Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

BÁT NHÃ VÀ SỰ TỰ DO HÀNH ĐẠO


Việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu tiên lên tiếng về sự việc Bát Nhã, bằng bút danh học thuật, cho thấy sự vụ nay khó tránh khỏi sự mở rộng của nó. Rồi đây, lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ khó mà không ghi thành văn sự kiện ngày 27/09/2009 cùng hai thư “kêu cứu” của Nguyễn Lang – người viết sử “đạo Bụt” trên xứ sở hình chữ S.

Trên bề mặt, phía chính quyền dường như vô can trước các diễn biến bạo hành, vì những người có trách nhiệm xem đây là chuyện nội bộ tại Bát Nhã, và họ chỉ làm công việc an ninh trật tự. Lý lẽ có thể thế này: nếu thầy Thích Đức Nghi nhận tiền từ Làng Mai để tạo dựng cơ sở mới của Bát Nhã mà nay lại đuổi người để giành trọn, thì đó là một tranh chấp dân sự, và đương sự hai bên có thể khởi kiện để được giải quyết; còn phía chính quyền – mà cụ thể là lực lượng công an, cảnh sát – chỉ làm đúng chức trách, là áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để chấm dứt tình trạng cư trú bất hợp pháp tại địa phương đối với những người không được chủ hộ cho phép tạm trú.

Thế nhưng, trên thực tế, dù có biện hộ “hợp lý” như thế nào bằng câu chữ pháp lý, thì hình ảnh của những lần bạo hành tại Bát Nhã, được xác thực bằng chính tường thuật của các tu sĩ, tu sinh tại đây, khiến người ta không khỏi bị sốc và có nhận định khác đi.

Chuỗi sự việc xảy ra tại Bát Nhã, mà đỉnh điểm là ngày 27/09 đó, là biểu hiện cao độ của sự thoái hóa đạo đức, đến mức mà ở một đất nước có truyền thống sùng kính và hiếu lễ đối với nhà Phật, lại xảy ra chuyện chưa từng có, là dùng đến sự bạo hành thô tục nhất để cưỡng bách cả một làng tăng, tống họ ra khỏi chốn tu đạo, ngay trong một ngày dầm dề mưa gió, khi cơn bão dữ đang đến. Nó cũng là biểu hiện của sự thoái hóa chính trị, đến mức mà một trong những chức năng nền tảng của nhà nước, là cung ứng sự bảo an đối ngoại và đối nội cho dân chúng cứ ngày một “mai một” đi, để rồi đến lúc chính nó lại xâm hại đến thành phần được xem như hướng thiện nhất trong xã hội, là giới tu hành. Và bên cạnh đó, nó cũng bộc lộ một số vấn đề về sự tự do hành đạo.

Phải thừa nhận rằng dù vẫn cần nhiều thay đổi tích cực hơn, trong những năm gần đây, tự do tôn giáo ở Việt Nam đã có tiến bộ, cả trong nhận thức lẫn thực tế, mà việc tăng đoàn Làng Mai về nước và tăng thân Bát Nhã tu tập theo pháp môn này là một biểu hiện đáng quý. Vậy mà giờ đây, với cái cớ là các tăng sĩ và tăng sinh này không còn được bảo lãnh cư trú, giới thẩm quyền (nào đó) quyết trục họ ra đường, thì liệu có chính trực?

Cần thấy rằng quy định tạm trú tạm vắng làm nền cho việc tống xuất tăng thân Bát Nhã là cái gắn liền với hộ khẩu, vốn đã là một định chế vi hiến, vì thực chất nó lật ngược lại quyền tự do cư trú. Đã lâu, trước cả khi Thượng Hải bỏ hộ khẩu, giới cải cách Việt Nam đã đề xuất chính điều này nhưng không kết quả. Dù công dân và giới chức vẫn phải tuân theo sự vi hiến này chừng nào nó còn chưa bị bãi bỏ, nhưng một khi đã nhận ra tính sai phạm đó mà vẫn cố tình dùng nó như công cụ chí mạng để thực hiện những hành động trái đạo lý, thì không thể lấy gì để biện minh.

Thực chất, tăng đoàn hay tăng thân cũng chỉ là một tập hợp công dân đang thực hành đạo giáo, có tổ chức và có hệ thống, tập trung hay không tập trung. Nhưng, chính cái vế “đang thực hành…” đã đem lại cho tập hợp này và từng thành viên của nó một chỗ đứng riêng so với công dân thế tục. Và điều đó cũng có nghĩa là cần có lối hành xử riêng, thích hợp với giáo quy của họ một khi quy phạm đó không xâm hại đến lợi ích của công dân và xã hội, chứ không thể nhất nhất áp tuyệt đối các quy định thế tục lên trên họ.

Ai cũng rõ, một trong những đặc trưng của tăng sĩ và tăng sinh Phật giáo là đời sống xuất gia và tu tập. Từ bao đời nay, đặc trưng này không hề xâm hại đến lợi ích của công dân và đời sống thế tục. Nay cũng thế. Nên, dù xuất phát từ bất kỳ chính sách nào, với bất cứ động cơ và lý do gì mà hành xử với họ trái với đặc trưng đó, đều là sự áp đặt độc đoán và hạn chế khắc nghiệt đối với việc hành đạo.

Việc buộc tăng thân ra khỏi Bát Nhã và nay tạo áp lực để họ phải rời khỏi Phước Huệ, về lại địa phương có hộ khẩu hoặc tự viện thường trú ban đầu thực chất chính là việc cưỡng bức hồi giadứt pháp. Đối với tăng sinh, điều này quá rõ. Về phần tăng sĩ, dù có được “đưa” về chùa cũ để tiếp tục tu hành, nhưng một khi phải rời bỏ pháp môn mà họ có duyên, đó chẳng khác là mấy với việc thoái pháp.

Vài so sánh bình dị thôi cũng đã thấy sự vô lý đến kỳ lạ ở việc tăng thân Bát Nhã phải thoái tu. Tại sao sinh viên có thể lựa chọn cho mình ngành học mà tu sinh lại không thể tự chọn cho mình pháp môn? Tại sao người học chữ có thể tùy chọn một trung tâm học vấn (theo nghĩa một địa phương có nhiều cơ sở giáo dục tốt) để đến và học hành, mà người học đạo lại không thể tự chọn một trung tâm Phật học để đến và tu tập? Tại sao người lao động có thể đến một địa phương khác để hành nghề mà người tu hành lại không thể đến địa phương khác để hành đạo? v.v…

Như vậy, dù tăng sinh hay tăng sĩ Bát Nhã có được “tạo điều kiện” tại bản quán hay bản tự, thì cả ý nguyện tục thế lẫn ý nguyện đạo pháp của họ cũng đã bị áp đặt một cách cố định, và là sự hạn chế phi lí và phi pháp đối với quyền tự do hành đạo.

Nếu có những tính toán nay được nâng lên thành quyết sách, rằng chỉ để Làng Mai phát triển ở ngoài nước nhằm “marketing” cho Việt nam và tô điểm cho chính sách tôn giáo của chính quyền, chứ không để họ tiếp tục phát triển trong nước vì có thể “đe dọa an ninh quốc gia”, thì e rằng sẽ phản tác dụng. Chủ trương hai mặt đó không những làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trước thế giới và Phật tử năm châu, trước cộng đồng người Việt hải ngoại, mà còn tạo nên một mầm mống phản kháng ngay chính trong lòng của Giáo hội Phật giáo mà chính quyền hỗ trợ.

© 2009 Lê Tuấn Huy
© 2009 talawas blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét