Thông tin nêu chắc như đinh đóng cột rằng “không có đàn áp” (sic) qua miệng ông Võ Ngọc Hiệp - người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng (sic). Ai cũng biết ông Võ Ngọc Hiệp là Phó Giám đốc Công an Tỉnh Lâm Đồng, tại sao TTXVN không ghi rõ chức vụ chính của ông ta trên báo để cho nó khách quan mà đổi ông ta thành “người phát n(g)ôn của UBND”. Ông Hiệp là người trực tiếp chỉ đạo vụ đàn áp này mà lại là Phó Giám đốc Công an tỉnh, nếu không đổi ông là “người phát n(g)ôn” thì e đồng bào cười rằng “mẹ hát con khen”.
Rõ ràng, tối ngày 2/10/2009, Ông Hiệp, Phó Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng, và ông Văn, Phó Giám đốc công an thị xã Bảo Lộc, đến chùa Phước Huệ và có nói chuyện với các thầy có trách nhiệm tại chùa Phước Huệ và bảo rằng: “Nếu những nhóm lạ mặt tiếp tục tới hành hung với số tu sinh Bát Nhã thì các thầy giải quyết như thế nào”.
Thế nhưng khi làm “người phát n(g)ôn”, “phát loa” cho UBND tỉnh, ông ta nói: “Đây là việc tranh chấp nội bộ giữa phật tử Tu viện Bát Nhã do Thượng tọa Thích Đức Nghi làm viện chủ và số người tu theo pháp môn Làng Mai. Chính quyền địa phương không can thiệp vào. Với trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương đã giữ an ninh không để xảy ra xô xát, gây mất trật tự ở địa phương, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của công dân”.
Những thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt. Nhưng không ngờ nó được phát đi từ một cơ quan ngôn luận chính của nhà nước là TTXVN. Chứng tỏ sự gian dối thông tin đang bào trùm xã hội. Nhưng “dao sắc không cắt được chuôi”, nhiều thông tin trên mạng đã chỉ ra sự bịa đặt này, đặc biệt qua bài viết “Những bạo hành ở tu viện Bát Nhã – xin giải thích giùm tôi” của nhà nghiên cứu, nhà báo Nguyễn Đắc Xuân đăng trên Bauxite.info đã bóc trần sự thực này.
Mới đây trong Dự thảo Luật báo chí có ý kiến về việc xử phạt các trường hợp đăng tin, bài không khách quan, gây ảnh hưởng xấu. Nhưng thẩm định thế nào là “không khách quan, gây ảnh hưởng xấu” thì không dễ. Ai là người thẩm định và xử phạt tin tức của TTXVN khi nó “không khách quan”, gây ảnh hưởng xấu cho Phật giáo Việt Nam? Theo TTXVN, phải chăng “không gây ảnh hưởng xấu” là phải bưng bít toàn bộ thông tin về những hành vi vô văn hoá, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đồng thời trang điểm cho công cụ trấn áp, khủng bố tu sinh bằng một bộ mặt đạo đức giả thì mới đúng với quan điểm của “lề phải”? Đó là hành vi “ném đá giấu tay”. Hành vi này được Khổng Tử (Người thầy của vạn đời, được thờ ở Văn Miếu – Hà Nội) xem là hành vi của kẻ tiểu nhân. Kẻ tiểu nhân mà ngồi trên ghế thông tin đại chúng thì tình trạng đổi trắng thay đen sẽ tái diễn trong nhiều vấn đề xã hội.
Ông Phạm Bích San (Phó tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN) nói: “Trước hết, đề nghị cần làm rõ hơn nội hàm một số khái niệm trong dự thảo nghị định như “thông tin không khách quan về một sự việc, sự kiện, vấn đề gây ảnh hưởng xấu”. Trong quy định này có sự không rõ ràng về khái niệm “khách quan”. Thế nào là khách quan, thế nào là chủ quan trong thông tin báo chí, nên quy định rõ, đặc biệt áp dụng với hệ quả “gây ảnh hưởng xấu”. Tiếp đó cụm từ “ảnh hưởng xấu”, “xấu” là như thế nào? Ảnh hưởng tới ai?...”
Trong trường hợp đàn áp Bát Nhã, thông tin của TTXVN hoàn toàn bịa đặt, vậy ai “phạt” họ nhỉ. Không gây ảnh hưởng xấu đến một bộ phận nhỏ chính quyền, nhưng gây ảnh hưởng xấu đến người Phật tử Việt Nam, bằng những hành vi ném đá, ném phân chửi bới người tu hành, cũng có nghĩa là chửi bới vào luân thường đạo lý của dân tộc, với đa số người dân có tín ngưỡng Phật giáo.
Có nhiều những giao giảng về tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng ngôn luận của TTXVN lại có một lối "tự do” độc quyền xuyên tạc như vậy, thì ai còn tin vào cái gọi là “khách quan”, “dân chủ”.
Mới đây báo chí thay nhau nói về việc 40 năm thực hiện di chúc của Hồ Chủ Tịch, rồi học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thế nhưng câu nói này của Bác lại không được TTXVN “học tập và làm theo”: "Muốn sửa chữa cho tốt, phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không thật thà tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi”.
Hiện tượng tránh xa lề phải đang trở nên phổ biến trong xã hội cũng là do nếu ai có góp ý, kiến nghị gì thì quy chụp họ cái tội “phản động”, “làm chính trị”…, còn bản thân mình thì độc quyền thông tin lề phải, miệng nói khách quan nhưng thông tin thì miệt thị vào cái “khách quan” ấy. Quần chúng dần dần bỏ rơi báo chí lề phải vì họ nhận ra lâu này mình đã ăn toàn những chiếc bánh vẽ về dân chủ, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Có thể báo chí lề phải sẽ bị quần chúng bỏ rơi, nhưng Tổng Biên tập TTXVN và Báo Thanh Niên không khéo lại được tôn vinh và nhận giải thưởng lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mâu thuẫn đó không có sao miễn là “chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải”.
Trần Điều
Thưa những người anh em trong nhóm Sen Việt yêu quý,
Trả lờiXóaCông việc mà các bạn đang làm thật có ý nghĩa. Chúng ta là những người Phật tử, chúng ta không tự bảo vệ hình ảnh của mình thì ai sẽ thay chúng ta làm điều đó. Việc làm của các bạn làm cho chúng tôi có niềm tin hơn vào sự thật. Chúng ta phải tinh tấn và dũng mãnh hơn nữa để cho sự thật được sáng rõ, dù chúng ta biết chúng ta đang phải đối mặt với làm sóng thông tin đầy giả dối, bóp méo sự thật về vụ đàn áp tu viện Bát Nhã.