Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

TRẢ LỜI VỀ VẬN NƯỚC



Vua Lê Đại Hành vì hiểu được mọi vận mệnh dân tộc không nằm trong quyết định của một bộ óc đặc thù nào nên mới hỏi Thiền sư về vận nước. Thiền sư lại đặt vận nước vào bài giải “vô vi”, có nghĩa rằng nằm ngoài thắng thua, được mất, và dĩ nhiên là nằm ngoài thù hận, định kiến... Vận nước là vận nhân, vận dân mà chiến tranh (thù trong, giặc ngoài), thiên tai, dịch bệnh luôn luôn chỉ ra rất nhiều những bất ổn trong ứng xử giữa con người và con người, giữa cá nhân và cộng đồng...

Khi được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước sau chiến thắng quân Tống, Thiền sư Pháp Thuận (915-990) đã trả lời: “Quốc tộ như đằng lạc. Nam thiên lý thái bình. Vô vi cư điện các. Xứ xứ tức đao binh”. Đây là câu trả lời nghiêm túc và dũng mãnh, bởi nó vượt ra khỏi các suy nghĩ logic thông tục. Vượt ra khỏi những suy nghĩ thông tục vì vấn đề quan trọng và thường trực của dân tộc là luôn luôn phải sống trong tình trạng chiến tranh (nội chiến và ngoại xâm). Nghiêm túc và dũng mãnh vì điều đó được nói với một người đứng đầu đất nước. Chúng ta thấy cách nhìn về vận nước của Thiền sư Pháp Thuận một mặt đã thoát khỏi cái nhìn lấy chiến tranh làm điểm quy chiếu cho sự vận động của lịch sử, mặt khác không xem chiến thắng bằng mọi cách là điểm đến duy nhất của thái bình.

Trước khi đi vào tư tưởng của Thiền sư Pháp Thuận, chúng ta đọc lại lời hỏi đáp của Đức Phật và Tôn giả Tu Bồ Đề trong Kinh Kim Cương: Đức Phật hỏi ngài Tu Bồ Đề: “Ông nghĩ sao, một vị A la hán có nghĩ rằng mình đắc quả A la hán chăng?”. Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Không. Tại sao vậy? Bởi vì một vị A la hán không thấy mình chứng đắc quả A la hán mới gọi là A la hán”…

Câu trả lời của Tôn giả Tu Bồ Đề không có bóng dáng của người chứng đắc. Cũng như vậy, câu trả lời của Thiền sư Pháp Thuận không có bóng dáng của người chiến thắng. Tức là đã về nhà rồi thì đừng mất công hỏi con đường. Đã qua sông rồi thì đừng phí sức vác chiếc thuyền. Ngay từ thời xa xưa, các bản kinh, sử thi của Đông và Tây đều thống nhất cho rằng, chiến tranh dù là chính nghĩa hay phi nghĩa thì hậu quả nhân đạo, nhân văn để lại cho con người đều hết sức nặng nề. Có nghĩa rằng, nói đến chiến tranh là nói đến sự tranh giành hơn thua, làm rối loạn sự ổn định xã hội.

Thiền sư Pháp Thuận gợi ý cho vua Lê Đại Hành giữ thái độ “vô vi” để tập trung sức lực vào xây dựng đất nước, bởi chỉ có trụ vào chỗ “vô vi” thì cái ý nghĩa thanh bình mới thực sự có giá trị. Nói như Đạo gia: “Mất một mảy lông mà có lợi cho “thiên hạ” cũng không làm”, huống chi là chỉ nghĩ đến việc làm lợi cho riêng mình, bởi có “làm” là có góp cho phần “tranh” đó tăng lên. “Thiên hạ” là ai? Ai làm cho ai? Ai tranh với ai? Phải bước ra ngoài chữ “ai” đó thì mới có câu trả lời thích đáng. Và chỉ có tu vô tu, hành vô hành thì mới có thể thực sự “vong nhị kiến”. Nói như Thiền sư Huyền Quang: “Vong thân, vong thế dĩ đô vong”. Tạo ra sự thanh bình cho mọi người không phải để nổi sử, sôi danh…

Lịch sử cho thấy, Trung Quốc thường xuyên tiến hành những cuộc xâm lăng Việt Nam. Đó là tình thế khách quan, nhưng xảy ra với ai? Cố nhiên là với một dân tộc. Có xâm lấn thì có bảo vệ, có nội loạn thì có điều phục. Tuy nhiên, khó mà có câu trả lời công bằng và nghiêm túc cho những toan tính ích kỷ “vì mình”. Chính vì vậy mới có người quyết tâm bảo vệ dân tộc đến cùng, có người vọng ngoại (Trung Hoa...) “cõng rắn về cắn gà nhà”, có người buông xuôi… Ngoài những diễn biến khách quan, nội lực dân tộc, còn có những diễn biến “té nước theo mưa”, “may mắn” và đôi khi “láu cá”, nhờ vậy mà lịch sử cũng có phen được điểm tô. Nhưng dù thế nào, mọi điều cũng nhanh chóng cần phải được chuẩn hóa, chuẩn hóa từ trong cách nghĩ, cách đi đứng, nói năng và ra các quyết định hành chính.

Trong Hậu tự huấn, Nguyễn Trãi dạy thái tử: “Thi hành nên gắng sức, chăm chỉ chớ ham vui. Hòa thuận tôn thân, nhớ giữ một niềm hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân. Chớ thưởng bậy vì tư ân, chớ phạt bừa vì tư nộ. Đừng thích tiền của mà buông tuồng xa xỉ, đừng gần thanh sắc mà bừa bãi hoang dâm. Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều giữ chính trung…”. Và ngay cả cái mong ước “Bốn dân nghiệp có cùng cao thấp. Đều hết làm tôi thánh thượng hoàng” của ông cũng không có gì là quá đáng. Nhưng cái điều minh quân lương tướng từ nghìn xưa vẫn còn là khát vọng. Không những thế, chính ông và dòng tộc của ông đã phải trả giá cho những khát vọng chính đáng ấy.

Nhưng ngược thay, cũng trong thời điểm đó, lịch sử dân tộc có một bài học khá sâu sắc cho vấn đề chiến tranh và hòa bình: “Hoàn Kiếm”. Nếu lịch sử không cố tình viết theo một ý thức “bào chữa” hành vi, thì hành động hoàn kiếm đã đạt và đã đẹp đến mức “vô vi”, “tức đao binh” (dừng chiến tranh). Nhưng nếu không phải vậy thì rất có thể xảy ra 2 trường hợp, một là tự mình ý thức việc dùng “kiếm thần” không còn cần thiết nữa nên trả lại, hai là bị đòi lại “kiếm thần” do sử dụng để thanh trừng lẫn nhau, sai với mục đích trị quốc an dân.

Trong bài phú Trảm xà kiếm có đoạn: “Kiếm ni, kiếm ni là vật chẳng lành, bậc thánh túng kế với dùng đến mi, phải đâu vật quý…”. Hóa ra, nhận thức được kiếm là “vật chẳng lành” ấy không xa lạ gì với con người. Nhưng vấn đề không phải ở “cái kiếm” mà ở “người cầm kiếm”. Riêng cái kiếm để đó thì chẳng thể hại được ai, nhưng động cơ của người cầm kiếm mới nói lên chuyện lành hay dữ. Dân tộc đã từng được thần Kim Quy “cho mượn” một cây kiếm, dĩ nhiên nó có giá trị hơn cả thượng phương bảo kiếm vì đó là “kiếm thần”. Nhưng những điều ngay gian, chính tà xưa nay vẫn chưa có lịch sử nào viết kịp. Phục tùng là ngay, là phe ta, chống đối là gian, là phe giặc… Không có một tương quan nhân bản nào thoát khỏi điều đó, nên công và tội, người hiểu thì ít, người “méo mó”, bào chữa thì nhiều, vì vậy những sai lầm, vọng động không được thực tế nhìn nhận để điều chỉnh. Nhưng đã là chuyện hơn thua, tranh giành của “cõi người ta”…, thì kiếm thần nhiều khi cũng phải “thua” quyền thần, gian thần, loạn thần…

Vua Lê Đại Hành vì hiểu được mọi vận mệnh dân tộc không nằm trong quyết định của một bộ óc đặc thù nào nên mới hỏi Thiền sư về vận nước. Thiền sư lại đặt vận nước vào bài giải “vô vi”, có nghĩa rằng nằm ngoài thắng thua, được mất, và dĩ nhiên là nằm ngoài thù hận, định kiến... Vận nước là vận nhân, vận dân mà chiến tranh (thù trong, giặc ngoài), thiên tai, dịch bệnh luôn luôn chỉ ra rất nhiều những bất ổn trong ứng xử giữa con người và con người, giữa cá nhân và cộng đồng. Chính vì vậy, vận nước không xa rời mệnh người, không xa rời sự ổn định, thanh bình. Lúc nào mệnh người trở nên mong manh, xã hội rối ren thì vận nước khó hưng thịnh và bền vững.

Nguyễn Trãi cũng đã từng phát biểu về thế nước: “Tuy từng lúc mạnh yếu khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có”. Hào kiệt là chí khí của dân tộc, không phải sản phẩm độc tôn và lớn lao của bất kỳ triều đại nào, tư tưởng nào. Đó là một khái quát mang tính quy luật khi các điều kiện lịch sử xã hội hội đủ và các thế “phò”, “tranh” đã sẵn sàng. Nhưng lịch sử còn là một diễn biến có ý thức. Cho nên câu hỏi đặt ra là, những hào kiệt đó phục vụ ai, vì mục đích gì? Trước Nguyễn Trãi, Thiền sư Viên Thông (1080-1151) đã trả lời vua Lý Thần Tông về cách trị nước an dân: “Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan. Được người thì nước trị, mất người thì nước loạn… Chưa từng có ai không dùng quân tử mà hưng được nghiệp, không dùng tiểu nhân mà bị tiêu vong… Sửa mình thì cẩn thận ở trong lòng, run sợ như giẫm trên băng mỏng. Yêu dân thì yêu mến người dưới, cẩn thận như cưỡi ngựa nắm dây cương sờn. Làm đúng thế thì nước không thể không hưng. Làm trái thế thì nước không thể không vong…”.

Bước ra ngoài những quan kiến sẵn có, Thiền sư Pháp Thuận nhấn mạnh vào tâm điểm “vô vi”. Đã “vô vi” thì không có “ai thắng ai”, “ai thua ai”. Đã “vô vi” thì không có ai phục vụ ai. Đã “vô vi” thì không có tham vọng ai đánh đổ ai… Còn mang nặng tâm lý thắng thua thì còn có chiến tranh, có binh đao, có việc ngấm ngầm chuẩn bị binh đao, thế lực và những rắp tâm điêu linh. Cách ứng xử “vô vi” là một “biện chứng vong thân”, làm mà không có lòng mong cầu, làm mà không thấy người làm và kẻ được làm. Đó chính là “Hậu kỳ thân nhi thân tiền, ngoại kỳ thân nhi thân tồn” (Đặt mình ra sau thì mình lên trước, đặt mình ra ngoài thì mình còn”. Đó chính là “Bất thượng hiền sử dân bất tranh” (Không đề cao “người hiền” khiến dân không tranh giành nhau). Bởi cả bên thắng và bên thua đều muốn kéo “dân” vào cuộc, nên sự tranh thủ lớn nhất của mọi thế lực là “dân”. Ai cũng phần nào ý thức được việc chở thuyền và lật thuyền là ở dân. Nhưng “dân” trong thời chiến và “dân” trong thời bình không bao giờ hoàn thiện hay đồng nhất trong nhận thức đối tượng qua tác dụng “chở” và “lật”. Chính vì thế “dân” là một liều thuốc thử cho những tham vọng quyền lực, chính trị cực đoan…

May thay, mọi kết cấu xã hội, mọi thành phần ưu liệt, mọi gianh giới địa vị… đều được nhà Phật khái quát bằng hai từ “chúng sinh” (tập chúng duyên sinh và tập chủng duyên sinh). Trong khi “sống với nhau”, trật tự ở mặt này, đảo lộn ở mặt kia và ngược lại đều là những diễn biến khác nhau của các trạng thái tâm thức, không phải là “định mệnh”, càng không phải là những mô hình “tiến bộ” hay “lạc hậu”. Chưa bước vào cửa vô vi thì còn có ta có người, có thắng có thua, có sang có hèn…, và không thể sống với nhau một cách thật bụng. Dĩ nhiên, cái thanh bình ấm no không bao giờ là tuyệt đối, bởi việc sống chết của con người luôn nằm trong giới hạn, việc thịnh suy của dân tộc cũng là lẽ vô thường. Và người nào càng sớm nhận ra điều đó thì càng đến gần với “vô vi”.

Trong “cõi người ta”, chỉ vì không có động cơ “vô vi” nên lịch sử “chuộng kiếm” mới dày lên, cho nên kiếm mới đầy trong thiên hạ và đầy cả trong bụng người. Sau chiến thắng quân Tống, những vết thương chiến tranh, những mất mát di sản, những thiếu hụt văn hóa, những thương tổn tinh thần còn đó, nên Thiền sư Pháp Thuận không khuyên vua “bế quan tỏa cảng” hay vội vã dựa thế đến “cầu hòa” với nước này, “giao hảo” với nước kia… mà Thiền sư khuyên vua đặt mình vào chỗ “vô vi” để bồi dưỡng lại lòng nhân, sức dân và nội lực dân tộc. “Vô vi” là chấm dứt ảo tưởng binh đao, ảo tưởng tranh danh đoạt lợi; là hòa kỳ quang đồng kỳ trần... Nếu không có một điểm tựa cho vận nước, không có nội lực tự thân, không thể đặt mình vào chỗ “vô vi”, thì cho dù “món ngon, vật lạ” có khắp trong trời đất Đông-Tây, nhưng “thuốc bổ” dành cho một thể trạng suy, nào có ích gì? Bài trả lời về vận nước của Thiền sư Pháp Thuận đáng để suy ngẫm. Phải chăng tư tưởng lớn của một nước nhỏ bé cũng là ở đây?

Thích Thanh Thắng 
(Theo Văn Hóa Phật Giáo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét