Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

KHÔNG LOẠI TRỪ KHẢ NĂNG XẢY RA THAM NHŨNG TRONG VỤ BÁT NHÃ



Sen Việt: Vụ việc và diễn biến của tu viện Bát Nhã, Phước Huệ trong những ngày vừa qua đã nhận được rất nhiều quan tâm của Nhóm Sen Việt. Trong một sinh hoạt thường kỳ, Nhóm Sen Việt với các thành viên không đầy đủ đã có buổi trò chuyện với thầy Thích Thanh Thắng, cố vấn của Nhóm Sen Việt, người đã gửi Thư ngỏ gửi đến các vị lãnh đạo Nhà nước và ký vào Thỉnh nguyện thư của giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam ngay sau khi vụ việc việc Bát Nhã xảy ra. Sen Việt xin gửi tới quý độc giả những chia sẻ cá nhân của thầy Thích Thanh Thắng về vụ việc này.
Sen Việt: Thưa thầy, hàng ngày thầy vẫn theo dõi sát vụ việc Bát Nhã?
Vâng! Tôi nghĩ không chỉ có tôi mà người Phật tử trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến những diến biến của Bát Nhã. Như các bạn biết, chúng ta đang ở thời đại công nghệ thông tin nên vấn đề Bát Nhã đang trở thành vấn đề nóng, thu hút quan tâm của dư luận.
Sen Việt: Thầy có nhận xét gì về những thông tin vừa qua về vụ Bát Nhã?
Thông tin thì nhiều, nhưng mỗi người đứng ở một góc độ nhìn khác nhau thành ra vấn đề có thể đã bị đẩy xa hơn và ngày càng phức tạp hơn. Đặc biệt tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm, nếu giải quyết không tốt thì hậu quả sẽ khôn lường. Các luồng thông tin cần tỉnh táo, khách quan và tôn trọng nhau.
Sen Việt: Thầy có nhận xét gì về những thông tin chính thức từ phía thông tin nhà nước?
Tôi có theo dõi các thông tin liên quan đến vụ Bát Nhã trên TTXVN, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Vietnamnet, đặc biệt là phát biểu của bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, và ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban trường thực phụ trách, Ban Tôn giáo Chính phủ. Tôi nhận thấy đó là những thông tin chưa đầy đủ, thiếu khách quan và né tránh vấn đề. Nhưng tôi nghĩ vụ việc diễn biến phức tạp như vậy thì họ đưa ra thông tin như thế cũng là chuyện bình thường nhằm “định hướng dư luận”.
Sen Việt: Thầy có thể nói rõ hơn về sự thiếu khách quan trong thông tin nhà nước được không?
Vâng, chắc chắn không chỉ có tôi mà ai cũng có thể nhận ra vụ việc Bát Nhã là nghiêm trọng. Giáo hội cũng khẳng định việc tấn công Ban Trị sự bằng đá và phân, đánh trọng thương Thượng tọa Thích Thái Thuận là việc làm thiếu văn hóa, không tôn trọng pháp luật. Tường trình và báo cáo khẩn cấp của Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng cũng đã nêu rõ vụ việc. Sau khi tu sinh bị trục xuất ngày 27/9, Ban Trị sự cũng đã có Công văn 418 gửi Trung ương Giáo hội, nêu rõ tình hình vụ việc. Không ai có thể phủ nhận thực tế đó. Có một số băng ghi hình về Bát Nhã đã được đưa lên mạng, không khó để có thể kiểm chứng sự thật. Không thể nói rằng không có đánh đuổi, trục xuất, chửi mắng tu sinh.
Sen Việt: Nhưng thông tin nhà nước nói đó là vấn đề “tranh chấp nội bộ”
Có thể ban đầu sự việc chỉ là mâu thuẫn nội bộ, cụ thể là vấn đề thầy Đức Nghi không tiếp tục bảo lãnh cho tu sinh (năm 2008). Nhưng về sau thì không còn “nội bộ” nữa. Tu sinh cũng đã gửi bản tường trình đến Ban Trị sự. Ban Trị sự đã có cuộc họp bất thường và cuối cùng đi đến quyết định, Ban Trị sự sẽ đứng ra bảo lãnh cho tu sinh cho đến hết tháng 12/2010 theo đúng công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ và công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thầy Đức Nghi đã không tuân thủ tinh thần cuộc họp đó mà gây sức ép liên tục để đuổi tu sinh Làng Mai. Tu sinh Làng Mai là những người trực thuộc Giáo hội quản lý. Giáo hội có trách nhiệm giải quyết vụ việc, nếu vụ việc chưa thấu tình đạt lý, các bên đều có quyền gửi khiếu nại. Tại sao Giáo hội chưa giải quyết mà thầy Đức Nghi đã hành động lỗ mạng như vậy. Bất cứ tổ chức xã hội nào cũng có tôn chỉ và nguyên tắc của nó. Không một cá nhân nào có thể giẫm đạp lên nguyên tắc đó mà hành xử.
Sen Việt: Thầy có thể cho biết thêm về vai trò của thầy Đức Nghi?
Cá nhân tôi từng rất khâm phục những việc làm khi trước của thầy Đức Nghi, nhưng với vụ việc Bát Nhã vừa qua, thầy đã có những bước đi sai lầm. Bản thân thầy là người đã nhận lễ truyền đăng tự nguyện theo phương pháp tu tập của pháp môn Làng Mai. Thầy Đức Nghi cũng là sư phụ (Bổn sư) của nhiều tu sinh. Nhưng thầy kết hợp với du côn chiêu tập “Phật tử” cho giăng biểu ngữ phản đối để đánh đuổi, nhục mạ tu sinh Làng Mai một cách thiếu văn hóa. Thầy đã tự mình đánh mất nhân cách căn bản của người tu và đánh mất luôn vai trò “trụ pháp vương gia” trong tu viện Bát Nhã. Ai cũng biết người Phật tử không thể can thiệp thô bạo vào đời sống của tăng chúng. Nhưng những gì chúng ta thấy là hình ảnh “Phật tử” quá khích, tấn công vào phòng tăng và tự ý cướp đồ đạc của tu sinh, đánh đập, chửi rủa, nhục mạ, ném đá, ném phân, cầm gậy gộc, vũ khí để sẵn sàng bạo hành. Đó không phải là Phật tử. Tôi nghĩ Giáo hội Phật giáo không cần những “Phật tử” như thế.
Sen Việt: Có thông tin phía nhà nước cho rằng “tranh chấp nội bộ” này rất khó giải quyết, theo thầy có đúng như vậy không?
Không có gì là khó cả nếu công tâm và khách quan. Không có gì là khó cả nếu vụ này không phải do Chính quyền Lâm Đồng trực tiếp bật đèn xanh. Một khi chính quyền không chịu lắng nghe nguyện vọng chính đáng của công dân, không chịu thực thi pháp luật thì nói đến vấn đề “giải quyết” làm gì. Anh là người hành pháp mà anh lại để cho tình trạng phạm pháp ngang nhiên diễn ra, thì anh phải chịu trách nhiệm. Phật tử thì cũng là một công dân. Có tội thì xử lý. Không có tội thì phải có nghĩa vụ bảo vệ. Cái này phải rất phân minh, nếu không sẽ dẫn đến lạm quyền.
Sen Việt: Cụ thể của hành vi lạm quyền như thế nào?
Lạm quyền là hành vi vượt quyền, không tôn trọng pháp luật. Rõ ràng Ban Trị sự đã đứng ra bảo lãnh cho tu sinh để họ tiếp tục tu học đến 12/2010, tại sao thầy Đức Nghi lại cố tình dùng mưu chước, hạ sách để đuổi họ. Chỉ riêng việc để Phật tử tấn công Ban Trị sự bằng đá và phân đã đủ để Giáo hội căn cứ vào Hiến chương và y luật Phật chế để trục xuất thầy ra khỏi tăng đoàn và rút lại tăng tịch cũng như giấy bổ nhiệm trụ trì (nếu có). Nhưng sự lạm quyền đó được sự tiếp tay của chính quyền địa phương, nên Ban Trị sự ở vào tình thế khó xử. Lạm quyền và tham nhũng luôn đi đôi với nhau. Tôi cho rằng vụ việc Bát Nhã không loại trừ khả năng xảy ra tham nhũng. Vì ai cũng biết đầu tư của Làng Mai vào Bát Nhã lên đến cả vài triệu đô, hơn nữa tu viện Bát Nhã nằm trong quần thể du lịch. Ý định của thầy Đức Nghi về việc muốn biến nơi đây thành nơi tham quan du lịch đã bộc lộ ít nhiều tham vọng đó. Làng Mai cũng từng phản ứng với quan điểm này của thầy Đức Nghi vì họ xác định đó là “tu viện”, với các thiền đường chức năng là chuyên tu, chứ không thể theo hướng làm du lịch và phát triển dịch vụ ăn theo.
Sen Việt: Vì sao thầy liên hệ tới việc tham nhũng?
Như trên tôi đã nói, lạm quyền và tham nhũng luôn đi đôi với nhau. Đó là cặp bài trùng. Tôi xin đơn cử một ví dụ, căn cứ ngay vào phát ngôn của bà Nguyễn Phương Nga khi coi đây là vấn đề “nội bộ”. Nếu là vần đề “nội bộ” của tu viện Bát Nhã thì khi tu sinh bị đuổi ra khỏi Bát Nhã chính quyền phải can thiệp chứ. Vai trò bảo vệ an ninh trật tự nằm trong tay ai? Khi sự việc chưa được giải quyết dứt điểm, các bên liên quan đều không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nhưng cứ cho rằng chính quyền mắt nhắm mắt mở để côn đồ giả danh Phật tử đánh đuổi tu sinh ra khỏi tu viện Bát Nhã đi. Nhưng đuổi họ ra khỏi Bát Nhã rồi thôi chứ. Tại sao “nội bộ Bát Nhã” mà khi họ sang tạm trú tại Phước Huệ, toàn bộ hệ thống chính quyền lại vào cuộc để trục xuất họ khỏi Phước Huệ mà không có một chút tình xót thương trong mưa bão. Đọc báo, chúng ta thấy có những người chồng bạo hành vợ, người vợ phải trốn sang nhà người quen lánh nạn. Lúc đó người chồng phải bị lên án, người cưu mang phải được khen ngợi. Đằng này chính quyền lại biến quan tòa thành phạm nhân. Vậy mà họ không có một tư duy logic tối thiểu để suy luận rằng Bát Nhã không đơn giản là vấn đề “nội bộ”.


Công an đứng nhìn “chuyện nội bộ” và bảo kê cho những kẻ hành hung

Sen Việt: Đối với những dự án lớn tại Việt Nam, người dân luôn rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng. Nhưng vụ Bát Nhã liên quan đến tôn giáo, thầy đặt vấn đề này có chủ quan không?
Theo tôi dù mang danh nghĩa tôn giáo hay không thì vấn đề đâu tư là có thật: tiền thật, công sức thật. Pháp luật bình đẳng trước vấn đề này. Không thể ém nhẹm vụ việc, vì rõ ràng người ta bỏ tiền vào để xây dựng, nay đạt mục đích anh đuổi người ta đi. Ai cũng có thể đặt câu hỏi, những cơ sở khang trang, hoành tráng như hôm nay do đâu mà có? Nhất định không phải ở trên trời rơi xuống rồi. Nếu quy đúng trách nhiệm pháp luật, thầy Đức Nghi là người đang phạm pháp, lừa đảo để chiếm dụng tài sản. Tiền của Làng Mai đầu tư về Việt Nam đến từ nhiều nguồn. Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản đầu tư của họ. Đuổi hết tu sinh của chủ đầu tư dự án ra khỏi tu viện một cách dễ dàng như vậy nếu không có sự tiếp sức của chính quyền, cá nhân thầy Đức Nghi và Đồng Hạnh không thể làm nổi. Chính quyền thừa biết họ không thể làm việc không công cho thầy Đức Nghi. Một vấn đề quá lớn, quá nhạy cảm, nhất là khi đụng đến Làng Mai, một pháp môn có uy tín và ảnh hưởng rộng trên thế giới. Tôi cho rằng nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới.
Sen Việt: Nhưng dư luận cho rằng không phải mâu thuẫn nội bộ và cũng không chắc là tham nhũng mà do những phát biểu của thầy Nhất Hạnh về vấn đề Tây Tạng. Trung Quốc từng yêu cầu trục xuất thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai khỏi Việt Nam trong dịp Đại lễ Phật đản 2008.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân cần được nhìn nhận trong các mối tương quan. Tôi không phủ nhận những liên hệ ở trên. Nhưng tôi cho rằng lấy những nguyên nhân mang tính “nguy cơ nhân loại”, để đưa vào vụ Bát Nhã là không ổn. Thiền sư Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai xuất thân từ Việt Nam. Đối với thế giới đây là pháp môn có ảnh hưởng mạnh. Đối với uy tín cá nhân, thiền sư Nhất Hạnh từng được đề cử giải Nobel Hòa bình, thiền sư có thể sánh với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vấn đề phát biểu chính kiến của thiền sư vừa mang ý nghĩa cá nhân vừa mang ý nghĩa quốc tế. Chẳng lẽ chúng ta vẫn còn ứng xử theo kiểu vì bố nói đụng đến Trung Quốc nên con không được vào đại học?
Sen Việt: Vậy thầy nghĩ sao khi thiền sư Nhất Hạnh góp ý với Chủ tịch nước về việc bỏ Ban Tôn giáo Chính phủ?
Chúng ta cũng có ý liên hệ vấn đề này với việc trục xuất tu sinh Bát Nhã phải không?
Sen Việt: Dạ, cũng xin được liên hệ thêm cho đầy đủ.
Việc góp ý chân thành thẳng thắn của thiền sư Nhất Hạnh cũng có thể do thiền sư đứng ở một góc nhìn nào đó, đặc biệt trong không khí chính trị xã hội, tôn giáo phương Tây. Nhà nước thấy phù hợp thì bỏ, thấy không phù hợp thì giữ. Bộ hay Ban có thể điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Tôi cho rằng danh xưng “Bộ tôn giáo” hay “Ban tôn giáo” không quan trọng nếu không điều chỉnh cơ bản trong nhận thức chung của hệ thống chính quyền về tôn giáo. Bên ngoài dù có một trăm danh xưng, một ngàn nội dung tốt đẹp về tôn giáo, nhưng nhận thức và cách tiếp cận về tôn giáo trong các học viện chính trị, hành chính của nhà nước không có nhiều bước chuyển căn bản thì thêm bớt hay bỏ cũng như vậy thôi. Rõ ràng qua vụ việc Bát Nhã nếu đưa Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo vào áp dụng thì những ứng xử của chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã ít nhiều vi phạm pháp lệnh ấy. Hơn nữa, vì một câu góp ý mà ứng xử như vậy với tu sinh Làng Mai thì rất thiếu chuyên nghiệp.
Sen Việt: Thế nào mới là “chuyên nghiệp” thưa thầy?
Chuyên nghiệp thì khiến cho người khác tâm phục khẩu phục. Đằng này anh dùng thủ đoạn, kỹ xảo để đối phó với tu sinh thành ra gây phản cảm đối với dư luận. Một mặt anh cho người ta mặc áo Phật tử vào giăng biểu ngữ phản đối tu sinh, đi vòng quanh tu viện, mặt khác anh để những người lạ vào lấy đồ, quăng liệng kinh sách, đánh đập, chửi rủa người tu hành. Xin hỏi có “Phật tử” nào như vậy không? Một đất nước mà đa số người dân có tín ngưỡng Phật giáo mà như vậy sao? Một giáo hội đang phát triển mà có những “Phật tử” như vậy sao? Khi làm vậy, không phải là anh đang bôi xấu Phật giáo thì là gì.
Sen Việt: Thầy nghĩ gì về sự trốn tránh của thầy Đức Nghi qua vụ việc trên?
Theo cảm nhận chủ quan của tôi sau khi đi thực tế tại Bát Nhã, thầy Đức Nghi đang bị đệ tử thao túng, nên thầy không dám đối mặt với sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng này. Bởi nó khác xa với những việc làm trước đó của thầy, khiến người ta có thể dùng từ “trở mặt”, “lật lọng”, “đổi trắng thay đen” để ví dụ về nhân cách của thầy. Trong vụ việc này không thể không nói đến cái tên Đồng Hạnh. Tôi xem đây là một nhân vật phức tạp, nhiều cơ hội. Ban Trị sự cũng đã ít nhiều nhận ra việc làm sai trái của Đồng Hạnh trong vụ Bát Nhã nên đã có yêu cầu xử lý nghiêm. Đồng Hạnh trở thành “phát ngôn” cho thầy Đức Nghi, đồng thời gần gũi trong các liên hệ với Chính quyền. Có thể nói kịch bản chính xuất phát từ “quân sư” Đồng Hạnh. Không loại trừ vấn đề lo lót, chạy trọt đến những cấp cao hơn và cũng không loại trừ khả năng thầy Đức Nghi bị đệ tử nắm “phốt” nào đó. Diễn biến vụ việc có thể hiểu qua câu nói “đâm lao thì phải theo lao” của đệ tử thầy Đức Nghi, câu nói đó bộc lộ việc làm mờ ám. Tôi vẫn giữ ý kiến cho rằng đây là một vụ “tham nhũng”.
Sen Việt: Vậy thầy lý giải thế nào khi thầy Đức Nghi nhắc đến nhân vật tướng Trần Tư nhằm bào chữa cho hành vi của mình trong một đoạn băng ghi âm ngắn?
Tôi cho rằng, đoạn băng ghi âm đó, chắc chắn cần phải có những xác minh cụ thể, khoa học về giọng nói của thầy Đức Nghi. Và nếu đúng thì đó là một đầu mối khá quan trọng mà nhiều luồng thông tin đã không chú ý để phân tích. Theo tôi được biết, ông Trần Tư được Thủ tướng phong hàm Thiếu tướng vào năm 2006. Ông giữ chức Cục trưởng Cục an ninh xã hội (A41), Bộ Công an. Ông cũng từng với cụ Thích Thanh Tứ tham dự trong lễ khởi công trùng tu chùa Phật Tích.
Cá nhân ông Trần Tư, mới ở ngang mức cấp Cục không thể mạo hiểm trước vấn đề này. Rất có thể một cá nhân “cấp ủy” nào đó đã bật đèn xanh cho vụ việc. Bởi ai cũng rõ động đến vấn đề trấn áp tôn giáo là động đến vấn đề chơi với lửa.
Như vậy vấn đề ở đây không hẳn là chỉ đạo ở cấp Nhà nước, Chính phủ, cũng chưa chắc ở cấp Bộ, mà chỉ ở cấp Ban và cấp Cục trở xuống. Nhưng khi sự việc không kiểm soát được thì thông tin nhà nước phải vào cuộc để định hướng dư luận, và chúng ta có thể hiểu được cách nói thiếu khách quan của họ, trong một cục diện chung. Tôi nghĩ rồi đây sẽ có một cuộc điều tra nghiêm túc về vấn đề này. Giới trí thức cũng đã có những kiến nghị hợp lý về vấn đề làm sáng tỏ vụ việc.
Sen Việt: Thầy có theo dõi về phản ứng từ phía Giáo hội Trung ương?
Tôi rất quan tâm đến những công văn của Trung ương Giáo hội. Về cơ bản, Giáo hội cũng đã có phản ứng tỏ rõ thái độ không đồng tình với cách làm của chính quyền Lâm Đồng khi đi ngược với tinh thần trong một số cuộc họp của Giáo hội. Cụ thể là Giáo hội yêu cầu sau mùa an cư mới tiếp tục giải quyết, chứ không phải là đuổi tu sinh, nhưng họ không tôn trọng Giáo hội. Tuy nhiên, cũng phải kế đến một số nội dung trong các công văn của Giáo hội, cụ thể Công văn 037, 429/CV.HĐTS đã có những cách lý giải không chặt chẽ, nhiều câu viết không rõ ràng gây hiểu nhầm. Văn phong hành chính không nên nói nước đôi bởi nó đòi hòi tính chính xác và thống nhất cao trong hướng dẫn, chỉ đạo. Thông tin nhà nước gần như đã bám vào một số nội dung thiếu kín kẽ và mâu thuẫn này để làm khó với tu sinh. Tôi cho rằng nên ra một văn bản mới nhất phân tích và đưa ra các hướng giải quyết cụ thể, đồng thời rút lại các công văn không đầy đủ và khách quan trước đó.
Tôi đặc biệt chú ý tới Công văn 418/CV/BTS của Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, dù câu cú còn chưa ổn nhưng nội dung thì khách quan, sát với tình hình thực tiễn, có lý có tình… Nói chung đáp ứng được nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của tu sinh và sự trông đợi của Phật tử trong và ngoài nước.
Sen Việt: Có nhiều dư luận không hay cho rằng Trung ương Giáo hội đã quá “cầu toàn” trong vụ này, thầy có nhận định gì không?
Vâng. Lúc đầu tôi cũng khá phân vân trước sự phản ứng thông tin của giới báo chí Phật giáo trong nước. Một số website gần như im lặng. Tôi nghĩ vụ việc đã có sự chỉ đạo nào đó từ Văn Phòng I (Hà Nội). Chính sự mâu thuẫn và mập mờ trong các công văn đã phần nào chỉ ra điều đó. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của mình Văn Phòng II (TP.HCM) hoàn toàn có thể ra những văn bản chính xác hơn về vụ việc mà không quan tâm đến sức ép của cá nhân nào đó. Chúng ta hiểu rõ pháp luật, nắm vững Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, triển khai tốt Hiến chương Giáo hội thì chúng ta sẽ biết mình được nói gì, làm gì, có quyền và lợi ích hợp pháp gì.
Cá nhân có thể cầu toàn, nhưng Giáo hội thì phải bày tỏ chính kiến. Chính kiến không có gì là “chính trị” cả. Đó một trong tám con đường của Bát chính đạo, người tu sĩ thì nên đàng hoàng bước đi trên con đường đó. Thấy đúng, nói đúng, nghĩ đúng và làm đúng. Đó là tinh thần trách nhiệm là niềm tin mà Tăng Ni, Phật tử gửi gắm. Việc làm của Giáo hội còn có một quần chúng Phật tử rộng lớn phía sau, trong đó đáng kể nhất là giới cư sĩ, trí thức Phật tử. Giáo hội là sức mạnh tập thể, nó không thuộc quyền sở hữu của ông A, bà B, nên ai lấy tư cách cá nhân mà lạm quyền là đi ngược với truyền thống tăng đoàn.
Sen Việt: Thầy có nghĩ rằng Giáo hội bị tung hỏa mù trong vụ này?
Không loại trừ vấn đề này. Vì rõ ràng nó thuộc cấp Cục trở xuống và sự “can thiệp” (ngầm) của một vài cá nhân trong vụ này là khá rõ. Một số lãnh đạo Giáo hội đã có những sự lo sợ thái quá. Nhưng cho dù là chỉ đạo ở cấp Nhà nước hay Chính phủ thì trước tiên Giáo hội cũng phải giữ thể diện cho hình ảnh của chính mình, đồng thời phản biện đúng lúc để điều chỉnh cách nhìn nhận vấn đề của phía Nhà nước (nếu có). Vai trò của lãnh đạo là vai trò đứng mũi chịu sào, mình không đứng lên trước, không chịu trách nhiệm trước thì mình tự đánh mất vai trò. Muốn làm “Hộ Pháp” tốt cho nhà nước thì thiện ác, đúng sai phải phân minh. Một Giáo hội bạc nhược suy yếu thì không thể giữ vai trò gì cả, và cũng không ai cần đến một thực thể đã suy nhược như vậy.
Sen Việt: Thầy có nghĩ rằng đó là sự “im lặng thông thái”?
Sự im lặng nào mà bỏ quên con người trong hoàn cảnh này thì đều dởm cả, cho dù nó mang danh cái gì. Đạo Phật là đạo từ bi, cứu khổ. Thương người được, cứu nguy cho người được thì mới đại diện được cho đạo Phật. Chữa vết thương trước rồi mới tìm nguyên nhân sau. Đằng này vết thương không chữa, nguyên nhân không tìm thì làm sao cứu khổ, làm sao hộ quốc an dân? Còn “im lặng” thì chúng ta có muốn thi gan thế nào cũng không vượt qua được gỗ đá. Nói về sự “im lặng thông thái” để lấp liếm sự thật thì chỉ là ngụy biện. Đáng tiếc người ta thường núp sau nó để bắn tỉa. Có nghĩa rằng bên ngoài thì im lặng nhưng bên trong thì lại vô cùng ồn ào về danh lợi. Có chức vụ mà cầu toàn bằng thái độ im lặng cũng là một dạng biến tướng của ồn ào.
Sen Việt: Thầy nghĩ gì về phản ứng của thiền sư Nhất Hạnh?
Trước khi trả lời vấn đề này, chúng ta phải tỉnh tảo để nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh. Với vụ Bát Nhã tôi cho rằng ban đầu là mâu thuẫn về lợi ích, khi con người cá nhân không chiến thắng được tự ngã, biểu hiện rõ nhất của nó là tham dục.
Những phát biểu của thiền sư Nhất Hạnh trước đó với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã được thầy Đức Nghi và đệ tử khai thác tối đa, và nếu có một cá nhân nào đó ở bên ngoài xúc xiểm, bảo kê thì sẽ trở nên nguy hiểm. Từ đó dẫn đến tình trạng sống trong đối phó và để ý việc làm của nhau. Người xưa đã nói “yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Vài phát biểu bất mãn của tu sinh cũng sẽ bị gán vào động cơ “làm chính trị”. Đó là cái cớ tốt nhất để thầy Đức Nghi và đệ tử Đồng Hạnh khai thác, chỉ điểm, nên tai mắt của chính quyền cũng bị họ tung hỏa mù mà phức tạp hóa tình hình. Người yếu thì thường hay sợ bóng, sợ gió. Tôi nghĩ, vấn đề “sư tử trùng thực…” mới là nguyên nhân của pháp nạn. Nếu sự “tấn công” đến từ bên ngoài thì không áp lực nào có thể đè lên người thầy Đức Nghi được.
Tôi nghĩ, thiền sư Nhất Hạnh đã gửi nhầm địa chỉ. Việc trước mắt là đối thoại để hàn gắn tổn thương. Nhà nước họ cũng đã nói: “Nếu trụ trì nào có thiện ý muốn bảo lãnh những tăng ni tu theo pháp môn Làng Mai đến nơi tu tập mới thì phải tiến hành các thủ tục đăng ký với tổ chức Phật giáo địa phương và chính quyền nơi đến”. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt nếu họ làm đúng như những gì họ nói.
Phản ứng có chừng mực của thiền sư Nhất Hạnh như vừa qua là rất khôn khéo. Không nên phức tạp hóa vụ việc một cách không cần thiết. Thiền sư vẫn có cơ hội để đóng góp cho quê hương. Sự trở về của thiền sư trong những lần trước đã nói lên thiết tha đó. Cá nhân tôi cũng có góp ý rằng, một số phản ứng trên một vài trang mạng về vụ Bát Nhã đã đi quá, nếu không muốn nói là ngăn chặn con đường của Làng Mai.
Sen Việt: Như vậy, phản ứng của trí thức về vụ Bát Nhã có ảnh hưởng gì tới tương lai của Làng Mai không?
Tôi cho rằng có ảnh hưởng, nhưng là ảnh hưởng tích cực. Chúng ta phải cám ơn những trí thức ấy khi họ dũng cảm nói lên sự thật để bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền mưu cầu hạnh phúc. Các tu sinh họ rất hạnh phúc khi được sống trong đoàn thể giàu yêu thương như vậy. Họ là những hạt giống tốt của xã hội. Chúng ta phải che chắn, ươm mầm cho họ phát triển, không nên trù dập, chia rẽ họ.
Sen Việt: Theo thầy ai là người trong Giáo hội sẽ có một tiếng nói có trọng lượng để bảo đảm cho các sinh hoạt Làng Mai tại Việt Nam?
Chúng ta có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Hướng giải quyết ở đây chủ yếu nằm trong các vị ở Ban Thường trực HĐTS. Vì vậy tôi cho rằng, Ban thường trực nên cử ra một vị chuyên trách về Làng Mai, để theo dõi tình hình tu tập của họ. Tôi nghĩ vị trí thích hợp nhất thuộc về vị nào giữ trách nhiệm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế. Vị này sẽ toàn quyền triệu tập nhân sự, đảm bảo cho vai trò chuyên trách của mình. Nếu Làng mai có biểu hiện vi phạm pháp luật thì cứ vị này mà làm việc. Với vấn đề Làng Mai, Giáo hội phải vừa đối nội vừa đối ngoại. Giáo hội có quan trọng về mặt đối ngoại hay không thì cũng phải có một người giữ gìn uy tín cho Giáo hội. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng làm sai thì Giáo hội phải có trách nhiệm làm đúng để giữ vững niềm tin của quần chúng. Tu sinh Làng Mai ngay từ đầu đã trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý vì vậy không thể thoái thác trách nhiệm.
Thực tế pháp môn Làng Mai chiếm được nhiều cảm tình trong giới trẻ là học sinh, sinh viên, giới trí thức và cả doanh nhân nữa. Đó là hạt nhân để phát triển đạo Phật. Chúng ta vừa giữ gìn bản sắc vừa cần sự sáng tạo, sự phong phú và đa dạng. Nên tránh dùng từ “Giáo hội” đối với Làng Mai, dùng như vậy là chúng ta có động cơ chính trị không trong sáng. Đạo Phật có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, chúng ta đếm thử xem Việt Nam có bao nhiêu pháp môn? Pháp môn Làng Mai là pháp môn “made in Việt Nam”, có ảnh hưởng thế giới, rất đáng tự hào.
Sen Việt: Chính quyền họ có đồng ý với những cách giải quyết như vậy không?
Vấn đề đã quá rõ. Chúng ta cần tỉnh táo, phải hạn chế những bức xúc thuộc về cá nhân. Ai cũng thừa nhận rằng, một số thông tin mà họ đưa ra là không khách quan về diễn biến Bát Nhã, bởi sự thực đã có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Nhưng cá nhân tôi xem đó là vấn đề “phép vua lệ làng”, vấn đề “nước xa không chữa được lửa gần” và vấn đề liên quan đến tham nhũng, lạm quyền.
Tôi nghĩ họ đẩy về phía vấn đề “nội bộ” là họ gián tiếp bật đèn xanh cho Giáo hội, để Giáo hội giải quyết vấn đề “nội bộ”. Sự việc đã ra công luận và quốc tế rồi thì không thể nói chơi được. Và đã là “nội bộ’ thì Giáo hội có toàn quyền danh chính ngôn thuận để y pháp, y luật giải quyết. Vi phạm đến đâu giải quyết đến đó, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đưa ra pháp luật giải quyết. Việc Thượng tọa Thích Thái Thuận bị đánh trọng thương, tôi cho rằng cần phải lập hồ sơ khởi tố hành vi đánh người gây thương tích để làm gương về sau.

Sen Việt: Thầy có nhận xét gì về công văn 307 của UBND tỉnh Lâm Đồng?  

Công văn đó có nhầm lẫn khi ghi ngày 02 tháng 4 năm 2009 do Phó chủ tịch Dương Kim Viên ký. Nhưng trong đó nội dung mục 2 lại ghi: Chấp hành công văn 1329/TGCH-PG ngày 29/10/2009. Tuy nhiên, công văn đó chỉ yêu cầu “chấm dứt việc tổ chức khóa tu đầu tháng” chứ không phải là buộc họ phải chấm dứt tu tập hay trục xuất họ ra khỏi tu viện Bát Nhã.

Sen Việt: Thầy có nghĩ rằng qua vụ việc Bát Nhã, Giáo hội sẽ xảy ra chia rẽ?
Tôi nghĩ vấn đề chia rẽ nội bộ là vấn đề của mọi thời. Quan trọng là sự tự điều chỉnh. Nhiều vấn đề khúc mắc trong Giáo hội, đặc biệt là khu vực quản lý Giáo hội ở miền Nam đã dần lộ ra những khiếm khuyết, yếu kém của nó. Đó là một kinh nghiệm cần thiết để các bên liên quan nhìn nhận lại. Trong lịch sử, một vụ án nhỏ từ một huyện nhỏ, nhưng có thể cho ra một bài học lớn của quốc gia. Có những điều vua cũng không giải quyết được nếu sự việc bị đẩy đi quá sâu và quá rộng. Tôi nghĩ cách điều hành của Giáo hội hiện nay sớm muộn thì cũng xảy ra chuyện, không chỉ riêng đối với vấn đề Làng Mai. Cho nên tôi nghĩ thà xảy ra sớm còn hơn xảy ra muộn. Cơ hội điều chỉnh còn nằm ở phía trước.
Tôi từng biết có một vị Hòa thượng phát biểu: “Phật giáo Việt Nam đi chung con thuyền với dân tộc. Đồng hành có thể không bảo vệ nhau nhưng đi chung con thuyền phải bảo vệ nhau, thuyền đắm thì cả hai đều đắm. Điều này là sự thật, là lịch sử, chứ không phải là miễn cưỡng”.
Qua vụ việc Bát Nhã, tôi đặc biệt chú ý đến từ “bảo vệ nhau”. Có hay không chưa nên vội vã kết luận. Ai có thể đại diện cho Phật giáo Việt Nam ngồi vào con thuyền ấy? Tôi mong người trí thức Phật tử quan tâm đến tiền đồ dân tộc và Phật giáo sớm cùng ngồi lại với nhau để trả lời câu hỏi này.
Sen Việt: Trong quá trình theo dõi vụ việc Bát Nhã, cá nhân thầy có đề nghị giải pháp nào không?
Ngay từ đầu tôi đã viết Thư ngỏ gửi các vị lãnh đạo nhà nước đề nghị mở lòng khoan dung mà cưu mang họ. Tôi cũng đã đi thực tế tại Bát Nhã ngay sau khi xảy ra vụ việc. Tôi nghĩ đẩy người đi thì không khó nhưng gọi người trở về thì không dễ. Chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam là kêu gọi đoàn kết các thành phần dân tộc, kêu gọi kiều bào trở về đóng góp công sức trí tuệ cho quê hương, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó nhà nước nên tăng cường vai trò của Giáo hội trong việc giải quyết vấn đề “nội bộ” Bát Nhã.
Cá nhân tôi xin có những đề nghị như sau:
1. Giáo hội nên xem xét xử lý thầy Đức Nghi và Đồng Hạnh theo đề nghị của Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng. Sau đó Ban Trị sự cần lập hồ sơ để khởi tố trước pháp luật hành vi đánh người gây thương tích đối với các cá nhân có liên quan.
2. Đề nghị Chính quyền điều tra những kẻ nào đã tự ý vào trục xuất, đánh đập, nhục mạ, cướp tài sản của tu sinh Làng Mai vào ngày 27/9/2009 để xử lý. Người “Phật tử” không bao giờ đánh chửi quý thầy và quăng liệng kinh sách. Nếu đúng là Phật tử của thầy Đức Nghi, Đồng Hạnh thì yêu cầu Ban Trị sự không coi đó là những Phật tử, không cho phép đến chùa trực thuộc Giáo hội dưới bất cứ danh nghĩa gì.
3. Yêu cầu Ban Trị sự tạm thời rút giấy phép bổ nhiệm trụ trì đối với thầy Đức Nghi và vai trò của thầy Đồng Hạnh trong tu viện Bát Nhã, cử một Ban Quản trị trong đó có một vị lãnh đạo trong Ban Trị sự tỉnh Lâm Đồng để điều hành tu viện, không để cho tê liệt, đồng thời tránh tạo tiền đề không tốt đối với các tu viện, chùa khác trên cả nước.
4. Cần xem vụ Bát Nhã là gương điển hình cho vụ việc làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh và uy tín của Giáo hội. Vì chắc chắn đây là một vụ việc sẽ đi vào lịch sử Giáo hội.
5. Tu viện Bát Nhã có vốn đầu tư rất lớn. Đề nghị Làng Mai hoàn tất các hồ sơ thủ tục pháp lý để tiến hành giải quyết dứt điểm vụ việc trên cơ sở pháp luật Việt Nam.
6. Vì vốn đầu tư lớn, nên yêu cầu nhà nước mở một cuộc điều tra cấp nhà nước xem có lo lót, chạy trọt để tiến hành lũng đoạn tu viện Bát Nhã với ý đồ chiếm dụng tài sản đầu tư của Làng Mai hay không, nhằm thể hiện tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật Việt Nam, tạo sự tin tưởng đầu tư xây dựng quê hương của Việt kiều và các tổ chức quốc tế.
7. Đề nghị làm rõ vụ việc vì sao đó là “mâu thuẫn nội bộ” giữa tu sinh Làng Mai và thầy Đức Nghi ở tu viện Bát Nhã, nhưng chính quyền không có bất cứ hành vi can thiệp nào nhằm bảo vệ sức khỏe, danh dự và nhân phẩm cho họ. Không những thế khi họ sang tạm lánh nạn tại tu viện Bát Nhã (theo đúng quyền được lánh nạn khi có sự truy bức của bọn lưu manh, côn đồ) thì chính quyền lại làm ngơ. Phải chăng chính quyền và bọn lưu manh là một, toa rập với nhau để bạo hành tu sinh. Nếu xảy ra xô xát tại chùa thì Chính quyền trước nhất phải đến dẹp yên những kẻ đó, đằng này tu sinh lại trở thành tội phạm. Nếu là nội bộ chùa Bát Nhã vậy khi họ ra khỏi chùa Bát Nhã là đã đạt mục đích, tại sao chính quyền lại sang chùa Phước Huệ yêu cầu trục xuất tu sinh ngay trong ngày 28/9/2009. Trách nhiệm cá nhân của vụ việc đáng xấu hổ này thuộc về ai?
8. Về phía Làng Mai nên giữ thái độ bình tĩnh vốn có, liên hệ chính thức với Trung ương Giáo hội để đề nghị giúp đỡ vì Trung ương Giáo hội là người bảo lãnh cho pháp môn Làng Mai tại Việt Nam.
9. Những vấn đề liên quan đến vật chất, tiền bạc nên sử dụng luật sư để đưa vấn đề ra trước pháp luật nếu vụ việc không được giải quyết ổn thỏa, thấu tình đạt lý.
10. Quyền được tu tập theo pháp môn Làng Mai là quyền tự do tín ngưỡng căn bản của mọi công dân. Pháp môn Làng Mai là pháp môn tích cực được thế giới công nhận. Nhà nước Việt Nam cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tại Việt Nam. Mọi công dân đều có quyền tạm trú ở bất cứ đâu để sinh sống. Vì thế mọi sự vận động tu sinh trở về quê là trái với Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo.
11. Qua vụ việc, Giáo hội cần nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của mình trong việc ra các văn thư, quyết định. Cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, Hiến chương Giáo hội, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Luật dân sự để biết mình có quyền và lợi ích hợp pháp như thế nào trong việc chính danh bảo vệ hình ảnh, uy tín của mình khi bị xúc phạm.
Sen Việt: Thầy có chia sẻ gì với tu sinh Làng Mai không?
Cá nhân tôi rất khâm phục họ. Chỉ mới có mấy năm tu tập ở Bát Nhã mà họ đã có những tiến bộ tinh thần rất rõ nét. Vững chãi duy trì trạng thái bất bạo động. Họ đã bảo vệ được hình ảnh của chính họ và làm đẹp cho tinh thần từ bi, khoan dung của Phật giáo. Họ thật hạnh phúc khi được Ôn Phước Huệ che chở cưu mang.
Sen Việt: Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thực hiện: Các thành viên không đầy đủ của Nhóm Sen Việt


4 nhận xét:

  1. Xin cảm ơn Sen Việt, cảm ơn sư phụ Thanh Thắng đã cho mọi người hiểu thêm về vụ việc Bát Nhã. Cách trả lời của thầy thật thẳng thắn, đi vào trọng tâm vấn đề, gợi mở nhiều điều, giải pháp thích hợp, nói chung bài phỏng vấn rất lôi cuốn người đọc.

    Trả lờiXóa
  2. Bài phỏng vấn và cách dẫn nguồn tư liệu của Sen Việt thật thuyết phục. Tôi nghĩ nên gởi bài viết này cho chánh quyền tỉnh Lâm Đồng và bà Nguyễn Phương Nga đọc. Trả lời của thầy Thanh Thắng thật mạnh mẽ. Chúc Nhóm Sen Việt ngày càng phát triển, mang đến cho độc giả nhiều bài viết thú vị hơn nữa.
    Trân trọng,

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cho rằng từ cấp Ban, cụ thể là Ban tôn giáo CP trở xuống là đúng. Công văn của họ như ra lệnh, có chút nào tôn trọng Phật giáo đâu. Trong vụ này đáng trách nhất phải kể đến các công văn do ông Thích Thiện Nhơn ký, rất ư là ba sàm, ba láp.
    Tôi thấy vụ Bát Nhã vừa xảy ra thì Giáo hội trao bằng công đức (bạo hành), đánh phá cho Phật giáo “phát triển mạnh” của Nguyễn Thế Doanh. Ông Thích Thiện Nhơn có thể đã bị ông Thích Thanh Tứ chỉ đạo. Pháp nạn chính là “Con trùng trong con sư tử mới là thủ phạm đích thực giết chết con sử tử”. Đáng buồn thay nó lại xuất hiện trong thời điểm mà “Giáo hội ta” đang rất phát triển. Lịch sử đã có một Lê Ngọa Triều, một Ngô Đình Diệm nay đang rõ dần một, hai, ba, bốn Thích… gì gì đó.

    Trả lờiXóa
  4. xem lại công văn mà ông Đức Nghi xin cho Làng Mai tu tập, gởi đi đâu ? Ai có đã cấp và ai đã không cấp thì sẽ rõ thêm sự dính líu trong đó. Ông Tướng Trần Tư cần phải phỏng vấn ổng xem thế nào??? Nếu thật sự Ông tướng thì ông tướng chịu tội nhà nước sai, còn không thì ông Đức Nghi tội nặng à nha, dám vu khống vị tướng và chính quyền đàn áp tôn giáo à?

    Trả lờiXóa