Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

ĐỌC BÁO CÁO KHẨN CẤP CỦA BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH LÂM ĐỒNG VÀ PHÁT BIỂU CỦA ÔNG BÙI HỮU DƯỢC


“Ban Tôn giáo Chính phủ thật ra có thể trở thành một yếu tố xây dựng tích cực cho đất nước nếu ban này nằm trong khuôn khổ của Bộ Văn hóa hay Bộ Giáo dục với trách nhiệm là hỗ trợ mọi cách cho các giáo hội trong việc học hỏi và thực tập để ngăn ngừa và đối phó với các tệ nạn xã hội như tham nhũng, mại dâm, tội ác, bạo động, băng đảng, ma túy và tự tử” (Thư Làng Mai số 31).

Trong “Bản tường trình và báo cáo khẩn cấp” của Ban Trị sự có nói rất rõ rằng: “Phái đoàn của Ban Trị sự đã được Ông Lê Thanh Phong, phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Hồ Ngọc Thắng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch UBMTTQVN Tỉnh Lâm Đồng đón tiếp. Nội dung xoay quanh vấn đề là yêu cầu Tỉnh ủy kịp thời can thiệp với các cấp Chính quyền địa phương cho nối lại điện, nước và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho Tăng Ni tu sinh tại Tu viện Bát Nhã đã bị chủ hộ Thích Đồng Hạnh, Tu viện Bát Nhã, yêu cầu Nhà nước cắt điện, cúp nước đã hơn hai ngày qua. Hai vị đại diện thay mặt lãnh đạo Tỉnh uỷ rất đồng ý và cho rằng đây là nguyện vọng chính đáng và hứa sẽ can thiệp với Sở Điện lực nối lại điện cho Tăng Ni tu sinh sinh hoạt hàng ngày trong mùa An cư; Sau đó sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề tu sinh tại Bát Nhã”.

Bản tường trình cũng nêu rõ: “Hiện tại khoảng 400 Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã đang bị uy hiếp, khủng bố và bị đe dọa đến tính mạng cần được cứu nguy khẩn cấp”.

Còn sau đây là phát biểu của ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ khi trả lời hãng AP “các môn đồ đã không tuân thủ theo quy định của địa phương..., việc chính quyền giám sát các hoạt động của các nhóm tôn giáo trên địa bàn là chuyện bình thường” (BBC).

Không tuân thủ theo quy định của địa phương ở điểm nào? Sao không nghe ông Lê Thanh Phong, phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Hồ Ngọc Thắng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch UBMTTQVN Tỉnh Lâm Đồng nói đến việc “không tuân thủ” này. Đã vậy hai ông con xem các yêu cầu của Ban Trị sự là “nguyện vọng chính đáng”.

Tuy nhiên, khi ông Dược nói “các quan chức “rất ngạc nhiên” khi đọc nội dung website chính của tu viện thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Pháp kêu gọi chính phủ Việt Nam bỏ đi lực lượng an ninh tôn giáo” thì sự việc đã rõ. Việc thiền sư Nhất Hạnh khuyên nên bỏ lực lượng an ninh tôn giáo là một góp ý, còn việc có bỏ hay không bỏ là quyền của Chính phủ. Không lẽ trong xã hội cứ ai góp ý điều gì mà mình không thích là mình kết tội và đàn áp họ hay sao?

Ông Dược còn nói với AP: “Quản lý các nhóm tôn giáo không có nghĩa là kiểm soát họ. Chúng tôi chỉ tạo điều kiện cho các nỗ lực làm những điều tốt đẹp cho đất nước”. Với phát biểu này, ông đã phần nào mâu thuẫn với chính mình. Ở trên ông nói: “việc chính quyền giám sát các hoạt động của các nhóm tôn giáo trên địa bàn là chuyện bình thường”. (Từ điển Tiếng Việt: Giám sát: “Theo dõi và kiểm tra có thực hiện đúng những quy định không; Kiểm soát: “Xem xét để phát hiện những gì trái với quy định”).

Không thấy Ban Tôn giáo có một lý do nào “chính đáng” hơn là mượn cớ thiền sư Nhất Hạnh yêu cầu Chính phủ bỏ đi lực lượng an ninh tôn giáo để đàn áp.

Lá Thư Làng Mai số 31 ra ngày 04 tháng 02 năm 2008 có nêu ra những nội dung sau:

“Trong dịp thăm viếng phủ Chủ tịch, Thầy Làng Mai đã ân cần đệ trình lên ngài Chủ tịch một bản đề nghị mười điểm để mở rộng chính sách tôn giáo, trong đó có điểm để cho Phật tử có tự do thành lập nhiều đoàn thể Phật giáo khác nhau. Thầy Làng Mai cũng đề nghị nên giải thể Ban tôn giáo chính phủ và ngành Công an tôn giáo. Ngài Chủ tịch nước nói với Thầy: “Làm gì có Công an tôn giáo”. Thầy nói: “Chúng tôi vừa mới đi thực tế về”. Thầy nói tiếp: “Những điều chúng tôi nêu lên trong bản đề nghị này không có mục đích chỉ trích, phê phán mà chỉ có mục đích xây dựng. Đất nước chúng ta chắc chắn là sẽ đi về hướng này, không thể nào khác hơn được, nhưng với ý thức của ngài Chủ tịch nước thì những điểm đề nghị trong đây sẽ được nhanh chóng thực hiện hơn. Điểm nào thực hiện được ngay thì xin nhà nước làm ngay; điểm nào cần nhiều thời gian hơn thì có thể làm chậm hơn chút ít. Các vị lãnh đạo làm được sớm hơn chừng nào thì đất nước và dân tộc được nhờ sớm hơn chừng đó”.

“Vào lúc bản đề nghị được đệ trình thì Ban tôn giáo chính phủ đang chuẩn bị dự trù được nâng lên cấp bộ, thành Bộ tôn giáo, ngang với các bộ khác. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hôm 08.08.2007, đã ra nghị định 08/NĐ–CP đưa Ban tôn giáo chính phủ vào thành một bộ phận của bộ nội vụ. Nói tóm lại, tuy Ban tôn giáo chính phủ không được giải thể, nhưng ban sẽ không bao giờ trở thành được một bộ. Điều này chắc đã làm cho các vị trong Ban tôn giáo không được hoan hỷ đối với Làng Mai và cả các vị trong ngành Công an tôn giáo có thể cũng đã cảm thấy bị tổn thương. Nhưng mục đích của bản đề nghị không phải nhắm vào cá nhân một nhân vật nào, một vị lãnh đạo nào, mà chỉ là để xây dựng cho đất nước. Nếu quý vị không phụng sự đất nước trong khuôn khổ Ban tôn giáo hay trong ngành Công an tôn giáo thì quý vị vẫn có thể phụng sự được đất nước trong các ban ngành khác, và công đức của quý vị vẫn được đất nước và đồng bào ghi nhận”.

“Ban Tôn giáo Chính phủ thật ra có thể trở thành một yếu tố xây dựng tích cực cho đất nước nếu ban này nằm trong khuôn khổ của Bộ Văn hóa hay Bộ Giáo dục với trách nhiệm là hỗ trợ mọi cách cho các giáo hội trong việc học hỏi và thực tập để ngăn ngừa và đối phó với các tệ nạn xã hội như tham nhũng, mại dâm, tội ác, bạo động, băng đảng, ma túy và tự tử” (Thư Làng Mai số 31).

Rõ ràng, lời phát biểu của ông Bùi Hữu Dược đã cho thấy ít nhiều cái nguyên nhân mà pháp môn Làng Mai không có lý do gì để tồn tại ở Việt Nam. Bởi những mong muốn tốt đẹp để xây dựng đất nước của thiền sư Nhất Hạnh đã chạm đến quyền lợi của một nhóm người, đặc biệt khi Ban Tôn giáo thuộc về cấp bộ.

Điều khó nói và dễ hình dung về một kết cục của Làng Mai này cuối cùng đã trở thành một “mâu thuẫn oan” giữa 400 Tăng Ni vộ tội với chính quyền tỉnh Lâm Đồng và thầy Đức Nghi.

Nhưng điều đáng nói “Bản tường trình và báo cáo khẩn cấp” của Ban Trị sự mới gửi đi, các cơ quan báo chí Phật giáo đã đăng tải và thu hút khá nhiều ý kiến, nhưng chỉ ít ngày sau nó đã nhanh chóng bị rút xuống. Phải chăng đã có sự “chỉ đạo” cụ thể của Ban Tôn giáo Chính phủ và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Vì thế những cuộc họp của Trung ương Giáo hội diễn ra ở phía Nam hoàn toàn không có kết quả, dù không có bất cứ lý do nào chính đáng để phải xoá bỏ pháp môn Làng Mai. Nếu chỉ là mâu thuẫn nội bộ giữa thầy Đức Nghi và Làng Mai mà cả hệ thống chính quyền vào cuộc thì rõ ràng là có sự chỉ điểm mờ ám. Chính vì vậy, Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Lâm Đồng mới kêu gọi: “Khoảng 400 Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã đang bị uy hiếp, khủng bố và bị đe dọa đến tính mạng cần được cứu nguy khẩn cấp”. Họ vẫn gần như không biết điều gì đang xảy ra. Chỉ biết rằng, sự việc là quá vô lý. Nhưng ai là người cứu họ? Câu hỏi này chỉ có thể hỏi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bởi khi nó đã trở thành một thực thể gắn kết với một số lợi ích đến từ “Ban Tôn giáo” thì sự “toa rập” sẽ diễn ra. Tuy nhiên, nếu Ban Tôn giáo chính phủ mà trở thành một “Bộ”, đặc biệt những nhóm người “thân” Phật giáo như ông Doanh, ông Dược hết nhiệm kỳ thì điều thiệt thòi nhất sẽ thuộc về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với vấn đề này, thiền sư Nhất Hạnh là người có tầm nhìn sáng suốt. Việc cứu Làng Mai chính là cứu Phật giáo Việt Nam. Lời góp ý của thiền sư Nhất Hạnh có thể bỏ ngoài tai. Nhưng lợi ích trước mắt và sự đố kỵ của một nhóm người có nguy cơ làm rối vận nước.

Đăng Doanh

3 nhận xét:

  1. Ban Tôn giáo trở thành Bộ Tôn giáo hay thuộc về Bộ Nội vụ thì sự kiểm soát tôn giáo cũng không khác nhau mấy. Nhưng tính chất thì đậm đà hơn, nếu trở thành Bộ Tôn giáo hay thuộc về Bộ Nội vụ. TS Nhất Hạnh cho rằng nó nên thuộc về Bộ Văn hoá thì cũng tốt đấy, nhưng sẽ không đúng “chức năng” như nó vốn có hiện nay.
    Bài viết này chỉ ra một điểm mà tôi cho rằng đáng chú ý là nó không nên trở thành “Bộ”, vì vốn dĩ quản lý tôn giáo không thuộc nhiệm vụ của những chức sắc tôn giáo mà thuộc về những người trong bộ máy chính quyền. Sự thay đổi của những người thân tôn giáo này hay tôn giáo khác, khi trở thành cấp bộ thì sức tác động của nó rất lớn. Các hoạt động tôn giáo sẽ không diễn ra một cách bình thường nếu có “thoả thuận”, thậm chí “mua bán” lợi ích.
    Con người quyền lực như Hoà thượng Thích Thanh Tứ sẽ có ngày thuận theo lẽ vô thường. Bản chất của chính trị là “hai mặt”. Ông Doanh hay ông Dược thì cũng chỉ là những “lợi ích” trước mắt. Vấn đề là sau Hoà thượng Thích Thanh Tứ, ai là người đủ mạnh để “gắn bó” với Ban Tôn giáo? Ai là người sẽ xé nát thêm Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Các cụ vẫn thường nói: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Những cố gắng “về nguồn” của TS Nhất Hạnh đã không được chú ý nhiều. Cần xem đến vai trò của Trung Quốc. Tuy nhiên, người nhà mà không bảo vệ được nhau, toa rập để đánh người “chạy lại”. Đó là một dấu hiệu bất bình thường, nếu không muốn nói là ngàn lần đáng trách.

    Trả lờiXóa
  2. Có một tin “lạ” đáng chú ý trên báo Calitoday:
    ” Một thượng tọa trong Ban Trị Sư Lâm Đồng cho biết ông Bùi Hữu Dược – vụ trưởng Vụ Tôn Giáo Ban Tôn Giáo Chính Phủ… nói rằng chính quyền thị xã Bảo Lộc đã làm sai chủ trương chính sách của nhà nước… và cho rằng sự việc TT Thái Thuận chùa Phước Huệ cho số tu sinh này ở tại chùa là việc làm hết sức hoan nghênh đúng đắn trong lúc này… Ông sẽ vào Bảo Lộc vào ngày 12 để cùng với Hội Đồng Trị Sự và Ban Trị Sự Phật Giáo Lâm Đồng và chính quyền địa phương tìm biện pháp giải quyết việc này.”
    Mong sao đó là sự thật, chứ không phải tin vịt.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc những gì mà ông Dược Vụ trưởng Vụ Phật giáo nói trên BBC và đọc tin mà ông Nguyen Du nêu trên Calitoday: “chính quyền thị xã Bảo Lộc đã làm sai chủ trương chính sách của nhà nước… và cho rằng sự việc TT Thái Thuận chùa Phước Huệ cho số tu sinh này ở tại chùa là việc làm hết sức hoan nghênh đúng đắn trong lúc này”, tôi không hiểu ông Dược này là kiểu người gì? Thật khó tin quá.

    Trả lờiXóa