Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

NGỒI YÊN TRONG MƯA




Cơn bão số 9 đổ ập vào các tỉnh bắc trung bộ Việt Nam, từ Huế đến Quãng Ngãi bị tàn phá nặng nề, cướp nhiều mạng sống người dân quê. Các ban ngành đoàn thể, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đều thương cảm cứu giúp “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”. Tai nạn do thiên nhiên môi trường gây đau thương cho nhiều người vì mất nhà cửa, tài sản ruộng vườn, mất những người thân yêu vĩnh viễn. Tại vùng cao nguyên này, huynh đệ của tôi gần 400 người cũng bị đoạt mất nơi mà họ đã từng an vui tu học, ngôi nhà tâm linh đầu tiên bị xoáy nát bởi cơn lốc si mê tham vọng, lạm dụng quyền hành. Tài sản của họ không phải là nhà của ruộng vườn. Tài sản của họ là lý tưởng cao đẹp, là ba y và một bình bát. Đơn giản thế, nhưng vẫn bị đoạt mất. Y áo bị xé rách, bình bát khất thực bị đập nát. Ai đã nhẫn tâm tước đoạt  những quyền căn bản nhất của con người?

Hai đêm vừa rồi, sau giờ công phu tối (hai bốn, hai lăm tháng chín), 10h00’ hơn mười anh công an sắc phục lẫn thường phục bất chợt đi vào kiểm tra cư trú, các vị ấy cho rằng các thầy cô cư trú bất hợp pháp vì không còn được chủ hộ bảo lãnh. Các anh lập biên bản tịch thu thẻ căn cước của hai thầy (Pháp Vinh, Pháp Bối) và mời hai thầy ra Ủy Ban Nhân Dân xã Đambri làm việc cho đến xế chiều. Hai thầy về đến tu viện vào lúc 15h, trong tình trạng mệt lã vì đói. Công an thuyết phục hai thầy nên về địa phương và  báo tin mai đây Phật tử sẽ tấn công Bát Nhã.


Đêm sau, những căn phòng còn lại tiếp tục bị công an giật cửa dọa nạt: “Các thầy không cộng tác với chúng tôi, ngày mai chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh hơn”. Huynh đệ không ai nhắc ai, tự nhiên tập trung ra hết ngoài hiên, đêm tối không nhìn rõ mặt người, chỉ nhận diện nhau qua tiếng nói. Công an xã  lùa các thầy từ hiên trước ra hiên sau, từ lầu một đến lầu ba, và cứ thế quanh quẩn xuống lên như chơi trò cút bắt trong bóng tối. Họ dí các thầy chạy nấp vào bụi chè, nằm áp sát mặt xuống đất, họ quất đèn pin xục xạo tìm kiếm khắp nơi. Một anh công an tức giận chưởi thề: “Đ. mẹ, nó có đào đường hầm nên chạy nhanh thế!”, một anh khác thốt lên: “Tu gì như chúng mày, làm mất an ninh trật tự, về nhà cưới vợ quách đi”. Cứ vậy, cứ thế, một lúc sau các anh quay về phía chánh điện trong cơn hậm hực. Thấy vậy, huynh đệ lặng lẽ ai về phòng đó nhưng trong lòng không yên tâm; biết đâu đêm này công an ập vào bất chợt, còn đêm mai đêm mốt và những đêm sau cứ mãi thế này sao?


Xin biết cho, thủ tục đăng ký tạm trú đã được các thầy cô thực hiện nhiều lần và gần nhất là vào những ngày đầu tháng chín, theo lời hướng dẫn của cán bộ phụ trách cư trú. Các cán bộ có hứa chính quyền sẽ tạo điều kiện. Nhưng lời hứa chỉ là giải pháp xoa dịu như người bị đau bụng thì  việc đầu tiên là dùng dầu gió xoa lên bụng, nhưng bụng không đau vì gió mà vì ruột thừa.

Tu Viện Bát Nhã 9 h 02’ ngày 27.9.2009
Căn phòng B1 nằm trên tầng hai Tăng xá xóm Rừng Phương Bối là nơi các thầy Tỳ Kheo thường tiếp khách và trao đổi thời khóa tu học. Tại căn phòng này nhiều sư huynh lớn bị ép buột ra đi vì không được phép cư trú. Bây giờ căn phòng trở thành tiêu điểm đánh phá đầu tiên.


Từ trong phòng nhìn qua khung cửa kính hướng về phía rừng thông, trai đường, hàng loạt người xông tới. Người vội vã cống cuồng, kẻ bịt khẩu trang, mũ bảo hiểm, áo mưa, gậy gộc, xà ben, búa lớn, v.v… giống như một đoàn quân ô tạp xông pha trận chiến. Tầng một, tầng hai, tầng ba vang tiếng chửi bới thô thiển nhất. Những người này là “Phật tử”chùa Bát Nhã thật không? Họ gọi các thầy bằng những danh xưng mà những người cực đoan khủng bố khi nghe thấy cũng chạnh lòng: “Thằng này, con kia…ra đây tao giết chết. Hôm nay chúng mày phải dọn đồ đi, chúng mày không được phép ở đây, thời hạn chúng mày đã hết, hãy mau cút khỏi nơi này vì đây là chùa của sư phụ tao!”. 

Trên tầng ba tiếng giật cửa ầm ầm, tiếng loảng xoãng từ ô cửa kính bung ra, những tấm bồ đoàn tọa cụ từ trong thiền đường bị quăng tới tấp xuống sân.  Bàn ghế rương tủ ngã nghiêng: “Chúng mày có mở cửa ra không? Tu gì mà lỳ lợm thế, đuổi không đi. Chúng mày đừng để tao phải dùng bạo lực”. Trong mỗi phòng huynh đệ tôi ngồi yên bất động, mặc cho sự tàn bạo vây bủa quanh mình. Một cánh cửa bung ra, hai cánh cửa bung ra, và cứ thế những căn phòng khác trở nên tan hoang… Họ ùa vào hùa nhau đập cửa. Công an đâu, chính quyền đâu, các ngài ở đâu sao không đến?


Huynh đệ tôi bị lùa ra khỏi phòng mà chưa kịp mang theo những gì ngoài tấm y. Có thầy ngồi trong tư thế kiết già chấp tay niệm Phật, họ lao vào xé y và lôi kéo từ tầng ba xuống đến sân. Thân thể thầy bị trầy xướt, tấm y vàng nhuộm màu bùn đất nhưng đôi chân thầy vẫn trong tư thế hoa sen.


“Thôi! Thầy xin các vị đừng chưởi mắng nữa. Làm vậy không nên. Các vị ra khỏi phòng để thầy có không gian mà thu xếp y áo”. Ẩn chứa trên những gương mặt kham khổ, hóc hác là sự lam lũ nhọc nhằn đáng thương của người dân bị ai đó lợi dụng và kích động. Tuổi của họ đáng là cha mẹ, là  anh chị em của các thầy cô. Họ cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Họ giận giữ lắm nhưng nhìn sâu vào khóe mắt, có những người đã khóc. Họ khóc vì đâu?


“Chúng tôi cho các thầy năm phút, các thầy phải rời khỏi Tăng xá này”. Ngoài trời mưa dồn dập. Từng thầy từng chú bị lôi ra ngoài sân. Mưa trút xối xả xuống mái nhà. Từng đôi dép bị quăng ra xa. Huynh đệ co cụm vào nhau thành từng nhóm. Tiếng đập phá mỗi lúc thêm dồn dập. Hàng loạt thanh niên xông lên theo chỉ thị của vài người đàn ông đứng tuổi: “Hãy xông vào túm lấy nó! Thằng nào không đứng dậy cứ làm thẳng tay. Tụi này là lũ bán nước hại dân, ăn tiền của nước ngoài để chống phá chế độ.” Những người thanh niên lạ mặt xông vào kéo tay, ôm cổ, lôi chân từng thầy một.  Phụ nữ cũng xông vào cùng chung động tác. Và cứ thế, huynh đệ tôi ngồi yên để hứng chịu nhiều trận cuồng phong, thà chết chứ không rời bỏ chốn này.


Từ trên cao nhìn xuống, một số thầy đã bị lôi ra ngồi giữa sân. Sư anh lớn ngồi rất yên, vững chãi. Trong tư thế hoa sen đôi mắt sư anh khép lại, xung quanh là những sư chú tuổi mới mười lăm, hai mươi cũng ngồi yên như thế. Huynh đệ ngồi rất lâu, mưa ướt đầu ướt áo, ướt thấm y, lạnh và đói lắm. Nhóm người bạo hành kéo xuống bao vây, họ đứng lên trên mái hiên, núp dưới khóm cây để tránh mưa, từng chiếc dù xanh đỏ căng ra, người qua kẻ lại mặc tình chửi mắng. Bên hiên cốc Tùng Xanh là máy quay phim cỡ lớn được đặt đúng vị trí, đang chĩa ống kính quay về phía huynh đệ đang ngồi.


Một số thầy khác còn bị kẹt trong Tăng xá nên dồn hết vào phòng B1, cửa trước cửa sau bị tháo gỡ, gió lùa vào lạnh buốt. Đồ đạt sách vỡ  máy móc trong phòng bị gom về một chỗ, họ chế nước vào máy các thiết bị điện tử để hủy hoại. Huynh đệ bên nhau im lặng chấp tay, họ tiếp tục xông vào cửa sau, cửa trước: “Đây là thằng đầu đàn, lôi cổ thằng này ra đánh bỏ mẹ. Chúng mày ra không? Thanh niên đâu vào lôi cổ bọn này đây này. Đồ cướp chùa, bán nước”. Thế là họ nhào vào dùng những bàn chân lao lên ngực, lấy tay tát vào mặt. Đau lắm nhưng đành chịu. Sư em tôi ngồi bên khóc rưng rức, từng tấm y vàng phủ cho nhau để cùng chia sẻ hứng chịu cảm giác đớn đau trong thân thể: “Các người không có quyền đánh đập anh em tôi, các người không được xúc phạm anh em tôi”. Gỗ đá cũng biết đau nhưng với nhóm người này dường như vô cảm. Và cứ thế họ mặc sức bạo hành không thương tiếc. Niềm đau không tên gọi lần đầu tiên có mặt trong đời. Nhiều kỷ niệm trong mái chùa này không thể nói hết, không thể nhớ hết nhưng cũng không thể quên đi một cách dễ dàng.


Trưa nay huynh đệ tôi không có một hạt cơm trong bụng. Thân thể đói mềm, run vì thấm nước. Nhà bếp không lên khói mà chỉ toàn sương. Ngồi ngoài mưa nhìn xuống xóm Bếp Lửa Hồng, nhìn về Mây Đầu Núi, không biết các sư em nữ rồi sẽ ra sao? Trưa nay có ăn chút gì không? Nhìn ra công trường Bông Hồng Cài Áo, hai em bé lìa tay mẹ úp mặt xuống đất, lăn lóc trong mưa.


Có thể ngày nay và mãi về sau Bát Nhã trở thành huyền thoại.


Người viết: Thích Quảng Kim, Thích Tâm Lạc, Thích Tâm Hỷ

1 nhận xét:

  1. Cứ ngỡ chuyện trong phim ảnh. Ai ngờ trong thực tại đời thường. Ai đứng đằng sau chỉ đạo vụ bạo hành này, có còn lương tâm, có còn là người nữa hay không?

    Trả lờiXóa