Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

VỤ ĐÀN ÁP BÁT NHÃ VÀ HIỆN TƯỢNG TRÁNH XA LỀ PHẢI


 Qua những vụ bắt bớ, sa thải nhà báo, thay đổi lãnh đạo của nhiều tờ báo lớn, có thể nói vụ đàn áp Bát Nhã đã cộng hưởng như một giọt nước tràn ly, làm cho không ít người vốn đứng giữa quan sát và ngay cả những người lâu nay gắn bó với “lề phải” cũng đã thay đổi nhận thức mà không ngần ngại tránh xa nó...

Năm 2004, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo bắt đầu có hiệu lực. Giới Tôn giáo đón nhận Pháp lệnh này với nhiều nhận định không thống nhất, nhưng phần nào cũng xem đó là động thái tích cực so với tình trạng ứng xử “vô luật” trước đó.

Năm 2005 thiền sư Nhất Hạnh về nước. Sự kiện này được báo chí Việt Nam khai thác triệt để với những lời ca tụng rằng Việt Nam đang khép lại quá khứ, kêu gọi đồng bào trong nước và ngoài nước đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương… Sự trở về của Thiền sư Nhất Hạnh cho thấy tín hiệu Nhà nước đang rất coi trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Nhưng nay, những lời góp ý chân thành, thẳng thắn của Thiền sư Nhất Hạnh lại trở thành những cáo buộc “làm chính trị” rất vô duyên, vô cớ, đặc biệt nó được đổ ụp lên đầu những tăng sinh vô tội bằng những hành vi hết sức vô văn hoá.

Chúng ta xem họ đã đàn áp tu viện Bát Nhã bên cạnh Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo như thế nào:

Điều 1:
“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”.

(Chính quyền Tỉnh Lâm Đồng thay nhau xâm phạm quyền tự do ấy, có khi bằng những thủ đoạn có thể xem là vô văn hoá như ném đá, ném phân, sàm sỡ tăng ni. Phải chăng phép vua thua lệ làng? Hay vua hết phép?)

Ðiều 8:
“Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”.

(Pháp môn Làng Mai đã được Chính phủ cho phép, Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận và giúp đỡ, tạo điều kiện cho pháp triển. Nay không chỉ là phân biệt đối xử mà còn muốn triệt tiêu nữa. Như vậy đó là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng hay không của công dân.)

Ðiều 9:
“Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo”.

(Tu sinh Làng Mai thực hành đúng các nghi thức tu trì theo pháp môn của mình, không làm bất điều gì trái với thuần phong, mỹ tục, văn hoá của dân tộc. Thu hút rất nhiều đối tượng khác nhau tu tập, nhằm chuyển hoá thân tâm, mang đến nhiều lợi ích tốt đẹp cho cuộc sống.)

Ðiều 11:
“Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo”.

(Họ không tụ tập, gây mất trật tự công cộng, họ thực hành nghi lễ ngay trong thiền đường, nơi mà Bổn sư của họ có tư cách sáng lập, nơi mà thầy Đức Nghi – dù cho có mâu thuẫn – cũng là giáo thọ, là thầy của họ. Nếu có mâu thuẫn nội bộ nào giữa thầy Đức Nghi và Làng Mai thì họ tự dàn xếp, chính quyền không nên can thiệp vào công việc đó. Nhưng ở vụ việc này chính quyền đã tạo áp lực để thầy Đức Nghi gây ra mâu thuẫn với Làng Mai rồi căn cứ vào đó để kết tội các tu sinh. Rõ ràng đây là một màn kịch vụng và lố bịch.)

Ðiều 15
Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị đình chỉ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
“1. Xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường;
2. Tác động xấu đến đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc;
3. Xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác;
4. Có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.”

(Tăng sinh tu theo pháp môn Làng Mai không vi phạm bất cứ một điều nào như kể trên, vậy hành vi trục xuất họ ra khỏi tu viện Bát Nhã là vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo. Thế nhưng điều đáng trách là một số lãnh đạo Giáo hội lại mắt nhắm mắt mở, tỏ rõ sự nhu nhược không biết rõ mình có những quyền lợi chính đáng gì trong tay, nên đã ít nhiều tiếp tay cho sự đàn áp, làm cho sự việc ngày càng trở nên phức tạp. Ở đây nên tán thán hành động dũng cảm của Ban Trị sự và tăng ni tỉnh Lâm Đồng.)

Ðiều 21
“1. Người đi tu tại các cơ sở tôn giáo phải trên cơ sở tự nguyện, không ai được ép buộc hoặc cản trở. Người chưa thành niên khi đi tu phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
2. Người phụ trách cơ sở tôn giáo khi nhận người vào tu có trách nhiệm đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tôn giáo.”

(Họ đi xuất gia theo đúng trình tự thủ tục. Họ được đăng ký tạm trú theo đúng luật cư trú. Đó là quyền và lợi ích hợp pháp mà mọi công dân, không phân đảng tịch, tôn giáo đều được hưởng một cách bình đẳng như nhau.)

Ðiều 26
“Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó.”

(Tu viện Bát Nhã ngang nhiên bị đập phá, tư trang vật dụng của tu sinh bị xâm phạm. Nhưng Chính quyền không những không bảo vệ họ mà còn tiếp tay với lưu manh, côn đồ uy hiếp đánh đập họ.)

Nếu những điều khoản của Pháp lệnh trên không áp dụng đối với 400 tăng sinh tu theo pháp môn Làng Mai, thì chính tỉnh Lâm Đồng đã tự ý cho mình đứng cao hơn pháp luật, huỷ bỏ pháp lệnh này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bằng hành động ngang nhiên xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Thông tin báo chí cho biết từ ngày 19 – 24/11/2009, tại Hà Nội sẽ diễn ra “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất” với chủ đề “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”. Ông Trần Trọng Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Hội nghị này được coi như dịp quy tụ trí tuệ của Việt kiều, hiến kế cho đất nước”. Cuối tháng 12/2009 cũng sẽ diễn ra Hội nghị Phụ nữ Phật giáo Thế giới tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thiền sư Nhất Hạnh có thể gửi thỉnh nguyện thư đến Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, đến Hội nghị Phụ nữ Phật giáo Thế giới để nêu rõ tình hình tại tu viện Bát Nhã, đồng thời đưa ra những khuyến cáo cần thiết và kêu gọi sự bảo vệ cho danh dự và nhân phẩm của những tu sinh.

Một người có uy tín quốc tế, thiết tha với sự phát triển của đất nước như thiền sư Nhất Hạnh, phản đối những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, vừa mới đưa ra 10 điểm nhằm “hiến kế” cho nhà nước bằng góp ý rất chân thành, thẳng thắn, nhưng không lâu sau đã phải đối mặt với những ứng xử đầy lật lọng, tráo trở, thử hỏi ai còn tin vào những lời hứa gió bay như thế nữa.

Vụ đàn áp Bát Nhã cho thấy những lời nói suông với những mỹ từ bóng bẩy kia là không đáng tin, bởi ngay cả Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không được tôn trọng. Họ vẫn đang tiếp tục “nói một đằng làm một nẻo”. Vậy mọi người có nên tiếp tục nghe họ nói ra rả nữa hay trực tiếp nhìn xem họ đang làm gì để “quy tụ trí tuệ của Việt kiều, hiến kế cho đất nước”?

Qua những vụ bắt bớ, sa thải nhà báo, thay đổi lãnh đạo của nhiều tờ báo lớn, có thể nói vụ đàn áp Bát Nhã đã cộng hưởng như một giọt nước tràn ly, làm cho không ít người vốn đứng giữa quan sát và ngay cả những người lâu nay gắn bó với “lề phải” cũng đã thay đổi nhận thức mà không ngần ngại tránh xa nó. Như vậy rõ ràng những việc làm tuỳ tiện, bất chấp pháp luật đó lại không phải đang bảo vệ chế độ mà đang phá nát chế độ, gây tổn hại đến uy tín quốc gia. Đó không phải công mà là tội. Những người đang “tự hào” với công trạng trấn áp tự do, xin hãy dừng ngay những hành động đó và điều chỉnh lại mình trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn, bởi tăng ni Phật tử tỉnh Lâm Đồng đang sẵn sàng cho những hành động tự thiêu để bảo vệ công lý.
© 2009 Nguyễn Mai Sơn
© 2009 talawas blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét