Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

NHÀ CHÙA QUẢN LÝ NGƯỜI TU



Tôi chưa từng nghe câu đuổi khách nào của nhà sư lịch sự đến vậy. Sau câu nói của thầy Đồng Hạnh, vị thầy kia nhanh chóng ép chúng tôi phải rời khỏi tu viện, nếu không sẽ tịch thu máy quay. Trước khi đến đây, chúng tôi nghe nói phải cẩn thận đối với xe cộ và lường trước việc sẽ bị đánh…

Ngay sau ngày phái đoàn của Đại sứ quán Mỹ đến làm việc về tình hình Bát Nhã với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc, tôi và một số người bạn rủ nhau lên Bảo Lộc, nhằm hiểu rõ hơn về tình hình sinh hoạt của những tu sinh tu theo pháp môn Làng Mai sau khi bị trục xuất.

Xe chúng tôi theo con đường trải nhựa láng mượt dẫn tới khu du lịch Đamb’ri đến Tu viện Bát Nhã, nơi cách trung tâm thị xã Bảo Lộc chừng 15 cây số. Cảnh đẹp như tranh và không khí thật trong lành, đúng là một nơi lý tưởng để Tu viện Bát Nhã mở khoá tu bốn mùa dành cho những người đang muốn tạm dứt công việc bận rộn để tĩnh tu tại đây trong thời gian ngắn. Tôi được biết trước đây, khoá tu vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật đầu mỗi tháng thu hút cả hàng ngàn người tham dự, nhiều trong số họ là thanh niên, sinh viên, doanh nhân.

Nghĩ đến đó, trong lòng càng mong đến nơi thật sớm để xem Bát Nhã bây giờ đã khác xưa như thế nào. Từ xa tôi đã có thể nhìn thấy Tu viện Bát Nhã cùng với những khu tăng xá ẩn hiện trong núi rừng. Nhà trẻ Hiểu và Thương hiện ra trước mắt chúng tôi nhưng không có một bóng người, cửa đóng im ắng. Được biết, năm 2006 có tới 25 nhà trẻ với 68 cô giáo trực tiếp chăm sóc cho hơn 1.000 trẻ, phần đông là con em của người dân tộc thiểu số.

Tu viện Bát Nhã, chụp từ trong ra.
Đúng 10 giờ 15 sáng, xe chúng tôi đến cổng Tu viện Bát Nhã. Cổng mở, không có bất cứ một sự cản trở nào từ phía những người trong chùa. Tôi nghĩ rằng, chắc mọi chuyện đã trở nên bình thường. Nhưng hôm nay là Chủ nhật (11/10) mà tu viện lại vô cùng vắng vẻ, gần như chẳng thấy bóng một Phật tử nào. Ngoài chiếc xe của chúng tôi là chiếc xe của Hãng phim Giải phóng thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Phía dưới nhà khách thấp thoáng vài người đàn ông. Chúng tôi bình tĩnh bước vào chánh điện trong con mắt dò xét của mấy người kia. Một chú tiểu thấy chúng tôi bước vào chánh điện thì vội vã đi ra. Đúng lúc ấy cơn mưa kéo tới làm cho cảnh vắng càng trở nên ảm đạm. Chúng tôi lễ Phật và đi ra phía trước ngắm quang cảnh trong mưa. Dù đã biết trước chuyện bất hạnh xảy ra với Tu viện Bát Nhã, nhưng chúng tôi không thể nào không trầm trồ trước cảnh đẹp nơi đây.

Nhìn một vài chiếc ghế đá kê không ngay ngắn, có cái đã gãy đổ, bên cạnh những tấm bảng xộc xệch, chữ rõ chữ mờ, trong lòng đã gợn buồn. Chiếc bàn nhỏ kê ở hành lang trước chánh điện để một mớ giấy cầu siêu, trong đó có hai miếng bìa gấp, ghi chữ “CẦU AN”, “CẦU SIÊU” đã cũ. Có lẽ đó là một vài dấu hiệu ban đầu chỉ ra những mâu thuẫn trong phương pháp tu giữa “chùa” và “tu viện”.

Sớ kỳ siêu, Tu viện Bát Nhã.
Lúc đó tôi nhớ đến những lời phát biểu trên nhiều tờ báo của thầy Đức Nghi, viện chủ Tu viện Bát Nhã khi ca ngợi pháp môn Làng Mai là có kỷ luật thiền môn và tinh thần dấn thân phụng sự. Trở về với thực tại, tôi lắc đầu thở dài: “Tiếc quá!”. Rời Chánh điện, chúng tôi bước vội trong mưa để xuống phòng khách phía dưới. Thì ra mấy người đàn ông này là nhân viên của Hãng phim Giải phóng. Chúng tôi thấy một thầy tu còn rất trẻ, đang ngồi chiếc ghế ở giữa và chung quanh là những người tác nghiệp trong Hãng phim Giải phóng. Hình như họ đang dựng phim hay phỏng vấn gì gì đó. Chắc sắp tới sẽ có một “vở kịch” hay? Vị thầy đó nhìn thấy chúng tôi đi tới thì liền rời khỏi ghế bước ra trước sự ngơ ngác của những người đàn ông kia.

Sau đó một thầy tu khác đi ra với vẻ mặt rất căng thẳng, rất “an ninh”. Chúng tôi hỏi pháp danh nhưng không nói mà hỏi lại: “Mấy anh tới đây có việc gì?” – “Chúng tôi là khách tham quan và rất mong gặp Thượng toạ viện chủ”.

Vị thầy này nhìn thấy chúng tôi quay phim thì bèn nói “Ở đây không được quay phim chụp hình”. Sau đó, tôi nghe vị thầy này gọi tên thầy Đồng Hạnh, và hỏi tiếp chúng tôi: “Mấy vị tới đây có việc gì?” – “Chúng tôi đi tham quan.” – “Tham quan thì để một tháng sau quay lại nhé. Chùa bây giờ không cho khách tham quan”.

Tôi được biết thầy Đồng Hạnh là “phát ngôn” của Thượng toạ Đức Nghi, đồng thời là người hay chạy lo về mặt thủ tục giấy tờ với chính quyền.

Khoảng 15 phút sau, thầy Đồng Hạnh bước ra: “Có chuyện chi không?”.

Vị thầy kia trả lời: “Dạ, Có mấy người muốn tham quan.” – “Người tham quan thì ông tiếp đi, có vậy mà cũng gọi tôi. Mà nếu không tiếp thì đuổi đi”.

Tôi chưa từng nghe câu đuổi khách nào của nhà sư lịch sự đến vậy. Sau câu nói của thầy Đồng Hạnh, vị thầy kia nhanh chóng ép chúng tôi phải rời khỏi tu viện, nếu không sẽ tịch thu máy quay. Trước khi đến đây, chúng tôi nghe nói phải cẩn thận đối với xe cộ và lường trước việc sẽ bị đánh. Thấy một số người đàn ông đang dựng phim trong phòng khách tiến ra, cản không cho chúng tôi tiếp tục quay phim. Có người chỉ vào một trong ba người chúng tôi nói: “Cái thằng kia là lái xe.” Thấy có vẻ không ổn, chúng tôi quay ra xe và đi thẳng ra thị xã Bảo Lộc. Nghe nói, hễ những người mà họ đã “quen mặt” mà lảng vảng đến đó thì không tránh khỏi bị đánh. Lúc ấy, tôi nghĩ đến bài viết của ông Nguyễn Đắc Xuân, ông chắc phải quen mặt lắm, nên mới phải thực hiện “tẩu kế” bằng cách giả vờ ôm bụng rồi chuồn. Chúng tôi phần nào may mắn hơn, có lẽ do sức ép thông tin của dư luận đã làm cho những “thuộc tính giang hồ” của một số người đang trấn giữ nơi đây giảm đi phần nào.

Để tránh sự dòm ngó của phía an ninh, trên đường ra thị xã Bảo Lộc, chúng tôi ghé vào một quán cà-fê cách chùa Phước Huệ chừng 100m, vừa uống cà-fê chúng tôi vừa tranh thủ lưu những đoạn phim ngắn ngủi vào máy tính xách tay, phòng khi có chuyện bất trắc.

Uống xong ly cà-fê, chúng tôi vào chùa Phước Huệ, đánh xe gần sát quán cơm chay trong chùa. Có người nhắc chúng tôi không nên quay phim để tránh phiền hà. Không khí nhìn ai cũng ra “tội phạm” bao trùm, nên bất cứ ai ra vào cũng có thể trở thành đối tượng của sự nghi ngờ.

Chùa Phước Huệ.
Vừa khi nhìn thấy tu sinh, lòng tôi chợt bình yên trở lại. Họ đang ăn cơm trong chánh niệm. Cả trai đường gần 200 con người ngồi ăn mà không có một tiếng động. Thấy người lạ đi vào, một số ngước nhìn chúng tôi, trong ánh mắt ấy chúng tôi cảm nhận có sự phân vân, ái ngại.

Tu sinh đang ăn cơm trưa trong chùa Phước Huệ.
Số phận của họ quá bấp bênh. Nhìn họ mà thấy thương quá đỗi. Họ chỉ muốn được tu, muốn nhiều người cùng được tu, cùng nhận được sự an lạc và những tiến bộ trong đời sống tinh thần. Có lẽ sự nhục nhã khi danh dự nhân phẩm bị chà đạp không có thấm tháp gì với họ, bởi họ vẫn bình yên trong năng lượng từ bi, bất bạo động của tăng thân. Nhưng trong tôi bỗng tràn ngập sự chua xót, rằng tại sao họ không thể có quyền mang đến cho đời một hình ảnh đẹp, một niềm tin đẹp, một kỷ niệm sơ tâm đầy trong sáng: thương người như thể thương thân. Tôi nghĩ, nếu chùa Phước Huệ không cưu mang họ chắc họ sẽ nhanh chóng sụp đổ, mất định hướng, vì trước mắt họ là cả một hệ thống sẵn sàng dùng bạo lực để đàn áp.

Chúng tôi may mắn khi nhanh chóng được gặp Thượng tọa Thích Thái Thuận, dù không báo trước. Cảm giác tiếp xúc ban đầu của tôi cho thấy Thượng tọa là một người dễ gần, giàu tình thương đối với các tu sinh, không màng đến sự liên luỵ. Thượng tọa giống như người ông của những đứa cháu nhỏ khi bố mẹ chúng xa nhà lâu ngày. Tu sinh đều gọi Thượng tọa là Ôn theo cách xưng hô của Phật tử Huế dành cho các vị ở hàng Thượng tọa trở nên. Nhờ một người bạn được Ôn quý mến đi cùng, nên Ôn rất vui khi đón tiếp anh em chúng tôi. Ôn cũng không quên nhắc nhở, người của “họ” đang theo dõi khắp chung quanh.

Trong dự tính, chúng tôi sẽ đi lên Đà Lạt nhưng thấy không khí “yên tĩnh trước bão” chung quanh, không ai bảo ai, chúng tôi nhận ra rằng, thăm và hỏi chuyện Ôn xong, chúng tôi sẽ về ngay.

Chúng tôi hỏi thăm sức khỏe của Ôn. Ôn kể lại chi tiết việc phái đoàn Ban Trị sự bị tấn công bằng đá và phân như thế nào. Bản thân Ôn bị hành hung nặng nhất phải đi vào nằm viện. Ôn nhớ có một kẻ lạ mặt cầm cục đá to đánh mạnh vào mạng sườn, lúc đó một số kẻ bảo đóng cổng vào mà đánh và đứng cười. Ôn đã phải cố gắng ôm sườn lách người qua khe cổng thoát ra xe của Ban Trị sự, rồi mọi người nhanh chóng đưa Ôn đến bệnh viện.

Vừa nghe Ôn nói, tôi vừa để ý qua tủ kính những người “khách lạ” đi qua đi lại. Cuộc nói chuyện thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi người chào hỏi. Có mấy em sinh viên ở Sài Gòn nghe nói đến tình hình của tu sinh cũng ghé xuống thăm và chúc quý thầy mạnh khỏe. Rồi có một người phụ nữ khoảng 60 tuổi vào cúng dường Ôn. Ôn nói từ ngày họ bao vây chùa, bắc loa tuyên truyền, Phật tử ngại đến chùa, nhất là những Phật tử người dân tộc thì muốn xa lánh chùa luôn. Thị xã Bảo Lộc giống như đang (ngầm) bị phong tỏa vậy.

Chúng tôi không ngại ghé chùa Phước Huệ cũng chỉ để trải nghiệm thực tế và kiểm chứng lại một số thông tin xem có khách quan không. Ôn dẫn chúng tôi đi thăm dãy nhà ở của tăng sinh và ni sinh. Trong những căn phòng rộng, thiền đường, chúng tôi không thấy giường nệm gì cả, chỉ thấy mỗi người trải một cái chiếu với một cái chăn đơn, sắp lớp thẳng hàng; người thì nằm ngủ trưa, người thì ngồi đọc sách, người thì ngồi viết nhưng không thấy toát ra vẻ gì là họ đang lo lắng. Có lẽ do nhìn thấy chúng tôi đi cùng Ôn nên họ bớt phân vân hơn lúc chúng tôi mới bước vào chùa. Ôn nói “Những đứa trẻ này (tu sinh) còn ngây thơ lắm. Nhưng chúng bảo nhau rất tốt. Tu hành quy củ và rất có kỷ luật tuân thủ thời khoá. Cũng biết nương vào sinh hoạt của chúng chùa Phước Huệ, không có xáo trộn gì, chỉ có chỗ ở là chật chội”.

Bất cứ căn phòng trống nào của chùa cũng dành hết cho tu sinh. Ôn bảo, nhiều vật dụng, quần áo của tu sinh bị trộm cắp trong lúc bị trục xuất, một số tu sinh đã bị bệnh, nhưng chúng cũng biết cách tự chăm sóc cho nhau.

Gần đến giờ thức chúng, tu sinh thức dậy, họ đi lại rất nhẹ nhàng, nói rất khẽ, thậm chí họ nói với nhau bằng ngôn ngữ của cử chỉ. Có một nữ tu sinh đề nghị Ôn, hôm nay là Chủ nhật, các tu sinh rất muốn Ôn dẫn đầu cùng thiền hành với họ. Ôn chỉ mỉm cười.

Ôn đưa chúng tôi đi thăm nhà bếp, Ôn chỉ vào những rổ rau củ nói: “Phật tử họ thương quý thầy lắm, rau củ là do họ mang đến. Tu sinh họ cắt cử nhau cùng xuống nấu ăn với Phật tử. Họ tu đàng hoàng nên quần chúng Phật tử họ thương, họ ủng hộ hết mình. Đó cũng là đúng thôi”. Chúng tôi như được an tâm phần nào khi biết rằng người Phật tử Lâm Đồng không bao giờ rời xa quý tăng ni.

Ôn cho biết những tu sinh ở chùa, phải đến một nửa chưa từng được gặp Ôn Nhất Hạnh. Nhưng họ khao khát được tu theo pháp môn Làng Mai vì thực tế cảnh sinh hoạt của tu sinh ở Bát Nhã đã có sức lôi cuốn đối với họ. Họ đã nhận được sự an lạc khi tu hành trong một cộng đồng tràn đầy tình thương yêu như vậy.

Nói đến chuyện chính quyền vận động tu sinh trở về nhà, về quê, Ôn không tán đồng với cách làm ấy. Khi nói với chính quyền, Ôn so sánh với pháp môn tu thiền của Ôn Thanh Từ (Trúc Lâm): “Từ xưa, Ôn Thanh Từ có tham gia sinh hoạt Giáo hội đâu. Ôn có hệ thống tu riêng, nhưng vì cái đức của Ôn mà Giáo hội đưa ôn vào hàng Chứng minh. Chính quyền các anh cũng nên coi hệ thống tu tập của họ như của Ôn Thanh Từ. Có gì đâu mà các anh quan trọng. Còn vấn đề giữa Ôn Nhất Hạnh và nhà nước là chuyện của hai bên, không liên quan đến số họ cả. Những người tu theo pháp môn của Ôn Thanh Từ, có ai vận động họ trở về nhà hay về quê đâu. Người ta lựa chọn tu theo pháp môn nào là quyền của họ, cấm họ là vi phạm pháp luật”.

Ôn cho chúng tôi biết thêm: “Hiện nay chùa Phước Huệ chỉ còn khoảng 193 tu sinh Làng Mai tạm trú, chính quyền yêu cầu người nơi nào trả về tỉnh đó. Nhưng tôi nói chuyện người tu ở đâu là quyền của họ, buộc họ sao được. Ban trị sự của các tỉnh thì họ cũng không nhận đâu, còn đưa về nhà thì gọi gì là ‘xuất gia’ nữa. Tu sinh họ thỉnh nguyện, họ mong cho các cấp cho họ được tu hợp pháp. Nhưng khó, vì chính quyền họ muốn đuổi hẳn ra khỏi Lâm Đồng mà. Tôi đã đề nghị, Giáo hội nên sắp xếp một nơi ở Lâm Đồng để họ tu, do Giáo hội quản lý và liên hệ về các mặt thủ tục, đừng tách họ ra. Còn tôi chỉ cưu mang lúc hoạn nạn thôi”.

Trước đây, qua các bài phỏng vấn trên báo chí, tôi cũng từng ngưỡng mộ việc làm của thầy Đức Nghi. Chuyện xảy ra phức tạp như ngày hôm nay là một điều vô cùng đáng tiếc. Thầy Đức Nghi chắc chắn phải gánh một phần trách nhiệm khi hình ảnh tôn nghiêm của Giáo hội bị phương hại. Nhưng Ôn nói: “Sự việc ra nông nỗi, mà họ có hối cải đâu. Mấy vị đệ tử của Thượng tọa Đức Nghi còn nói ‘Đã đâm lao thì phải theo lao’. Tôi bảo rằng, ông thầy tu thì làm gì có lao mà đâm với theo. Tình đồng đạo với nhau giữa lúc mưa bão như vậy, nhất là trong cái tình hình họ kêu gọi dân chúng không được ra đường thì tôi phải cưu mang họ. Công an vào làm việc với tôi. Tôi nói bây giờ các ông cố trục xuất họ ra ngoài đường, họ có mệnh hệ gì các ông phải chịu trách nhiệm. Họ nói thôi thì bây giờ Thượng toạ có tình thương nên tạm thời cho họ ở đêm nay, nội trong ngày mai họ phải rời khỏi chùa. Tôi nói tình thương là cái chung của con người, các ông bảo tôi thương sao các ông lại không thương họ”.

Qua lời Ôn, chúng tôi được biết, trước đó các đoàn xe từ trên Sài Gòn, Đà Lạt xuống đều bị chặn hết, chùa bị cô lập, Phật tử Bảo Lộc không có được tới chùa. Ai ra vô cũng bị đi kè bên, nếu cần thì bị mời ra khỏi chùa ngay tức khắc. Ngày 28/9, chính quyền và các cơ quan ban ngành xuống chùa Phước Huệ nói rằng nội trong ngày phải trục xuất. Lúc đó Ôn nói: “Trục xuất là quyền của mấy anh, còn tôi chỉ bảo vệ con người, trong mưa bão họ không có nơi ăn chốn ở, đói rách thì tôi cưu mang, bảo vệ. Qua điện thoại, có người hỏi ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ rằng tu sinh họ có vi phạm chính trị không? Ông Dược nói: ‘Không’. Vậy đã không thì sao phải trục xuất họ? Quản lý người là chuyện an ninh, còn chuyện nhà chùa là quản lý người tu, ai không tu thì tôi cho ra khỏi chùa, ai tu phá thì tôi cũng cho ra khỏi chùa”.

Sau khi được Ôn cho đi thăm một vòng chung quanh chùa. Chúng tôi chuyển quà của người thân ở thành phố cho một vị tu sinh. Trước lúc chúng tôi chuẩn bị ra xe, Ôn còn đến ngồi cùng và lưu lại số điện thoại.

Trấn áp, đánh đập, chửi rủa, quăng liệng kinh sách, tượng Phật không chỉ là sự xúc phạm nhân phẩm mà còn là hành vi khiêu khích bất lương, nhằm kích động sự oán hờn của tu sinh, nếu họ có bất cứ sự phản ứng sơ suất nào thì sẽ là cái cớ cho những làn sóng bạo hành tiếp theo được hợp thức hóa ở mức độ cao hơn: “trấn áp nổi loạn”. Nhưng chính quyền đã thất bại trước sự bất bạo động vững chãi, trước câu niệm Phật và dòng nước mắt trong veo đầy tính thiện của những tu sinh có tuổi đời từ 15 đến 35.

Tôi nghe nói tăng ni trẻ tỉnh Lâm Đồng sẵn sàng tự thiêu để bảo vệ công lý. Lúc đó tôi nhớ đến lời dạy của Hòa thượng Trí Quang: “Can đảm để tự vệ chỉ mới là can đảm mà thôi. Can đảm bất bạo động để thánh hóa cái chết của mình và làm cho tín ngưỡng của mình tồn tại một cách thánh thiện vì cái chết ấy, mới là đức tính vô úy”.

Rời chùa Phước Huệ lúc 2 giờ 30 phút chiều, quay nhìn chùa lần cuối, tôi thấy lòng ấm áp hơn, bởi nơi đây cánh cửa luôn mở ra hai chữ “Tình Người”.

© 2009 Nguyễn Mai Sơn
© 2009 talawas blog


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét