Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG BẤT BẠO ĐỘNG



Sen Việt: Nhà văn Chu Sơn, hiện cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, người tình nguyện ký tên vào bản danh sách những người đấu tranh bảo vệ các tăng thân Làng Mai đang tu tập tại tu viện Bát Nhã - Phước Huệ (Lâm Đồng) đã gửi cho Sen Việt một trích đoạn ngắn trong hồi ký của ông về Phong trào Phật giáo 1963. Tình trạng các tăng thân Làng Mai đang bị đàn áp đã khiến nhà văn Chu Sơn liên tưởng một cách mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh chống kỳ thị và bách hại của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo đồ miền Nam hồi 1963. Sen Việt xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nhà văn Chu Sơn.

"...Tôi không phải là Phật giáo đồ, tôi chưa hoàn toàn tin vào đạo lý "Dĩ đức báo oán" nhưng khi đọc báo biết tin và thấy ngài Thích Quảng Đức uy nghi ngồi trong lửa cháy ngày 11- 6 - 1963, tôi đã vô cùng xúc động và ngưỡng mộ.

Thích Quảng Đức, Thích Quảng Đức, suốt mấy năm liền cái tên ấy vang vọng trong tâm trí tôi khi thì mạnh mẽ như một khúc quân hành, khi thì sâu lắng, nồng nàn như một lời tự sự, khi thì thanh thoát, dịu dàng như một ánh trăng. Dường như cái con người uy nghi ngồi trong lửa cháy đó đã hút hết vào trái tim vĩ đại và nhân hậu của mình tất cả cái nóng bức nghiệt ngã của trần gian, để lại cho tôi một khoảng trời trong xanh mát mẻ và tĩnh lặng.

Thích Quảng Đức, Thích Quảng Đức, cái tên như những dấu hỏi lớn từ khắp các châu lục hướng về Việt Nam, ngỡ ngàng và khâm phục. Có tình yêu, sự sống, cái chết nào mà lạ lẫm và hùng tráng đến như thế?"

..." Giở lại nhật ký thời Phật giáo Dấn thân, tôi băn khoăn tự hỏi về ngài Thích Thiện Mỹ, người đã tự thiêu hôm 27 tháng 10 tại trung tâm Sài Gòn, bốn ngày trước khi nổ ra cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm:

“Này các ông các bà, còn có tội ác và sự dối trá nào lớn hơn mà các vị đã không làm để chỉ với mục đích là hủy diệt chúng tôi - những người chẳng có gì khác ngoài niềm tin vào sự sống, tình thương và sự bình đẳng giữa chúng sinh. Không có gì ở trên, ở trước, ở sau sự sống ấy, ngoài nỗi đau mà do mê muội, lầm lạc và ham muốn vô độ, chúng sinh - trong đó có chúng ta - đã cùng chuốc lấy, đẩy xô nhau vào con đường bi thương tăm tối”.

“Đức Phật Thích Ca, Thầy của chúng tôi, người đã chỉ cho nhân loại một con đường khác và những phương pháp thích hợp để mỗi con người tự giải thoát ra khỏi nỗi khổ mênh mông như biển.

Con đường ấy nằm giữa dân tộc và nhân loại.

Con đường ấy luôn rộng mở, không tự biến thành pháo đài, thành gươm giáo, thành bom đạn để tiêu diệt bất cứ ai chưa dấn bước.

Không có chiến tranh, không có đầu rơi máu đổ, không có đau thương chia lìa, thù hận trên con đường Đức Phật đã chỉ.
“Này các ông, các bà, tội ác mà quí vị đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, cho chúng tôi - những con người đi trên con đường bất bạo động của Đức Phật - là vô cùng to lớn. Để chống lại tội ác đó, chúng tôi không thể: “Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu", bởi con đường Đức Phật dạy cho chúng tôi Là : “Từ Bi Hỹ Xả” đến cả muôn loài, huống hồ gì, quí vị và chúng tôi đều là dân một nước là con một nhà. Trong cái tình cảnh chẳng đặng đừng như hiện tại, chúng tôi chỉ còn biết đem sự sống của chính mình mà trang trải”.

“Đức Phật, người Thầy của chúng tôi, nói rằng: mầm hạt tốt lành hiện hữu trong hết thảy mọi dạng thể của sự sống. Con đường ngài đã chỉ và cách thế mà Phật giáo Việt Nam đã thể nghiệm, chúng tôi rất mong là nó sẽ góp phần giảm trừ những mê lầm ác nghiệp, tiêu tán và hóa giải mọi khổ nạn hận thù, góp phần đem lại Hòa Bình, An Lạc cho dân tộc và cho nhân loại”.

 Chu Sơn
(Trích: Phong trào Phật giáo từ Chấn hưng đến Dấn thân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét