Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

BUỔI THIỀN HÀNH CUỐI CÙNG TẠI BÁT NHÃ


Khi bị như vậy, chúng con không có một giọt nước mắt khóc than mà cảm thấy rằng xã hội bây giờ toàn là bạo động, hận thù và sợ hãi mà thôi. Chính vì vậy chúng con cần bảo tồn, giữ gìn lý tưởng, đem lại sự hiểu biết, thương yêu cho con người. Con xót xa khi thấy dân tộc Việt Nam thuần từ, hiền lành, đạo đức mà 4000 năm nay lịch sử Việt Nam ca ngợi đã bị đánh mất trong tay người Việt Nam. Chúng con yêu Việt Nam, yêu con người hiền lương, yêu cái nền văn hóa nhân đạo mà cha ông ta xây dựng nên chúng con đã chọn con đường này để bảo vệ, giữ gìn những nét đẹp vốn dĩ của người Việt. Cái nỗi đau đó, nỗi nhục đó mới lớn. Còn chuyện bị đánh, bị đuổi thì chẳng sao bởi người xuất gia có cái gì là tài sản để họ quyến luyến chỉ đau đớn khi thấy nhân cách xã hội bị xuống cấp đến tận cùng.

Sáng chủ nhật - ngày 27-9-2009

Chúng con được ngồi thiền chung, thiền hành quanh thiền đường Cánh Đại Bàng. Trời hôm đó mưa tầm tã, nhìn áo của sư anh, sư chị, sư em ướt hết mà vẫn đi bên nhau trong im lặng, bình an. Chúng con không bao giờ nghĩ rằng đây là buổi thiền hành cuối cùng của chúng con nơi Bát Nhã này. Bầu không khí lúc đó vẫn an lành, mọi người đang chuẩn bị cho thời khóa học sắp tới. Lớp Trái Tim Của Bụt (Phật Pháp Căn Bản) sắp thuyết trình đề tài Tứ Thực nhưng tất cả đều hủy bỏ. Có lẽ bài thuyết trình đó đã trở thành bài thuyết pháp vô ngôn, được biểu hiện ra bằng tấm lòng, tình thương, tình huynh đệ đậm đà sâu nặng của anh chị em chúng con.

8:00 sáng:

Chúng con ai về phòng nấy và an vị trên giường chờ đợi. Thật sự trong con chẳng biết mình đang chờ đợi cái gì, chỉ nghĩ rằng đó là lịch trình tự nhiên của Chủ Nhật hàng tuần trong mấy tháng nay. Có ngày Chủ Nhật nào mà chúng con không bị chửi mắng đâu. Cho nên chúng con chỉ biết ngồi yên, giữ tâm mình bình thản mà đón nhận.

9:00 sáng:

Con được tin Rừng Phương Bối bị đập phá, hành hung quý Thầy, đồ đạc đều bị vất ra ngoài mưa. Một số quý Thầy và quý Sư chú bị lôi đi xềnh xệt rồi đưa lên xe… Nghe những thông tin đó, chúng con thật bất ngờ, bàng hoàng, không thể tin được. Sau đó, con thấy được thầy Pháp Cao và sư chú Pháp Doanh chạy thoát xuống Mây Đầu Núi trong bộ áo quần ướt sũng, trên vai chỉ choàng một chiếc Y thôi.

10:30 sáng:

Chúng con được phép khất thực cơm trước, riêng con là đội dọn dẹp nên phải ở lại để rửa dọn sắp xếp đâu vào đó rồi đi ăn sau. Vừa ngồi vào chiếu, cầm bát cơm lên thì được báo tin là dọn đồ đạc liền. Ai nấy đều buông bát cơm, đi thu gom hành lí. Trong đầu chúng con nghĩ mình chỉ đem theo y, bát và điệp hộ giới cùng giấy tờ tùy thân thôi. Còn lại đồ đạc khác thì những người đến lấy dùng cũng được. Bởi con biết họ cũng chỉ là nạn nhân của nghèo đói, khốn khó, thiếu may mắn được lớn lên và sinh sống trong môi trường không tốt nên dễ bị "nhồi sọ" những thông tin lệch lạc mà sinh ra kích động quá thể thôi. Thật sự họ cũng đáng thương như chúng con. Chúng con là nạn nhân của sự bạo động. Nhưng là nạn nhân của sự vô minh, của một lối giáo dục thiếu văn hóa, thiếu sự suy xét, chỉ cần 70 -100.000 đ mà có thể thuê họ làm một việc bất lương, thật tội nghiệp. Giá trị của con người chỉ có dường đó thôi sao. Còn lại là hậu quả day dẳng của lương tâm cắn rứt thì ai sẽ trả lương cho họ đây.

11h30 sáng:

Có 6 người đàn ông kéo xuống đi quanh gõ cửa các phòng la hét: "Các cô đi khỏi đây đi, đừng để chúng tôi nổi nóng hành hung. Các cô không đi khỏi đây thì hậu quả các cô tự gánh chịu". Lúc đó, chị em các phòng ngồi lại bên nhau im lặng. Nghe tiếng đập kính vỡ ào ào, người ta đã vô từng phòng lùa chúng con ra, trên tay họ có những thanh sắt dài, nếu chúng con chồngcự thì sẽ bị đập ngay. Nên chúng con lần lượt ra khỏi phòng đi xuống sân mưa tầm tã. Có lẽ ông trời cũng khóc dùm chúng con.

Khi xuống sân kiểm tra lại thiếu sư em Công Nghiêm bị tai nạn không di chuyển được. Chúng con đến năn nỉ các chú cho chúng con lên để cõng sư em xuống. Nhìn hình ảnh sư chị cõng sư em xuống lầu thang lòng ai cũng bùi ngùi xúc động. Càng nhìn càng thấy tội nghiệp các chú ấy. Có một chú khoảng 50 tuổi trên đầu đội mũ bảo hiểm, chân đi cà nhắc, sau khi đập kính bị đứt tay, máu chảy ròng ròng. Chúng con xót xa chạy vào tủ thuốc đã bị phá tan tành, tìm ít bông, băng cồn sát trùng để băng bó cho chú. Nhìn vào đôi mất chú con thấy được niềm xúc động mãnh liệt. Họ cảm nhận chúng con không thù oán họ. Còn chăm sóc tận tình. Thật sự lúc đó trong con không có kẻ thương người ghét, không nghĩ đến chuyện họ đã làm với mình mà chỉ thấy rằng có một người đang cần sự giúp đỡ mà thôi. Sau khi băng bó xong, chú cúi đầu cảm ơn rồi đứng im một góc nhìn chị em chúng con đứng bên nhau trong mưa gió. Mà không còn bạo động nữa. Sau đó con thấy chú lẳng lặng ra về. Lúc đó đã được an toàn. Tất cả chị em đã được an toàn bên nhau, không ai bị mắc kẹt lại trên đó cả. Chúng con thật hạnh phúc khi cảm nhận ra rằng chúng con yêu thương nhau. Chúng con có thể hy sinh vì nhau, vì lý tưởng cao đẹp, vì con đường hiểu và thương này.

Khoảng 14:00 giờ:

Các bà các chú kéo xuống rất đông gần cả trăm người. Lúc đó họ thấy quý thầy ở đâu là nhảy xô vào cào cấu, đánh đập. Khi muốn bảo vệ anh chị em mình thì chúng con đều chịu chung số phận bị họ xô đẩy, bị các bà lấy dù, lấy đá, đấm đá vào tay vào lưng chúng con. Có người tát cả vào mặt chị em chúng con nhưng chị em chúng con chỉ biết hứng chịu, tránh né mà không làm điều gì cả. Khi bị như vậy, chúng con không có một giọt nước mắt khóc than mà cảm thấy rằng xã hội bây giờ toàn là bạo động, hận thù và sợ hãi mà thôi. Chính vì vậy chúng con cần bảo tồn, giữ gìn lý tưởng, đem lại sự hiểu biết, thương yêu cho con người. Con xót xa khi thấy dân tộc Việt Nam thuần từ, hiền lành, đạo đức mà 4000 năm nay lịch sử Việt Nam ca ngợi đã bị đánh mất trong tay người Việt Nam. Chúng con yêu Việt Nam, yêu con người hiền lương, yêu cái nền văn hóa nhân đạo mà cha ông ta xây dựng nên chúng con đã chọn con đường này để bảo vệ, giữ gìn những nét đẹp vốn dĩ của người Việt. Cái nỗi đau đó, nỗi nhục đó mới lớn. Còn chuyện bị đánh, bị đuổi thì chẳng sao bởi người xuất gia có cái gì là tài sản để họ quyến luyến chỉ đau đớn khi thấy nhân cách xã hội bị xuống cấp đến tận cùng. Con thầm hỏi: mình đã hạnh phúc, đã hãnh diện như thế nào khi đọc lại lịch sử tiền nhân đời Lý – Trần… Chúng con có quyền ngẩng cao đầu mà tự hào dân tộc. Còn sau này, con cháu chúng con, thế hệ mai sau khi nhắc lại sự kiện Bát Nhã này thì chắc con cháu mình chỉ biết cúi đầu hổ thẹn. Những vết nhơ đó sẽ được xóa sạch bởi thời gian, những vết thương lòng, sự tủi nhục, lòng hận thù, sợ hãi, bạo động thì cứ trao truyền mãi mãi. Nếu vậy thì đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp thậm tệ, thật đáng thương thay! Do đó, lòng dặn lòng, anh chị em con không được gieo rắc thêm các hạt giống đó nữa mà phải tưới lên mảnh đất khô cằn đầy gai góc trong tâm con người những hạt mưa cam lộ thanh lương để nuôi lớn lại những bông hoa hiểu biết, thương yêu, bao dung, bất hại. Chỉ có như vậy chúng con, những con người đang mang trong trái tim tình thương lớn, đại nguyện, đã quyết một lòng không để cho các hạt giống xấu xa ấy phát triển thêm trong tâm hồn con người Việt Nam thuần phát. Chúng con yêu tiếng "nước tôi", yêu con người Việt. Dù con người có trút lên đầu chúng con những tội trạng phản quốc, dầu họ có đánh đập nhưng chúng con không muốn cảnh "nồi da xáo thịt", cảnh "gà cùng một mẹ" mà đánh đá lẫn nhau.

Kể từ lúc bị đuổi ra đường, đứng trong mưa bị chửi, bị đánh, bị tạt nước dơ vào mặt nhưng chúng con vẫn đứng bên nhau, che chở cho nhau. hình ảnh bị dồn, bị đẩy nhưng anh chị em không rời nhau thật đẹp.

Đến 17:00 giờ hôm đó chúng con bị đẩy ra khỏi cổng Mây Đầu Núi, chúng con thật xót xa khi không bảo vệ được thầy Pháp Hội và thầy Pháp Sỹ trước sự bạo động của mọi người. Chúng con đã nhìn quý Thầy ra đi trong nỗi niềm đau xót. Lúc đó họ đuổi chúng con đi nhưng không ai bảo ai, cứ im lặng đứng trong mưa. Vừa lạnh vừa đói. Mãi đến khi trời tối sẫm, chúng con mới lặng lẽ về xóm Bếp Lửa Hồng. Nỗi mừng mừng tủi tủi của các chị em BLH chào đón chúng con thật xúc động. Các sư chị, sư em đốt lên được hai lò than để chúng con sửi ấm rồi nấu mì gói cho chúng con dùng. Trong mắt ai cũng cay cay, không biết vì khói hay vì thương chúng con nữa. Tối hôm đó, BLH tạm bình an. Họ không còn đến quậy phá nữa. Chị em chúng con ngồi bên nhau, nhìn nhau thật lâu, thật kỹ. Bởi chúng con biết hình ảnh chị em được đoàn tụ như thế này sẽ khó có cơ hội gặp lại. Tuy mệt, nhưng sao con ngủ không được. Nằm xuống thì hình ảnh thầy Pháp Hội bị đưa đi hiện lên làm con se sắc lòng. Con sợ rằng đó là hình ảnh cuối cùng con được thấy Thầy. Nếu thật sự như vậy thì chúng con càng trân quý sự hy sinh thầm lặng của Thầy, khẳng định thêm niềm tin vào con đường thực tập của chúng con. "Thầy yên tâm nhé! Thầy đã có trong chúng con, sự thầm lặng, bình tĩnh, vững chải của Thầy đã truyền trao cho chúng con ngay lúc đó rồi. Chúng con không bao giờ mất Thầy". Khuya hôm đó mưa gió dữ dội, con ngồi dậy nhìn quanh cư xá Phượng Vỹ II, thấy chị em mình nằm ngủ, lòng con trào dâng niềm thương mến vô hạn. Giá như sự hy sinh của mình mà làm cho quý sư anh, sư chị và sư em được yên lành tu học thì mình cũng làm. Sự sợ hãi trong lòng nhường chỗ cho tình yêu thương mãnh liệt. Tự nhiên hai hàng nước mắt cứ chảy dài, chảy dài. Đây là giọt nước mắt đầu tiên từ sự kiện Bát Nhã xảy ra cho đến giờ. Giọt nước mắt đó chảy từ suối nguồn yêu thương bất tận.

Nguồn: http://langmai.org/wake-up/quy-thay-quy-su-co-chia-se/1193-buoi-thien-hanh-cuoi-cung-tai-bat-nha-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét