Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

TRIẾT LÝ SỐNG TÌM TRONG VỐN CỔ


Trần Thái Tông, vị vua mở đầu triều Trần viết: “Lẽ nào ta không lấy trách nhiệm của bậc Tiên, Thánh làm trách nhiệm của mình, lấy giáo lý của Đức Phật làm giáo lý của mình ư !”…

Phật giáo là một hệ tư tưởng có tác động lâu dài và mạnh mẽ trong suốt diễn trình lịch sử dân tộc. Ở vào thời kỳ đầu, đất nước bước vào giai đoạn độc lập, tự chủ, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Sau khi nhà nhà Lý chuyển giao quyền lực cho nhà Trần, việc xúc tiến những khoa thi nhằm tuyển chọn những Nho quan cho bộ máy chính quyền, cũng không làm thay đổi nhiều mặt xác lập ý thức hệ (phương Đông) trong sự thúc ước, tương tác của ba hệ tư tưởng chính Nho-Phật-Đạo, ở đó Phật giáo là triết lý sống của đại đa số quần chúng. Việc khẳng định chỗ đứng chính trị xã hội trở nên bức thiết, nên tuỳ lúc mạnh yếu khác nhau, cả ba hệ tư tưởng trên đều nỗ lực thể hiện vai trò của mình.
Năm 1070, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu là một sự kiện lịch sử có ý thức, mô tả một diễn biến xã hội, nhưng không mới so với những diễn biến tư tưởng trước đó trong xã hội Trung Hoa. Điều này chỉ củng cố thêm ảnh hưởng mọi mặt của Tam giáo trong đời sống xã hội Á Đông. Tuy nhiên, thực tiễn của những dị đồng ấy luôn là mối thao thức của không ít những nhà chính trị có tầm nhìn sâu rộng, có sách lược. Triều đại nào, nhà lãnh đạo nào làm được điều đó thì sẽ ổn định được xã hội trong thời gian dài. Cần nói rằng “xu thế tất yếu”, thời đại nào cũng có, vấn đề khác nhau chỉ là sự nhận thức và điều chỉnh sao hợp lý.
Trần Thái Tông, vị vua mở đầu triều Trần viết: “Lẽ nào ta không lấy trách nhiệm của bậc Tiên, Thánh làm trách nhiệm của mình, lấy giáo lý của Đức Phật làm giáo lý của mình ư !”. Nói đến “giáo lý” và “trách nhiệm” là nói đến nhu cầu và bổn phận thực tiễn của con người trong xã hội. Có thể hiểu “giáo lý” là chiều sâu của một dân tộc, “trách nhiệm” là bề rộng của một đất nước. Xác định hai yếu tố căn bản đó trong thế thúc ước nhau chính là nhận diện rõ mâu thuẫn để điều chỉnh xã hội ở hai mặt đối nội và đối ngoại. Nhưng cho đến hiện nay, tính nguyên hợp và khả năng chi phối mềm dẻo của Phật giáo vẫn chưa được nhìn nhận ở góc độ mang tính định hướng và khả năng đối kháng văn hóa ở tầm quốc gia.
Đạt được sự nhất trí xã hội trong hoàn cảnh khác biệt của các khuynh hướng, tư tưởng là một thách thức không nhỏ đối với chính thể cầm quyền, trong đó quyền lực tối cao được xem là thuộc về vua. Sự xác định hai mặt căn bản đó của vua Trần Thái Tông không nhằm mô tả các mâu thuẫn giai cấp. Bởi ông hiểu hơn ai hết việc xác lập một cái quyền tuyệt đối bằng cách gò ép lịch sử vào một ý thức hệ phiến diện, không những là một ảo tưởng xã hội mà còn đặt lợi ích dân tộc, bản sắc văn hóa và chiều sâu  tính thiện sang một bên.
Nói chung, các tư tưởng đều tùy lúc bộc lộ những ưu điểm và khuyết điểm của mình, nhưng sự thúc ước nhau đó đã tạo cho xã hội một không khí “thảo luận” rõ ràng. Một số văn bia của nhà chùa còn viết những điều phê phán của nhà Nho. Nhưng nhược điểm trong phê bình của nhà Nho là nhìn nhận sự vận động của các diễn biến tư tưởng nặng về các nguyên tắc “đạo đức xã hội”. Trong khi về mặt triết lý, Phật giáo đã từng có thể đáp ứng nhu cầu của con người trên cả ba bình diện: tự nhiên, xã hội và tinh thần. Phật giáo tập trung vào xây dựng con người bắt đầu từ sự điều chỉnh của mỗi cá nhân, hơn là những lý thuyết xã hội ồn ào, nên tạo được một ảnh hưởng tâm thức rộng lớn, là “liều thuốc giải” cho không ít những trí thức được xem là cao cấp nhất trong hàng ngũ Nho sĩ. Nguyễn Trãi, ở vào thời Nho giáo phát triển có viết: “Ao quan thả gửi hai bè muống/ Đất Bụt ương nhờ một lảnh mùng”. “Ao quan” và “đất Bụt” trong cách nghĩ của Nguyễn Trãi cũng không khác nhiều với tâm thức dân gian: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, và cũng không xa với sự “lệch chuẩn” và khả năng “xuất nhập” trong Tam giáo của người đứng đầu triều đình và các quan lại, trí thức tên tuổi khác. Đó không phải là cái gì quá lạ lẫm và ngạc nhiên trong một xã hội có khoan dung và thảo luận. Và việc tìm về với giáo lý của Phật giáo để tìm sự quân bình không phải là “bí số” khó giải, bởi dù có thế nào, Phật giáo cũng tập trung nhấn mạnh đến yếu tố “tự đốt đuốc để soi mình”, điều chỉnh tham-sân-si từ lời nói, hành động đến trong ý thức. Đặc biệt, Phật giáo có một sức mạnh nội tại và khả năng “miễn nhiễm” để không bao giờ đồng nhất với thể chế chính trị, ngay cả khi người lãnh đạo cao nhất đất nước xuất gia học Phật. Bởi tất cả mọi khác biệt về lý thuyết, quan niệm, bản ngã, không thể và vĩnh viễn không thể chạy đua được với “thế gian vô thường, quốc độ bở giòn”, nói như vua Trần Thái Tông: “Sự nghiệp các đế vương thuở trước thay đổi bất thường. Việc sống chết rơi vào hữu hạn”... 
 Bất ổn lớn nhất trong sự phân hóa của Tam giáo chính là khi Nho giáo cô lập, bài xích và tạo thế độc quyền về mặt tư tưởng. Bởi dù gì thì nhà Nho cũng không thể thay thế hoàn toàn yếu tố “giáo lý” mà nhà Phật vốn đảm nhận rất tốt xuyên suốt tiến trình lịch sử dân tộc, mặc dù có những lúc họ “gia công” bổ sung cho mình những yếu tố “hình nhi thượng”. Khi người lãnh đạo cao nhất (hoặc do sức ép từ nhiều phía) sử dụng Nho giáo làm ý thức hệ cấp triều đình đã đưa dân tộc vào một lực ép văn hóa, chính trị nặng nề, đồng thời gây ra một biến động lớn về văn hóa ở một đất nước không văn tự, không tư tưởng và không tôn giáo (nhìn từ nguồn gốc và sự đối kháng thường trực với Trung Hoa). Cụ thể, sau đó nhà Minh đã lợi dụng điều này để tiến hành các công cuộc thôn tính nước ta và gây ra một hậu quả văn hóa vô cùng khắc nghiệt, hầu hết những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc bị xóa sổ. Cho đến nay chúng ta vẫn còn “bơ vơ”, còn phải đặt ra quá nhiều những câu hỏi và những lời giải khập khiễng về chính dân tộc mình, đất nước mình ngay cả ở những triều đại, những danh nhân gần với chúng ta nhất. Sự mất mát quá lớn về mặt di sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình Hán hoá triều đình từ văn tự đến ý thức hệ, và cục diện “thảo luận” trên cả hai bình diện lý thuyết và thực tiễn đã bị hạn chế bằng những giáo điều khắc nghiệt hay bằng những tham vọng quyền lực, chính trị cực đoan.
Nhưng đây cũng là một liều thuốc thử, một bài học cay đắng, một sự mất thăng bằng lớn nhất mà nhiều danh Nho được chúng ta tôn sùng cũng phải suy ngẫm. Sự xâm lược của nhà Minh như một gáo nước lạnh dội vào hệ thống triều đình, gây ra một sự chia rẽ vô cùng sâu sắc, từ đó dẫn đến sự phân hóa mạnh mẽ trong hàng ngũ Nho giáo, tạo ra nhiều quan niệm và xu hướng sống khác nhau: quan niệm “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng”, xu hướng “ẩn dật”, “cư Nho mộ Thích”... Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Thế sự mặc dù ai hỏi đến/ Bảo rằng ông đã điếc hai tai”. Nguyễn Trãi thì có lúc phải thốt lên: “Ta dư cửu bị Nho quan ngộ” (Bấy lâu ta đã bị cái mũ nhà Nho nó làm cho lầm lẫn), hay “Lân kỳ ngã diệc thượng thừa thiền” (Biết đâu một ngày nào đó tôi cũng sẽ đi tu thiền). Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”... Những tâm sự đó không chỉ là sự hối tiếc, lầm lẫn mang tính thời cuộc của nhiều thế hệ nho sĩ mà còn phản ánh một sự “vay mượn” thiếu cân nhắc, một cái nhìn cạn cợt về văn hóa, làm khô cứng học thuật, văn chương nghệ thuật, phong tục, đưa con người vào hoàn cảnh an phận thủ thường, chỉ biết thuật lại mà không sáng tạo, có nguy cơ bị đồng hóa cao. Trong khi với tư cách là người chủ nhà, chúng ta có thể vận dụng, khai triển và làm sáng tỏ thêm đường lối trị quốc của ông cha như Nguyễn Trãi đã phát biểu “Đinh-Lê-Lý-Trần cùng Hán-Đường-Tống-Nguyên xưng đế một phương”. Bất hợp lý của Nho giáo Việt Nam chính là nhận thấy sự xuất hiện của những đường lối bất khả, nhưng lại được “hợp lý hóa” hay cố tình “hợp lý hóa” bằng cách nào đó để xoá nhòa, cô lập các vai trò trong một cục diện “bằng mặt mà không bằng lòng” của các mối quan hệ xã hội từ thân tộc, huyết tộc đến làng xã. Cách suy nghĩ “Thà chết một đống hơn sống một người”, “Xấu đều còn hơn tốt lỏi”, đã vô tình chối bỏ một trầm tích văn hóa đã được cả dân tộc này dùng xương máu của mình để thử, tạo ra một ngõ cụt mới trong việc đi tìm và xác định bản sắc. Khi lóng ngóng, loanh quanh trong việc xác định hướng đi, ý thức hệ mới không đủ sức cân bằng, dung hòa, và dĩ nhiên sẽ mất lực đối kháng văn hóa, bởi sự hiện diện của nó chỉ “giậm chân” ở tính hành chính quan phương, chưa trở thành triết lý sống và lối hành xử phổ biến của cả dân tộc.
Vua Trần Thái Tông đã khẳng định vai trò của con người giáo lý và con người trách nhiệm trong một ý thức “lấy làm của mình”. Sự phát biểu ở tầm mức quốc gia đó đã tạo nên sự hài hòa vì công cuộc chung, đưa đất nước đang “ngổn ngang trăm mối” bước vào một giai đoạn phát triển mới. Khi xác định được những yếu tố “của mình” thì những xâm thực ồ ạt cũng không làm cho “mình” nao núng, thụ động trước mọi tình huống. Ý thức hệ không phải chỉ là cái hiện diện ở ngai vàng, ở bộ máy cai trị hay ở những lý thuyết tạo dựng bộ mặt cho bản thân nó, mà phải gặp nhau trong một lợi ích chung vì cộng đồng: ý thức về độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, về chủ thể văn hóa và đạo đức dân tộc trong từng cá nhân.
Một dân tộc cần phải có một “giáo lý” làm chủ đạo, một đất nước phải có một “trách nhiệm” làm chủ đạo, không thể cào bằng hai yếu tố này. Xã hội phương Đông đã từng tồn tại hai cách cai trị khá phổ biến theo tư tưởng Pháp gia và Nho gia. Hai tư tưởng vẫn được xem là “kẻ thù” của nhau này, trong quá trình điều chỉnh để tồn tại đã phải thâm nhập vào nhau, dần dần tạo nên một đường lối cai trị kiểu: “nội Pháp ngoại Nho, ngoại Pháp nội Nho”. Nhưng xã hội phương Đông cũng xuất hiện một tôn giáo - Phật giáo không những có khả năng đứng ngoài mọi tranh chấp quyền lực mà còn dung hòa được các ý thức hệ tư tưởng, mang lại cho xã hội một bộ mặt khoan dung, thuần hậu.
Nếu theo đuổi một chính sách (nhất quán) trên bình diện đoàn kết và hòa hợp dân tộc mà không xóa dần những mặc cảm, những quán tính tiêu cực trong sự phân lập ý thức hệ, tôn giáo thì sẽ không bao giờ hòa giải được giữa mối quan hệ giữa con người và con người, vì dù có đưa ra bức bình phong nào về chủ nghĩa, dân tộc, tôn giáo thì tham-sân-si của con người vẫn còn đó, vẫn đang chờ được điều chỉnh theo hướng phục vụ cho lợi ích của chính con người: ích mình và lợi người. 
Mọi ý thức hệ tư tưởng đều xuất phát từ con người, và lịch sử còn là một diễn biến có ý thức. Chính vì thế, việc nhận diện và điều chỉnh mâu thuẫn ở tầm ý thức hệ là cần thiết, nhưng không có kiểu bình đẳng chiết trung, hay cô lập tách rời. Vua Trần Thái Tông, dù trong phát biểu của mình có thẳng thắn xác định vai trò của mỗi tư tưởng thì trong ông vẫn chứa đầy những thao thức về nhân sinh, để làm sao đó không chỉ có ông mà tất cả từ quan lại triều đình đến bách tính muôn dân đều có thể mang Phật trong lòng mà bước vào đời sống.
Thích Thanh Thắng
(Theo Văn Hóa Phật Giáo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét