Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

SOS AN TOÀN CHO CÁI ĐẸP, CÁI THIÊNG



Những giá trị thiêng liêng luôn hiện diện chung quanh cuộc sống chúng ta, không có gì là vô hồn, vô cảm. Đó là điều chúng ta luôn luôn phải học dù có buồn bã biết rằng nhận thức về việc sống chung với thiên nhiên, tôn kính các giá trị thiêng liêng, tự trọng với phẩm hạnh con người trong xã hội chúng ta vẫn đang ở trình độ vỡ lòng…

Từ chuyện “chiếu trải không ngay không ngồi”…


“Chiếu trải không ngay không ngồi”, 25 thế kỷ trước Khổng Tử đã là một người khách “kiêu” khi phát biểu như thế. Nhưng đó là cách ông làm cho dân chúng tiếp cận được với lễ, cũng như tôn trọng giá trị nhân cách trong quan hệ ứng xử. Điều này nhấn mạnh đến lòng tự trọng, mà lòng tự trọng thì gắn liền với nhu cầu được tôn trọng. Không có những chuẩn “ngay thẳng” trong cuộc sống hàng ngày, con người sẽ trở nên tùy tiện, dễ dãi, “mười tám cũng ừ, mười tư cũng gật”.

“Ra oai” về lòng tự trọng trong việc nhỏ trải chiếu ngồi như thế cũng đáng để cho người đời suy ngẫm. Thời đại nào cũng có những biểu hiện “không ngay” trong ứng xử. Nhưng người trải chiếu đã “ngay” thì dĩ nhiên người đến ngồi cũng không thể không “ngay” được. Chủ khách cùng “ngay” đó là tương kính. Tương kính là cùng kính trọng nhau, lắng nghe nhau, hiểu nhau và đối xử tốt với nhau.

Khổng Tử còn nói thêm: “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (nén mình theo lễ là nhân). Từ quốc vương đến dân thường đều phải theo lễ. Theo lễ thì cần phải hiểu quốc pháp có “ngay” thì gia quy mới “ngay”, và gia quy có “trật tự” thì quốc pháp mới “trật tự”. Hai cái “ngay”, cái “trật tự” ấy bổ sung cho nhau thì đặt đâu cũng có thể đàng hoàng mà ngồi, mà nói chuyện tử tế với nhau được.

Nén mình theo lễ chẳng phải do sợ lễ mà vì kính trọng sự trang nghiêm. Trang nghiêm không chỉ ở những chỗ có thờ cúng, vái lạy. Trang nghiêm từ việc trải chiếu cho ngay. Trang nghiêm là phải chăm chút từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, cái mà người ta luôn nhắc nhở về sự tương quan giữa nội dung và hình thức.

Cái chỗ ngồi đã cần phải ngay thẳng như vậy rồi, thì cái chỗ ở cho đến tâm tính lại càng cần ngay thẳng nhiều hơn. Càng ngay thẳng thì càng trang nghiêm. Nói đến trang nghiêm là nói đến thể diện, thể diện ấy có sức mạnh hơn cả vũ lực. Kinh Kha là một kiếm khách đệ nhất, có nhiều huyền thoại về việc làm thích khách của mình. Một lần, Kinh Kha tìm mọi cách đột nhập vào cung để mưu sát Tần vương. Nhưng Kinh Kha đã thất bại, không phải vì võ công của mình mà vì sự uy nghiêm cẩn mật của triều đình. Bước vào trong triều, thấy cung điện hùng vĩ nguy nga, nghi trượng uy nghiêm, văn võ hai hàng kính cẩn, y phục, lễ nhạc phô bày, Kinh Kha đã run từ trong ruột run ra. Chính sự uy nghiêm mà Tần vương thiết lập đã cứu sống ông ta.

Vậy ra, không chỉ có người tự biết nén mình theo lễ mà lễ (được đặt đúng chỗ) cũng khiến cho người phải nén mình. Bỏ hai điều này đi thì xã hội mất trang nghiêm, con người mất tự trọng. Nén mình theo lễ chẳng phải là hành vi nhục nhã gì, vì ai cũng biết trải cái chiếu mình ngồi cho thật ngay thì sẽ làm đẹp cho cái lễ chung của xã hội. Khi đã ngồi vào đúng chỗ ngồi của mình, đứng vào đúng chỗ đứng của mình thì phải ý thức sửa mình cho ngay, cho thẳng. Bởi vì cái chiếu ngay chỉ nên dành cho người ngay ngồi, nếu không thì sẽ phỉ báng vào cái chiếu, phụ cả lòng người trải chiếu.

Nói đến chữ “ngay”, vua Trần Nhân Tông nhắn nhủ: “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”. Trượng phu thì phải “ngay”, phải “thảo”, đừng hai lòng bốn dạ với nước, với dân. Giữ được cái “ngay” ấy thì không ai khinh mình mà phải nhục nhã. Cứ tưởng rằng người lươn lẹo hóa ra mình cũng không ngay. Không ngay vì không tìm thấy giá trị chung của lễ, không thể trang nghiêm mình. Dĩ nhiên, không trang nghiêm được mình thì cũng không trang nghiêm được người. Mọi người không thể trang nghiêm cho nhau thì lòng người rối loạn. Các giá trị không thể cùng trang nghiêm thì xã hội mạnh ai nấy sống, dẫn đến tranh quyền đoạt lợi, nghĩ ích cho riêng bản thân mình.

Muốn trải cái chiếu cho ngay cũng phải tập mà để tâm, để ý. Muốn nói một lời cho thẳng cũng phải luyện phải rèn. Xem phim Nhật Bản, Hàn Quốc người ta thấy cái trật tự tôn ti cao thấp được thể hiện trong gia đình rất rõ, từ chỗ ngồi, chỗ nằm, chỗ ăn cho đến cách chào hỏi, thưa gửi… Họ làm phim giải trí nhưng rất ý thức về việc khuyến khích cái văn hóa biết “ngay”, biết “chính” từ những việc nhỏ có “chuẩn” và rất tế nhị.

Người Việt thường nhìn cái nếp ăn, nếp ở qua cái bếp, xem cái bếp có sạch, có gọn gàng ngăn nắp hay không mà đoán tính tình, đoán việc làm của người phụ nữ, những người được gọi là “xây tổ ấm” trong gia đình. Có nghĩa rằng, những giá trị sống cần phải được xem xét, coi trọng ở từng cấp độ nhỏ. Giáo dục trẻ nhỏ, người làm cha mẹ, thầy cô càng nên chăm chút như thế. Một đứa trẻ khi được nhận quà của người khác có biết nói lời cảm ơn không? Một đứa trẻ khi làm lỗi với bạn có biết nhận lỗi và xin lỗi không? Một đứa trẻ khi nhìn thấy các bạn mình nghèo hơn mình có khởi lòng thương không? Một đứa trẻ khi nói dối biết hổ thẹn không? Một đứa trẻ có thản nhiên hưởng cái mà mình không đáng được hưởng hay không?... Đó là những giá trị căn bản để đứa trẻ ngay thẳng, lề nếp mà lớn lên, bởi bé không vin (ngay), thì cả sẽ gẫy cành, sẽ đánh mất lòng tự trọng.

Vin (ngay) không phải là ràng buộc vào một trật tự giáo điều mà là hướng đến một cái trật tự được mở ra bởi lòng tự trọng và tương kính. Thầy trò tương kính thì thầy ra thầy, trò ra trò, lớp nang ngay ngắn. Vợ chồng tương kính thì gìn giữ, bảo vệ cho nhau. Anh em tương kính thì như chân với tay, rách lành đùm bọc.

Nhưng có lẽ vì ít quan tâm đến việc tự trọng, ngay thẳng nên những chuẩn làm người đã bị bỏ quên, và do vậy những ứng xử xã hội cũng trở nên tùy tiện “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Nói hay thì thật là hay, nhưng nói hay được thì nên làm cho hay. Đừng nói hay, nói phải mà việc làm thì không thấy hay, thấy phải đâu.

Lòng tự trọng bây giờ được đặt sau đồng tiền, vật chất. Nên vì một mảnh đất (được quy ra vàng) mà cha con, anh em có thể giành giật, hận thù, kiện cáo nhau. Vì muốn thoát khỏi cảnh khổ vật chất tạm thời mà nhiều cô gái Việt Nam bỏ đi lòng tự trọng đứng xếp hàng cho người Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore xem mặt, xem mũi và bỏ tiền ra cưới (mua) về làm vợ, không cần đến tình yêu, không cần phải hiểu biết về phong tục và văn hóa ứng xử. Đó là những sự thật mà người Việt có lương tâm và trách nhiệm không thể không giật mình thảng thốt.

… đến việc nhận thức cuộc sống là tương quan




Nói vòng vo tam quốc quanh một câu nói “chiếu trải không ngay không ngồi” của Khổng Tử để liên hệ về quãng đời mà tôi đã từng được thấy, được nghe về những giá trị tương quan trong cuộc sống.

Mẹ tôi thường nói, nếu biết ơn thì hãy biết ơn những người sống có tình, có nghĩa với hàng xóm, những người biết tự trọng, biết trắc ẩn trước nỗi khổ, niềm đau của mọi người.

Mẹ tôi kể về người hàng xóm hiền từ, nhân hậu, mọi người vẫn gọi thân mật là cụ cả Cung. Cụ đã mất cách đây hơn chục năm, nhưng ký ức về cụ không phai trong tâm trí mẹ tôi. Trong lời kể, tôi nhận ra những điều tuyệt đối kính trọng của mẹ tôi về một người hàng xóm đáng để phải nhớ lâu, đáng để phải đi kể lại cho con cháu nghe. Mẹ tôi bắt đầu câu chuyện bằng tình tiết: Không bao giờ hàng xóm nghe thấy cụ to tiếng với ai bao giờ, lúc nào cũng ân cần, nhỏ nhẹ. Trẻ con thường thích “của miếng chín”, nên mỗi khi thấy cây roi (trong Nam gọi là mận) nhà cụ có quả chín là chúng trèo tường để hái. Nếu tình cờ ra vườn, thấy trẻ con trèo hái, cụ vẫy tay nói khẽ “Cháu muốn ăn thì cứ trái chín mà hái, đừng hái trái xanh rồi bỏ phí không ăn được, hái xong từ từ mà xuống kẻo ngã nhé!”. Mặc dù gần 80 tuổi, nhưng cứ khi cất bước chân ra đường là cụ rất cẩn thận nhặt những viên gạch, đá to, cành cây hay những mảnh thủy tinh vỡ mà người ta vô tình vứt ra. Nếu là gạch đá to, cụ lăn nó vào bên vệ đường, nếu là những mảnh thủy tinh cụ nhặt bỏ vào túi đem về. Ai hỏi, cụ chỉ trách nhẹ một câu “Không biết ai vô ý thế này, mảnh thủy tinh mà vứt ra giữa đường đi nhỡ có ai giẫm lên thì khổ”.

Mỗi khi phải nghĩ cho người, tôi thấm thía cái câu “thì khổ” của cụ. Nghĩ lợi cho bản thân mình còn để khổ lại cho người, ai có thể mặt dạn mày dày mà làm được? Tôi từng xúc động khi bước chân vào bưu điện Chợ Lớn và chứng kiến một thanh niên khi dán tem vào phong bì thư. Lúc đó hồ dán được mọi người bôi bê bết trên bàn, anh thanh niên đó bèn cầm khăn ướt (mà mọi người đến dán tem đều “quên” dùng mỗi khi dán tem xong) lau sạch cái bàn, sau đó còn cúi xuống nhặt hết những mảnh giấy mà người đi gửi thư vứt xuống nền nhà. Thường thì lau dọn là công việc của những nhân viên vệ sinh trong bưu điện, nhưng nếu ai cũng có hành vi như anh thanh niên kia thì cái đẹp sẽ càng đẹp hơn và ứng xử xã hội của chúng ta cũng sẽ văn minh hơn rất nhiều.

Và điều trùng hợp đã đến với câu “chiếu trải không ngay không ngồi”. Tôi chứng kiến một cậu bé Tây lai, khi bước vào một quán ăn gần bãi biển Nha Trang, nhìn thấy những vỏ tôm, vỏ cua, xương gà, xương heo vứt dưới đất, cậu bé nhất định không bước vào quán. Tôi thấy lạ, bèn để ý, đứa bé nói một thôi một hồi bằng tiếng Tây, một người đi cùng hỏi: “Nó làm sao thế?”. Một người đàn ông, hình như là bố của cậu bé nói: “Nó bảo, sao nhà hàng của mấy người bẩn thế, xả rác bừa bãi! Tôi không vào đâu”. Đúng là “nhà hàng không sạch không vào ăn”.
Cậu bé trách nhà hàng cũng đúng, nhưng chỉ mới đúng có một nửa, bởi chủ yếu còn do chúng ta có những thực khách thiếu ý thức vệ sinh chung, cậy có tiền nên làm mình làm mẩy, nuôi dưỡng thêm thói quen gọi thức ăn như quát và xả rác. Người Việt có thể đóng cửa ăn chơi chung kiểu “hội tu kín” với nhau thì những việc xả rác xuống chỗ mình ngồi ăn là chẳng có bẩn mắt, khó coi gì cả, nhưng người ngoài nhìn vào (một đứa trẻ lai Tây thôi), đã thấy lộ ra những điều không ổn ngay từ việc ăn uống rồi.


Vì sao, giáo dục của ta không thể bắt đầu bằng những việc nhỏ như thế? Vì vốn dĩ chúng ta ít chuẩn bị cho con cái làm tốt, làm cẩn thận từ những việc nhỏ. Chúng ta vẽ ra cho con cái quá nhiều những chuyện bay bổng cao xa, làm chúng quên đi những giá trị thiết thực, gần gũi của cuộc sống để biết yêu cái đẹp, cái thiện… chung quanh mình.

Tôi lại nhớ đến mẹ tôi, mỗi khi dọn cơm, bao giờ cũng để phần tươm tất, phần ngon dành cho người về sau, về muộn. Mẹ tôi cho rằng vì người đi làm xa, hay đi về muộn thường mệt hơn người ở nhà nên phải phần những thứ ngon nhất. Khi ăn thì mẹ thường chọn phần đầu, phần đuôi của con cá, nếu ăn thịt gà thì chọn miếng nhiều xương để ăn trước, khi gắp ăn thì gặp miếng nào ăn miếng đó, không lật qua lật lại, gắp lên bỏ xuống hay chú ý chọn miếng ngon. Miếng ngon chỉ được chọn khi gắp cho người già và trẻ con trong nhà. Khi ăn xong thì cẩn thận gom thức ăn xếp bát, xếp đũa cho gọn gàng, phần xương, phần cơm thừa căn cạnh không thể dùng được nữa thì để riêng cho người xin nước vo gạo về nuôi heo. Đó là những bài học bổ ích cho cuộc sống của tôi.

Ông bà ta vốn nuôi dưỡng trong đầu ý thức đa thần, xem sông núi, ao hồ, đất đá, cây cối đều có linh thần. Muốn chặt một cành cây xanh trong nhà cũng thắp hương khấn vái, cầu xin thần cây cho phép, hay những người khuất mặt khuất mày nếu có ngự ở đó thì cũng hoan hỷ bỏ qua. Muốn sửa chữa nhà cửa, động đất ban nền cũng phải cúng Thổ Địa Long Thần, ông tiền chủ bà tiền chủ của khu đất. Nay người ta chặt rừng, phá núi, lấp sông, chiếm phá di sản không thương tiếc, dẫn đến việc tam tài (Thiên-Địa-Nhân) phân rã, tính ích kỷ của con người tăng trưởng.

Người xưa nói “nhất cận thị, nhị cận giang”. Dòng sông là thần minh, là nguồn sống, có nước tưới, có cá tôm… Ông bà ta xem dòng sông là thiêng liêng, mỗi khi có lễ hội thì thường phải ra sông múc nước giữa dòng về tế lễ. Cúng thần sông, thần suối để mong đi xa về gần bình an. Nhưng bây giờ những người sống gần sông thì giết chết sông bằng cách dùng điện, dùng thuốc nổ để bắt tôm cá, lấp sông, lấn dòng để mở rộng nhà cửa, có bao nhiêu rác thải sinh hoạt thì đều tiện tay ném hết xuống sông, xuống ao hồ, kênh rạch. Sông, cây, núi, đồi… không còn là “thần” nữa, vì nếu là thần sao người ta bất kính với thần như vậy?

Một tâm thức “xả rác” ăn sâu vào nhiều tầng lớp xã hội đến thế thì hỏi sao các công ty lại không thể tranh nhau xả nước thải độc hại ra môi trường. Người dân sống chung quanh những dòng sông có thực sự yêu quý những dòng sông hay không? Đó là sự mất giá quá lớn. Hệ quả đó là sự tắc trách của giáo dục gia đình và nhà trường. Phải thừa nhận rằng, chúng ta không có đủ một thế hệ điển hình biết yêu cái thiện, nâng niu cái đẹp từ những việc nhỏ trong cuộc sống, và nếu không có tình yêu thương với thiên nhiên, môi trường thì tình yêu thương đồng loại cũng sẽ mai một. Làm sao, chúng ta có thể trông thấy những điều hủy hoại ấy mà không đau. Đau thì phải tìm cách chữa, và trước khi chữa cho người cần chữa cho mình trước. Biết “đau” trước những điều trông thấy thì mới biết quý trọng sức sống của cái đẹp, cái thiện. Căn bệnh mãn tính của xã hội chúng ta là tùy tiện, ăn xổi ở thì, nghĩ lợi trước mắt, “vất rác (vào) nhà người”, nên chính chúng ta cũng đã giết chết cái đẹp theo cách ứng xử đó.

Người Thái có cái chắp tay, người Nhật có cái cúi gập đầu, người Hàn thì lạy khi viếng thăm ông bà, cha mẹ… Họ rất chú trọng đến các chuẩn mực ứng xử gia đình, xã hội. Xưa chúng ta vào chùa thì đi cửa bên, không đi vào cửa giữa, cách xa chùa còn dựng bia ghi chữ “hạ mã” để nhắc nhở rằng đến đoạn đường này phải xuống ngựa để tỏ lòng kính Phật. Chắc chắn không phải vì Đức Phật muốn nhận sự tôn kính của nhân gian, mà vì bởi người xưa có dụng ý muốn xã hội biết dẹp đi lòng nhân ngã để đề cao giá trị của cái đẹp, cái thiêng, cái cao cả. Nay thì ngựa xe đủ loại đua nhau xông thẳng vào chùa bằng cửa chính chứ không phải cửa phụ. Và điều đáng buồn hành động đó lại xuất hiện ở một số Tăng Ni, Phật tử.

Xưa kia hoa cúng Phật, cúng thần được vất riêng một nơi không vất chung vào rác bẩn, trước khi thắp nhang cúng Phật, cúng tổ tiên phải rửa tay sạch, hoa trái trước khi dâng cúng phải được “tắm” sạch bằng thanh thủy. Khi dâng cúng ông bà, đợi tàn hương mới bưng xuống ăn… Nhưng nay những “chuẩn” ấy đang ngày càng hiếm, ít thấy có ai để ý giữ gìn.

Môi trường sống từ trong gia đình đến ngoài xã hội của chúng ta bị biến dạng vì sao? Vì không phải chúng ta không có cái khung pháp lý chặt chẽ hay do buông lỏng quản lý văn hóa mà vì tâm thức xã hội vẫn chưa chịu sống chung và sống hết mình với cái đẹp, cái thiện, cái cao cả. Đi đâu, nhìn đâu cũng thấy ra những điều nhếch nhác, nếu không nhếch nhác thì lại sạch sẽ một cách xa lạ, ích kỷ. Cứ thử hỏi người đứng đầu những công ty xả nước thải độc hại ra môi trường hàng chục năm nay xem trong nhà họ có rác, có chất thải để quá một ngày không? Những hình ảnh không đẹp mắt ấy năm này tháng nọ được mọi người bao biện, “hợp lý hóa”, dẫn đến cách ứng xử tàn tệ với môi trường thiên nhiên, dù mức sống con người có giàu lên, học vấn có cao hơn.

Báo động đỏ trong ứng xử xã hội đang được đặt ra. Có cách gì để chúng ta giữ gìn, bảo vệ sự an toàn cho nền văn hóa, cho cái đẹp, cái thiện, cái thiêng liêng, cái cao cả? Có một cách mà chúng ta phải làm ngay, đó là xác định tính tương quan sống còn giữa con người và môi trường sống, đặt các giá trị vào đúng chỗ đứng của nó. Những giá trị thiêng liêng luôn hiện diện chung quanh cuộc sống chúng ta, không có gì là vô hồn, vô cảm. Đó là điều chúng ta luôn luôn phải học dù có buồn bã biết rằng nhận thức về việc sống chung với thiên nhiên, tôn kính các giá trị thiêng liêng, tự trọng với phẩm hạnh con người trong xã hội chúng ta vẫn đang ở trình độ vỡ lòng…

Nam Quốc

(Theo Văn hóa Phật giáo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét