Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

THAM DỰ XÃ HỘI

Sinh hoạt tôn giáo thuộc về kiến trúc thượng tầng xã hội, bình đẳng với các sinh hoạt thượng tầng khác như chính trị, văn hóa, xã hội… Thông tin về sinh hoạt tôn giáo hoặc liên quan, cần được xem như sinh hoạt trên, không nên né tránh, kỳ thị vì cho là “nhạy cảm” như thường thấy trên các phương tiện truyền thông ở nước ta hiện nay, nếu không muốn làm cho đời sống xã hội tiếp tục phát triển mất cân bằng, tạo sự bất bình ổn ngấm ngầm, dẫn đến những tình huống nguy hiểm cho sự ổn định chung một cách khó lường trước được.

Những diễn biến xã hội được thể hiện đầy đủ hơn qua các phương tiện truyền thông, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, những bước tiến mới trong cải cách hành chính thời mở cửa hội nhập thị trường, và cả những nhận thức chính trị đã lan ra khỏi hội trường, ít nhiều tác động đến đời sống của người dân. Người dân không thể đứng ngoài các biến động xã hội vì mọi chính sách đều có thể tác động hai chiều (thuận nghịch) vào cuộc sống và ảnh hưởng vào các giai tầng ở những mức độ khác nhau.

Những biến động xã hội ngày nay không còn bị giới hạn ở một vùng, một tổ chức, một bài báo đơn thuần, mà sức lan tỏa nhanh của thông tin đa phương tiện đã tạo ra những dư luận xã hội rộng lớn, đòi hỏi sự điều chỉnh những biến động đó cũng phải trong phạm vi bao quát hơn. Mỗi tầng lớp trong xã hội tiếp nhận những biến động xã hội dưới cách nhìn chủ quan và khách quan khác nhau. Điều đó chứng tỏ rằng, ý thức về quyền lợi công dân càng trở nên rõ rệt trước các chính sách, diễn biến xã hội. Trong ý nghĩa tương quan, bất cứ một tác động của chính sách, hay những diễn biến xã hội phức tạp nào đều liên quan đến mọi người trong xã hội ấy. Chính vì thế, mọi tầng lớp xã hội đang trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào những vấn đề xã hội, nên trong ý nghĩa tích cực nào đó, mọi chuyện lớn nhỏ đều là “chuyện của chúng ta”. Một xã hội hài hòa chính là xã hội mà lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu, tiếng nói của mọi người dân cần được tôn trọng.


Rõ ràng những vấn đề giáo dục, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng không còn đơn thuần là chuyện riêng trong kế hoạch của các vị bộ trưởng, của chủ trương chính sách, đường lối. Ngấm ngầm hay công khai thì những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn hơn trong phản biện xã hội, dần tạo nên một không gian “tiếng nói” khác nhiều góc cạnh, đề cập đến những vấn đề nhạy cảm hơn và diễn biến cũng phức tạp hơn. Người dân đang tham dự trực tiếp với tất cả những hiện tượng tốt-xấu của xã hội và cũng không đứng ngoài những tiến bộ xã hội.


Và trong guồng quay của những diến biến phức tạp, vai trò phản biện và tham dự xã hội của các tầng lớp khác nhau vừa khu biệt vừa thâm nhập vào nhau, dưới tác động của các luồng thông tin khác chiều. Điều này cho thấy có sự chông chênh nhất định trong điều chỉnh và hướng dẫn dư luận ở tầm vĩ mô, kết quả là, hoặc thông tin đơn giản chỉ là “công cụ” làm chệch hướng khách quan của dư luận, xấu che tốt khoe, dẫn đến tính phản biện xã hội ngày càng thấp, hoặc để những thông tin tràn lan gây hoang mang đối với nhận thực thực tế, tình trạng đó đưa đến sự phân hóa sâu sắc trong nhận thức của quần chúng. Và không thể không kể đến những định kiến (tốt xấu) trong xã hội vẫn chưa có nhiều cải thiện: định kiến về giai cấp, thành phần xuất thân, sắc tộc, tôn giáo… Đây là xu thế vận động tất yếu của các nhóm xã hội khi thông tin bị hạn chế, thiếu cởi mở, vì anh chỉ nói chuyện (tốt) của anh mà quên chuyện (tốt) của tôi… Sự bất bình đẳng trong thông tin là nguyên nhân chính làm bùng nổ các dự luận thông tin “ngoài luồng”, điều đó vô hình trung đẩy tính minh bạch của thông tin vào “góc khuất”, tạo phản ứng “dây chuyền” bài thông tin “chính thống”.


Nghiên cứu và đánh giá đúng dư luận xã hội thì sẽ nâng cao sức phản biện của dư luận xã hội, vì dư luận xã hội là một hiện tượng thông tin đặc thù, ở những mức độ xa gần, trực tiếp hay gián tiếp đã tham gia đánh giá, thậm chí điều chỉnh thái độ của các nhóm xã hội đối với vấn đề có liên quan đến lợi ích chung. Những trao đổi, thảo luận công khai, trực tiếp được phổ biến thể hiện bản lĩnh thực sự của các đối tượng liên quan trong phản biện và hướng dẫn dư luận xã hội.


Những năm gần đây, thực tế cho thấy các giai tầng xã hội đang có những dịch chuyển nhiều bất ngờ, thâm nhập vào nhau, làm biến đổi các thành phần xã hội, kiến tạo nên một “tầng lớp mới” doanh nhân. Tầng lớp này có khả năng “ra vào” trong các tầng lớp, đòi hỏi phải có những lý giải và tôn trọng nhất định, vì chính khả năng “ra vào” trong các giai tầng của họ mà tính “linh động” của họ rất cao, mọi sự trói buộc hay kìm hãm đều có thể gây ra những tác dụng ngược. Sự tham dự xã hội của tầng lớp này đang trở thành những đề tài thời sự nóng hổi.


Chỉ hơn 10 năm trước, “doanh nhân”, “tiểu thương” có thể vẫn còn gắn với những hình thức xấu như chủ tư sản bóc lột, con buôn, bọn phe… với một tiếng nói xã hội rất thấp. Nay doanh nhân đang có một chỗ đứng quan trọng trong xã hội, trở thành tầng lớp tạo ra nhiều của cải, công ăn việc làm, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển, thông qua giao thương thúc đẩy giao lưu văn hóa, tham dự sâu rộng hơn vào các lĩnh vực xã hội, có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn phát triển.


Sự tham dự của “tầng lớp mới” này đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nhìn nhận một cách trung thực và thẳng thắn. Việc theo đuổi các giá trị bằng nhiều mục đích và hướng đi khác nhau đang đặt ra những vấn đề về trách nhiệm, đạo đức, văn hóa… trong giới doanh nhân. Chính vì thế, những điều chỉnh quy mô không chỉ thể hiện ở một bài toán còn nhiều mâu thuẫn (vừa muốn thúc đẩy nó phát triển, vừa muốn giới hạn nó trong một khuôn khổ), mà còn phải tạo nên một thế mạnh “tri thức” thực sự trong giới này, và nguyên tắc tự điều chỉnh trên một căn bản ích mình, lợi người và ích lợi cho cả hai là tiên quyết.


Địa vị xã hội của giới doanh nhân trong cơ cấu xã hội, khiến họ ngày càng tham dự trực tiếp hơn vào đời sống chính trị, về căn bản đều điều này rất cần dựa trên các nguyên tắc kể trên để đem lại ích lợi cho cộng đồng. Bằng không sự thao túng kinh tế sẽ lan sang đời sống quyền lực và là nguyên nhân đầu tiên của rất nhiều những bất ổn xã hội phát sinh.


Sự bất bình đẳng trong tham dự xã hội đã tạo thế phân lập theo chủ lưu, số đông và mức ảnh hưởng. Vì vậy, trong các biến động xã hội, có những điều sẽ lặp đi lặp lại, tương đồng về bản chất, phong phú trong hình thức dù dưới danh nghĩa bạo động hay ôn hòa. Do đó, sự tham dự xã hội cao nhất chính là khả năng điều chỉnh “tin đồn” mạnh mẽ dựa trên một trách nhiệm xã hội cao, chứ không phải thái độ “che chắn”, “rào đón”, “cả vú lấp miệng em”, hay thiếu khả năng phân tích để mặc sự kiện diễn ra theo cách nghĩ: “khi số đông nói về một điều gì đó thì chắc chắn là điều đó phải có vấn đề…”. Dư luận xã hội không phải là “tin đồn” bởi nó xuất phát từ nhận thức thực tế, có độ phản biện chính xác cao. Xã hội càng mở rộng dân chủ thì dư luận xã hội càng có điều kiện phát huy, ở đó tính minh bạch, công khai sẽ là điều kiện để người tham dự thảo luận và kiểm chứng thực tiễn.


Tham dự xã hội về căn bản không tách rời khỏi phản biện xã hội và trách nhiệm xã hội. Khi có phản biện xã hội thì vấn đề có thể sẽ được gạn đục khơi trong. Khi có trách nhiệm xã hội thì sẽ tạo nên sự tin cậy cao của xã hội. Sự tin cậy đó là điều kiện để mọi người có thể tham dự vào các hoạt động nghị chính quan trọng của xã hội. Đây là nội dung quan trọng trong tiến trình hoàn thiện nền dân chủ, và động cơ tham dự của các thành phần xã hội sẽ là điều kiện quan trọng để xã hội đó phát triển hài hòa.


Sinh hoạt tôn giáo thuộc về kiến trúc thượng tầng xã hội, bình đẳng với các sinh hoạt thượng tầng khác như chính trị, văn hóa, xã hội… Thông tin về sinh hoạt tôn giáo hoặc liên quan, cần được xem như sinh hoạt trên, không nên né tránh, kỳ thị vì cho là “nhạy cảm” như thường thấy trên các phương tiện truyền thông ở nước ta hiện nay, nếu không muốn làm cho đời sống xã hội tiếp tục phát triển mất cân bằng, tạo sự bất bình ổn ngấm ngầm, dẫn đến những tình huống nguy hiểm cho sự ổn định chung một cách khó lường trước được.



(Theo Văn Hóa Phật Giáo số 54)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét