Đức Phật nói ở đời có hai hạng người mạnh đó là người không gây lỗi và người gây lỗi biết sám hối sửa lỗi. Có trăm kiểu xin lỗi với những động cơ và mục đích khác nhau. Nhưng dẫu sao, mọi người vẫn muốn được nghe lời xin lỗi, lời nhận trách nhiệm từ chính người có lỗi.
Từ cổ đến kim, có không ít những chính khách, những người có quyền thế và địa vị trong xã hội, một lúc nào đó đã (vô tình hay cố ý) có việc làm, phát ngôn gây tranh cãi, bất bình trong dư luận. Người có địa vị cao thì lời nói việc làm của họ càng ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nguyễn Trãi từng dạy thái tử: “…Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều giữ chính trung…” (Hậu tự huấn).
Từ cổ đến kim, có không ít những chính khách, những người có quyền thế và địa vị trong xã hội, một lúc nào đó đã (vô tình hay cố ý) có việc làm, phát ngôn gây tranh cãi, bất bình trong dư luận. Người có địa vị cao thì lời nói việc làm của họ càng ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nguyễn Trãi từng dạy thái tử: “…Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều giữ chính trung…” (Hậu tự huấn).
Ngày nay, công nghệ truyền thông luôn góp phần quan trọng cho lời phát biểu gây tranh cãi ấy trở nên có khuynh hướng và lan truyền sâu rộng hơn. Chính vì vậy, mọi phát biểu của những người giữ trọng trách đều nên có chuẩn và đúng mực. Có thể lời nói nào đó được phát đi đúng với người này, sai với người kia, nhưng ở những môi trường và tình huống cụ thể sẽ gây ra nhiều cách hiểu và suy luận khác nhau, đó cũng là điều tất yếu.
Đối với những người có địa vị, trọng trách cao trong xã hội, lời xin lỗi không đơn giản chỉ là hành vi ứng xử tế nhị, có văn hóa mà nên đi cùng với việc nhận trách nhiệm và những hành động tích cực để sửa lỗi. Lời xin lỗi cũng không nên hiểu đó là một cách nói có nghệ thuật, vì lời xin lỗi như thế giống với lời xin lỗi được dàn dựng trên sân khấu. Lời xin lỗi cũng không nên hiểu đó là sự khôn ngoan, vì nếu xuất phát từ động cơ khôn ngoan, lời xin lỗi ấy có chủ đích cầu lợi, cầu hại, dễ bị người đời cho rằng “sảo ngôn”. Phải làm gì để chứng tỏ cho người khác thấy lời xin lỗi của mình có giá trị, có sức nặng và gây chấn động? Lời xin lỗi phải chân thành và sẽ trở nên đáng quý nếu người làm lỗi đã nhận thức được vấn đề nghiêm trọng trong suy nghĩ, lời nói, hành động đã qua của mình và công khai thừa nhận.
Vì có trăm mắt đổ về, nên để trở thành dư luận (tích cực hay tiêu cực) trong xã hội, bước đầu phải qua sự nhanh ý chộp bắt lời phát biểu của một ai đó, hoặc thông qua tin đồn, một đồn mười, mười đồn trăm… Mọi người khi đối diện trực tiếp với thông tin thường có xu hướng “bỏ ý”, “giữ lời”. Vì vậy, có những lời nói dù “đúng” trong phòng họp nhưng ra dư luận xã hội (nhận thức cao thấp khác nhau) cũng có nguy cơ trở thành “sai”. Trang Tử từng thốt lên: “Có lời là để tỏ ý, đặng ý, hãy quên lời… Ta làm sao tìm đặng kẻ biết quên lời để cùng nhau đàm luận”.
Hẳn “kẻ biết quên lời” phải là người có nhận thức tương đương, hoặc tri âm tri kỷ. Nhưng khi chuyện “đúng sai” đã trở thành dư luận xã hội tiêu cực, nhiều khi cũng phải dẹp bỏ cái tôi đi mà xin lỗi, nhận trách nhiệm. Vì hiệu ứng xã hội của những phát biểu gây tranh cãi rất lớn, và khi không nhận được sự tương đồng trong cách hiểu về một phát ngôn thì lời xin lỗi được xem là một giải pháp tình thế, có thể xoa dịu những bất đồng, thậm chí những hỗn loạn, xuyên tạc.
Xin lỗi, nhận trách nhiệm trước việc làm sai là một trong những hệ giá trị có “chuẩn” mà cách nghĩ xã hội từ lâu đã đặt ra, đã quy ước với nhau. Lời nói, việc làm được các đối tượng tiếp nhận khác nhau đánh giá là tích cực hay tiêu cực là một quá trình tự điều chỉnh, thậm chí là những khuynh hướng bắt buộc, cần thiết cho những thẩm định và đánh giá xã hội. Nhiều khi một sự “lệch chuẩn” nào đó cũng có thể kích thích suy nghĩ, sáng tạo, lòng tự trọng và trách nhiệm chung của mỗi người.
Nhưng lòng tự đắc, tự ti lại là dinh dưỡng để nuôi “cái tôi” phát triển. Cái tôi cá nhân, cái tôi tổ chức, cái tôi quyền lực, cái tôi báo chí… Những cái tôi này xâm chiếm đời sống xã hội đến một lúc trở thành khuynh hướng tốt khoe xấu che, cũng có khi phô cái xấu ra, đẩy cái tốt lên. Nhưng phô cái xấu ra không khéo sẽ làm cho người đời học theo, đẩy cái tốt lên mà không đúng cũng chẳng khác gì “khen cho nó chết”. Ở đây, những phản biện xã hội là cần thiết trong quá trình điều hòa mâu thuẫn để thúc đẩy phát triển.
Điều gây ấn tượng với mọi người chính là hành động xin lỗi, thẳng thắn nhận trách nhiệm và nỗ lực sửa sai của người giữ trọng trách, vì nó có thể mở ra một đường lối mới mẻ khi ý thức, trách nhiệm cá nhân từ lâu vẫn luôn được ý thức tập thể bảo đảm.
Mở cánh cửa “lời xin lỗi” là mở cửa lòng tự trọng và trách nhiệm. Cánh cửa ấy khi được mở ra sẽ đón những luồng sinh khí phản biện xã hội tràn vào. Phản biện ấy làm cho người ta ý thức hơn về trọng trách, về vai trò “đứng mũi chịu xào” của mình. Khép cánh cửa ấy lại thì sẽ có khuynh hướng nuôi lớn tự đắc, kéo theo một hệ thống “quan niệm” tương tự. Nuôi lớn tự đắc thì ưa dò xét, nhòm ngó, tìm lỗi người khác để tranh hơn, bao biện, đánh lạc hướng dư luận về cái lỗi của mình, đó chính là sợ lỗi. Đối với những người này xin lỗi, nhận trách nhiệm sẽ trở nên rất khó khăn.
Đức Phật nói ở đời có hai hạng người mạnh đó là người không gây lỗi và người gây lỗi biết sám hối sửa lỗi. Nếu cá nhân người có trọng trách không thể nhận thức được điều này thì sẽ kéo theo ứng xử phổ biến trong xã hội. Vì vậy, xã hội khó tạo nên những con người mạnh thực sự, nhất là khi những người có ảnh hưởng lớn tới niềm tin, sự kỳ vọng của dân chúng, gây lỗi mà không biết nhận lỗi, đùn đẩy trách nhiệm. Cũng từ hành vi nuôi lớn tự đắc này mà những tranh đấu, biện bạch xã hội của các ý thức hệ khác biệt thường khó có chiều hướng tích cực, xây dựng mà đi vào bới móc cái xấu, hạ bệ nhau, đẩy xã hội vào thế biến loạn.
Trang Tử nói: “Đồng ý với ta, cho ta là phải; không đồng ý với ta, cho ta là quấy… Đã cho ta biện bác cùng anh, anh được, ta không được, vậy anh đã hẳn là phải, mà ta đã hẳn là quấy chăng? Nếu ta thắng được anh, anh không thắng được ta, vậy ta hẳn đã là phải, mà anh hẳn đã là quấy chăng? Hay là, hoặc khi phải, hoặc khi trái chăng? Hay là cả hai ta cùng phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta cùng anh không thể biết được nhau vậy. Giờ ta phải nhờ đến ai để quyết định điều đó? Nhờ kẻ đồng với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với anh thì làm sao mà quyết định được. Cậy người đồng với ta để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với ta thì làm sao mà quyết định việc đó được. Vậy phải nhờ kẻ khác với anh và ta để quyết định điều đó ư? Họ đã khác với ta và khác với anh thì làm sao mà quyết định được. Nhờ người đồng với ta và đồng với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với ta và đồng với anh thì làm sao mà quyết định được việc đó? Vậy thì, ta cùng anh, cùng người đều không thể biết nhau, còn phải đợi kẻ khác làm gì? ”.
Chính vì điều này mà xã hội mới thiết lập nên những chuẩn làm người, những chuẩn trong ứng xử được cụ thể hóa bằng pháp luật, đạo đức… để thuyết phục các bên. Cái chuẩn ấy không bị vướng vào địa vị, xuất thân mà chỉ có một mục đích duy nhất ích mình lợi người và ích lợi cho cả hai. Và cái chuẩn ấy có thể đưa ra một bài trắc nghiệm để mỗi cá nhân tự đánh giá hành vi của mình. Đánh giá được hành vi của mình thì lời xin lỗi, hành động nhận trách nhiệm sẽ làm cho cá nhân đó trở thành người mạnh thực sự, mở đường cho dư luận xã hội đi vào nề nếp trong ứng xử: dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám tự chịu trách nhiệm.
Lời xin lỗi đáng quý là người xin lỗi sau đó biết sửa lỗi để không lặp lại những việc làm tương tự, gây tổn thương vật chất tinh thần với người khác. Người đời ai không có lỗi, vì thế không ai đi tranh thắng với người biết nhận lỗi. Vì khi người ta đã biết nhận lỗi mà ta vẫn còn ghim cái lỗi mới của họ lại, lôi cái lỗi cũ của họ ra để cố tình làm giảm uy tín của họ, chính ta mới là kẻ yếu: “làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng thật, nhưng đấy là người nông nổi khắt khe làm sao…” (Lữ Khôn).
Những người giữ trọng trách là những người có cơ hội được tiếp cận với nhiều chuẩn nhất từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng đến giao tế, ứng xử… Chúng ta không muốn nhìn thấy họ có lỗi lầm, hoặc có lỗi lầm rồi mà không biết nhận trách nhiệm. Để có nhiều những ứng xử đúng mực với nước, với dân, chúng ta cần cả hai hạng người mạnh như trên. Xã hội nào sở hữu được hai hạng người mạnh ấy, xã hội ấy sẽ phát triển đi lên. Hai hạng người ấy càng cần phải được nhân lên một cách rộng rãi trong mọi thành phần xã hội, vì đã từ lâu, do tự đắc, tự ti mà chúng ta đã mất đi quá nhiều giá trị, mất niềm tin, mất sáng tạo và mất cả lòng tự trọng.
Thái Nam Thắng
(Theo Người đại biểu Nhân dân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét