22h36 ngày 22/11/2008, báo điện tử vietnamnet.vn có đăng bài viết “Tan hoang chùa Phật Tích” của tác giả Khánh Linh gây ít nhiều xôn xao trong dư luận và bài viết này đã được nhiều người đọc nhất trong ngày 23/11. Ngay cả báo Giác Ngộ online của THPG TP. Hồ Chí Minh cũng cho đăng lại bài này và đưa lên mục Tin nổi bật mà không cung cấp thêm thông tin. Để rộng đường dư luận, phattuvietnam.net đã phỏng vấn nhanh Đại đức Thích Đức Thiện – Trụ trì chùa Phật Tích để cung cấp thêm thông tin cho độc giả.
Phóng viên: Xin Đại đức cho biết về Dự án Trùng tu tôn tạo chùa Phật Tích?
ĐĐ. Thích Đức Thiện: Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích do UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định đầu tư, Sở VH-TT-DL làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Viện Bảo tồn Di tích – Bộ VH-TT-DL, đơn vị thi công là Công ty cổ phần tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương.
Dự án chính thức được khởi công ngày 11/10/2008 với sự hiện diện của chư Tôn giáo phẩm GHPGVN: HT. Thích Thanh Sam – Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng Minh, HT. Thích Thanh Tứ - Phó chủ tịch TT Hội đồng Trị sự… Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Di sản Văn hóa Bộ VH-TT-DL cũng tới dự.
PV: Thưa Đại đức, vì sao phải trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích?
ĐĐ. Thích Đức Thiện: Chùa Phật Tích là di tích lịch sự văn hóa cấp quốc gia, được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X. Vào thời Lê, chùa được xây dựng hoành tráng. Tuy nhiên, năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Nhà nước cho dựng tạm một nhà kho nhỏ để lưu giữ đồ vật. Năm 1986, nhân dân địa phương dựng tạm ngôi chùa nhỏ để thờ phụng và năm 1991, ngôi chùa nhỏ này được mở rộng thành chùa Phật Tích như ngày nay. Tuy nhiên, do kinh tế eo hẹp, khó khăn nên quy mô ngôi chùa xây mới năm 1986 và 1991 không đáp ứng yêu cầu về diện tích, quy mô, kiến trúc, mỹ thuật, không xứng đáng với một di tích có thời thời Lý.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng bào Phật tử thập phương và địa phương có nguyện vọng tha thiết muốn phục dựng lại chùa Phật Tích cho xứng đáng với quy mô và tầm cỡ của di tích lịch sử cấp quốc gia, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tham quan, du lịch của nhân dân.
Đáp ứng nhu cầu đó và để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích theo kiến trúc có từ thời Lê.
PV: Đại đức có thể cho biết việc bảo tồn, lưu giữ các di vật cổ được tiến hành từ trước tới nay, và trong quá trình trung tu, tôn tạo lần này được thực hiện thế nào?
Ngoài ra, cổ vật của chùa Phật Tích còn có tượng Phật A Di Đà (1057); chân cột chạm dàn nhạc (1057); hàng thú trước sân chùa (thời Lý); pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết; 32 bảo tháp (thế kỷ XVII – thế kỷ XX)...
Trước khi trùng tu và trong quá trình trùng tu, tôn tạo, các ngành chức năng đều tiến hành thám sát thực địa. Nhân viên của Bảo tàng Bắc Ninh và Viện Mỹ thuật thường xuyên có mặt để phát hiện và thu lượm cổ vật trong quá trình thi công.
PV: Đại đức nghĩ thế nào về bài báo “Tan hoang chùa Phật Tích” của phóng viên Khánh Linh trên vietnamnet.vn?
Bài báo trên vietnamnet.vn đã được viết mà không có đủ thông tin, không hiểu rõ bản chất sự việc, gây ra những bất bình, bức xúc không đáng có trong dư luận. Tôi được biết phóng viên Khánh Linh đã không đến hiện trường. Đây cũng là điều nên rút kinh nghiệm. Qua đây, các đơn vị thông tin, báo chí của Phật giáo cũng nên cung cấp thông tin đầy đủ để độc giả thập phương hiểu rõ việc trùng tu, tôn tạo các di tích Phật giáo và hộ trì quá trình này.
PV: Trân trọng cám ơn Đại đức.
Trọng Hoàng (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét