thử hỏi có được bao nhiêu người mẹ bước qua tuổi 85? Tôi nghĩ đó là người mẹ chung của xã hội chúng ta. Người mẹ ấy bị xúc phạm có nghĩa là những giá trị làm người của chúng ta đang bị xúc phạm...

Mỗi khi theo dõi chương trình “Như chưa hế có cuộc chia ly” của VTV, phần lớn chúng ta đều xúc động mạnh khi có những người con mồ côi chỉ mong mình có mẹ và những người mẹ chỉ mong tìm thấy con, không suy nghĩ đến hoàn cảnh phía trước như thế nào. Tình mẹ con như vậy đã làm tăng thêm những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống này.

Nhìn cảnh người mẹ bị con đánh ngã dúi xuống, tôi đã ứa nước mắt. Thương mẹ quá! Điều gì đang xảy ra trong xã hội chúng ta? Tôi không còn tin vào mắt mình. Rồi thì cả đêm đó buồn bã như đánh mất một điều gì đó. Tôi đang rất hạnh phúc khi còn mẹ. Dù ở một nơi xa quê hương hàng nghìn cây số, nhưng lúc nào cũng nhớ mẹ, thầm xin nghị lực của mẹ để vươn lên. Mỗi khi nghe tin ở nhà mẹ bị ốm hay bị cảm nặng, không thể nghe giọng nói của mẹ là đêm đó tôi không ngủ được, chỉ biết nguyện cầu năng lực từ bi che chở cho mẹ. Nhưng cũng có lúc bất an nghĩ đến cảnh một ngày kia tôi sẽ mất mẹ, sẽ gọi mẹ mà không được mẹ trả lời.

Tôi còn bà ngoại, năm nay cũng đã gần 90 tuổi. Bà ngoại tôi cũng rất thương mẹ tôi. Dịp rằm tháng bảy tôi về thăm nhà, mang theo một số kinh Báo đáp thâm ân cha mẹ. Suốt mùa báo ân, chiều đến, mẹ tôi ngồi trước gõ mõ tụng kinh, bà ngoại tôi ngồi sau đọc theo. Bà tôi rất tâm đắc với câu “mẹ già hơn trăm tuổi vẫn thương con tám mươi”. Lúc ấy, tôi nắm tay bà ngoại: bà thương mẹ con nhất và mẹ con cũng thương bà nhất, có hai cái nhất ấy, chúng con thấy không có gì sung sướng bằng. Bà ngoại tôi nghe vậy cười móm mém.

Những ngày gần đây nhìn thấy hết cảnh những người mẹ hành hạ con, rồi đến con đánh mẹ, ai cũng bức xúc. Nhưng chuyện đó đều rơi vào hoàn cảnh của những người nghèo. Điều này khiến chúng ta cảm thấy nhiều trắc ẩn. Trắc ẩn trước cái xấu, cái ác sẽ làm cho ta suy nghĩ nhiều hơn là khởi lòng căm giận. Chúng ta nên tạo cơ hội cho những người con lỡ lầm sửa sai, trở về yêu thương mẹ, chăm sóc những ngày ngắn ngủi còn lại của mẹ, bởi chắc chắn không người mẹ nào muốn nhìn thấy con bị pháp luật trừng trị.

Người nghèo phải vật lộn nhiều hơn với đời sống vật chất, nhưng chuyện đối xử tệ bạc với mẹ cha xảy ra trong những trường hợp này có điều gì đó không bình thường. Phải chăng mức sống vật chất làm cho đời sống tình cảm của những người nghèo cũng nghèo đi theo? Nếu dự cảm này đúng thì đó là điều chúng ta không thể không lo lắng vì nước ta vẫn là một nước có tỷ lệ người nghèo cao, và vốn xưa nay người nghèo vẫn luôn được xem là những người sống có tình có nghĩa, rách lành đùm bọc.

Người ta thường nói, người nghèo là so với người giàu mà trở nên nghèo. Người giàu, cha mẹ chỉ hơi ho hắng là con cái đã đưa ngày vào bệnh viện, khám một bệnh mà ra nhiều bệnh, nhờ vậy mà chăm sóc cha mẹ kỹ hơn. Cũng là ốm đau thân xác, nhưng người nghèo thì không đủ tiền để cho cha mẹ tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc tối thiểu và đành để cha mẹ héo gầy, tiều tụy theo ngày tháng.

Thực tế, đang có nhiều người hiểu rằng con cái phải chăm sóc cha mẹ đầy đủ, không thiếu thốn vật chất mới là có hiếu, và người ta cũng thường khen ngợi những người cha người mẹ đó là có phước vì có những người con thành đạt, giàu có. Nhưng có phải vì vậy mà người giàu có hiếu nhiều hơn người nghèo không?

Mặc cảm về sự nghèo khó, rồi trong hoàn cảnh nào đó không thể làm gì hơn cho cha mẹ cũng là một áp lực tinh thần cho những người con nghèo. Mặc cảm này không nên có, vì trong bất cứ hoàn cảnh nào dù giàu hay nghèo, có địa vị hay không người con đều có thể tận hiếu. Người làm cha mẹ thương con luôn hiểu hoàn cảnh của con cái. Nếu con cái phải ăn một bát cơm cha mẹ cũng sẵn sàng chỉ ăn nửa bát cơm hay bát cháo, nhưng chỉ xin những người con đừng hắt hủi mẹ cha, đừng tính tháng kể ngày mà bỏ rơi mẹ cha.

Đức Phật dạy rằng, dù người con có cõng mẹ cha lên rừng xuống biển hay cắt thịt để nuôi mẹ cha trong lúc đói kém cũng vẫn chưa trả được ân sinh thành của cha mẹ.

Chỉ nội ân sinh thành mà chúng ta đã rất khó trả nổi rồi huống gì là còn yêu cầu những hy sinh thêm nữa ở cha mẹ. Chúng ta nên có trách nhiệm giáo dục con em nuôi dưỡng ý nghĩ trả ân cha mẹ bất cứ khi nào và trong bất cứ điều kiện giàu nghèo nào. Bởi mỗi ngày chúng ta trưởng thành là mỗi ngày cha mẹ dần xa ta. Và những biến cố bất ngờ trong đời lúc nào cũng có thể cướp đi vĩnh viễn cha mẹ, khiến chúng ta trở thành những đứa con côi.

Cha mẹ còn sống với chúng ta một ngày là chúng ta có hạnh phúc một ngày. Hạnh phúc còn có cha mẹ là hạnh phúc lớn nhất, hơn mọi thứ tài sản trên thế gian này. Vì tiền bạc mất đi, chúng ta có thể còn cơ hội nỗ lực để kiếm lại, nhưng cha mẹ mất đi là mất đi vĩnh viễn. Đừng nên tiếp tục đổ hết mọi trách nhiệm, chịu đựng, hy sinh lên người cha mẹ. Cha mẹ rất yêu thương con, nhiều khi còn hơn cả yêu thương bản thân mình, nhưng cha mẹ cũng có nhu cầu được con kính trọng yêu thương. Không hiểu điều này, chúng ta sẽ rất dễ dàng bỏ rơi cha mẹ, để cha mẹ sống những ngày còn lại trong cô đơn buồn tủi, điều mà nhẽ ra cha mẹ phải nhận được sự chăm sóc thương yêu của con cháu nhiều hơn thế khi tuổi xế chiều.

Cha mẹ nhớ thương con, con thương nhớ cha mẹ. Hai nhớ ấy in sâu thì cuộc sống xã hội của chúng ta có khi nào lại không ngập tràn hạnh phúc.

Nam Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét