Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

NGỌN LỬA NGẦM BÁT NHÃ VÀ THANH THIẾU NIÊN VIỆT NAM



Theo thông tin có được trên talawas tôi vào trang RFA Á Châu và Làng Mai nên đọc được những dòng tin về pháp nạn chùa Bát Nhã đã làm liên lụy tới chùa Phước Huệ. Câu trả lời của các thầy có trách nhiệm tại chùa Phước Huệ  là “nếu xảy ra trường hợp có người vào hành hung tại chùa Phước Huệ như vậy chúng tôi sẽ đóng cổng chùa, đốt chùa và cùng tự thiêu.” khiến tôi rùng mình nghĩ đến một liên tưởng. Hơn 400 ngọn đuốc tu sinh và số còn lại của các thầy cô, Phật tử đang cư ngụ trong chùa Phước Huệ sẽ bùng sáng và lừng lẫy đi vào lịch sử. Ngọn lửa Quảng Đức bỗng cháy lại trong trí tôi và có lẽ trong trí của nhiều người Việt Nam.

Tiếng kêu thống thiết của tập sự nữ Tâm Thường không biết có đánh động được lương tâm nhân loại không nhưng nó làm tôi bắt đầu suy gẫm về thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam hôm nay: “Chúng con chỉ tu thôi mà. Tại sao lại phá chùa đuổi chúng con đi? Tại sao lại bắt bớ đánh đập các thầy, các sư chú, các sư cô? Đừng bắt anh chị em chúng con phải xa nhau! Chúng con chỉ muốn được cùng nhau tiếp tục tu tập, đừng bắt chúng con phải về lại nhà! Chúng con chỉ muốn được tu thôi mà!”

Lời kêu cứu muốn được yên thân để được tu học, được sửa sai và tập luyện những phương pháp làm người lành ấy khơi gợi đến một ý tưởng “vơ đũa cả nắm” và có phần sai lạc bấy lâu của tôi về thanh thiếu niên Việt Nam trong nước.

Mỗi lần tôi vào một trang tin tức trong nước, đọc được những tin về giới thanh thiếu niên Việt mình tôi lại buồn buồn. Nào là những bạn trẻ thuộc thành phần con ông cháu cha, hay gia đình giàu có, thi nhau đua đòi, nhậu nhẹt, nhuộm tóc, ăn mặc hở hang, ăn chơi sa đoạ. Có những thanh thiếu niên lạm dụng thuốc lắc, bạch phiến, bỏ học đi chơi, hay học hành không ra gì. Họ còn tổ chức đua xe, cá độ và khiêu vũ  thâu đêm suốt sáng, v.v… Đó là những đầu đề hàng ngày được các báo chí đăng tải. Lần về Việt Nam kỳ rồi, lúc ra các quán cà phê net, tôi thấy rất đông các em học sinh ngồi thường trực ở đấy chit chat với nhau, hẹn hò và có khi còn lén coi các trang mạng khiêu dâm.

Sự buồn chán của tôi còn tăng hơn khi vào các trang mạng về giáo dục với những bài báo róng lên tiếng chuông về sự lạc hậu của hệ thống giáo dục. Thêm vào đó, đạo đức học đường và xã hội có nguy cơ xuống thấp và xa rời các giá trị truyền thống của dân tộc. Những thông tin về gian lận trong thi cử ngày càng tràn ngập, đến mức trở nên “bình thường” và nhàm tai người dân. Có những bài báo mỉa mai việc này với tiêu đề “Chuyện thường ngày ở huyện”. Sự việc, đề thi lọt ra ngoài, trèo tường ném bài, các dịnh vụ bán lời giải làm sẵn là những điệp khúc mãi ầu ơ và ngành giáo dục vẫn ngủ gục.

Trong một đề thi của kỳ thi vào đại học 2009, các thí sinh được yêu cầu bàn luận về tính trung thực. Theo một giám khảo ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, hầu hết các bài thi viết theo kiểu “vẹt”, không thể hiện được chính kiến. Thậm chí, đề thi yêu cầu viết về sự trung thực nhưng thí sinh lại viết không trung thực.  Sau kỳ thi, một cuộc thảo luận được mở ra để hỏi ý kiến 4 em về đề thi này. Có ba em thừa nhận đã từng có những hành vi không trung thực trong học tập và trong cuộc sống, Có em băn khoăn “Tại sao phải sống trung thực trong khi rất nhiều người chung quanh đang sống giả dối mà vẫn đạt thành công”? Vậy nên sống không trung thực để “được” nhiều hay trung thực để “mất” nhiều đây? Có em cho rằng không cần phải đặt câu hỏi, sống trung thực sẽ được gì, mất gì, mà làm sao để sống thoải mái nhất, đó mới chính là mục đích tối thượng! Em nói, “Những bạn quay cóp, gian lận trong thi cử, họ cũng giỏi ở bản lĩnh dám làm đấy chứ?”. Em tỏ ra không cảm thấy hối hận vì đã quay cóp trong khá nhiều kỳ thi vì đó chỉ là một cách thi đối phó.

Chỉ có một em có quá trình quan sát nhiều năm ở Singapore và mới đây là ở Mỹ, trả lời bằng sự tự tin, em khẳng định: Sống trung thực chỉ có ĐƯỢC, chứ không bao giờ MẤT. Em đã được trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ nhận làm sinh viên bằng một hồ sơ khác biệt.

Đây chỉ là một ví dụ trong cuộc quan sát ý kiến nhỏ về lòng trung thực. Có thể nó không phải là tỷ lệ của đại đa số suy nghĩ của các thanh thiếu niên Việt Nam. Tuy nhiên, khi biết được điều này, ai còn quan tâm đến thế hệ trẻ Việt Nam không khỏi ngẫm nghĩ về sự tin cậy của người khác có còn đối với giới trẻ Việt Nam hay không?

Tôi quả có mất lòng tin về sự lương thiện và sự trong sáng của một số người trẻ trong nước. Nhưng khi đọc được bản tin về 400 tu sinh chùa Bát Nhã (có số tuổi trên dưới đôi mươi), sự tin tưởng trong tôi ấm lại và bừng sáng. Các em tu sinh ở Bát Nhã là những đóa sen thơm đang nở giữa đầm bùn.

Những thanh thiếu niên trạc tuổi các em, có kẻ chỉ lo học hành để kiếm mảnh bằng, (hay mua nếu được), ngõ hầu kiếm được việc làm có thể no cơm ấm áo. Những em khác, có em còn phải dựa vào cha mẹ trong việc mưu sinh hay ăn ở. Còn một số lao vào con đường xấu như tôi trình bày ở trên thì các em tu sinh Bát Nhã đã có những suy tư và lý tưởng khác hẳn chúng bạn.

Các em đã can đảm tìm đến điều thiện, cam chịu xa gia đình, chịu mọi khó khăn, khổ cực, cố sửa sai chính mình để nhận chịu những phương pháp tu tập làm người tốt. Các em đã học được  nhiều điều. Học mở lòng, khơi suối yêu thương giữa con người đối với con người và cả loài vật, cũng như thiên nhiên cây cỏ. Học mở rộng sự hiểu biết, che chở sinh mạng con người và muôn loài bằng cách thể hiện lòng vị tha, từ bi. Học lương thiện, bỏ thói tà dâm, tránh xa rượu, chè, ma túy và các sản phẩm độc hại tinh thần. Tất cả những điều các em học hỏi đều là những điều quý báu mà các thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay đang cần: đó là lánh xa cái ác, nuôi dưỡng và đến gần điều lành. Học và hành cần phải đi đôi. Các em đang được hướng dẫn, dạy dỗ, đang nở những đóa hoa lành bỗng dưng bị xua đuổi, bắt bớ, đánh đập, cưỡng bách rời xa cái nhân lành mà các em đang vun xới. Thật là một điều tàn nhẫn.

Bây giờ nếu 400 em tu sinh đang tạm trú ở chùa Phước Huệ không chịu rời chùa và tuyên bố cố thủ ở đấy, nếu chính quyền tiếp tục trục xuất người bằng phương tiện bạo hành như đã làm, tôi sợ chuyện đốt chùa và tự thiêu không may sẽ xảy ra. Tôi hy vọng nhà cầm quyền đương thời tìm ra được một giải pháp ôn hoà ổn thoả để giúp các em, những mầm non thanh quý này. Đừng để một cuộc tắm máu như Thiên An Môn hay một vụ Quảng Đức nữa xảy ra. Mong thay.
Trịnh Thanh Thủy
____________
Tài liệu tham khảo
Pháp nạn Bát Nhã đánh động lương tri mọi người:
Âm thanh cuộc bạo động tại tu viện Bát Nhã:
Lựa chọn của giới trẻ: Sự trung thực mang màu sắc thực dụng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét