Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

BÁT NHÃ “TẠO TIỀN LỆ NGUY HIỂM”


Ông Lê Hiếu Đằng nhận xét vụ Bát Nhã cho thấy sự "vô trách nhiệm" của chính quyền địa phương, tạo ra một “tiền lệ hết sức nguy hiểm" là bất cứ công dân nào cũng có thể bị côn đồ đe dọa, và cấp trung ương phải nhanh chóng giải quyết chuyện này.

Nguyên phó chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia cùng gần 200 người khác, tính đến chiều 7/10, ký vào Bấm thỉnh nguyện thư yêu cầu chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội Việt Nam phải can thiệp vụ Bát Nhã.

Gần 400 tu sĩ và tu sinh Phật giáo theo pháp môn Làng Mai được biết bị ép phải ra khỏi tu viện Bát Nhã hôm 27/9, và hiện đang ở tạm trong chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng, nơi họ cáo buộc vẫn tiếp tục bị côn đồ gây rối và “khủng bố tinh thần”.

Khi được BBC hỏi về lý do tham gia thỉnh nguyện thư, ông Lê Hiếu Đằng cho biết:

Lê Hiếu Đằng: Tôi đọc văn bản chính thức của Giáo hội Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, nói lên cảnh khi các vị trong Ban Trị sự trong giáo hội tỉnh Lâm Đồng đến thì bị đám côn đồ dùng phân rồi dùng này nọ… tức là hết sức bậy bạ. Lẽ ra đứng trước việc đó chính quyền phải can thiệp.

Bây giờ chính quyền nói đó là nội bộ Phật giáo. Nhưng với nhiệm vụ giữ vững trật tự an ninh thì đứng trước hành động côn đồ, chính quyền phải can thiệp chứ không thể nói không có trách nhiệm được.

Rồi những diễn biến sau này, khi 400 vị tăng ni đã về chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc rồi, lại tiếp tục bao vây rồi đe dọa thế này thế kia. Như vậy tôi nghĩ chẳng lẽ đất nước Việt Nam hay tỉnh Lâm Đồng không có chính quyền à?

...như vậy thì bất cứ một người công dân nào cũng có thể bị đe dọa bởi bọn côn đồ, mà không có sự bảo vệ của chính quyền. Thế thì nói chính quyền của dân do dân và vì dân thì là cái chính quyền gì?

Để làm loạn như vậy là không được, vì vậy tôi ký tên để phản đối thái độ vô trách nhiệm của chính quyền tỉnh đối với những việc làm này. Chưa nói đến góc độ Phật giáo, dưới góc độ quản lý nhà nước thì tôi phản đối việc đó.

Và cái này nó tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm ở chỗ là bất cứ một người công dân nào cũng có thể bị đe dọa bởi côn đồ, mà không có sự bảo vệ của chính quyền. Thế thì nói chính quyền của dân do dân và vì dân thì là cái chính quyền gì? Do đó tôi ký tên.

Thứ hai, rõ ràng qua vụ việc này, chỗ Phật giáo ở tu viện Bát Nhã người ta đang tu học một cách yên tĩnh như vậy, cho dù là bây giờ có nhiều người chưa khai báo thì chúng ta hướng dẫn họ thôi. Tình hình đến ở chưa khai báo thì chẳng những ở Lâm Đồng mà ở thành phố Hồ Chí Minh này có biết bao nhiêu người, nghĩa vụ của chính quyền là phải hướng dẫn người ta làm đúng thủ tục để người ta tôn trọng luật pháp, chứ không phải vì cớ này mà xua đuổi người ta đi được.

Còn về nội bộ Phật giáo, tôi nghĩ là Giáo hội Phật giáo Trung ương phải có trách nhiệm trong này, chứ không thể bàng quan được, cũng như là giáo hội Phật giáo của tỉnh Lâm Đồng. Tôi cho là qua cái văn thư vào tháng Sáu, tức là cách đây ba tháng rồi, thái độ của giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng như vậy tôi cho rất là thỏa đáng.

Đáng lẽ ra chính quyền phải thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề và phải bắt tay vào giải quyết, chứ không để tình trạng kéo dài như thế này.

BBC: Khi tham gia vào thỉnh nguyện thư này, ông có nghĩ rằng tiếng nói của ông cùng những người khác sẽ được lắng nghe, và liệu rằng người ta sẽ sớm có hành động gì không, bởi vì vụ Bát Nhã đã diễn ra trong một thời gian khá dài rồi?


Vụ Bát Nhã đang gây chú ý của dư luận

Lê Hiếu Đằng: Tôi tin rằng nếu có nhiều tiếng nói góp lại, nhà nước Việt Nam phải chú ý việc này. Còn nếu không chú ý, vẫn tiếp tục làm xấu, cái hậu quả về mặt chính trị là nhà nước Việt Nam phải chịu trách nhiệm, chứ không thể nào khác hết.

Bởi vì rõ ràng, tình hình hết sức tồi tệ như vậy mà không giải quyết một cách dứt khoát, đến nỗi một số tăng sĩ trẻ người ta quyết tử vì đạo - qua cái thư mà anh cũng biết đó - mà nếu như nó xảy ra thì tình hình sẽ rất biến động và tạo ra một tình trạng rất là không tốt cho vấn đề hiện nay.

BBC: Ông nghĩ sao khi mà truyền thông chính thống của Việt Nam hầu hết đều im lặng trước chuyện này? Và ông có nghĩ là vai trò của chính quyền cấp cao hơn, như ở trung ương, nhẽ ra cũng phải có tiếng nói về chuyện này?

Lê Hiếu Đằng: Thật ra chính quyền Lâm Đồng vừa rồi, qua ông chánh văn phòng, cũng có nói ý kiến rồi, nhưng ý kiến đó hết sức là tầm bậy, hết sức là không đúng, bởi vì với trách nhiệm quản lý chính quyền của cả một tỉnh thì không thể nào nói như vậy được.

Còn trung ương, chúng ta thấy đúng là sự can thiệp, giải quyết rất là chậm chạp. Thật ra người ta vẫn có cảm giác vụ này bị lờ đi, để mà diễn biến nó xảy ra như vậy.

Nó là vấn đề quyền của công dân. Những quyền tự do dân sự của người dân phải được đảm bảo, được pháp luật bảo vệ, chứ không thể để cho tình trạng như vậy xảy ra được.

Tôi cho rằng với trách nhiệm của trung ương, riêng bản thân tôi qua đài BBC, tôi đề nghị là chính quyền trung ương phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này, chứ nếu không hậu quả sẽ rất là nghiêm trọng.

BBC: Trong thỉnh nguyện thư, các ông có đề nghị lập ra một ủy ban điều tra cấp nhà nước để điều tra về vụ Bát Nhã này, theo ông liệu người ta có làm chuyện đó hay không?

Lê Hiếu Đằng: Chuyện làm hay không là quyền của người ta, nhưng đó là đề nghị hợp lý, bởi vì bây giờ tình hình hết sức nghiêm trọng rồi, phải điều tra xem trách nhiệm thuộc về ai.

Qua việc (lập ủy ban) này, chúng ta tạo một tiền lệ là pháp luật phải được thực thi, những người làm không đúng thì phải bị trừng trị, chứ không thể bỏ qua được. Ủy ban nó có tính cách độc lập để điều tra cho ra lẽ nguyên nhân vụ việc và ai phải chịu trách nhiệm trong vụ này.

BBC: Như trong trường hợp này thì bộ phận nào của chính quyền trung ương sẽ phải lên tiếng và ra tay?

Lê Hiếu Đằng: Về mặt quản lý nhà nước theo hệ thống chính trị hiện nay thì đó phải là Ban Tôn giáo chính phủ.

Và qua thư của các tăng ni trẻ thì một vị trong ban tôn giáo chính phủ trung ương đã hứa là sẽ vào Lâm Đồng để giải quyết và cũng đề nghị là 40 chư tăng ở chùa Phước Huệ giữ nguyên vị trí như vậy và cũng đề nghị vị Thượng tọa trụ trì chùa Phước Huệ chăm sóc và giữ nguyên trạng. Tôi nghĩ nếu đúng tinh thần như vậy thì chính quyền trung ương phải nhảy vào cuộc.

BBC: Thưa, ông có phải là một Phật tử không ạ?

Lê Hiếu Đằng: Không, gia đình tôi là gia đình Phật giáo, nhưng mà tôi thờ ông bà, không có thờ Phật. Nhưng mà tôi nghĩ đây là vấn đề chung hiện nay, không phải chỉ là vấn đề tôn giáo.

Nó là vấn đề quyền của công dân. Những quyền tự do dân sự của người dân phải được đảm bảo, được pháp luật bảo vệ, chứ không thể để cho tình trạng như vậy xảy ra được.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/10/091008_batnha_lehieudang.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét