Khi đọc bài viết “Nỗi lòng Tăng Ni trẻ” của sư cô TN. Huệ Thiện trên tràng nhà giacngo.vn, tôi thật sự xúc động về cảm nghĩ thật và có phần dịu dàng của cô về thực trạng Phật giáo nước nhà. Trăn trở là những suy nghĩ được viết ra từ lòng trắc ẩn trước những hiện thực không mong muốn của cuộc sống. “Trăn trở” không biết có phải là điều hiếm gặp trong suy nghĩ của Tăng Ni trẻ hay không mà sao lâu nay ít thấy người trẻ đề cập đến từ này, hay phải chăng “trăn trở” chỉ thuộc về người già, người có chức sắc, địa vị?
Người già thường “trăn trở” với những việc cao ngang bằng với tuổi tác và địa vị của họ, và nhiều khi cao quá nên chúng ta khó với tới được những "trăn trở" ấy để mà định hướng cho tương lai cho mình. Vì từ “trăn trở” đến hành động để giảm bớt sự “trăn trở” ấy có khoảng cách không gần, nên năm nào cũng nghe đi nghe lại những lời trăn trở. Nghe thì thấm thía, hồi hộp, vui mừng vỗ tay, nhưng để biết được người trẻ nghĩ gì, làm gì, muốn gì ở “trăn trở” ấy thì còn phải chờ những bước đột phá.
Đột phá là phải vượt qua được những giới hạn của tuổi tác, tư tưởng, nhận thức và những “cải tổ” táo bạo. Nói thì có đột phá nhưng nhiều khi vẫn chưa làm được. Chưa làm được thì tạo đủ mọi điều kiện để làm được, nhưng bao giờ làm được (cái đích cụ thể) cho từng vấn đề thì còn tiếp tục chờ... Nếu không ai có đủ kiên nhẫn để chờ thì đem “trăn trở” xếp đầy trong tủ, khóa lại một cách cẩn thận, sang năm lại lấy ra “trăn trở” tiếp vì ngừng trăn trở có nghĩa là ngừng tư duy, mà ngừng tư duy thì ngừng tồn tại. Đã có những người ngừng tồn tại rồi mà trăn trở vẫn còn nguyên trong kỷ yếu vì cả đời mình vẫn chưa thực hiện được.
Người già tồn tại trong thế giới của người già và người trẻ tồn tại trong thế giới của người trẻ. Có nhiều khoảng cách thật khó mà rút ngắn. Nói thế để thấy rằng, người trẻ có những suy nghĩ khác với người già nhiều quá, ngay cả trăn trở của họ cũng vậy. Người trẻ biết tỏ nỗi lòng với người trẻ, vì người trẻ hiểu cuộc sống của những người trẻ. Và vì vậy trăn trở của họ cũng gần gũi thiết thực hơn với người trẻ. Người già cũng có những cảm thông sâu sắc với người già, vì họ phần nào đang nắm giữ “kinh nghiệm”.
Nước Mỹ đã mạo hiểm thay đổi, phần nào bỏ qua “kinh nghiệm” để chọn ông Obama (46 tuổi) mà không chọn ông John McCain (71 tuổi). Ông Obama sẽ bước trên con thuyền sóng gió với đời sống của 300 triệu công dân của mình. Phật giáo Việt Nam ta có những người lãnh đạo như vậy không? Có! Vua Trần Nhân Tông, 35 tuổi đã buông bỏ ngai vàng, nhường ngôi, 40 tuổi bỏ hết tất cả xuất gia tu Phật, 50 tuổi viên tịch, nhưng đã để lại sự nghiệp to lớn cho cả dân tộc và đạo pháp.
Đó không phải những năng động thái quá của người trẻ mà họ đã được sống trong một thời đại đầy hào khí, có một môi trường tự do để lựa chọn. Môi trường ấy nuôi hy vọng của họ, xóa mặc cảm tự ti của họ, kích thích sáng tạo của họ, cho họ sự mạo hiểm và cả thách thức, đảm bảo có đủ những lực lượng kinh nghiệm dạn dày ngồi sau để cố vấn cho họ… và họ đã vững bước tiến, kéo theo cả dân tộc cùng tiến. Họ không ngồi nói chuyện viển vông mà bàn những kế hoạch, chiến lược mà thời đại đặt ra cho họ, bắt họ phải nghĩ, bảo họ phải làm.
Người trẻ dù có bay bổng, quấy động như thế nào thì cuộc sống vẫn công bằng với họ. Tăng Ni trẻ cũng là con người với những buồn vui, yêu ghét bủa vây chung quanh. Và chính vì họ không có địa vị, kinh nghiệm để tựa nương mà tiến một cách đĩnh đạc, êm đềm, yên ổn nên những biến cố xảy với họ rất dễ làm họ ngã lòng, làm họ trở thành những đối tượng đáng được chỉ bảo, dạy dỗ. Cơ hội để họ có thể đứng dậy sau những vấp ngã để trưởng thành rất ít. Sở dĩ cuộc sống công bằng với họ không chỉ vì những việc làm tích cực của họ được khen ngợi mà họ cũng phải gánh chịu những hậu quả mà họ đã tạo ra một cách tiêu cực.
Trong môi trường thiếu tự do, cởi mở, họ có ít cơ hội và phải chịu nhiều hậu quả. Ai sẽ là người đứng ra nhận trách nhiệm trước những hậu quả mà họ gây ra? Không ai khác, chính họ. Đây là điều chúng ta phải tập chia sẻ bằng lòng từ bi chứ không phải bằng oán trách. Vì họ đã được chuẩn bị cho những bước đi sai ngay từ ban đầu. Vì họ nghĩ họ không có cái quyền gì khác ngoài cái quyền được “tu” như một đặc ân của cái thời “gạo châu củi quế”. Những người thầy có nghĩ về họ như vậy không? Rời thầy tổ, rời chùa là “tàn”, là “đói” ngay. “Đói” và “no” ám ảnh tinh thần của họ, xâm chiếm hết nhận thức của họ, nên nhiều trong số họ trở thành những người quẩn quanh, đến nỗi ngày qua tháng lại, có thiền sư phải giận mà nói rằng “túi thịt, bị cơm…”, đã là “túi thịt, bị cơm” thì làm sao còn cái hiên ngang của bậc ứng cúng, bố ma phá ác…
Suy nghĩ của ông thầy còn chưa rời cái túi thịt, bị cơm mà bảo học trò phải hy sinh đầu, óc, tủy, mắt, quốc thành, thê tử… thì khác gì hái sao trên trời. Thế là tiếp tục phải “trăn trở”. Trăn trở là của người trên, còn vấn đề là của người dưới. Bất kể sự việc có diễn ra theo chiều hướng nào thì người trẻ ơi, chạy đâu cũng chẳng khỏi sân chùa.
Trước kia người ta cho "tu là trốn đời" chúng ta phản bác lại, nay người ta bảo "tu là sướng", "tu là giàu", "tu là vô âu vô lo"… chúng ta cũng phản bác lại. Nhưng cứ nhắc đến tu là người ta thêm cho nó định nghĩa mới "tu là…", không cần biết những Tăng Ni trẻ của chúng ta phải nỗ lực vận động như thế nào trong môi trường tu vốn rất nhiều quy luật thanh lọc và đào thải. Vì tự thân vận động nên người thì vận động thế này, người thì vận động thế kia, chẳng có quy chuẩn thống nhất nào cả.
Đến lúc có những biểu hiện báo động cho uy nghi, phẩm hạnh của Tăng Ni thì một mình họ chịu hết trách nhiệm vì sự thiếu “tu là…” của mình. Phải gắn chữ tu là với trang nghiêm, với giới luật, với hy sinh, với dấn thân, với gian khổ, thậm chí với sinh tử. Vì thiếu những định hướng cụ thể của con đường “tu là...”, thiếu những bước dẫn dắt có trách nhiệm nên dần dà họ thu mình lại như con ốc sên, hoặc giả lại rong ruổi như ngựa không cương.
Tu là… có nhiều hấp dẫn với người trẻ mới vào tu, vì họ phải mường tượng ra quá nhiều cái viễn cảnh sau đó của lọng, dù, đón rước… Và thế là ý tưởng “tu là…” ban đầu đã bị trật đường ray. Rồi thì càng trật đường ray hơn nữa khi cứ một ngày nhìn vào cuộc sống của người tu lại thấy một định nghĩa “tu là…” mới mà thiếu vắng dần sự chân chất, giản dị, chia sẻ, yêu thương, gần gũi với đời. Những chiếc xe hơi bóng loáng, những chiếc điện thoại cầm tay đắt tiền, những giọng nói ban ơn, những mệnh lệnh như thâu tóm ý thức của người khác… cứ nhịp nhàng năm này tháng nọ đập vào tai, mắt đi vào giấc ngủ của những người trẻ, thế là họ lại có thêm một định nghĩa mới "tu là…"...
Chưa hết đâu, trăn trở của người trẻ dễ bị thủ tiêu một cách nhanh chóng bằng những ngôn ngữ có cánh: “trứng khôn hơn vịt”, “ngựa non háu đá”… thế là phải kịp điều chỉnh trăn trở để nhận ra tu là… Dần dà mất cả phản biện, mất cả ý thức, mất cả cá tính…, lâu dần cả một thế hệ trẻ bị đánh cắp mất ý tưởng, lý tưởng và đánh cắp luôn lòng tự trọng.
Một thế giới cô lập và tách rời hiện ra, mọi hiện tượng trật đường ray trở nên cá biệt. Đánh mất lòng tự trọng thì dĩ nhiên có những biểu hiện thiếu tự trọng, chạy chức, chạy quyền, chạy xe hơi và chạy xô… Vô vàn những thứ “chạy” cuốn người trẻ của chúng ta đi, đi mãi, đến khi nhập cuộc hay hội nhập đầy đủ rồi mới sáng mắt nhận ra mình không hề “trật đường ray” vì đã hiểu và đi đúng mục đích của con đường tu là… vâng lời bằng mọi cách, qua mọi tình huống có thể (cung kính không bằng vâng lời).
“Văn hóa lãnh đạo”, cụm từ này được xã hội nhắc đến nhiều đó là văn hóa xin lỗi, văn hóa chịu trách nhiệm, văn hóa từ chức… Chúng ta một tổ chức "tu là phải khác tục" nên hình như ít nhấn mạnh đến điều này. Xã hội có sao thì có sao, còn chúng ta có trăng thì có trăng, đừng đem những ứng xử xã hội vào tố chức vì chúng ta là tổ chức “phi chính trị”, “phi lợi nhuận”, “vô vụ lợi”… Và vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta nên đóng cửa vào bảo nhau. Trên bảo dưới nghe, dưới bảo dưới nữa nghe, nghe và làm thôi đừng phản biện góp ý gì cả. Cứ nhịp nhàng như vậy thì có nhiều sự “gia hộ”, sợ gì “toàn cầu hóa”, lo gì “Tin lành hóa”…?
Lợi thế trong hoàn cảnh thế giới mở ra bằng truyền thông đa phương tiện này là nó rất công bằng với người trẻ. Người trẻ ứng xử đúng sai thế nào thì internet, blog sớm muộn cũng xuất hiện cử chỉ, lời nói, hành động của họ. Điều này cho thấy 5 năm về trước khác xa bây giờ. Rồi đây, khi mọi thông tin không còn được “bao cấp” và “can thiệp”, uy tín của họ, tai tiếng của họ đều được cuộc sống đối xử rất công bằng. Nắm lấy cái công bằng đó mà điều chỉnh mình thì cuộc sống sẽ có cơ hội trưởng thành, đừng tiếp tục mong chờ vào những “trăn trở” không có câu hồi đáp. Hãy tự mình thắp đuốc mà đi!
Nam Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét