Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

KHỦNG HOẢNG KINH TẾ: LÀM GÌ ĐỂ HẠNH PHÚC?


Năm 2008 là một năm thế giới chao đảo bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế suy thoái đồng nghĩa với việc đời sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn, thậm chí đói nghèo, bần cùng, khốn khổ. Nhưng cũng trong lúc khủng hoảng xảy ra, những trải nghiệm về khổ đau, hạnh phúc mới càng trở nên sâu sắc hơn. Từ chối những diễn biến đó, cuộc sống của chúng ta có giảm đi chút khổ đau nào không?

Kinh tế suy thoái, tác động nhiều đến diễn biến cuộc sống. Ở đó, khổ đau là một sự thật mà chúng ta buộc phải nhận diện, không thể đánh lừa sự ảo tưởng của mình mãi được. Hạnh phúc là một quá trình của sự tìm kiếm, mưa cầu chính đáng. Đó là những nỗ lực tinh thần và vật chất của tất cả mọi người. “Mưu cầu” là một từ dùng chính xác vì hạnh phúc không phải là sự ban phát của ai đó, tức nó không có sẵn để mọi người hưởng thụ. Hạnh phúc và khổ đau là hai người bạn song hành. Khổ đau không phải là kẻ thù của hạnh phúc, mà phần nào còn giúp cho chúng ta trải nghiệm hạnh phúc một cách sâu sắc hơn.

Người Việt có câu tục ngữ: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” diễn tả rất chính xác những cảm nhận này. Cái miếng khi đói ấy trở nên vô cùng giá trị vì họ đã hiểu được hạnh phúc trong một sự chia sẻ nhỏ nhoi. Điều này đáng suy nghĩ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Phải hiểu giá trị của “một miếng” chung quanh cái giá trị của “nhiều miếng”. Vì một miếng khi đói bao giờ cũng ngon, nhiều miếng khi no bao giờ cũng chán. Đói = ngon. No = chán. Thấy ngon thì giữ được hạnh phúc ở lâu hơn với mình. Thấy chán thì hạnh phúc sẽ sớm rời bỏ mình. Và vì thế người Việt lại có câu: “miếng ngon nhớ lâu”, “no cơm, chán chè”…

Nên lấy cái lúc nhiều miếng để so với cái lúc một miếng mà tìm cái ngon, cái hạnh phúc khi thấy đói. Thấy đói, thấy thiếu quan trọng lắm, vì cơ thể muốn thích nghi tốt với cuộc sống nên phải để cho nó cảm nhận sự đói rét, bằng không nó sẽ nhanh chóng mất sức đề kháng tự nhiên. Còn cứ đem so cái nhiều miếng để với tìm những cái nhiều miếng hơn thì sẽ mau oải, mau chán. Thực tế cuộc sống cho thấy, nhiều người chỉ ăn uống được một phần nhỏ thức ăn, nhưng khi làm cơm hàng ngày phải bày bàn ăn đủ món. Hãy ăn vừa phần thức ăn của mình để có cảm giác ngon miệng vừa đủ.

Biết vừa đủ quan trọng lắm. Ngày xưa Đức Phật đi khất thực với chiếc bình bát vừa phải, đủ cung cấp đủ thức ăn cho một ngày. Chúng tăng thời đó không ăn bàn với la liệt món ăn như bây giờ, bởi bày biện nhiều chỉ lãng phí vì không thể ăn hết lượng thức ăn nhiều như vậy. Tốn kém, lãng phí, không lợi ích cũng từ đó mà sinh ra, rồi thì cảm giác chán “cỗ” cũng vì đó mà sinh ra. Hiện nay, người ta đi dự tiệc nhiều khi vì quan hệ công việc nhiều hơn là đến để được ăn. Đây cũng là điều chúng ta có thể suy nghĩ thêm cho thời buổi kinh tế khó khăn. Phật giáo với “tam đề ngũ quán” thì càng nên đi đầu trong lĩnh vực này.

Hạnh phúc là một khái niệm dùng để chỉ cho những thỏa mãn tinh thần và vật chất. Nhưng bức tường ngăn cản lớn nhất của hạnh phúc lại chính là lòng không biết thỏa mãn. Càng đuổi theo tìm cầu hạnh phúc, chúng ta càng thấy mọi việc như chỉ mới bắt đầu. Hàng chuỗi những sự kiện, những biến cố xảy ra trong cuộc sống làm cho chúng ta luôn mãi ở trong tình trạng đối phó, nên người ta thường cảm nhận hạnh phúc diễn ra ngắn ngủi, bởi cuộc sống luôn đẩy mình trôi nhanh về phía trước. Chưa có đủ thời giờ để nhìn nhận hạnh phúc hôm nay, bây giờ của mình thì nó đã nhanh chóng tuột khỏi suy nghĩ. Kết thúc một công việc, đón nhận một điều tốt đẹp để tiếp tục một công việc, một thử thách mới.

Chính lúc này phải tập so sánh, so sánh với hạnh phúc nhỏ, so sánh với khổ đau, khó khăn, thất bại và rất cần so sánh với khi chỉ có “một miếng”. Hạnh phúc là hiểu và nắm bắt được những cái bình thường nhất trong cuộc sống. So sánh ấy có làm cho người ta gia tăng những cảm nhận về hạnh phúc và khổ đau. Ở ý nghĩa này, hạnh phúc là một nhu cầu được bù đắp. Thiếu thốn cái gì, cái đó được bù đắp thì người ta cảm thấy hạnh phúc. Nhưng ít ai có được sự hạnh phúc trọn vẹn khi cuộc sống luôn xảy ra những biến cố bất ngờ ngoài mong muốn.

Cảm nhận được khổ đau ở mức vừa đủ cũng tốt cho việc mưa cầu hạnh phúc. Nhiều người vẫn tiếp tục chia sẻ với chúng ta về những cảm nhận và đưa ra quan niệm của mình về hạnh phúc, có người còn gắn hạnh phúc với khổ đau, bởi họ xem cái này luôn là nguyên nhân kết quả của một cái khác.

Có thể hạnh phúc là có thật nhiều tiền vì nhờ tiền mà sẽ có nhiều những điều kiện sống được thỏa mãn. Không có tiền là không có điều kiện để hạnh phúc. Vì vậy muốn có được hạnh phúc người ta đã phải bằng mọi cách để có được tiền.

Cầm tiền trong tay, nhìn ngắm tiền hàng ngày bằng cách theo dõi lợi nhuận là có hạnh phúc? Chính vì tìm hạnh phúc trong một hình thức như vậy nên khi đồng tiền tuột khỏi tay mình là người đó nhanh chóng cảm thấy mất hạnh phúc, mọi việc trong cuộc sống không có gì đáng bàn hơn nữa. Đây là một người đau khổ nhất trong những người đau khổ vì họ không thể hiểu tiền là tương đối, không thể hiểu ngoài những giá trị đồng tiền còn có những giá trị khác cần tìm kiếm. Nếu họ không để đồng chiếm bao chiếm sự duy nhất trong cuộc sống thì họ còn những con đường khác để chọn lựa, để bắt đầu lại một công việc, suy nghĩ nhiều hơn đến sự song chiếu của giá trị vật chất và tinh thần.

Trong khi cảm nhận hạnh phúc có lẽ chúng ta ít cho phép mình suy nghĩ đến chữ mất (thất), vì nghĩ và nói đến nó là xui xẻo. Do quá quan tâm đến cái được (đắc) cho nên đến khi hoàn cảnh cuộc sống thay đổi, chúng ta nhận thấy rằng mình đã mất quá nhiều thứ thì mới bắt đầu hối hận, đau khổ. Dù gián tiếp hay trực tiếp thì mất của người này là được của người kia và ngược lại. Được và mất không chắc chắn điều gì là phúc hay là họa. Quan trọng là người hiểu và nắm giữ được quy luật của được mất. Nếu hạnh phúc được hiểu là thỏa mãn một điều gì đó trong mong cầu, vậy thì khi không còn thỏa mãn nữa hạnh phúc có vĩnh viễn mất đi không? Hạnh phúc hay khổ đau không vì vấn đề được mất của chúng ta mà mất đi. Nó là một quá trình của ý nghĩ, lời nói và việc làm.

Có thể nói thế này, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã viết hoa cho chữ Mất. Có những cái chúng ta nắm bắt được và có cái không nắm bắt được. May mắn có thể mỉm cười với người này và không mỉm cười với người kia dù cơ hội của họ có ngang bằng nhau. Cái hôm nay đã thất bại thì cái ngày mai rất có thể sẽ khó nắm bắt. Đuổi theo những suy nghĩ đó là chúng ta dằn vặt, đau khổ và tiếc nuối cái đã qua nhiều hơn. Nhưng trước khi chờ đợi cái ngày mai nó đến bằng cả tích cực lẫn tiêu cực thì hãy sống thật với ngày hôm nay cũng bằng cả những tích cực và tiêu cực của chính nó. Tất cả những cái tạm thời trong cuộc sống sẽ qua đi. Giàu đến ba họ cũng chỉ là tạm thời, khó đến ba đời cũng có ngày thay đổi. Những mưu cầu hiện lên dù tích cực hay tiêu cực thì cũng nhanh chóng biến mất theo thời gian và tuổi tác.

Thời lạm phát, giá cả tăng cao, đồng tiền trở nên mất giá. Đây cũng là thời gian để chúng ta ý thức hơn về tiết kiệm, đánh giá lại những nhu cầu căn bản thiết yếu, điều chỉnh cuộc sống của mình. Sống là thích nghi với mọi điều kiện. Hãy dùng thời gian diễn ra lạm phát để sống chậm lại và di dưỡng tinh thần, xem đây là cơ hội đề quay về nhìn nhận nhiều hơn về những điều được mất vừa qua, có thể chúng ta lại tìm thấy những hạnh phúc giản đơn trong hoàn cảnh cần nhiều đến sự cảm thông và chia sẻ này. Người chồng hay vợ về nhà hãy bớt cằn nhằn về tiền lương giá cả mà hãy chuẩn bị cho những bữa cơm vừa đủ dinh dưỡng.

Xin đừng nhầm lẫn rằng món ăn phải trải đầy bàn thì mới có lợi cho sức khỏe. Chúng ta nấu ăn với tâm bình, khí hòa thì bao nhiêu năng lượng vui vẻ, yêu thương đã được gửi gắm vào món ăn trong quá trình chế biến. Năng lượng yêu thương ấy, những người thân yêu của chúng ta sẽ cảm nhận được ngay qua lòng nhiệt tình chăm sóc, qua ánh mắt, nụ cười, nên dù món ăn có thiếu đi một vài món hay mặn nhạt một chút thì niềm vui vẫn luôn hiện diện, và gánh nặng cuộc sống nhẹ bớt phần nào. Chúng ta sẽ không thể tiêu hóa được khi mà trước mặt rất nhiều món ăn được chế biến bằng sự bực dọc, tức tối, bằng hơn thua được mất của lợi ích kinh tế. Món ăn ấy chắc chắn là độc dược, có hại cho sức khỏe và tinh thần.

“Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Bây giờ món đó chẳng có ai ăn, nó chỉ còn được đem ví với những tâm trạng hạnh phúc. Tâm trạng hạnh phúc sẽ cân bằng cuộc sống của chúng ta. Nay ra đến chợ thấy người dân mình than thở nhiều, có nghĩa rằng người dân mình đang không mấy có hạnh phúc. Không hạnh phúc không chỉ nằm trong những lời than thở mà còn nằm trong sự tranh mua tranh bán, vì cùng một đồng tiền giá cả nhưng ai cũng muốn có được phần rẻ, phần tươi ngon.

Khi mất cân bằng cung cầu, sinh ra tranh chấp lợi ích giữa những người mua bán. Có lúc rau bỏ thối trên đồng ruộng không ai muốn ăn. Có những lúc rau không có đủ mà cung cấp cho thị trường. Lời khuyên trở nên mất giá trị khi điều kiện nào đó xuất hiện và hạnh phúc bị điều kiện hóa trước thực tế cuộc sống.

Để sống hạnh phúc trong những hoàn cảnh mà sự điều kiện hóa đã nhỏ đến từng chi tiết, nhà Phật không chỉ đề cao thái độ sống biết vừa đủ mà còn khuyến khích tâm hoan hỷ. Hoan hỷ nghe dễ vậy chứ rất khó thực tập. Nếu thấy người đến mua trước mình mua được mớ rau ngon, con cá tươi ngon mình có hoan hỷ với niềm vui của người ấy không hay mình sẽ đố kỵ? Đó là hạnh phúc của người. Nếu có thể hoan hỷ được với hạnh phúc của người thì mình sẽ lấy hạnh phúc ấy làm hạnh phúc của mình. Chính vì điều này mà hạnh phúc cũng cần được chia sẻ. Tâm hoan hỷ không những chia sẻ hạnh phúc được với người mà còn nuôi dưỡng lòng trắc ẩn trước khổ đau của người. Vì người muốn người khác hạnh phúc giống như mình thì không bao giờ có thể mang khổ đau đến cho người được. Trong khó khăn, tâm hoan hỷ làm cho con người bảo bọc yêu thương nhau, ít đi sự ích kỷ, giành giật.

Đức Phật cho rằng người biết khởi tâm hoan hỷ trước sự bố thí của người khác thì công đức của người đó bằng công đức của người bố thí. Trong những hoàn cảnh khó khăn, tâm hoan hỷ luôn mang đến cho mình niềm hạnh phúc.

Sống chung với lạm phát là phải biết điều chỉnh nhu cầu, tiết kiệm những thứ cần dùng, không bỏ những thứ còn dùng được. Tiết kiệm hay điều chỉnh cuộc sống để giảm thiểu nhu cầu không có gì là mất đi niềm tự trọng. Một người có tự trong và công bằng ở trong tâm lẽ nào lại xem việc phải đi xe đạp thì kém cỏi hơn đi bằng xe hơi sang trọng. Cái xe hơi có thể thông báo với chúng ta đó là một người giàu (tạm thời), nhưng nó không cho ta biết đó là một người làm ăn lương thiện, có nhiều tình thương và lòng tự trọng. Ta thấy rõ, có những giám đốc ngồi trên xe hơi sang trọng, ở ngôi nhà sang trọng…, nhưng chính ông ta là người để công ty thải rác và chất độc hại ra giết chết môi trường sống, thử hỏi trong tâm ông ta có sạch, có nhiều lòng tự trọng như cái vẻ ngoài hào nhoáng ấy hay không.

Hạnh phúc là sống với hiện tại, nắm bắt được mọi thăng trầm của hiện tại. Ai cũng có quyền mưa cầu hạnh phúc, nhưng để đối phó với những khó khăn hiện tại hãy cho mình thêm một cơ hội và cũng không quên dành cho người một cơ hội. Chỉ có những việc chúng ta chưa làm chứ không có những việc chúng ta không làm được. Và chỉ có những việc làm (dù lớn dù nhỏ xuất) phát từ động cơ suy nghĩ ích mình lợi người, ích lợi cho cả hai mới là điều kiện để chúng ta đi đến một cuộc sống hạnh phúc lâu dài. Sống có trách nhiệm với bản thân với mọi người chung quanh là hạnh phúc. Làm một việc thiện nhỏ bằng tinh thần chia sẻ là hạnh phúc, không làm tổn hại đến ai cũng là hạnh phúc. Còn những ai thờ ơ, vô cảm trước niềm đau của người khác thì rất khó tìm được cho mình niềm hạnh phúc đích thực.

Trần Điều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét