Theo thống kê mới nhất của Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương (được Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua) Việt Nam có 45 triệu tín đồ Phật tử quy y tam bảo. Con số thống kê này được phát biểu nhân dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2008).
“Theo số liệu thống kê của Ban Hướng dẫn Phật tử, cả nước có gần 45 triệu tín đồ Quy y Tam bảo, có 839 đơn vị Gia đình Phật tử, có 7568 Huynh Trưởng, 85.000 đoàn sinh. Ban Hướng dẫn Phật tử thường xuyên tổ chức các trại huấn luyện Huynh trưởng và đoàn sinh, các trại họp bạn ngành nữ, ngành thiếu, các khóa tu như Khóa tu một ngày an lạc, Phật thất, Thiền Tịnh song tu, các Lớp Bát Quan trai, Đạo tràng Niệm Phật, Đạo tràng Pháp Hoa, Dược Sự, Hội Quy… với số lượng Tăng Ni, Phật tử tham dự rất đông”.
Tôi không ngạc nhiên về con số thống kê này, vì vốn dĩ ngay từ khi có thống kê nào đó cho rằng Phật giáo Việt Nam có khoảng gần 12 triệu Phật tử, tôi cũng đã không tin và có biết bao nhiêu người Phật tử đã phản ứng trước thông tin này, vì theo ước tính của các cơ sở tự viện có 80% dân số theo đạo Phật (bằng nhiều hình thức). Con số thống kê dựa vào chứng minh thư hay bản khai nhân khẩu có thể tương đối chính xác khi thống kê số tín đồ theo đạo Công giáo qua sổ bộ rửa tội ngay từ khi còn là trẻ sơ sinh và những người mới theo đạo tại các giáo xứ, nhưng khó mà chính xác khi thống kê số lượng Phật tử.
Tại sao lại xuất hiện con số “thống kê” gần 12 triệu Phật tử giống như “bỏ bom” vậy? Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa vẫn là nguyên nhân thuộc “đường lối” (có thời điểm) của một lực lượng, đặc biệt mà thời điểm diễn ra nhiều hỗn độn trong việc lựa chọn hình thức tôn giáo cho bước đi “kinh tế” của một số thỏa thuận “ẩn hiện” không chính thức. Con số này khi được công bố đã gây ra sự mừng lo chung trong xã hội, vì không đánh giá đúng thực tiễn diễn biến tôn giáo tại Việt Nam. Thống kê có tính “thời điểm” này phụ thuộc rất nhiều vào một chủ trương mà sự lựa chọn vẫn chưa đủ mạnh để đưa ra một tương quan có tính cách thúc ước tôn giáo. Công bố hơn 20% người có đạo trên số dân Việt Nam là một con số bất thường, gây bất lợi cho chính chính sách tôn giáo của nhà nước. Bởi không phải cứ cho rằng xã hội ít có người theo tôn giáo thì vấn đề tôn giáo sẽ kém phức tạp hơn, xã hội sẽ ổn định hơn.
Những ảo thực, ẩn hiện chung quanh động cơ công bố có phần không chính xác về số lượng Phật tử ở một nguồn tin (chính thức và có thể không chính thức) nào đó, đã thúc đẩy những quá trình toan tính tôn giáo diễn ra nhanh hơn. Con số đưa ra không phải chỉ là sự phản đề hợp lý để Phật giáo chạy vào cuộc đua con số. Vì chắc chắn một điều rằng, một nửa con người thì vẫn là con người, nhưng một nửa sự thật thì không phải sự thật.
Vì sao với con số thống kê trên, tôi lại sử dụng từ “gây ra sự mừng lo chung trong xã hội”. Trước nhất, cái “mừng” có lẽ thuộc về tín đồ Công giáo vì trong hơn 20% dân số có đạo, họ chỉ đứng sau Phật giáo với vài triệu tín đồ mà khoảng cách rút ngắn, vượt lên cũng khá mong manh. Về cái lo, thứ nhất: dân số chỉ có 20% theo tôn giáo, rất đáng ngại, vì tôn giáo có tác dụng tích cực khuyên con người sống hướng thiện như vậy nhưng tại sao lại quá ít người theo, và tại sao theo tôn giáo lại không được coi là một vinh dự? Cái lo thứ hai: con số gần 80% “không tôn giáo” còn lại sẽ là mảnh đất màu mỡ để dấy lên một cuộc giành đất tín đồ, hay một cuộc “cải đạo” có tổ chức mới. Cái lo thứ ba là cái lo thuộc về Phật giáo, một tôn giáo gắn bó lâu đời, đã thấm sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người Việt mà số lượng Phật tử chỉ chiếm khoảng 11% dân số, mất cân bằng nghiêm trọng trong chính sách đối trọng tôn giáo.
Vì sao mất cân bằng? Vì tôn giáo ở Việt Nam không thể được quy giản vào tính từ “tôn giáo” như phương Tây quan niệm, bởi bản chất, đối tượng tôn giáo ở Việt Nam là rất khác nhau về cách thức truyền đạo, tổ chức giáo hội và giáo lý thực hành cũng như mục đích tôn giáo (hướng nội, hướng ngoại, thế quyền, thần quyền) của nó. Tính bình đẳng tôn giáo không nên hiểu một cách đồng nhất, vì rằng con hổ (ăn thịt) và con nai (ăn cỏ) không thể vì xem là bình đẳng mà nhốt chung chúng vào với nhau, chỉ trừ khi con hổ biết chuyển thói quen ăn thịt sang ăn cỏ.
Những diễn biến tôn giáo phức tạp được thúc đẩy nhanh hơn sau những công bố này. Đó là điều mà người viết cảm nhận được. Quả tình sau con số thống kê tôn giáo, rục rịch xảy ra nhiều tin đồn đoán rằng nhà nước sẽ sớm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican và sau đó Giáo hoàng sẽ nhanh chóng viếng thăm Việt Nam và đạo Công giáo sẽ được chọn làm điển hình để phát triển. Con số gần 7 triệu tín đồ Công giáo được đặt trong thế so sánh (chủ yếu) với gần 12 triệu Phật tử (sau đó mới đến hơn 3 triệu đảng viên Cộng sản) đã cho những người có chủ đích quyền lực chính trị rất nhiều niềm lạc quan về sự phát triển, đặc biệt khi có sự hậu thuẫn tối đa của nhà nước Vatiacan.
Nhưng cũng từ đây, sức ép tôn giáo hình thành, sau những vụ Tin lành ở Tây Nguyên đòi độc lập, HT. Quảng Độ sát cánh bên “dân oan”, Công giáo cũng đã nhanh chóng “vào cuộc” thử sức bằng hiệp thông đòi đất để tìm “công lý và hòa bình”, như một nhắc nhở khéo Việt Nam đang thiếu công lý và hòa bình và cần phải thay đổi. Cả 3 vấn đề trên có những “động cơ” và “mục đích” khác nhau, nhưng nó luôn “bổ sung” cho nhau, làm “khoáng sản” kích thích các thế lực muốn gây bất ổn, rối loạn cho Việt Nam khai thác.
Sự chia rẽ của Phật giáo, và số lượng tín đồ chính thức được công bố một cách “nghèo nàn” như vậy đã làm cho một số thế lực “cầu nguyện đòi đất” trở nên thái quá bằng việc “thử sức” cả nhà nước và Phật giáo. Không phải ngẫu nhiên họ lại khởi sự tranh chấp đất đai bằng mảnh đất Tòa khâm sứ cũ (chùa Báo Thiên bị Giám mục Puginier chiếm phá khi xưa), đến mức giám mục Thái Bình già cả Nguyễn Văn Sang đã phải thốt lên câu nói rất có “ý đồ” rằng: Phật giáo đã từng bị mất chùa (vì tay Công giáo), nay có mất thêm một lần nữa thì có mất gì đâu, và cứ theo nghĩa này suy rộng ra: dân tộc này từng mất độc lập, tự chủ (vào tay Pháp) nay có mất thêm một lần nữa thì cũng có mất gì đâu. Rõ ràng, trong cuộc tranh chấp đất đai này, tư duy, nhận thức về con số luôn được đưa vào một cách có chủ ý.
Với gần 7 triệu tín đồ rất hăng say trong hiệp thông, bài bản trong tổ chức, kỷ luật trong vâng lời, họ đã liên hệ tới 12 triệu Phật tử (theo cách mà họ cố tình hiểu và tuyên truyền đó là Phật giáo bị chia rẽ, quốc doanh hóa, tổ chức không chặt chẽ, không đủ tài lực…). Từ đó họ chợt nhìn ra “lợi thế to lớn” về số lượng (tinh nhuệ) đó để - có - thể làm một cuộc đảo cờ thần thánh, nên họ ra sức tung tin rằng 7 triệu tín đồ Công giáo có thể được ví như quả bom tôn giáo bất cứ lúc nào cũng có thể gây ra một cuộc lật đổ chế độ hiện hành.
Đây là con số lý tưởng để các đảng phái, các tổ chức chống đối hải ngoại bám víu vào như chiếc phao nổi cho những toan tính, sắp đặt chính trị. Nên không khó hiểu vì sao họ bất chấp cả lương tâm lịch sử, đạo đức và lòng trắc ẩn để “hiệp thông” một cách phi lý, bôi nhọ nhà nước và tung tin đồn nhảm rằng Phật giáo bây giờ toàn là sư công an, có vợ con, bồ bịch… để gây nhiễu thông tin, đánh đồng sự phản biện của Phật giáo trước di sản của mình bị chiếm phá và sự không chấp nhận yêu sách vô pháp vô thiên của họ là công cụ của Mặt trận tổ quốc nhằm đàn áp tự do tôn giáo.
Nhưng khi Vatican không cho phép được cầu nguyện quá khích, một số thế lực cầu nguyện còn không mặn mà lắm với quyết định này, thậm chí còn có phản ứng tiêu cực. Liền sau đó, cuộc tranh luận về pháp lý và lịch sử của mảnh đất chùa Báo Thiên đã nổ ra trên nhiều diễn đàn, cung cấp cái nhìn nhiều chiều cho người tiếp cận, không như những thông tin một chiều mà phía Công giáo đưa ra.
Tuy nhiên, khái niệm “thông tin một chiều” lại được họ sử dụng để tấn công vào truyền thông của nhà nước khi đuối lý và đuối cả về sức mạnh truyền thông khi phát ngôn gây tranh cãi và phẫn nộ trong nhân dân của ông Ngô Quang Kiệt được phát đi. Từ một cuộc bao biện “đổi trắng thay đen” về mảnh đất di sản nổi tiếng của Phật giáo, họ quay sang bao biện cho nhân cách người khởi xướng “cầu nguyện” là ông Ngô Quang Kiệt. Không phải khi “khởi động”, “tăng tốc” và xém “về đích”, ông Ngô Quang Kiệt (người Việt 100%) không có một kiến thức lịch sử nào về mảnh đất ấy, mà ông cố tình kêu gào “công lý và hòa bình” ở một mảnh đất mà điều đó đã bị bỏ quên như một thách thức.
Điều đáng nói là “Kinh Hòa Bình” lại được ca hát suốt ngày đêm trên mảnh đất đó. Khác với ông Ngô Quang Kiệt, ông John V. Hanford Đại sứ của Tổng thống Hoa Kỳ về vấn đề Tự do Tôn giáo, tuy chẳng phải người Việt nhưng đã hiểu rất rõ lịch sử mảnh đất ấy và phát biểu trên BBC rằng: “Một trong những vấn đề là tài sản đã được sang tay nhiều lần. Trong trường hợp miếng đất được nhiều người biết đến ở Việt Nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật giáo, sau nhờ người Pháp mới thành của người Công giáo cho nên rất phức tạp”. Với những phát biểu này, những xuyên tạc lịch sử cho rằng đất Tòa khâm cũ không phải là đất chùa Báo Thiên trở nên trơ trẽn và thiếu lương thiện.
Cố đấm ăn xôi bằng mọi cách thức chiếm đất như xưa họ đã từng ứng xử với Phật giáo, bất chấp mọi phản biện, mọi cảnh báo, họ liên tục gia tăng sức ép, và khi lý luận, lương tâm yếu thế ngoài cách thức tráo trở với lịch sử, họ chỉ biết bám víu vào “con số” tín đồ xem đó như một lực lượng chủ đạo làm bình phong và chỗ dựa. Bên cạnh đó là tấn công vào các biểu hiện tiêu cực trong quá trình phát triển của đất nước như vấn đề tham nhũng, vần đề giáo dục, vấn đề ô nhiễm môi trường nhằm đánh lạc hướng chủ đích “đòi đất”. Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đưa ra một bản gọi là “quan điểm” vòng vo với những vấn đề tiêu cực trong xã hội mà nhà nước đang nỗ lực điều chỉnh và giải quyết, không còn trực diện đối đầu với mảnh đất Tòa khâm sứ cũ. Và điều đáng ngạc nhiên là trước trận mưa lịch sử vừa rồi tại Hà Nội, họ tung tin với tin đồ rằng do “đàn áp” Công giáo mà bị “trời trừng phạt” như vậy. Phải chăng kiến thức khoa học về mưa lũ, lòng trắc ẩn trước khổ đau mất mát chung, sự hiểu biết về tương quan giữa ứng xử (nhân quả) của con người với thiên nhiên của họ tự nhiên biến đâu mất hết, trong họ chỉ có lòng hận thù, sự cay cú vì “yêu sách” của mình không được thỏa mãn?
Có thể nói, việc cương quyết của nhà nước trước vụ Tòa khâm sứ cũ và việc phản biện của dư luận xã hội, Phật giáo đã giáng một đòn mạnh vào đầu óc “ngoại thuộc” của một số người đứng đầu, thông tin chống đối ở hải ngoại gần như tan rã, không còn hy vọng bám víu vào con số 7 triệu tín đồ mà họ bốc rời về một cuộc bạo loạn lật đổ như những thông tin giật gân ban đầu.
Với tương quan về lực lượng con số, chắc chắn từ khi cầu nguyện, họ không trông mong vào sự ủng hộ của các tôn giáo khác tại Việt Nam. Và lực lượng đáng quan tâm nhất của họ không phải là 3 triệu đảng viên mà chính là người Phật tử. Bất kể khi nào người Phật tử tham gia vào phản biện hoặc có ý kiến là họ phản đòn hoặc bằng giai điệu người Phật tử từ bi, khoan dung thì không nên “nhảy” vào cuộc tranh chấp này vì đó là chuyện giữa họ và nhà nước, hoặc xuyên tạc, đồng nhất toàn bộ Tăng Ni, Phật tử vào thế lực của Mặt trận tổ quốc mà họ không có thiện cảm. Ô hay chưa! Anh đi chiếm bao nhiêu chùa của tôi để xây nhà thờ, tôi đã vì hòa bình, hòa hợp mà quên đi, nay anh lại đi đòi những mảnh đất mà anh xâm chiếm ấy bằng danh xưng “công lý và hòa bình”, vậy ra hòa bình chính là phải đi chiếm đất bằng mọi cách à?
Từ những luận điệu tráo trở và lươn lẹo trên, trong vụ cầu nguyện đòi đất (tức người Công giáo cầu nguyện “đòi” vào cái mảnh đất mà họ từng chiếm phá một cách phi công lý với di sản nổi tiếng vào bậc nhất của Phật giáo), người Phật tử phải lên tiếng và cảnh báo rõ với họ rằng “Phật giáo thiền chứ không ngủ”, đừng có nói “đêm qua em mơ thấy Chúa về, bảo rằng khu đất đó là “Thánh địa” mà Chúa đã mua của quân xâm lược Pháp”.
Nhưng đúng là “kẻ dùng gươm sẽ chết bởi gươm”, vụ cầu nguyện vì “công lý và hòa bình” này lại trơ nên vô cùng lạc lõng, không có một lực lượng tôn giáo, xã hội nào ủng hộ, ngoài những thế lực thù địch, chống cộng, chống Phật giáo ở nước ngoài. Không những thế nó còn trở nên phản cảm trong con mắt của nhân dân về những hình ảnh cắm mốc thánh giá bất cứ chỗ nào, cũng như đập phá tài sản, phát biểu thiếu chín chắn, miệt thị vào luật pháp, đạo đức của dân tộc Việt Nam qua hành động quá khích của một số linh mục.
Thật là giậu đổ bìm leo khi họ chọn đúng thời điểm nhà nước đối phó với lạm phát, với vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, với những vụ xử lý tham nhũng để khởi động “cầu nguyện”, những tưởng rằng Việt Nam với những sức ép to lớn không thể nào không gần gũi với phương Tây, đặc biệt một số nhà bình luận Công giáo còn xem Vatican như một chiếc phao cứu sinh nhiều mặt để Việt Nam đến gần hơn những đảm bảo của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ. Nhưng thực tế, Vatican không còn là Vatican của mấy thập kỷ về trước (nó đã ngày càng trở nên bất tín, thiếu uy lực), và khi kinh tế Mỹ và Châu Âu gặp khủng hoảng, “chân lý” về sức mạnh toàn diện của phương Tây đã không được đảm bảo vì chính họ cũng không đảm bảo được cho chính mình. Mặt khác về quân sự, Mỹ không thể bao quát hết mọi chiến trường trong khi vẫn còn sa lầy ở Iraq, Afghanistan…
Việt Nam ít nhiều nằm trong “vùng ảnh hưởng” của Trung Quốc, nên mọi động thái ngoại giao phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo tỉnh táo không nên tạo cho mình những nguy hiểm gần cận, thường trực một cách không cần thiết mà sa bẫy của các phía (vừa muốn làm bạn vừa không muốn làm bạn, vì từ bạn sang thù từ thù sang bạn không có gì đảm bảo nếu tranh chấp về lợi ích xảy ra). Việt Nam không thể tạo ra sự cảnh giác, nghi ngờ ở Trung Quốc nếu mạo hiểm đặt quan hệ bình thường với Vatican trước họ.
Khi xã hội luôn tư duy bằng con số (chỉ số), không nói về vấn đề ảo thực của nó mà chỉ nói về mặt tác động thông tin thì sự công bố chính thức của một tổ chức về một vấn đề được thống kê sẽ có tiếng nói quan trọng vào việc hoạch định chính sách, cũng như tương lai phát triển của tổ chức ấy. Đó không thể là một việc làm tùy tiện, mà phải được cân nhắc một cách cẩn trọng. Mới đây chỉ có viết sai “Ở Việt Nam có khoảng 1 triệu học sinh không đến trường” thành “Ở Việt Nam có khoảng 1 triệu học sinh bỏ học” mà Trưởng văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã phải gửi đơn đến Bộ Giáo dục để đính chính, vì nhận định trên đã làm sai lệch chỉ số đánh giá, làm thiệt hại đến hình ảnh giáo dục tại Việt Nam.
Cũng như vậy, trước con số thống kê 12 triệu Phật tử Việt Nam, Giáo hội cũng phải “giật mình”, nhiều Phật tử có tâm huyết cũng phải “giật mình” đặt câu hỏi “vì sao lại ít một cách vô lý như vậy?”. Đây là nguyên nhân mà Giáo hội phải vào cuộc để trả lời cho vấn đề này. Con số thống kê 45 triệu Phật tử được đưa ra trong ngày kỷ niệm 27 năm thành lập giáo hội chắc chắn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trước những diễn biến phức tạp về tôn giáo tại Việt Nam ở tầm vĩ mô.
Nhưng Phật giáo chúng ta có truyền thống không tranh chấp tín đồ, ai thấy phù hợp thì tình nguyện theo, không cưỡng ép cải đạo. Phật giáo cũng không xem số lượng Phật tử đông đảo là sẽ tương đồng với sự giác ngộ tâm linh. Ở vào thời Phật giáo cực thịnh, vua Trần Nhân Tông từng nói: “Phô người học đạo, Vô số nhiều thay, Trúc hóa nên rồng, Một hai là họa” (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca). Nếu theo nhiều mà chất lượng không có thì đó cũng chẳng phải là điều đáng vội mừng.
Chúng ta vinh dự khi Liên hiệp quốc công nhận Vesak là ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của thế giới. Chắc chắn không phải vì có số lượng hàng tỷ tín đồ đông đảo trải khắp thế giới như đạo Hồi, đạo Thiên Chúa mà chính vì bản chất tôn giáo là đề cao trí tuệ, đức từ bi và lòng khoan dung. Người Phật tử trên khắp thế giới đã thực hành đúng lời Đức Phật dạy, nên đã gửi đến nhân loại bức thông điệp hòa bình bằng chính thực tiễn cuộc sống của mình. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được.
Đối với lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, dù những lúc Phật giáo làm quốc giáo thì cũng không bao giờ trở tranh ngôi vị thế quyền, đàn áp các tư tưởng, tôn giáo khác. Đó là điều chúng ta luôn vững tin Phật giáo sẽ phát triển, xứng đáng với truyền thống hộ quốc an dân.
Liên hệ tới những con số thống kê về lượng tín đồ tôn giáo tại Việt Nam, tôi lại thấy trước là giật mình là lo nhưng sau lại là mừng. Bởi vụ “cầu nguyện đòi đất” là liều thuốc thử cho các bên tự bộc lộ, bộc lộ sớm còn hơn bộc lộ muộn, còn hơn bộc lộ vào những tình huống khẩn cấp, thiết quân luật…, bởi giặc ngoài dễ phòng thù trong khó tránh. Tôi nghĩ, dù con số thống kê có xác tín điều gì đó với những người ưa tư duy bằng con số, thì chất lượng của con số vẫn là điều đáng khuyến khích, chú trọng trong sự nghiệp hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Nếu chạy theo số lượng mà số lượng ấy ảo, hoặc không đảm bảo về chất lượng, hoặc lợi dụng nó bằng những động cơ quyền lực không trong sáng thì chẳng đáng quý gì. Nói như Lão Tử “vật cực tắc phản”. Thực tế cho thấy, vì một số thế lực ảo tưởng là mình mạnh, mình phát triển nên mới xảy ra yếu tố “phản” ở bên trong. Thế nên Phật tử dù ít, dù nhiều chúng ta cũng không chạy theo tư duy con số mà đánh hỏng truyền thống vốn có của mình. Bất tranh nhi thiện thắng. Phật tử không bao giờ tự coi mình là kẻ mạnh mà đặt mình vào chỗ “vật cực” (đầy tràn) vì điều đó đồng nghĩa với việc tự đặt mình vào chỗ nguy hiểm vậy. Viết đến đây, tôi chợt nhận ra rằng con số gần 12 triệu hay 45 triệu Phật tử không còn cần thiết nữa trước thực tiễn sức mạnh tâm truyền của Phật giáo mỗi khi đạo pháp và dân tộc lâm nguy.
Thường Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét