Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

MỘT KIẾN NGHỊ VỀ BÁT NHÃ THỬ THÁCH VAI TRÒ VÀ UY TÍN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM


Mới đây, trong Công văn 418/VC/BTS ngày 6/10/2009, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng đưa ra kiến nghị: “Tăng thân Làng Mai tại tu viện Bát Nhã hình thành bởi văn bản 212/CV/HĐTS, ngày 25/05/2006 của Hội đồng Trị sự. Căn cứ tình hình hiện nay văn bản này còn hiệu lực hay không? Nếu không, đề nghị Trung ương Giáo hội ra văn bản huỷ bỏ văn bản nêu trên để Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng có cơ sở pháp lý để làm việc”.

Đây là một kiến nghị rất quan trọng, thử thách vai trò và uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm giải quyết vần đề Bát Nhã trên cơ sở pháp lý. Giáo hội không thể phủi trách nhiệm và quay lưng lại với nguyện vọng chính đáng của 380 tu sinh Làng Mai trước làn sóng dư luận trong và ngoài nước đang ngày càng dâng cao, phản đối sự đàn áp thô bạo (100% sự thật) của Chính quyền.

Cách đây gần tròn một năm, vào sáng nay 13/10/2008 dưới sự chỉ đạo của Hoà thượng Thích Pháp Chiếu, Quyền Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Lâm Đồng, Hoà thượng Thích Toàn Đức đã chủ trì cuộc họp bất thường của Thường trực Ban Trị Sự để triển khai công văn số 427/CV/HĐTS ngày 10/10/2008 của thường trực HĐTS Trung Ương về việc tu học của Tăng Thân Làng Mai tại Tu Viện Bát Nhã thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng.

Theo công văn số 525/TGCP-PG ngày 07/07/2006 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và công văn số 212/CV/HĐTS ngày 25/05/2006 của thường trực HĐTS Trung Ương đã chấp thuận cho phép Tăng Thân Làng Mai được mở khoá tu tại Tu Viện Bát Nhã (Lâm Đồng), chương trình này đã có kế hoạch cụ thể từ năm 2006 đến năm 2010 và cũng đã được đăng ký với Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng vào ngày 21/08/2006.

Cuộc họp bất thường trên cũng cho biết: “Thời gian gần đây thượng toạ Thích Đức Nghi do bệnh duyên nên không trực tiếp ở tại Tu Viện Bát Nhã để điều hành Phật sự và đã có đơn không bảo lãnh, rút lại văn thư xin phép cho Làng Mai sinh hoạt tại tu viện Bát Nhã. Điều này đã gây xáo trộn ít nhiều đến chương trình sinh hoạt tu học của Tăng thân Làng Mai cũng như tình hình Phật sự tại địa phương bởi khoá tu này không thể nào đột ngột dừng lại”.

Căn cứ vào công văn số 525 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, công văn số 212 của Hội Đồng Trị Sự Trung Ương vẫn còn hiệu lực và nhất là căn cứ vào tình hình thực tế của Tu Viện Bát Nhã hiện nay, nhằm ổn định tình hình sinh hoạt Phật tại địa phương, qua hai cuộc họp vào ngày 2/10 và ngày 13/10/2008, thường trực Ban Trị Sự đã thống nhất bảo lãnh, đề nghị quí cấp chính quyền cho Tăng Thân Làng Mai tiếp tục đăng ký tạm trú để tu học theo chương trình đã đăng ký.

Ngoài ra công văn cũng nhấn mạnh Giáo Hội chỉ thừa nhận chữ ký của thượng toạ Thích Đức Nghi - đại diện tu viện Bát Nhã mới có giá trị đề xuất các sự việc liên quan đến Tu Viện Bát Nhã trước Ban Trị sự và quí cấp Chính quyền Tỉnh Lâm Đồng. Mọi chữ ký khác điều không có giá trị pháp lý đối với Giáo hội.

Hội nghị cũng đã chấp thuận cho thượng toạ Thích Đức Nghi thôi giữ các chức vụ trong Ban Trị Sự phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Hướng tới, Ban Trị Sự sẽ kết hợp với các cấp chính quyền ổn định sự tu tập sinh hoạt của tăng thân Làng Mai và Tăng chúng Tu viện Bát Nhã, Thị xã Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng.


(Trích yếu V/v Bảo lãnh cho Tăng thân Làng Mai tạm trú tại tu viện Bát Nhã – Bảo Lộc – Lâm Đồng đến năm 2010)

Theo nội dung cuộc họp trên rõ ràng Chính quyền đã bóp méo sự thật và làm sai tinh thần của Công văn 212/CV/HĐTS ngày 25/05/2006 và Công văn 525/TGCP-PG ngày 07/07/2006. Bởi “Tăng Thân Làng Mai được mở khoá tu tại Tu Viện Bát Nhã (Lâm Đồng), chương trình này đã có kế hoạch cụ thể từ năm 2006 đến năm 2010 và cũng đã được đăng ký với Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng vào ngày 21/08/2006”.

Việc thầy Đức Nghi không tiếp tục bảo lãnh đã được Ban Trị sự nói tới. Nhưng Ban Trị sự đã quyết định cho thầy Đức Nghi thôi giữ chức vụ trong Ban Trị sự, đồng thời: “Căn cứ vào công văn số 525 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, công văn số 212 của Hội Đồng Trị Sự Trung Ương vẫn còn hiệu lực và nhất là căn cứ vào tình hình thực tế của Tu Viện Bát Nhã hiện nay, nhằm cũng để ổn định tình hình sinh hoạt Phật tại địa phương, qua hai cuộc họp vào ngày 2/10 và ngày 13/10/2008, thường trực Ban Trị Sự đã thống nhất bảo lãnh, đề nghị quí cấp chính quyền cho Tăng Thân Làng Mai tiếp tục đăng ký tạm trú để tu học theo chương trình đã đăng ký”. Có nghĩa rằng vai trò bảo lãnh cho khoá tu tiếp tục diễn ra đến năm 2010 đã thuộc về Ban Trị sự, việc trục xuất họ khỏi chùa trong khi chưa giải quyết hết khúc mắc về đầu tư xây dựng tu viện Bát Nhã giữa thầy Đức Nghi (người xin cúng đất cho Thiền sư Nhất Hạnh phát triển pháp môn Làng Mai) và Thiền sư Nhất Hạnh (người đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tu viện Bát Nhã) là hoàn toàn trái pháp luật và trái luân thường đạo lý.

Như vậy, TTXVN (và sau đó là bà Nguyễn Phương Nga nói theo) viết: “Tuy nhiên, việc tổ chức khóa tu không xin phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, số người tới tu cũng không đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên sau đó, Thượng tọa Thích Đức Nghi không bảo lãnh nữa và yêu cầu họ ra khỏi tu viện Bát Nhã trả lại cơ sở thờ tự cho Thượng tọa Thích Đức Nghi” là hoàn toàn bịa đặt, vào hùa với hai lần trấn áp vô văn hoá trước đó đối với Chư Tôn đức Ban Trị sự và đối với gần 400 tu sinh Làng Mai, đồng thời đổ hết tội lên “mâu thuẫn trong nội bộ Phật giáo”.

Thường Trung

1 nhận xét:

  1. Cuộc “hôn nhân” giữa Làng Mai và Nhà nước Việt Nam qua sự mai mối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể lấy câu thơ trong truyện Kiều làm ví dụ:
    “Lấy chồng rồi lại giết chồng,
    Mặt nào mà sống ở trong cõi đời”
    Cảm ơn Sen Việt đã sưu tầm những chứng cớ xác đáng về vụ việc Bát Nhã này.

    Trả lờiXóa