Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

THƯ NGỎ (2) GỬI NGÀI CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN MINH TRIẾT VỀ VỤ TRỤC XUẤT 400 TĂNG NI TẠI BÁT NHÃ


Kính gửi: Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCNVN

Mấy ngày qua, cả nước oằn mình trước sự tàn phá đầy tang thương của cơn bão Ketsana. Cũng thời điểm đó “cơn bão” bất khoan dung của chính quyền tỉnh Lâm Đồng kéo đến tu viện Bát Nhã, gây nên tình cảnh bất an cho khoảng 400 Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai. Hai cơn bão đến cùng một lúc khiến cho lòng người Phật tử Việt Nam thêm quặn thắt.

Trong mưa bão, 400 Tăng Ni bị trục xuất khỏi nơi mình đang cư ngụ một cách bất hợp pháp, trái với quyền được cư trú chính đáng của công dân. Với bản chất bất bạo động, các Tăng Ni đã nhẫn nhục trước những hành vi ứng xử không thể gọi là có văn hoá của một số người. Điều đáng nói, chùa Phước Huệ (Lâm Đồng) đã nhận trách nhiệm bảo lãnh cho những Tăng Ni bị trục xuất, nhưng áp lực vẫn không ngừng tăng lên, buộc họ phải rời khỏi ngôi chùa này.

Kính thưa ngài Chủ tịch,
Cửa chùa luôn rộng lòng đón người nơi bốn bể, trong đó có những người lâm vào hoàn cảnh khốn quẫn, bị truy bức… Vậy có lẽ nào cửa chùa lại không thể dung chứa cho chính những đồng đạo của mình? Rõ ràng việc làm của chính quyền Lâm Đồng đã làm tổn hại trực tiếp đến hình ảnh người tu hành, đẩy Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội tỉnh Lâm Đồng vào chỗ bất nghĩa, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào tình thế khó xử.

Những Tăng Ni ấy họ không vi phạm pháp luật, không chống đối Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Nếu có tiếng nói nào chưa thống nhất thì mỗi bên vẫn có thể thông qua đối thoại để điều chỉnh. Và nếu Tăng Ni có vi phạm thanh quy, giới luật thì cần dựa trên giới luật của Phật chế và Hiến chương của Giáo hội để đối chứng giải quyết trong nội bộ. Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng cũng đã hơn một lần xác nhận như vậy. Rõ ràng động thái của chính quyền đã làm cho Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng của người dân bị xúc phạm nghiêm trọng.

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Hàng năm ngày Quốc khánh của đất nước thường trùng với dịp lễ Vu lan Báo hiếu. Với đạo lý khoan dung của dân tộc, trên cương vị lãnh đạo cao nhất, ngài đã thể hiện lòng từ bi mà ban lệnh ân xá cho những phạm nhân đang chịu cảnh lao ngục. Tăng Ni, Phật tử Việt Nam thực sự xúc động khi đúng vào ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, ngài đến dâng hương lễ Phật và chúc thọ Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Thấy cảnh đói lạnh bị dồn ép tới đường cùng của Tăng Ni tu viện Bát Nhã, tôi nhớ đến lời vua Lý Thánh Tông bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người bị tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

Hiểu được điều “chưa rõ ngay gian”, biết được việc “có kẻ chết không đáng tội”, văn sự thi hành khoan giảm, thái độ nhân thứ bao dung… đã khiến vua Lý Thánh Tông vẫn còn được ngàn sau nhắc mãi.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi nhận hình ảnh một Lê Ngọa Triều cuồng bạo, hiếu sát, một gia đình trị Ngô Đình Diệm đầy bất công khi đàn áp Tăng Ni, Phật tử. Không có một định luật nào buộc điều đó không tái diễn, nhưng người Phật tử không mong điều ấy diễn ra trước khẩu hiệu “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Từ khi còn ngồi ghế sinh viên, tôi có nghe câu chuyện về một người phụ nữ phải dọn nhà vào trong rừng để sinh sống. Có người hỏi, ai cũng cố tránh nơi rừng núi hoang vu, thú dữ rình rập, tại sao bà lại dọn vào ở đó. Người phụ nữ nói rằng “chính trị hà khắc còn hơn hổ dữ”. Một đất nước đang tiến tới xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tại sao lại thể hiện hành vi chính trị hà khắc và ứng xử thiếu văn minh, như ném đá, ném phân, đánh đập người tu hành vô tội như thế?

Tôi nhớ, vào mùa Vu lan năm 2006, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có viết như sau:

Giá trị hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỉ xả là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hòa hiếu của dân tộc. Nhờ đó mà trong lịch sử nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng triền miên chiến tranh và nhiều biến thiên xã hội, lại là nơi chung sống hòa hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta. Dân tộc ta nhiều lần bị bắt buộc phải cầm vũ khí để vượt qua nạn nhà, nạn nước. Tinh thần cứu khổ độ sinh của nhà Phật quyện kết trong ý chí kiên cường của người VN đã rèn đúc nên bản lĩnh khoan dung của dân tộc Việt Nam để lịch sử trường kỳ của dân tộc ta không phải là lịch sử truyền kiếp của thù hận, xung đột. Đó là di sản quý báu do tư tưởng Phật giáo chảy chung dòng với truyền thống dân tộc và đã hòa quyện làm một” (Lấy từ bi diệt hận thù).

Trong lá thư ngắn mà thiền sư Nhất Hạnh gửi ngài, thiền sư cũng nhắc đến những hành vi thể hiện “luân thường đạo lý”. Còn người Phật tử bình thường như tôi nghĩ rằng, vụ việc Bát Nhã không bao giờ là “liều thuốc thử” (đúng - sai) cho ai phải “hiện thân”. Bởi tinh thần truyền đời của Phật giáo Việt Nam vẫn là “Khi đi gió cuốn mây bay. Khi đứng núi yên non vững”. Phật giáo Việt Nam vẫn có thể đối thoại ngay cả lúc tưởng chừng như im lặng. Không “liều thuốc thử” đến từ những động cơ phá hoại nào tỏ ra hiệu nghiệm đối với Phật giáo. Vì sức mạnh thật sự của Phật giáo là sức mạnh chiến thắng chính bản thân mình. Đức Phật hơn hai ngàn năm trước đã nói thế, ngàn năm sau người Phật tử cũng sẽ nói thế.

Tôi rất mong ngài Chủ tịch trong cương vị của mình tuỳ bệnh cho thuốc, Từ - Bi - Hỷ - Xả, yêu dân như con, có những tác động tích cực để giải quyết ổn thoả vụ việc Bát Nhã. Việc bảo vệ hình ảnh của những người tu sĩ Phật giáo cũng không ngoài việc bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Đạo và Đời tuy hai mà một. Quốc sư Phù Vân từng khuyên vua Trần Thái Tông phải biết “lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng có nói: “Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, đó là việc đầu tiên của vương chính”.

Trong suy nghĩ của cá nhân tôi ngài là một người Phật tử. Suy nghĩ ấy dẫn dắt tôi viết lá thư ngỏ thứ hai này và gửi đến ngài, rất mong ngài đèn trời soi xét.

Kính chúc ngài sức khoẻ và hạnh phúc!

TP. HCM, ngày 1/10/2009

Thích Thanh Thắng

1 nhận xét:

  1. Ông Nguyễn Minh Triết, tôi có nghe ông ta là phật tử từ lâu. Nhưng không hiểu sao vụ này lại xảy ra với Bát Nhã một cách đầy mờ ám như vậy? Ngó qua một số website của “Phật giáo lề phải” tôi thấy rất yên bình. Yên bình phát rùng mình.

    Trả lờiXóa